Chương 5
Buổi trưa ngày hôm sau, dì Nhu và Út Chàm vẫn như thường lệ, cả hai người loay hoay trong bếp để nấu đồ ăn. Vừa nhặt rau, dì Nhu vừa căn dặn:
“Trưa nay cậu Hai ở nhà ăn cơm đó, con coi chuẩn bị đồ ăn cho tươm tất cẩn thận. Cậu Hai vốn tính ưa sạch sẽ, lại khó ăn khó ở trong người. Nhỡ không may làm trái ý cậu là dễ bị ăn đòn như chơi đó nghe chưa.”
Út Chàm đang đẩy củi vào nồi cơm trên bếp, mái tóc dài đen nhánh đã được buộc gọn lại phía sau lưng. Hơi nóng từ bếp lửa làm làn da của cô vốn đã trắng ngần nay lại hơi ửng hồng lấm tấm mồ hôi trông càng thêm bắt mắt. Ngửa mặt lên thấy dì Nhu đang chăm chú nhìn mình, cô đưa tay sờ lên mặt mình rồi hỏi:
“Ủa dì Nhu, bộ mặt con dính gì hay sao mà dì nhìn dữ vậy ạ?”
Dì Nhu khẽ tặc lưỡi rồi nói:
“Chèn ơi không hiểu sao càng nhìn bây tao càng thấy giống. Mà đã có ai nói với con là con rất đẹp chưa? Không nói đúng không ai biết con là con nhà nghèo phải đi ở đợ cho người ta luôn đó. Chỉ tiếc ông trời quá bất công, nếu không phải vì vết chàm này thì với nhan sắc của bây thì ai đọ cho lại.”
Út Chàm quay mặt về phía bếp lửa thổi lấy thổi để dù lửa vẫn đang cháy đượm. Đoạn rồi cô mới nói:
“Dì vẫn thấy con giống người quen của dì hả dì? Con đã nói rồi, nhà con ở tít tận Cà Mau lận, con bỏ trốn rồi mới lưu lạc về đây thôi chứ con không có quen biết ai ở đây cả. Mà cái người dì nói, cô ấy cũng đẹp lắm hả dì?”
Bà Nhu đôi mắt đượm buồn, cúi xuống tiếp tục nhặt rau buồn bã đáp:
“Phải, cô ấy đẹp nhất cái xứ này. Chỉ tiếc là hồng nhan bạc phận.”
Chỉ trong thoáng chốc món ăn cuối cùng là nồi canh chua nấu trái bần cũng đã chín. Út Chàm nêm nếm một hồi rồi múc một muỗng ra bát đưa cho bà Nhu cười tít mắt:
“Dì Nhu, dì thử tay nghề của con gia vị đã vừa chưa ạ.”
Nhận lấy cái bát từ tay Út Chàm, bà Nhu khẽ húp một ngụm nước canh rồi gật gù:
“Chà, gia vị rất vừa. Mùi chua của trái bần rất thanh và thơm, mùi ngọt của cá, tươi mát của môn và bông súng… hương vị này quả thật rất tuyệt, nhưng hình như vẫn còn thiếu thiếu chút gì đó?”
Út Chàm gật đầu lia lịa rồi nói:
“Dì Nhu quả là có con mắt tinh tường, món canh này còn thiếu rau ngò nữa mới lên đúng vị. Hình như trong vườn nhà mình có trồng ngò phải không dì, để con ra hái chút bỏ thêm vào cho thơm.”
Bà Nhu đặt bát canh xuống rồi đáp:
“Có, mà nó mọc lẫn trong các luống rau khác ở cạnh bờ ao lận, vườn rau rộng thế con không kiếm được đâu. Thôi trông bếp đi để dì đi hái. Dì hái xong vô liền.”
Nói rồi bà đon đả chạy đi. Ra ngoài bờ giếng thấy con Mận vẫn như mọi khi ngồi giặt quần áo bên cái lu nước. Thấy bà Nhu đi qua nó không chào hỏi gì, hai tay vẫn vò quần áo khiến nước bắn lên tung toé, trông mặt nó có vẻ như lại đang không vừa lòng chuyện gì.
Bà Nhu vừa đi khỏi, hai hàm răng của con Mận lại như hai cái bánh răng nghiền bột gạo mà nghiến vào nhau trèo trẹo. Ánh mắt nó đảo như rang lạc, hết nhìn bóng lưng bà Nhu dần khuất sau những bụi cây ngoài vườn lại nhìn vào trong bếp, trên miệng nó nở một nụ cười nham hiểm. Nó quay mặt vào cửa bếp mà gào lên:
” Út Chàm đâu ra đây tao biểu coi…”
Út Chàm ở trong bếp khẽ xụ mặt xuống lầm nhầm:
“Lại nữa. Việc của cô ta mà ngày nào cũng bắt mình làm, con nhỏ này đáng ghét thật, Không để cho người ta nghỉ ngơi chút nào…”
Nói vậy nhưng biết tính con Mận nên Út Chàm vẫn miễn cưỡng đứng dậy, ló đầu ra khỏi bếp rồi hỏi:
“Mận gọi tui có gì không? Cơm còn chưa nấu xong.”
Con Mận vênh mặt lên trời mà nói:
“Tao quên mất sáng bà thay bộ đồ để trong phòng dặn tao giặt mà tao chưa lấy ra, để đó lên lấy xuống dùm tao kẻo tý bà về thấy vẫn còn đó thì chết.”
“Nhưng mà tui chưa nấu cơm xong…”
“Thì bỏ đó đi một tý xuống ngay thì chết à? Hả? Mày có muốn tý tao méc bà cắt cơm mày không?”
Út Chàm nhớ lời dì Nhu không muốn gây sự với con Mận làm gì, dù gì mọi thứ cũng đã chuẩn bị xong hết chi bằng đi một loáng cái rồi xuống cũng chẳng sao. Nghĩ vậy cô liền nhanh chân ù té chạy lên nhà.
Nhìn thấy Út Chàm vừa đi khuất, con Mận nở một nụ cười ma mãnh, nó lập tức quăng cái bàn chải ở trên tay qua một góc, hai tay nhúng vội lạch phạch vào cái thau nước để rửa cho sạch xà bông, sau đó sách quần chạy vào trong bếp. Nó mở tủ gia vị lấy ra cái hũ muối rồi tiến lại gần nồi canh vẫn đang sôi ở trên bếp, nó dở nắp canh ra, dùng cái muỗng múc một muỗng thật đầy muối tính quăng vào trong nồi, nhưng rồi nó chợt dừng lại, nở một nụ cười nửa miệng rồi quăng luôn cái muỗng mà dùng tay bốc luôn hai nắm muối đầy ném vào trong nồi canh như rải gạo đuổi tà.
Làm xong xuôi tất cả, nó còn cố tình nán lại cầm cái vá mà khuấy cho muối tan ra, để cho yên tâm, nó còn múc luôn một ít đưa lên miệng húp thử. Vị mặn làm cho nó nhăn mặt lè cả lưỡi, lúc này nó mới hài lòng đậy lại nắp nồi rồi đi ra ngoài tiếp tục chổng mông ì à ì ạch giặt đồ.
Đến buổi trưa ông bà hội đồng ngồi vào mâm cơm thì một lúc sau cậu Hai Nhân mới lững thững bước xuống với bộ dạng mệt mỏi nhếch nhác. Vừa trông thấy con bà hội đồng đã nói lớn:
“Chà, coi bộ nay mặt trời mọc đằng tây hay sao mà giờ này cậu Hai lại có mặt ở nhà ăn cơm trưa vậy cà…”
Hai Nhân lí nhí câu chào ba mẹ rồi ngồi đánh phịch một cái xuống ghế. Hai mắt của cậu ta thâm quầng, mái tóc mọi ngày vẫn được vuốt keo ngược lên trên bóng lộn nay loà xoà xuống lút cả mặt. Trông điệu bộ này của con trai có phần không quen mắt, bà hội đồng nghiêm túc mà hỏi:
“Bộ con bệnh trong người hay sao mà trông mệt mỏi vậy? Có cần má sai người đi mời đốc tờ đến khám không?”
Hai Nhân đưa tay hất ngược mớ tóc đang loà xoà trước trán lên trên rồi đáp:
“Không cần đâu má, con đang suy nghĩ chút chuyện thôi.”
“Con vẫn suy nghĩ về vụ án của thằng Tư Khánh và Thế Khải phải không?”
Hai Nhân đảo mắt nhìn lũ người hầu đang đứng trong phòng hếch hàm gằn giọng quát:
“Cút hết ra ngoài, không được gọi cấm đứa nào bén mảng vô đây biết chưa?”
Tức thời tất cả người làm đồng loạt dạ một tiếng rồi theo nhau ra ngoài, không ai dám nán lại trong phòng thêm một giây phút nào nữa. Út Chàm cũng theo bà Nhu ra ngoài, đến cửa cô vẫn cố quay đầu vào nhìn ba người thêm một lượt nữa rồi mới từ từ khép cửa lại.
Chỉ còn lại ba người nhà hội đồng trong phòng ăn, lúc này không ai còn tâm trạng mà đụng đũa. Bà hội đồng nhìn con sốt sắng hỏi:
“Sao, có chuyện gì nói má nghe, nhìn bây vậy má sốt ruột quá.”
Hai bàn tay đan chặt vào nhau, Hai Nhân khẽ cắn nhẹ môi một cái rồi mới nói, dường như cậu cũng rất khó mở lời:
“Thì má cũng biết rồi đó, cái chết của hai đứa bọn nó có biểu hiện giống hệt như cái chết của vợ chồng ông giáo năm xưa. Đã hơn 1 tháng rồi kể từ sau cái chết của Thế Khải nhưng quan huyện vẫn không tìm ra thêm chút manh mối gì. Con đang lo, có khi nào có ai đó đang muốn trả thù hay không?”
Ông hội đồng nói chen vào:
“Nhưng rõ ràng năm đó nhà họ 3 người đã chết hết cả rồi cơ mà, làm gì còn ai biết đến mà trả thù. Chẳng lẽ nào, lại là hắn?”
Hai Nhân gật đầu:
“Phải rồi ba, thứ chất độc mà đến người của quan tây cũng không tìm ra được thì chỉ có mình hắn ta có mà thôi. Nhưng hắn đâu có động cơ gì để làm điều đó? Đã 4 năm trôi qua, mọi chuyện đã chìm xuống rồi. Hơn nữa theo những gì ở hiện trường để lại, thì hung thủ là một cô gái chứ không phải đàn ông. Nhiều chuyện kì lạ như vậy, có khi nào là do hồn ma Thanh Hồng về báo oán không má?”
Bà hội đồng nhẹ giọng gắt:
“Ma với quỷ cái gì, chuyện này chắc có ai đó đang dở trò sau lưng thôi. Con yên tâm đi, có Ba Nghĩa về đây để điều tra án rồi, má tin là sẽ sớm tìm được chân tướng mọi việc thôi. Tạm thời thời gian này con đừng đi ra ngoài nhiều nữa, má sẽ kêu lũ gia nhân tăng cường canh gác vào ban đêm. Một con muỗi cũng sẽ không thể để lọt vào phủ được.”
Ông hội đồng cũng phụ hoạ vào:
“Má bây nói đúng đó, cứ ở trong nhà đợi mọi chuyện yên ổn đã rồi tính tiếp. Mà hai má con bây cũng cẩn thận cái miệng, chuyện 4 năm trước tuyệt đối không được để đến tai thằng Ba đâu đó. Nó mới nhậm chức đừng để nó phải suy nghĩ nhiều. Thôi đồ ăn nguội hết rồi, ăn cơm đi.”
Câu chuyện kết thúc, bà hội đồng gọi con Mận vào bới cơm cho ba người. Hai Nhân cầm đũa lên rồi lại đặt xuống, vẻ mặt chán chường không muốn ăn cơm. Thấy vậy con Mận ở bên liền nhanh nhảu:
“Dạ bẩm cậu để con lấy canh cho cậu, mệt mỏi không muốn ăn gì húp chút nước canh cho có chất lại tốt cho cơ thể lắm ạ. Nay có canh chua quả bần mà cậu Hai vẫn thường thích nhất đó ạ.”
Lời nói vừa dứt, không cần biết Hai Nhân có đồng ý hay không nó đã nhanh tay đặt chén canh xuống trước mặt. Bà hội đồng cũng nói:
“Phải đó, con không ăn cơm thì cố húp chút canh vào. Rồi tý má kêu nhà bếp nấu thêm cho tô cháo.”
Hai Nhân miễn cưỡng cầm chén canh đưa lên miệng húp. Nhưng ngay lập tức cậu ta đã đanh mặt lại rồi phun thẳng chỗ canh trong miệng ra giữa mâm. Nước từ miệng cậu ta văng tung toé ra cả những đĩa thức ăn khác. Ông bà hội đồng còn chưa hiểu có chuyện gì xảy ra, Hai Nhân đã dằn mạnh cái bát trên tay xuống bàn đánh rầm một cái, rồi lớn tiếng quát:
“ Đứa nào, là đứa nào nấu canh bước vô đây cho tao..”
Bà Nhu và Út Chàm nghe gọi thì tất tả chạy vào. Thấy sắc mặt đỏ như gấc của cậu Hai bà Nhu liền biết có chuyện chẳng lành, bà khúm núm hỏi:
“Bẩm cậu, cậu cho gọi tui ạ?”
Chỉ thẳng tay vào bát canh giữa mâm hẵng còn hơi khói phả lên, Hai Nhân gằn lên từng chữ một:
“Là đứa nào đã nấu tô canh này hả?”
Út Chàm sợ hãi nép vào người bà Nhu, cố gắng giữ bình tĩnh, bà nói:
“Bẩm cậu canh có vấn đề gì sao ạ?”
Choang!
Cái bát trên tay Hai Nhân bị ném mạnh xuống đất vỡ tan tành. Cậu nghiến răng trèo trẹo rồi quát:
“Bộ bà bị điếc hay sao mà không nghe ta hỏi? Canh này do ai nấu? Hả?”
“Dạ bẩm… bẩm cậu là con nấu ạ.”
Ném cái nhìn sắc lạnh về phía Út Chàm đang đứng run rẩy sau lưng bà Nhu, Hai Nhân rít lên:
“Mày nấu đồ ăn cho người hay cho lợn đây? Mẹ kiếp! Nhà này thừa muối hay sao mà nấu mặn lè vậy ai nuốt được hả?”
” Dạ thưa cậu canh là do con nấu… Nhưng con chỉ bỏ gia vị vừa đủ, làm sao lại mặn như lời cậu nói được. Dì Nhu, ban nãy dì đã nếm thử rồi mà đúng không ạ?”
Út Chàm vội quỳ xuống rồi nắm lấy cánh tay bà Nhu mà lắc. Bà Nhu cũng gật đầu phụ họa theo:
“Dạ bẩm ông bà, bẩm cậu đúng là như vậy. Ban nãy con có thử qua trước rồi mới dám mang lên cho ông bà và cậu dùng, con Út nó nêm nếm rất vừa sao lại mặn được ạ.”
Con Mận bĩu môi mà nói chêm vào:
” Đó con đã bảo với bà rồi mà, nó mới vào được mấy hôm bà cứ khen rồi chiều nó cho lắm vào, rồi nó sinh hư có xem ai ra gì đâu.”
“Mày im!”
Hai Nhân chỉ thẳng tay vào mặt con Mận mà quát lớn, nó liền lập tức im bặt. Gương mặt cậu ta lúc này đã trở nên phẫn nộ không thể kìm chế được, hai mắt long lên sòng sọc, cậu ta hùng hổ nghiến răng nghiến lợi bưng cả cái tô canh còn nóng mà đi đến chỗ Út Chàm và bà Nhu đang quỳ mọp dưới đất, miệng liên tục rít lên:
“Riết rồi lũ gia nhân trong nhà này không còn xem ai ra gì nữa rồi. Hôm nay tao phải cho chúng mày biết thế nào là tôn ti trật tự mới được.”
Rồi cậu ta dí tô canh trước mặt bà Nhu mà nói:
. ” Mẹ mày, mày còn nói là không mặn… Vậy thì mày uống thử đi, uống hết cho tao.. ”
Bà Nhu cúi rạp người xuống đất chắp tay lại mà xin:
“Con xin cậu, bọn con sai rồi lần sau bọn con không dám nữa.”
Nhưng lúc này máu điên của Hai Nhân đã lên đến đỉnh điểm, có trời mới ngăn được cậu ta lại. Một tay bóp lấy miệng của bà Nhu rồi mạnh bạo đổ canh vào. Nước canh nóng chảy vào trong miệng rồi tràn ra khắp mặt khiến cho bà Nhu vừa đau vừa nóng mà giãy dụa, đồng thời bà cũng cảm nhận được vị canh quả thật là rất mặn, không giống với lúc nãy bà thử dưới bếp. Khó khăn lắm bà mới thoát khỏi bàn tay cứng như gọng kìm của Hai Nhân, nằm vật ra đất ôm ngực mà ho lên sặc sụa. Út Chàm sợ hãi ôm lấy chân của Hai Nhân mà cầu xin rối rít:
“Con xin cậu, canh là con nấu không liên quan gì đến dì Nhu, có trách phạt gì xin cậu hãy trút lên người con đừng làm tội dì ấy.”
Ánh mắt của Hai Nhân lại trở nên ác độc, cậu ta gằn lên từng tiếng:
“Được, mày thích thì tao chiều. Bay đâu, mang roi ra đây cho tao, hôm nay tao phải dạy phép tắc cho lũ gia nhân nhà này mới được.”
Những người làm khác nãy giờ sợ hãi chỉ biết đứng nhìn mà không ai dám cầu xin giúp, vì ai cũng biết tính Hai Nhân đã nóng có nói vào thì chả khác gì thêm dầu vào lửa. Nghe cậu gọi lấy roi thì ai nấy đều sợ run bắn người chần chừ không muốn đi. Con Mận thấy vậy liền nhanh chân chạy đi rồi mang về cho cậu một cây roi da có cán bằng gỗ màu đen bóng.
Giật lấy cây roi từ tay con Mận, Hai Nhân một tay cầm cán, một tay vòng một vòng sợi dây rồi kéo căng ra, giật giật như muốn thử độ bền của sợi dây, sau đó ánh mắt hài lòng hướng về phía Út Chàm đang ngồi rạp dưới đất với nụ cười nửa miệng. Út Chàm sợ hãi co người lại, bò ngược giật lùi lại phía sau nhưng ngay lập tức cây roi trên tay Hai Nhân đã giáng xuống giữa lưng cô một roi cực rát. Chỉ nghe thấy một tiếng vút vang lên, sau đó là tiếng la thất thanh của Út Chàm. Roi đó khiến cái lưng cô như muốn gãy ra làm đôi, Út Chàm oằn mình vì đau đớn. Hai Nhân lăm lăm cây roi toan tiến tới đánh tiếp thì bà Nhu đã chồm người tới lấy thân mình phủ lên người Út Chàm hằng muốn che đậy cho cô. Nhưng hành động này của bà như càng chọc điên thêm Hai Nhân, hắn rít lên trong kẽ răng những âm thanh độc ác:
“Còn dám bênh nhau sao. Được, để ta toại nguyện cho hai ngươi, đi chết cùng nhau đi.”
Trước khi cây roi trên tay Hai Nhân kịp vút xuống, Út Chàm đã nhanh tay đẩy bà Nhu ra khỏi người mình, rồi lấy thân mình che ngược lại cho bà. Tấm thân gầy yếu của cô cứ thế hứng trận mưa roi từ Hai Nhân. Hắn ra sức vụt xuống không thương tiếc, hệt như Út Chàm có thù hằn gì với hắn từ kiếp trước vậy. Ông bà hội đồng cũng đã quá quen với cảnh Hai Nhân dạy dỗ người làm như vậy, biết nói vào cũng không được nên cũng đành để yên cho cậu trút giận. Khi mà Hai Nhân dừng tay lại, cũng là lúc mà Út Chàm đã đổ gục xuống nền đất, lưng áo bị roi da vụt rách, máu bắt đầu rỉ ra ở một vài nơi. Bà hội đồng lúc này mới lên tiếng:
“Thôi đủ rồi, đánh nữa là chết người bây giờ. Mấy đứa bây coi mang nó ra ngoài xem vết thương coi có bị làm sao không. Rõ tội, mọi ngày nấu ăn giỏi thế mà không hiểu sao đúng hôm cậu Hai tâm trạng không tốt lại bất cẩn vậy nữa. Lũ bây coi đó mà làm gương, làm việc cho cẩn thận vô nghe chưa?”
Lũ gia nhân đã bị doạ cho sợ xanh mặt lại, được lời của bà hội đồng họ mới dám xúm vào đỡ Út Chàm ra ngoài. Nhìn tình cảnh của cô ai nấy đều ái ngại lo lắng, duy chỉ có con Mận là nét mặt nó vẫn câng câng vui mừng. Có vẻ như Út Chàm bị đánh thành ra như vậy rất đúng với ý nó. Nhìn vẻ mặt dưng dưng tự đắc của nó lúc này, ai cũng chỉ muốn lao vào vả ngay cho nó vài cái. Đến lúc này thì dường như mọi người cũng ngầm hiểu ra, tại sao tự dưng nồi canh lại bị mặn như vậy.