Những người khác chứng kiến thì cũng hiểu ra, nhanh tay kéo áo lên che mũi lại. đợi một lát, cái mùi kia bớt bớt đi thì mọi người mới tiếp tục được, thế nhưng…
Lúc ông Tĩnh định thần lại, cầm con dao lên định tiếp tục xẻ thịt thì ông bất chợt hoảng hồn mà ngã bệt xuống đất, lùi lại đằng sau mà chỉ vào cái xác con trâu. Mấy người có đèn pin Liên Xô trên tay rọi ngay vào cái xác thì cũng bất ngờ khi nhìn thấy, ngay vết rạch ở bụng con trâu, một thứ nước đen sì đang chảy ra chứ không phải máu, chắc chắn không phải máu.
Cái thứ nước tanh hôi, sánh sánh, mang cái thứ mùi nặng hơn cả mấy con chuột chết ở ven đường. Chưa hết, đi kèm với dòng nước đen hôi, khắm lặm, thối hoăc kia hình như còn có những cái gì đó nhung nhúc bò ra, ngọ nguậy trong cái thứ nước kia.
Nhiều người chứng kiến cảnh tượng đó, vứt bỏ đèn đuốc mà chạy tháo thân, chỉ có vài người đàn ông đứng lại. Ông Tấn thấy quái dị, đoán đây là thứ không sạch sẽ chút nào, ông mới ghé nhỏ tai ông nội tôi khi đó đang đứng sững, trợn mắt trước cái cảnh quái dị:
– Anh Bảo! Này! Này! Nhà anh có vôi bột không? Này! Này! Có nghe tôi nói không đấy?
Ông Tấn phải lay 2-3 lần, ông tôi mới trả lời:
– Ờ! Ờ! Có, tôi đậy ở góc sân kia kìa.
Ông Tấn rọi đèn pin theo hướng ông tôi chỉ rồi nhanh chân qua chỗ đó, lấy cái gáo dừa múc lấy vôi rồi chạy lại xác con trâu mà đổ vào vãi nước đang chảy ra. Vôi bột vừa chạm vào thì thứ nước kia ngay lập tức bốc khói. Dưới ánh đèn pin đnag chiều vào, một làn khói đen bốc lên, kèm theo là tiếng xèo xèo như ai đang nướng thịt vậy.
Ông Tấn lại chạy đi chạy lại múc thêm mấy gáo vôi nữa đổ vào. Chẳng mấy chốc, xác còn trâu đã chẳng còn gì ngoài bộ xương đen sì như bị nhiễm độc vậy. Mấy người xung quanh chứng kiến cảnh đó mà há hốc cả mồm vì cả đời họ có lẽ đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng này.
Ông Tấn xong việc thì cười nhẹ mà nói:
– Hề hề, tôi biêt ngay mà. Con trâu này trúng tà rồi, bảo sao đụng vào vôi bốc khói đen.
Nghe ông Tấn nói vậy, mọi người ai cũng thấy sởn cả gai ốc. Lắm lời thì thầm, bàn tán về cái sự việc vừa diễn ra. Tiếng xì xào ngày càng nhiều, ông bà tôi cũng không muốn để sự việc này đồn thổi quá xa bởi qua miệng một người là 1 lần bị thổi phồng lên.
Bà tôi mới lên tiêng:
– Thưa mọi người! Cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian để đến giúp gia đình tôi. Thật sự cái sự việc ngày hôm nay tôi chưa thể biết giải thích với mọi người như nào, nên mong mọi người giữ kín chuyện này giúp gia đình tôi. Làm rõ sự việc thì tôi xin giải thích sau với mọi người.
Mọi người nhìn nhau gật đầu rồi xin phép ai về nhà nấy. Còn lại ông Tấn ở lại, ông mới quay sang hỏi ông tôi:
– Anh Bảo này, cái việc nãy anh định nói với tôi có phải là…
Chă nói dứt câu, ông tôi đã gật đầu, quay sang xác con trâu, lúc này chỉ còn là một bộ xương mà rằng:
– Đúng rồi đấy! Chính là con trâu này. Ngay từ lúc lôi nó từ bụi tre về, tôi đã thấy có điều gì đó không ổn rồi. Thằng Phúc bảo nó tự dưng lên cơn điên, xông toi ra thì nó đã chết ở đó rồi. Bây giờ mọi thứ thành ra thế này thì tôi nghĩ khéo lại đụng đến phần âm mất anh ạ.
Ông Tấn nghe xong thì gật đầu đồng ý, ông bảo:
– Việc này chắc đợi trời sáng có gì tôi với anh lên chùa tìm sư Tuệ Hải hoặc thầy Long để hỏi. Còn bây giờ bộ xương này…
Ông Tấn với ông tôi bàn nhau một hồi rồi quyết định chất củi, đốt bộ xương con trâu ra thành tro. Thế là ông tôi gọi bố tôi ra đống củi sau nhà xí lấy củi lên chất một đống lớn. Rồi một mồi lửa thiêu bộ xương ra tro. Bố tôi kể rằng, lúc bộ xương đó cháy ra tro, bố còn ngửi thấy một mùi gì đó hắc lắm, từ đống tro bốc ra, một lát mới hết, ông tôi mới lấy đống tro đó mang ra ao ngoài ruộng đổ.
Cái ao cách nhà ông tôi cũng vài trăm mét nếu đi thẳng nhưng nếu đi đường chính thì phải gần 1 cây số. Bốn người ông nội, bà nội, ông Tấn và bố tôi mỗi người một xô xách tro ra ao đổ, bác Quỳnh nhà tôi thì tay chổi tay gầu hót rác để xúc vào xô.
Lúc về qua bụi tre đầu đường, chỗ mà con trâu húc rồi chết tại đó, bố tôi thấy cái gì đó to to, dài dài trên mặt đất, lại gần nhìn kĩ thì thấy là cái sừng trâu, bố tôi mới lấy để vào xô mang về, nhét dưới gầm giường.
Xong việc chắc cũng phải 9 rưỡi, 10 giờ đêm. Thấy có vẻ đã muộn, ông bà tôi giữ ông Tấn ở lại, làm nhanh mâm cơm rồi ngồi ăn. Kể ra tình làng nghĩa xóm thời bình lẫn thời chiến cũng không khác nhau là mấy, vẫn gắn bó, vẫn thân thiết, tối lửa tắt đèn có nhau