Ba ngày sau, tại ngôi nhà nhỏ ven làng của thầy Long…
Hôm nây là ngày dỗ của cụ Thọt, ông lão pháp sư đáng kính của làng, đã đứng ra che chở, bảo vệ làng trong suốt cuộc đời. Người làng Phúc Lễ tôn kính cụ lắm, cho nên từ khi cụ mất, ngày giỗ, rằm, mùng một, lễ, Tết, người làng lại sắm sửa đồ lễ để cúng bái, tưởng nhớ tới cụ.
Hôm ấy cũng như hàng năm, nhà của thầy Long lại tấp nập người ra vào đặt đồ lễ. Các cụ ngày xưa đã nói: “ Sống không thì thác thiêng”, mà các cụ đã nói thì cấm có sai câu nào. Cụ Thọt từ khi mất thì cụ thiêng lắm. Nói thật là ở làng Phúc Lễ hồi đó, việc người đi bắt ếch, mò cua đêm mà gặp phải ma trêu, quỷ ghẹo cũng khôgn phải truyện hiếm mà nó như cơm bữa vậy.
Thế nhưng chỉ cần những người đó chắp tay cầu khẩn thì sẽ có ngay một cơn gió nhẹ từ phía ven làng thổi lại, mọi thứ kinh dị, ghê rợn đều biến mất. Hay như những người đi làm ăn xa, phải đi đường dàu ngày thì trước khi lên đường, kiểu gì vào đêm hôm trước, người đó sẽ mơ thấy một cụ già dặn dò đi giờ nào, đi hướng nào.
Nói đâu xa, em gái ông Nghĩa là bà Trang lấy chồng ở xã bên, cách làng cũng phải ngót chục cây số. Có lần bà ấy về nhà làm giỗ mẹ, ở đó 2 ngày thì về. Trước ngày bà ý về nhà chồng, buổi đêm ngủ, bà ấy có mơ thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ, đầu đội nón lá, nhưng trông không rõ mặt, thân mặc áo nâu có vài miếng vá, quần dài, ống vén quá đầu gối như kiểu đi làm đồng vậy.
Cụ già lên tiếng:
– Ngày mai cô đừng đi lúc 5 giờ sáng, hãy để ăn trưa xong rồi về, mọi việc dù bận, dù gấp thì cũng phải gác lại, tránh họa sát thân.
Bà Trang tỉnh dậy, thấy giấc mơ lạ thì bán tín bán nghi. Vốn dĩ là người hướng Phật, nên mấy chuyện tâm linh này bà lúc nào cũng cẩn thận, bà nghĩ bụng:
– Người ta cất công hiện báo mộng cho mình thì có lẽ cũng cẩn trọng.
Thế là bà quyết định là không đi sớm nữa, lúc đó là gần 5 giờ sáng. Đúng 5h sáng hôm ấy, lúc ông Nghĩa và bà Trang đang ăn sáng thì từ phía cổng làng, một tiếng động vang trời phát ra, nghe cứ ầm ầm.
Hai người giật mình, chạy ra xem thì từ xa, cái cổng làng đã đổ tự bao giờ. Chạy lại gần thì thấy là một chiếc xe công nông chở vật liệu xây dựng hình như mất phanh mà lao vào cổng làng. Mấy người làm đồng sớm gần đó cũng chạy lại, mọi người hò nhau dọn đống đổ nát, cứu người lái côgn nông ra thì không kịp, người ấy có một vết thương lớn ở đầu, dập nát 1 mảng, nhìn còn thấy óc trắng lẫn máu nhểu ra, đã tắt thở rồi, cũng phải thôi, mình đồng da sắt đến đâu thì vỡ đầu làm sao sống được.
Bà Trang khiếp hãi, một phần là vì cảnh tượng trước mắt, một phần là vì giấc mộng đêm qua, nếu như không có ông lão ấy chỉ dẫn, nhắc nhở thì có lẽ bà đã là người nằm dưới gầm cái xe công nông này. Bà kể lại cho ông Nghĩa nghe thì ông giật mình bảo:
– Có lẽ nào là cụ Thọt…?
Rồi ông kể cho bà về sự linh thiêng của cụ trong làng này. Bà Trang nghe xong thì ngay sáng hôm đó, bà sắm đồ lễ qua nhà thầy Long để cúng cảm tạ cụ Thọt…
Thầy Long tiếp khách, bận rộn cả buổi, nhà ông tôi với nhà ông Tấn cũng qua phụ giúp thầy chút ít, nấu mâm cơm cúng, dọn dẹp nhà cửa, vì dẫu sao thì cụ Thọt cũng từng giúp hai nhà về việc âm rất nhiều.
Trưa hôm đó, thấy thầy Long có vẻ mỏi mệt, ông tôi mới bảo:
– Tôi trông thầy có vẻ mệt, hay thầy vào trong chợp mắt chút đi, ngoài này để chúng tôi lo tiếp khách cho.
Thầy Long thấy hơi ái ngại nhưng bà tôi với ông Tấn cũng khuyên thêm nên thầy mới đồng ý đi vào nhà nghỉ ngơi.
Mọi việc bên ngoài từ tiếp khách, dọn dẹp, nhà ông tôi với nhà ông Tấn lo hết. Khách khứa trong làng lẫn ở làng bên qua dâng lễ đông lắm, cũng may là hôm ấy mát trời chứ mà nắng thì lại có người ốm. Về tầm cuối chiều, thầy Long vẫn chưa dậy, người tới viếng cũng đã vãn, lúc này từ ngoài cổng có hai bóng người bước vào. Trông ra thì là sư Tuệ Hải cùng đệ tử tới.
Thấy đây là khách quý nên ông nội tôi vội ra đón vào rót nước mời và đi gọi thầy Long dậy. Vừa bước vào cửa thì ông tôi bị tiếng gọi lớn của thầy Long làm cho giật mình:
– Thầy ơi!
Thầy Long tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại, ông tôi dìu thầy ra ngoài thì thấy mọi người đnag định chạy vào. Đỡ thầy ngồi xuống ghế, rót lấy chén nước cho thầy, ông tôi định hỏi thì sư Tuệ Hải đã lên tiếng:
– Thế làm sao mà la toáng lên thế? Có gì thì kể ta nghe xem nào:
– Ban… ban nãy con mơ….
Thầy Long vừa thở, vừa kể mồ hôi vẫn không ngừng túa ra…