Tuổi thơ của tôi trôi qua thật nhanh. Đến năm 13, 14 tuổi tôi bị chẩn đoán mắc căn bệnh hen suyễn. Cũng vì lẽ đó mà thể trạng tôi đã yếu lại càng yếu thêm. Và hầu như ngoài thời gian học ra thì tôi chỉ quanh quẩn trong nhà chứ không vui chơi chạy nhảy như chúng bạn đồng trang lứa. Lại bàn về mảnh đất nhà tôi: Mảnh đất này được cha và ông nội khai hoang (từ đất rừng) thành đất thổ cư và canh tác vào những năm đầu của thập niên 70. Trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hàng chục trận đánh (kể cả du kích lẫn chống càn) đều diễn ra trên mãnh đất này. Ngoài ra, trên đầu hậu đất nơi có cây me cũng là nơi từng diễn ra các cuộc xử tử (bằng cách chặt đầu) bọn chỉ điểm và bọn Việt gian bán nước. Song song đó trước mặt nhà tôi vào những năm thập niên 90 có một con đập rất lớn nằm chặn giữa dòng sông. Nhiệm vụ của nó là ngăn mặn giữ ngọt. Tức là một bên đập thì nước ngọt, bên kia đập lại là nước mặn. Trớ trêu thay, con đập tôi vừa kể lại được người dân “trưng dụng” làm nghĩa địa mà dân địa phương tôi quen gọi là Nhị tì đập xóm Miên. Sau này khi con đập bị phá bỏ, những người có mặt không khỏi rùng mình khi chứng kiến hàng chục bộ hài cốt, quan tài (có khi dùng cao su hoặc chiếu để quấn tử thi vì ngày xưa dân ta nghèo mà) dần lộ ra. Kinh dị nhất là có những mồ chôn còn chưa tròn 3 tháng. Cho nên có thể nói mảnh đất nhà tôi là nơi “trú ngụ” của các âm hồn, dã quỷ không đi đầu thai được. Cho nên tôi chạm trán chúng cũng là điều bình thường mà thôi.
Một lần, mẹ sai tôi mang ít quà ra biếu bác Ba. Nhà bác Ba cách nhà tôi chỉ 1km, nhưng bắt buộc phải đi qua khu Nhị tì (lúc này đã bị phá bỏ) tôi kể ở trên. Khi đi độ 5h chiều, đi hơn 10p thì đến nơi. Cho quà bác xong, bác giữ tôi lại để soạn tí quà gửi lại cho cha mẹ (trả lễ ấy mà). Gần 6h thì tôi khởi hành về. Đến đoạn nhị tì thì trời đã nhá nhem tối mà tôi lúc đó còn nhỏ nên chả biết ma cỏ gì đâu. Vừa đi vừa nhìn trời nhìn đất, lại nhìn cây cỏ xung quanh. Bất giác ánh mắt tôi (và tôi) dừng lại khi thấy “một thứ gì đó” đang ngồi vắt vẻo trên ngọn đước. Trong chút ánh sáng cuối cùng còn xót lại của bầu trời hoàng hôn màu áo trắng của “con vật” kia càng nổi bật hơn. Nó trông như một người đàn bà chạc hai mươi mấy tuổi, mặc áo trắng (kêu bằng đầm ngủ thì đúng hơn), đang ngồi trên ngọn của cây đước và nó cũng chỉ có 1 chân trái mà thôi. Tóc nó thì chấm vai (và chải chuốt rất gọn gàng nha), điều đáng nói là tóc không hề che mặt nhưng dù nhìn kiểu nào thì tôi cũng không thấy được mặt nó. Và, nếu chiếu theo góc độ khuôn mặt đó thì không phải nó nhìn tôi, mà là… đằng sau tôi. Theo phản ứng tôi quay lại nhìn. Thì rõ ràng! Một cậu bé chạc 5,6 tuổi đang nằm bệt dưới đất. Nửa thân dưới của cậu thì đã mất (kiểu như bị cái gì cực nặng đè lên hay sau ấy mà nó cứ nhầy nhầy) máu chảy ra lênh láng. Nửa thân còn lại thì tím tái. Lại bàn về khuôn mặt, mặt cậu ta bầm dập, sưng tấy cả lên (kiểu như bị đánh) và đặc biệt nhất là cặp mắt: sâu hoắm, đen thui. Mặt đối mặt với tôi cậu ta nở một nụ cười “tươi” vô cùng, và khi cười máu theo khoé miệng cậu chảy ra. Cảnh tượng nhìn rất tởm. Đính chính lại lúc đó tôi chưa hề biết khái niệm về ma và linh hồn. Cứ tưởng là có người gặp tai nạn thôi. Nên liền ba chân bốn cẳng chạy ngay về nhà tìm người ra giúp. Nhưng khi cả nhà tôi đến nơi thì người đàn bà và đứa trẻ đã biến mất mà chẳng để lại bất kì dấu vết nào. Kể cả vũng máu to tướng của cậu bé khi nãy cũng mất tiêu luôn. Nên cũng hiểu kết quả rồi đó, cha và các chế chửi tôi một trận ra trò. Duy chỉ mẹ tôi mặt mày xanh chành. Tối đó về tôi lại sốt, sốt cao hơn 40 độ. Và nhà lại phải đặt mâm vái. Nhưng lần này là đem tận nhị tì cúng nhá. Cúng xong thì tôi bắt đầu hạ sốt và tôi nghe rõ mồn một tiếng của bác Tư (là ông thầy bùa người dân tộc ở gần nhà tôi): “…Hổm (Hôm đó) đào trúng mả (mộ) làm đứt chưng (cái chân) nhỏ mẹ, còn thằng nhỏ thì đứt làm hai. Chắc bữa hổm chiếc xáng (xe cuốc đất) nó ban (kéo) ra sông trôi mất luôn rồi…”. Chỉ nghe được vậy thì tôi lại thiếp đi. Và như mọi lần trước tôi đã khỏi bệnh, lại khoẻ như trâu và kể cả căn bệnh hen của tôi cũng thuyên giảm rõ rệt.