Kha thò cổ ra ngoài nhìn quanh dáo dác , chỉ có từng trận phong ba hắt mưa ướt hết mặt , tuyệt nhiên chẳng có ai ở đó . Kha nhanh chóng rụt cổ , khép chặt cửa . Mưa gió làm hắn hắt hơi liền mấy cái , miệng không ngớt lầm bầm :
– Lạ nhỉ ? Rõ ràng có tiếng gõ cửa ! Sao lại không có ai ? Hay là gió đập vào ô cửa nên mình nghe nhầm chăng ?
Kha nhún vai rồi chuẩn bị leo luôn lên giường mà không thèm tháo áo mưa , chưa đi được một bước thì tiếng gõ cửa lại vang lên từng chặp . Kha giật mình điếng hồn nhưng nhanh chóng quay ngoắt lại mở tung cánh cửa ọp ẹp , mặc cho mưa gió đang như tát nước vào trong nhà .
Đập vào mắt Kha là hình ảnh một con chó Mực cao lớn ngang hông người , nó đang run rẩy đứng im lìm trong mưa gió và kên lên ” ư ử” như cầu xin điều gì đó . Kha nhìn quay quắt thì chẳng thấy bóng dáng một ai , chỉ thấy con chó mực đang run rẩy , đầu khẽ gục gặc ra chiều xin tá túc . Vốn bản tính thiện lương nên Kha nhanh chóng đẩy cửa , đứng dẹp sang một bên rồi ra hiệu gọi con chó vào .
Con chó bị thương ở chân sau , máu chảy ra chan hoà theo nước mưa chảy thành vũng trên nền đất . Kha nhanh chóng cài chặt cửa rồi với tay khêu sáng ngọn đèn dầu trên bàn rồi xuýt xoa :
– Mày đi đâu mà lại đến nông nỗi này ? Chắc dính bẫy thợ săn đúng không ? Mà sao ở cái làng này tao chưa thấy nhà nào có con chó này nhỉ ? Thôi nằm im tao băng bó cho nhé .
Nói đoạn , Kha lục trong chiếc gùi ra nắm lá đã ngả màu khô héo và đưa lên miệng nhai . Lại không có gì để quấn nên xé luôn chiếc áo cánh vá chằng vá đụp ra mà cuộn nắm lá rịt lên chỗ vết thương . Con chó hình như có linh tính nên cứ nằm nhìn Kha chằm chằm , lâu lâu cổ họng nó phát ra tiếng ”
Ư ử ” tỏ vẻ đau đớn lắm .
Kha cuộn tròn nửa cái áo còn lại rồi lau khắp lượt mình mẩy cho nó rồi thì thầm bảo:
– Nhà tao chẳng có gì ăn đâu , mưa gió thế này cũng chẳng bói được củ khoai con cá , thôi ! Mày chịu khó nhịn đói nhé .
Kha đứng dậy rồi vơ hết ổ rơm trên giường mà phủ lên mình nó , còn mình thì quấn tạm manh chiếu mỏng mà nằm co ro trên chiếc giường , lạnh lẽo và mệt mỏi chẳng bao lâu đã chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay .
Kha không biết đã thiếp đi bao lâu , chỉ đến khi một thanh âm trầm đục , vang vọng làm hắn nhíu mày thức giấc :
– Con trai ta ! Ta vốn là thổ địa cai quản vùng này , đêm qua ta đã hoá thân thành con chó Mực bị thương đi gõ cửa mấy trăm gia đình ở làng giữa lúc mưa gió . Nhưng bọn chúng không ai có tấm lòng từ bi . Kẻ thì xua đuổi , kẻ thì vác dao định làm thịt ta . Duy chỉ có con là giang tay cứu giúp , lại nhường cả ổ rơm , xé cả áo mà lo cho ta . Ta cảm cái ơn nghĩa đấy lắm . Nay ta thưởng cho con ba chĩnh vàng cốm , con hãy tu nhân tích đức , làm việc thiện cứu đời , con nhé !
Kha ngơ ngác vùng dậy thì hoá ra chỉ là một giấc mơ . Giật mình quay nhanh sang cái ổ rơm thì con chó Mực đã biến đi đằng nào , trên đó còn nguyên ba hũ sành lớn cỡ một người ôm . Kha run rẩy tiến lại mở lớp giấy bản màu đỏ rực , nhận ra bên trong đầy chặt vàng cốm nhỏ cỡ móng tay.
Biết gặp được thần nhân thương mình thân cô, thế cô mà cứu giúp . Kha quỳ mọp xuống vái lấy vái để rồi ngồi thu lu ôm chặt ba hũ vàng , không thể ngủ lại .
Sau đêm gặp gỡ định mệnh ấy , Kha nghiễm nhiên trở thành một phú hộ giàu có . Kha xây cho mình một căn nhà mái ngói ba gian khang trang , sân lót gạch , có cả dãy nhà ngang cho đám gia nhân và ruộng đồng lên tới cả chục mẫu .
Lại đem của cải đem phân phát cho bà con dân làng , mua gạo thóc , quần áo phát cho những kẻ tứ cố vô thân . Dân làng vẫn đồn nhau rằng :
– Ông bá hộ Kha tốt tính lắm , hệt như bà Hằng ngày trước ấy .
Đối đãi với người ngoài là vậy , với hai người thân Kha cũng không có bên trọng , bên khinh . Dù trước kia họ có đối xử với mình tệ bạc cỡ nào , Kha vẫn không thèm để ý . Thậm chí còn mang một bát đầy ăm ắp vàng sang mà biếu tặng .
Buổi trưa hôm ấy
Nhân dịp giỗ bà Hằng , Kha cũng áo mão chỉnh tề về nhà anh trai mình mà cúng bái . Khi cuộc rượu đã lên hồi cao trào , Kha bèn lên tiếng trình bày :
– Thưa anh , thưa chị . Em năm nay cũng lớn lắm rồi . Từ khi cha mẹ mất, phàm là việc lớn bé trong nhà em đều nghe theo sự sắp xếp của anh chị !
Ngửa cổ nốc cạn ly rượu . Kha tiếp tục giãi bày :
– Các cụ vẫn có câu ” đàn ông trong đời có ba việc lớn , ấy là xây nhà , cưới vợ và tậu trâu “. Em thì nhờ ơn đức của tổ tiên nên cuộc sống cũng đỡ cơ cực ! Giờ em xin anh chị cho em được lập gia đình ! Không biết ý anh chị thế nào ?
Mụ Hoa đang húp lấy húp để tô canh gà , nghe thấy vậy bèn chau mày hỏi :
– Lấy vợ ? Thế chú út định lấy đám nhà nào ?
Kha gãi đầu đáp :
– Dạ ! Em định xin cưới cô Trâm , con gái ông Lập ở làng bên đó chị !
Lão Tâm hỏi vặn lại :
– Trâm nào nhỉ ? À con Trâm mà mới lọt lòng, mẹ nó đã mất ấy hử ?
Kha lí nhí đáp :
– Dạ !
Lão Kha xua xua tay bảo :
– Riêng ai chứ đám nhà ấy thì tôi cấm chú ! Nó không phải là người đâu ! Chú không nghe người ta đồn nhau nó là ma à ? Không được ! Riêng đám đó không được !
Kha kinh hãi hỏi lại :
Mụ Hoa cũng quệt mép, quay sang chồng mình rồi tò mò hỏi y hệt . Lão Tâm với lấy cái điếu bát , rít long sòng sọc mà lên giọng :
– Bà mới về làm dâu thì làm sao mà biết ! Còn chú , rửa tai mà nghe đây !
Rồi lão miên man trong dòng hồi tưởng kể lại một đoạn quá khứ hãi hùng.
Hơn hai mươi năm về trước , nhà của lão Lập nằm ở cạnh một con sông , ở ngôi làng nhỏ có tên là Xuân Đài . Lão Lập lấy vợ cũng hơn một năm và người vợ đang có mang ở những tháng cuối thai kì . Số phận nghiệt ngã thế nào mà trong một lần ra con sông đặng giặt giũ , vợ lão lại trượt chân chết đuối .
Lão Lập cực kì đau đớn , khổ sở . Nhưng vốn là người cứng rắn nên lão cắn răng chôn cất vợ mình theo đúng đạo hiếu ngàn đời tức là ” nhập thổ vi an ” . Nhà lão Lập xây cho người vợ xấu số đó một ngôi mả lớn lắm , nằm ngay bên dãy núi phía Tây thành .
Ban ngày lão Lập cố không tỏ vẻ đau thương mà khóc lóc trước mặt mọi người , nhưng khi đám ma đã xong xuôi , chỉ còn một mình thì lão lại lôi rượu ra uống . Lão thương vợ vắn số, thương đứa con còn chưa kịp chào đời đã làm mồi cho hà bá, bỏ lại mình lão trên trần thế .