Dẫu mới chỉ là đứa trẻ lên 7 nhưng những mảng kí ức nhuốm màu máu và không khí quỷ dị về thế giới thứ 3 lại lấp đầy trong xuyên suốt cuộc đời mang căn mệnh thuần âm của Khang.
Nào những cô hồn dã quỷ vất vưởng nơi đầu đường, những con ma rừng luôn bám theo gọi tên mỗi khi nó vào núi, những cái xác chết trôi trương phình dạt về từ vùng thượng bốc mùi kinh khủng…
Những hình ảnh đó, tuy bội lần quỷ dị và đáng sợ với người thường, nhưng đối với Khang, chúng chỉ là những điều hết sức tự nhiên.
Duy chỉ có cái xác của ông Hoành, người đã bị ma da kéo chân rồi dìm chết ngay tại bãi bồi mới là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất trong tâm trí của thằng Khang. Tuy đã gần một năm trôi qua nhưng cái cơ thể lủng lỗ chỗ, xương thịt bị cá rỉa đi quá nửa, con mắt trợn ngược lên như bị móc hết đồng tử, chỉ còn độc nhất con ngươi với vô số tia máu lúc nhúc như ngàn con dòi vẫn không ngừng nhìn chằm chằm vào nó trong từng cơn ác mộng.
Nay nghe lời cảnh cáo rồi mình cũng sẽ trở thành một ông Hoành thứ hai, Khang sợ lắm. Vo tay lại thành quyền, nó dồn hết sự tập trung mà thuật lại cho mọi người cùng nghe.
~ ~
“Cách đây tầm nửa tuần hơn, Khang lúc ấy đang hối hả chạy về khi mặt trời đã gần về giữa ngọ ba khắc.
Thân mang căn mệnh thuần âm, từ lúc ra đời đã giết mẹ triệt anh để có được đường sống, Khang nghiễm nhiên trở thành một thứ yêu nghiệt ở trong làng. Ngoại trừ cha và ông nội, trong làng chỉ có mo Đồng, anh Nhạc, bà cụ Hòa là không dè chứng và tránh xa nó.
Còn những người còn lại, không hắt hủi thì cũng giữ khoảng cách tối đa, thậm chí nếu không có cái oai của ông Thái, sợ rằng nó đã bị ném ra khỏi làng từ lâu rồi.
Người lớn ác cảm với nó là thế, đám trẻ trong làng và trên trường cũng không khá khẩm hơn là bao, đứa nào cũng sợ hãi nó vì nghe lời hù dọa của cha mẹ.
Không một người bạn trong suốt cuộc đời từ lúc sinh ra, Khang đã quá quen với việc phải lầm lũi một mình. Điển hình như hôm nay, tổ của nó được phân công trực nhật, không quá khó hiểu khi lũ nhóc kia tiếp tục bỏ lại nó một mình để trốn về trước.
Tan học từ lúc 10h, ấy vậy mà phải đến gần 12h trưa Khang mới lau xong cái lớp, quét xong mảnh sân để rồi mới hớt hải chạy về vì sợ ông ở nhà lo lắng.
Để tiết kiệm thời gian, nó ngoặt vào con đường tắt, nơi mà người dân trong làng vẫn đồn thổi rằng có ma từ hơn một năm nay.
Tặc lưỡi, Khang mặc kệ những lời đồn thổi gió bay, 12h trưa như này, dương khí đang là cực thịnh, ma cỏ nào dám hiện lên mà tác oai tác oái.
“Gâu… gâu… gâu”
Đột nhiên, từ phía bụi rậm trước mặt bỗng phát ra một tràng tiếng chó dộ ma khiến Khang giật mình đánh thót. Dáo dác nhìn xung quanh, nó bất chợt rùng mình khi con đường vừa mới nãy còn rất đỗi yên bình, nay đã tràn ngập tiếng chó sủa quỷ. Tiếng sủa ấy cứ ngắt quãng, dấm dứt từng tiếng một nhưng dai dẳng mãi không chịu buông.
Biết có chuyện chẳng lành, Khang lùi dần về phía sau mà chuẩn bị quay ngược lại con đường chính. Tiếng chó nhằn dai và dữ như này, “thứ” mà chúng nhằm vào không phải vong ma thì cũng là u hồn bóng quế:
– Hức hức… Có ai không… Làm ơn cứu con với…
Khang thoáng giật mình khi nghe có một tiếng khóc nỉ non vang lên. Tuy hơi nhỏ nhưng nó vẫn mơ hồ nhận ra đây là tiếng khóc của một đứa con gái, chỉ tầm trạc tuổi mình chứ không hơn. Nhưng có một điều quỷ dị là cái tiếng khóc kia không hề bị át đi bởi những tràng sủa dai dẳng, thậm chí càng lúc càng vang và rõ ràng hơn.
Tiếng khóc ấy, lúc thì ở rất xa, khi thì lại vô cùng gần gũi, khiến Khang đôi khi còn lầm tưởng rằng, cái “thứ” đang khóc kia đang ở ngay sau lưng mà chuẩn bị vồ lấy mình bất kì lúc nào.
Càng đáng sợ hơn, sau khi nghe tiếng khóc, chân của nó… lại không sao lùi lại được, chỉ có thể từng bước đi về phía ấy như thể đang bị ma đưa. Nuốt một ngụm nước bọt, Khang cố trấn tĩnh bản thân để nghe lại thật kĩ. Lần này tiếng khóc đã vang hơn, phương hướng theo đó cũng được nó nhận ra là ở bên trái, phía trên mình một đoạn:
– Hu hu… Có ai không… Làm ơn xua lũ chó đi dùm con với… Chúng cắn chết con mất thôi…
Nghe được những lời này, Khang vững dạ khi biết ở phía trước không có ma cỏ nào cả, chỉ có một người con gái đang bị lũ chó hoang vây quanh.
Giống chó này ở làng nó thì vô cùng nhiều, ở cái thời người còn không đủ cái để ăn thì lấy đâu ra thức ăn cho chó. Thế là chúng bỏ đi hoang, có gì thì ăn nấy, lâu dần chúng học được cách ăn xác người chết dạt vào từ bãi bồi. Những con chó hay ăn xác người trông cũng khác hẳn so với những con chó khác, người tinh mắt liếc qua là phân biệt được ngay. Bọn chó ăn xác ấy béo ú đến phát sợ, toàn thân luôn bốc ra mùi máu tanh đã khô và xú uế của tử thi lâu ngày chưa phân hủy hết, cả đôi mắt nhìn người ta cũng lộ rõ vẻ hung tợn và thèm thuồng thịt người.
Trở lại với tình cảnh hiện giờ, Khang dò dẫm từng bước tiến về phía trước. Càng lại gần, tiếng khóc và tiếng sủa lại càng rõ ràng hơn, kèm theo đó là một mùi ngai ngái như mùi của tử thi lâu ngày chưa phân hủy hết, không biết là phát ra từ lũ chó hoang hay là từ…
Nghĩ đến đây cũng là lúc nó tiếp cận được nơi phát ra tiếng động rõ ràng nhất, khẽ vạc bụi rậm ra, đập vào mắt Khang lúc này là bốn con chó mực đang quây lấy một thân cây già. Mắt trợn ngược, nanh nhè ra, lông dựng đứng… bốn con chó kia như phát điên mà nhắm thẳng lên tán cây gạo mà cắn liên hồi. Hòa trong tiếng sủa ma dấm dứt là một giọng nói nỉ non cũng từ trên đấy mà đột ngột vang lên:
– Bạn… Bạn ơi. Mau… mau giúp mình xua đám chó kia đi với. Lũ chó này bị điên rồi.
Theo phản xạ, Khang ngước lên nơi phát ra tiếng khóc để rồi phải thét lên đầy kinh hãi khi phát hiện… đang vắt vẻo trên ngọn cây lúc này là một đứa con gái quái dị trạc tuổi mình đang gào mồm lên mà cầu cứu. Vì sao lại gọi nó là quái dị, vì ai đâu vào giữa trưa tháng 7 như này lại mặc một bộ đồ màu đỏ, tô son đỏ tươi, tóc tai thì xõa dài như ma nữ.
Tiếng thét của thằng Khang cũng vô tình đánh động lũ chó. Quay ngắt đầu lại phía sau, chúng giương cặp răng nanh nhọn hoắt, đâu đó trong kẽ răng còn vương chút thịt của tử thi mà nhè thẳng vào thằng Khang mà gầm gừ.
Chộp lấy khúc cây khô, Khang bắt chước điệu bộ của cha mà ra sức đe nạt lại lũ chó.
Sau nhiều lần bị dân làng đuổi đánh vì ăn xác, lũ chó hoang này sinh ra tính sợ người. Nên hễ đối mặt với ai đó cầm cây, toàn thân tỏa ra cái uy không sợ sệt thì chúng rén lắm. Cắn thêm vài ba câu, bốn con chó lần lượt tháo chạy.
Đợi đến khi chúng khuất dạng, Khang mới dám buông thanh gỗ ra mà ngồi phịch xuống, mồm há rộng ra mà đớp lấy từng ngụm không khí sau một khoảng thời gian nín căm vì căng thẳng đến tột cùng:
– Cám ơn bạn nhiều lắm…
Vì quá tập trung vào việc xua đuổi lũ chó hoang, Khang hoàn toàn quên mất đứa con gái quái dị. Chỉ sau tầm vài khắc, từ lúc đang treo mình trên cây, con nhỏ kia giờ đây đã lù lù đứng sau lưng Khang từ lúc nào không biết. Nhoẻn một nụ cười với bờ môi đỏ đậm như máu tươi, con bé sung sướng nắm tay “ân nhân’ rồi sơ bộ giải thích toàn bộ nguồn cơn dẫn đến nông nỗi này.
Thông qua lời kể, Khang biết con bé này tên Thư, nhà ở xóm Thượng, trên khu này tầm năm cây số. Thư thì không đi học, nay là lần đầu tiên nó qua làng này để đi công chuyện cho cha, không biết do bộ đồ bắt mắt hay là người lạ vào làng mà Thư lại bị lũ chú chó hoang quanh bãi bồi quây bắt, cuối cùng là bị dồn lên ngọn cây như tình cảnh ban đầu.
Bằng cặp mắt long lanh, giọng nói hiền hòa và thân thiện, Khang dần bỏ qua sự hoài nghi về bộ dạng kì quái của Thư, nó trực tiếp lấy cái khăn sữa đưa bạn để lau đi lớp mồ hôi nhẽ nhại, tiện đó mà hỏi thêm vài điều:
– Trời nắng trầy nắng trật như này cậu còn ra bãi bồi làm gì thế? Làng mình có cái tục là cấm trẻ em ra bãi bồi vào giữa trưa và từ lúc chiều tà đấy.
– Mình đang kiếm đường ra sông để gặp bạn mình nhưng cuối cùng lại lạc vô địa phận của lũ chó hoang, thế là… ra nông nỗi này đây…
Thư trả lời, trong giọng nói không giấu được sự sợ hãi và tổn thương. Ở bên này, Khang cũng không đành đoạn bỏ lại nhỏ một mình, thế là nó quyết định ở lại đây thêm một lát nữa:
– Giờ đằng nào cũng đã đến giờ giới nghiêm rồi, cậu không ra chỗ bãi bồi được nữa đâu. Hay là để giờ mình đưa cậu ra cổng làng, cậu về nhà trước rồi lần sau lại đến, chỉ cần tránh đến vào giữa trưa và chiều tà trở đi là được.
– Không được đâu, nếu mình về nhà bây giờ… sẽ bị giết một lần nữa mất…
– Hả? Ai… ai giết cậu cơ? Mà tại sao lại bị giết?
Ngớ người ra vì nghe câu trả lời quái dị, Khang không kiềm được mà hỏi dồn về phía Thư. Thư bên này cũng nhận ra được điều đó, thở hắt ra một hơi, nhỏ chua xót giải bày:
– Nay mình được cha mẹ sai qua đây để đi công chuyện, họ ác lắm, nếu mình về nhà mà chưa làm việc xong sẽ bị đánh cho mềm người mất. Với lại mình cũng có hẹn với bạn bè ở đây, mình muốn tìm tụi nó để chơi cùng một chút. Ở bên nhà, mình… mình không có bạn bè.
Nói xong, Thư lén quay mặt đi chỗ khác mà quệt ngang dòng lệ, đoạn lại rất nhanh nắm chặt lấy tai Khang mà năn nỉ ỉ ôi:
– Cậu… cậu dẫn mình ra chỗ bãi bồi được không? Mình chỉ gặp bạn một chút thôi là về liền à. Ở đó có nhiều người với vui lắm, họ mà biết có thêm cậu chắc chắn sẽ hoan nghênh cho mà xem.
Vốn đã có chút ấn tượng tốt, nay Khang nhận ra Thư cũng là đứa trẻ cô độc giống như mình thì lại càng quan tâm hơn. Suy nghĩ đắn đo một hồi, cuối cùng dưới lời nói nỉ non và ánh mắt đưa hồn của Thư, Khang quyết định sẽ dẫn nhỏ đi gặp bạn ở bãi bồi cho bằng được.
Nắm chặt lấy tay nhau, Khang dẫn Thư luồn qua đoạn đường nhiều người, tránh những nơi mà người tuần tra thường lui tới. Cuối cùng sau gần 10 phút, khi mặt trời đã lên đến đỉnh thiên nhiên, điểm vào giờ ngọ ba khắc, giờ mà lũ ma da ở sông Đà bắt đầu đi kiếm ăn thì cũng là lúc… Khang và Thư đặt chân đến bãi bồi cạnh làng…
Nhưng khi đến nơi, Khang chấn kinh đến suy hồn bạt vía vì chứng kiến cảnh tượng quái dị ở trước mặt.
Ở khúc giữa sông, nơi mà người làng này vẫn hay đồn thổi là có những cột nước cao gần chục mét, những nút xoáy sẵn sàng dìm chết cả một cái bè nhỏ nếu vô tình phạm vào, thì ngay lúc này đây, ở chính giữa những cột xoáy ấy là lố nhố 5-6 cái đầu trẻ con, đứa thì ngồi vắt vẻo trên hòn đá cạnh sông, đứa thì ngụp lặn với bạn giữa cái nắng gay gắt, thậm chí có đứa còn nằm ngửa lên mặt sông để trôi theo dòng nước, thật không khác gì mấy cái xác chết trôi dạt về làng nó mỗi khi con lũ về… tất cả những hoạt động đó vẽ nên một khung cảnh đầy ma quái giữa lòng sông Đà vào 12h trưa.
Trai có, gái có, hầu như chúng đều trạc tuổi của thằng Khang. Không biết có phải do ngâm nước nhiều hay không mà nước da của lũ trẻ ấy lại tái nhợt một cách đáng sợ, mái tóc bết lại với nhau che đi quá nửa khuôn mặt, chỉ để lộ đúng một cánh mũi dài sọc và khóe miệng kéo dài đến tận mang tai, kèm theo đó là nụ cười khanh khách đầy ma quái:
– Chúng mày ơi, tao đến rồi này. Còn dẫn theo cả bạn mới nữa.
– A, con Thư, con Thư tới kìa chúng mày ơi.
Lũ trẻ reo lên đầy thích thú nhưng… bản thân thì lại không hề di chuyển, chúng chỉ đứng như trời trồng ở dòng nước sâu mà vẫy vẫy tay về phía thằng Khang như mời gọi:
– Này, xuống chơi với chúng mình đi, nước nông và mát lắm, không chết đuối đâu mà sợ…
Lời dụ dỗ quái dị như vậy, nếu là người bình thường thì ngay lập tức sẽ cảm nhận được sát ý ở đâu đây, ấy vậy mà không hiểu sao, thằng Khang vào thời khắc này như bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, nó không hề mảy may suy nghĩ mà vẫn tiếp tục cùng Thư hướng về phía “địa phận cấm” của làng mà bước đi.
Ngay khi thằng Khang đương định cởi cặp và áo ra để gieo mình xuống nước với đám bạn lạ thì nó chợt khựng lại, mắt hướng về con Thư lúc này đã ngồi bệt hẳn xuống đất:
– Bạn… bạn không xuống luôn à?
– Không, các cậu cứ chơi đi, mình ngồi xem là được rồi. Mình mà xuống nước thì quần áo sẽ bị ướt mất, không mặc lại được nữa đâu…
Nghe lời này xong, Khang lúc này mới chú ý quan sát hơn về bộ đồ mà con Thư đang mặc. Càng nhìn… nó lại càng cảm thấy kì quái, đây dường như không phải chỉ là bộ đồ màu đỏ bình thường. Giữa cái nắng gay gắt vào 12h trưa, những họa tiết lục phù, thứ mà nó vẫn thường hay thấy trên những bộ quần áo của các lão đạo sĩ dần dần hiện ra.
Những họa tiết ấy không phải được may hay in vào bộ đồ mà… nó như thể được vẽ ra bằng một loại mực gì đó, dính chặt vào thứ vải như được làm bằng giấy “cúng ma” hay dưới xuôi vẫn hay gọi là vàng mã…
Lại thêm vào cái thời tiết như này, mặc một bộ đồ liền thân màu đỏ dường như vẫn chưa đủ nóng, Thư còn khoác ba lớp đồ tương tự bên trong:
“ Một dọc ba ngang
Liền thân màu đỏ,
Đến khi trời tỏ,
Thì đốt cho ma,
Cháy liền hóa ra,
Là làm từ giấy… ”
Càng nghĩ nó lại càng liên tưởng đến câu vè này của ông nội, câu vè mà ông vẫn hay ngân nga với nó mỗi khi đốt áo liệm cho mẹ và anh trai…
Đối chiếu với bộ quần áo mà con Thư đang mặc, quả thật rất trùng khớp với bộ áo liệm mà bài vè đang nhắc tới, bộ quần áo chỉ để đốt cho ma hay mặc cho người đã bỏ mạng…
Nếu quả đúng là như vậy, con Thư không lẽ nào lại là…