Chap 3: Ác Nghiệt
Cũng vì tai nạn nghiệt ngã đó mà nhà bà Sâm đã nghèo nay càng rơi vào thảm cảnh, nợ nần chồng chất. Nhưng điều làm bà khổ tâm hơn đó là sau tai nạn đó đứa con trai lớn của bà thay đổi tính nết hẳn. Bản bỏ học, lao vào chơi bời ngày này tháng nọ làm bà khổ tâm lắm. Giang thấy mẹ mình vậy thì cũng nhất định bỏ học theo đám thợ xây làm chân xách vữa, phút chốc gia đình bà rơi vào một nốt trầm không có hồi kết.
Khác với anh trai mình, Giang tỏ ra hiếu thuận với mẹ hơn cả. Chứng kiến mẹ mình làm trăm công ngàn việc, xoay sở với khoản nợ trên vai. Giang theo đám thợ hồ tập tọe từ chân xách vữa. Làm được bao nhiêu, Giang đều chắt bóp, gói ghém đem về phụ mẹ đồng ra đồng vào. Bà Sâm thương con lắm nhưng cực chẳng đã đành cắn răng nghe theo lời con. Kể cả bà có phản đối thì lấy đâu ra tiền cho con ăn học, trong khi một tháng số tiền lãi lên tới cả hai triệu, vượt quá khả năng của bà.
Sau ba năm ròng hai mẹ con bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, khoản nợ nóng cũng được trả cả gốc lẫn lãi. Bà cụ Sâm gom góp được ít của nả và quyết định hỏi vợ cho con trai lớn. Những mong sau khi lập gia đình tâm tính của Bản sẽ đổi khác. Nhưng có lẽ số bà còn cơ cực gấp bội từ ngày có con dâu.
Nghiệp chướng thực sự xảy đến với bà Sâm không phải từ ngày ông Hào chồng bà chết sớm, cũng không phải chuyện đứa con trai lớn bị què, càng không phải việc thằng Giang bỏ học mà bắt nguồn từ chính đứa con dâu ác độc mà bà tay bưng trầu, đầu đội lễ rước nó về làm dâu.
Số là sau khi dựng vợ gả chồng cho con trai lớn, bà Sâm cắt cho hai vợ chồng mảnh đất ở cạnh nhà. Về phần bà và thằng Giang thì vẫn ở căn nhà ba gian xưa cũ nằm ở bên trái khuôn viên mảnh đất năm nào. Sau bao năm vật lộn ngược xuôi, sức khoẻ của bà Sâm đã yếu lắm. Giang theo tổ thợ hay đi làm ăn xa nên ít khi ở cạnh săn sóc cho mẹ mình. Những lúc trái gió trở trời, tấm thân tàn đau đến thấu xương bà chỉ biết nương tựa vào vợ chồng thằng Bản nhưng….
Người ta vẫn bảo “Trẻ cậy cha ,già cậy con” nhưng số phận bà lại không được như thế . Sau khi lấy vợ cho con mình, những tưởng Bản sẽ thay tính đổi nết vậy mà trớ trêu thay, thằng Bản chỉ biết ăn bám vào vợ vì kinh tế trong nhà phụ thuộc vào việc bán thịt lợn của đứa con dâu tên Thu. Vì thế trong nhà này, con dâu mới là người có tiếng nói quyết định.
Bà Sâm dù sức khoẻ chỉ còn chút hơi tàn như ngọn đèn le lói nhưng vẫn nhai ra làm nghề bán vé số dạo để đắp đổi miếng ăn qua ngày vì vợ chồng Bản ăn riêng. Chúng còn bạc ác tới mức xây hàng rào xi măng, trên đó còn cắm mảnh chai hệt như sợ bà cụ Sâm mò sang ăn bám vậy.
Chiều hôm đó bà cụ Sâm lên cơn sốt cao vì buổi sáng gặp cơn mưa lớn trên đường đi rao vé số. Bà cụ sốt hầm hập, mắt mờ cả đi. Gắng gượng lê cái thân ra ngoài bếp. Bụng đói, cật rét, lại xây xẩm mặt mày vì liều thuốc mới uống trong khi cái bụng lép kẹp làm bà tưởng như chết đi sống lại.
Căn bếp tồi tàn, nồi niêu trơ ra còn dính chút cơm nguội. Bà Sâm run rẩy đưa tay vục mớ cơm đưa lên miệng đặng qua cơn đói lòng. Có lẽ cơm thiu nên bà khẽ nhăn mặt, gập bụng nôn đầy nền đất. Cơn sốt làm mắt bà như mờ đi, cuối cùng đói quá làm liều. Bà đánh bạo dò dẫm sang nhà con trai rồi thều thào đứng ngoài cổng gọi:
– Bản ơi… Thu ơi… mẹ đói quá!
Cảnh cửa chính mở toang mà chẳng thấy bóng dáng hai vợ chồng con trai đâu. Bà cụ đánh bạo đẩy cổng bước vào. Thấy bát cơm của con chó còn đầy ắp, lại thêm mấy miếng gan lợn bày ngập ở trên, cơn đói làm bà Sâm chẳng nghĩ ngợi gì. Dẫu biết đã mấy lần con dâu mắng chửi và cấm tiệt bà mò sang nhưng giờ đây bà chỉ biết cắm đầu làm liều. Mặc cho con chó thấy người lạ giật xích sủa nhặng lên, bà cụ Sâm lật đật tiến lại. Bà ngồi xổm rồi cứ thế đưa hai tay vục cơm cho vào miệng mà trệu trạo nuốt.
Miếng cơm chưa trôi quá nửa cổ họng thì tiếng quát nạt từ trong nhà đã vọng ra the thé:
– Bà già! Bà làm gì đấy hả?
Bà Sâm nghe thấy tiếng quát tháo đầy giận giữ thì trợn mắt nuốt vội miếng cơm, đoạn run run giọng đáp:
– Bu… bu đi bán vé số về, gặp mưa trở sốt. Bu để bụng trống uống thuốc nên bị say. Bu… bu đói .. đói quá mới sang nhà con tìm miếng cơm nguội ăn cho lót lòng… lại sợ hai đứa trái mắt nên bu… bu…
Nói rồi bà nghẹn đắng cổ họng mà chỉ tay vào bát cơm chó vương đầy nền sân. Con mụ Thu được thể gào lên :
– Chứ không phải bà thấy tôi kiếm được tiền, tôi nuôi sống cái nhà này nên bà mặc sức phung phí sao? Bà tọng cho đầy họng, bà ăn no xôi chán chè rồi bả đổ tiếng ác cho vợ chồng con này phỏng?
Bà cụ Sâm tái mặt lắp bắp :
– Không! Không phải thế đâu … bu … bu đói quá. Sang mà không thấy hai đứa đâu, lại sẵn thấy bát cơm của con Mích còn nguyên nên bu… bu mới ăn. Thức ăn trong nhà …. bu … bu nào có dám đụng vào !
Đứa con dâu ác nghiệt sôi máu gầm lên :
– Á à! Bà lại tranh ăn với con chó à? Con chó nhà tôi nó ăn nó còn biết coi nhà coi cửa. Cái ngữ bà ăn xong chỉ nằm vật ra đấy mà bắt con này hầu hạ. Bà còn tơ tưởng tới thịt cá à? Bà đói lắm đúng không? Cơm nước vất tung ra thế kia có đúng không?