Cuộc sống của cụ Sâm sau khi đứa con trai út rơi vào vòng tù tội thật sự rơi vào thảm cảnh cùng cực. Con trai lớn là thằng Bản gằn hắt, chối bỏ mẹ mình. Đứa con dâu ác nhân thì coi cụ như cái gai trong mắt, chỉ chăm chăm mong cho mẹ chồng nhanh chết để dễ bề chiếm hết đất đai. Đã vậy mụ còn nghe phong phanh khu này sắp được đền bù, giá trị giải phóng mảnh đất nhà cụ Sâm tính ra cũng ngót nghét hai tỉ bạc. Cũng vì lẽ đó mà mụ ngày đêm thúc dục chồng, sốt ruột như ngồi trên đống lửa vì chỉ độ mấy ngày nữa là Giang ra tù.
Tám giờ tối hôm ấy
Cụ Tước đang ngồi tỉ tê bên cây đàn bầu. Tiếng hát khàn đục vọng ra giữa đêm khuya thanh vắng càng làm khung cảnh thêm ảm đạm. Gác lại cây đàn, nhấp thêm ngụm trà, cụ Tước dò dẫm đứng dậy vì nghe có tiếng gọi cổng rất nhỏ:
– Ông Tước… ông Tước ơi….
Cụ Tước rảo bước nhanh hơn vì nhận ra thanh âm thều thào có phần gấp gáp đó là của bà cụ Sâm hàng xóm. Cụ Tước đẩy cổng rồi mau mải mời cụ Sâm vào trong:
– Làm gì mà nhà chị sang tìm tôi khuya thế hử? Vào trong đi, trà tôi mới pha còn nóng lắm.
Mệt mỏi hạ tấm thân tàn xuống chiếc chiếu hoa trải ở hiên, cụ Sâm luồn tay vào cạp quần móc ra một bọc vải đặt lên trước mặt rồi rấm rứt nói:
– Ông Tước ơi! Ông thương tôi với!
Ông Tước đẩy cao gọng kính lão, đưa bọc vải lên trước mặt rồi hỏi:
– Cái.. cái gì đây chị?
Cụ Sâm lắp bắp:
– Giấy… giấy tờ nhà đất. Ông giữ cho thằng Giang…. ông giúp tôi…
Vốn dĩ sống đối diện với nhà cụ Sâm, ông Tước đã quá quen với cảnh con dâu và con trai cả bạc ác với cụ. Là một ông giáo già về hưu đã lâu, ông cụ Tước rất nhanh đã hiểu ra vấn đề. Thở dài một hơi não nuột, ông cụ gật đầu nhận lời luôn:
– Tôi hiểu rồi. Chị đừng có lo nghĩ nhiều. Tôi sẽ giao lại cho cháu Giang. Mà thấy bảo mấy ngày nữa nó ra tù đúng không chị? Đến khổ!
Nhìn cái dáng còng rạp, còm cõi của bà hàng xóm mà ông cụ Tước không nén nổi nỗi cảm thương. Đời ông đã từng xông pha đánh giặc, chứng kiến trăm ngàn trầm luân nhưng so với cụ Sâm thì chẳng thấm vào đâu. Ông cụ nhanh chân trở vào nhà, cất lại văn tự trong chiếc tủ dưới gầm bàn thờ rồi lắc đầu trở ra tiếp tục ngân ngan bản Dạ Cổ trong đêm trường cô tịch.
Vừa trở về đến nhà, đưa tay mở cánh cửa gỗ đã tróc hết nước sơn, cụ Sâm đã giật mình khi thấy hai bóng đen lúi húi trong nhà mình. Cụ ú ớ không thành tiếng, ánh đèn vàng vọt trên vách soi rọi hai thân ảnh đang lục hết gầm giường, tủ thờ chẳng phải ai xa lạ mà chính là vợ chồng thằng Bản. Sau mấy giây bàng hoàng, cụ Sâm cả kinh lắp bắp
– Mày… chúng mày… chúng mày làm gì trong nhà….. nhà bu?
Hai vợ chồng tái mặt nhìn nhau rồi rất nhanh đổi thái độ:
– Lúc nãy thấy có con rắn lớn lắm bò vào. Chúng tôi sợ bu một mình nó mổ thì nguy to…. nên… nên chúng tôi sang lùng bắt.
Cụ Sâm liếc xéo hai đứa con bất nhân rồi gập bụng ho lên một tràng rút ruột đoạn rít lên:
– Bu còn lạ gì cái ngữ chúng mày. Chứ không phải chúng mày nhăm nhe văn tự mảnh đất này phỏng? Bu đã nói rồi, mảnh đất này bu để cho thằng Giang. Bu cấm đứa nào động vào
Mụ Thu trở mặt luôn:
– Bà là loại người vô ơn. Ông thấy chưa? Bà ta định giành hết nhà cửa,đất cát cho thằng đầu trộm đuôi cướp đấy. Ông xem bà ta có coi vợ chồng mình ra cái gì không? Của ngon của ngọt có tới phần ông không?
Bản cũng nhào lại bóp vai mẹ mình rồi rít lên
– Bà nói cái gì? Bà nói lại tôi nghe xem nào?
Bà cụ Sâm đanh mặt không đáp. Bản điên máu gầm lên :
– Bao nhiêu ngày tháng qua bà ăn ở với ai? Tôi có còn là con bà không