Gò Bà Thắm
P3
Tạo khẽ đảo mắt nhìn ra bãi ngô trước cổng nhà bà cụ Nhậm. Vùng đất hoang vu này là nơi Tạo sẽ gắn bó quãng đời còn lại. Bà cụ Nhậm tiếp tục kể bằng giọng khào khào như mắc một cục đờm ngang cổ.
Dạo đó có hai bà cháu đến làng này, sau mới biết bà ta tên là Thắm vì đứa cháu kể. Bà ta tự dựng một căn nhà sơ sài và sống tách biệt, không hề giao du với bất cứ ai trong làng.
Thằng bé cháu năm đó độ tầm mười, mười một tuổi, sống với bà nội nó ở một căn nhà nhỏ ven sông. Làng xóm xung quanh ai nấy cũng đều lắc đầu ngán ngẩm mỗi khi chứng kiến gia cảnh nhà ấy. Căn nhà lụp xụp được trát bằng bùn đất, cỏ gấu đã mọc chi chít trên tàn hiên lợp bằng lá cọ. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra nơi trú mưa trú nắng của hai bà cháu này chẳng khác gì cái ổ chuột, bẩn thỉu và cũ kĩ. Căn nhà còn bần cùng đến độ đám ăn xin vô tình có dịp ghé qua địa thế đó còn phải chau mày mấy phen.
Mấy năm đầu kể ra cũng gọi là tàm tạm. Theo vòng xoáy nghiệt ngã của thời gian, căn nhà được rào lại bằng mấy tấm phên liếp, trát bùn lầy lấy dưới sông chứ nào được tường hoa, gạch mộc như nhà của đa số dân trong làng và cũng xuống cấp trầm trọng.
Căn nhà xiêu vẹo nằm im lìm dưới rặng tre ngà quanh năm xòa bóng, tàn lá che kín ánh sáng mặt trời nên có điều vắng lặng lắm. Luỹ tre lặng lẽ úp lấy ngôi nhà, lại nằm trong một con đường cuối làng. Vì chẳng có ai đến nhà nên không khí lúc nào cũng âm âm u u. Dãy mái hiên với cọng cọ rủ xuống mốc meo, lớp rêu xanh điểm những lá tre vàng úa và những cỏ gấu phất phơ ngập đầy trên mái chứng tỏ đã lâu lắm bà Thắm không thèm dọn dẹp. Hoang Tàn và ẩm ướt. Cái hoang tàn đến độ chẳng ai hình dung được nơi này có sự hiện diện của người sống.
Hệt như căn nhà, một số người vô tình có dịp diện kiến cũng khẽ rùng mình, vì chủ nhân căn nhà là bà Thắm là một người đàn bà rất kì quái. Đôi mắt bà ta lúc nào cũng láo liên, đám bọt rãi chảy quanh miệng khô thành từng đám làm mấy con ruồi cứ vo ve bên cạnh. Tiếng cười khanh khách của bà ta làm đám trẻ con trong làng sợ xanh mặt. Nhất là hàm răng đen sì như hạt nhót đã rụng mất mấy cái nom rất dị hợm.
Chẳng những bà Thắm mà ngay cả thằng cháu cũng kì quặc. Thằng bé lên mười nhưng trí óc non nớt hệt như đứa trẻ mới lên ba, lên bốn. Sinh ra không bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa hay nói trắng ra là thằng bé bị tâm thần, suốt ngày thằng này đi lung ta lung tung khắp xóm trêu người. Mệt mỏi quá thì ngủ bờ ngủ bụi, ai cho gì thì ăn nấy.
Khi thì dân làng thấy nó lê la ở bến sông, khi thì ngồi thất thần trong ngôi chùa bỏ hoang tại ngã ba giáp ranh mấy làng, khi thì lại thấy nó nằm dài ở bụi rậm.
Kể đến đây, bà cụ Nhậm chép miệng buông tiếng thở dài:
– Hồi đấy đám con nít rất sợ bà cháu nhà mụ ta. Nhất là thằng cu con ấy. Với tính cách ngô nghê, lại thêm cái tính khoái trêu người, nhất là con nít. Mỗi lần thấy đám trẻ con trong làng là thằng này nhéo má, kéo áo rồi cười hề hề. Đám trẻ con mười đứa chạm mặt thì tám, chín đứa phải đứng nép vào mẹ mà thằng đó nó vẫn chọc đến phát khóc được.
Tạo trầm ngâm:
– Tính ra thì hai bà cháu đó cũng tội cụ ạ. Nào có đáng sợ gì?
Bà cụ Nhậm lắc đầu:
– Mày để im cho tao kể đã.
Dẫu tính cách dở hơi nhưng thằng bé rất hiền, không ăn cắp của ai cái gì bao giờ nên dân làng cũng quý. Lại thương hoàn cảnh của hai bà cháu nên gặp mặt ai cũng cho thằng bé đồ ăn. Khi thì cái bánh lá chuối, khi thì nắm xôi nếp thơm có khi còn cho cả chục trứng hay mấy đấu gạo để nó đem về ăn qua ngày.
Lúc ấy nhằm đúng một ngày tháng 7 mưa ngâu. Làng này toàn bộ đều làm ruộng, lại gặp tiết chiều tà và mưa to nên mới tầm năm giờ chiều đã đóng cửa ngủ không thì làm mấy việc vặt.
Ông Nhậm và ông lang Thìn đang ngồi đánh cờ với nhau thì nghe tiếng kêu thất thanh vọng vào từ ngõ. Tiếng kêu ấy nghe gấp gáp và hoảng loạn lắm làm hai ông già giật mình, bất giác bỏ dở ván cờ mà đứng bật dậy:
– Ối… ối ông lang ơi… chết… chết người rồi?
Hai ông già tái mặt nhìn nhau. Nhận ra đó là ông Dư người cùng làng đang chạy thục mạng tới. Cả hai thất thần tiến ra rồi hỏi gấp:
– Chết? Chết người? Mà ai chết hả chú Dư?
Ông Dư gập người thở dốc, mặc cho mưa gió làm chiếc nón mê trễ cả ra sau lưng ông cũng mặc kệ. Sau giây phút hoàn hồn, ông Dư mặt mày tái xanh, mồm lắp bắp:
– Cháu… thằng cháu của bà Thắm nó chết trương lên ở cái chòi vịt hoang mé Tây làng rồi.
Hai ông già kinh hãi á khẩu rồi cùng nhau chạy nhanh ra đó. Nghe tiếng ông Dư nói to, lại thấy chồng mình chạy vội đi, bà lang và bà Nhậm không hiểu gì cũng vội chạy theo. Tin thằng cháu bà Thắm chết đồn ra nhanh lắm, đám người nhanh chóng cắt cử nhau. Một đám kéo nhau ra cái chòi vịt xem xét thực hư, kẻ chạy đi báo cho bà Thắm.
Cả đám ngót nghét trăm người lội mưa lội gió, chăm chăm tiến về mé Tây làng. Mặc kệ cái giá rét đang ngấm vào từng đường da thớ thịt, ai nấy sắc mặt cũng căng ra hiện lên nỗi lo lắng hoang mang lắm.
Quả thật đúng như lời ông Dư nói. Dân làng phát hiện thằng bé chết trong cái chòi vịt hoang. Thấy cảnh ấy, bà Nhậm kinh hãi đến rụng rời. Mới tối hôm qua bà còn cho nó cái bánh oản của sư thầy vậy mà hôm nay thằng bé đã ra người thiên cổ.
Thằng bé mới chết đây thôi vậy mà hệt như đã chết khoảng ba, bốn ngày. Xác nó trương lên, da dẻ xanh bủng, mấy chỗ da thịt căng nứt còn rỉ ra chất dịch màu vàng nhờ nhợ và bốc mùi tanh lắm, tanh ngòm như cá chết vậy. Thứ mùi ấy gặp nước mưa lan ra, xộc vào mũi đám dân làng đang chen chân xem náo động làm ai nấy đều lùi hẳn ra, gập bụng mà nôn thốc nôn tháo.
Chứng kiến thảm cảnh ấy, ai ai cũng rụng rời hồn vía. Vì thằng bé chết bất đắc kỳ tử, theo dân gian quan niệm rằng sự ấy độc lắm. Lại thêm việc bà Thắm đã già, tiền bạc không có, chẳng thể lo cho nó cái đám ma nên dân làng hò nhau chôn nhanh thằng bé mà không tắm rửa hay thay quần áo mới gì hết, chỉ quấn trong cái lá chiếu thôi. Vì sợ để lâu cái xác phân huỷ ra thêm thì còn lợm giọng nữa.
Dân làng bàn nhau không chôn ở nghĩa địa vì quá xa không tiện mà chôn thằng bé ở cuối làng, cách căn nhà tranh của hai bà cháu độ chừng ba trăm thước vì chỗ ấy có mảnh đất trống không chủ.
Sau một hồi bàn bạc, mấy người đàn ông lực điền bấm bụng tiến đến gần. Mấy cụ già bảo mấy người đàn ông xức hết dầu Cù Là rồi xoa lên mặt, lên mũi nhằm xua bớt mùi tanh tưởi của thịt người đang chảy đầy mủ rồi hò nhau cuốn thằng bé trong lá chiếu, đoạn bỏ lên võng kiệu ra cuối làng.
Cái võng lắc lư đung đưa để lộ cái đầu ra ngoài. Mái tóc bết lại da, tái nhợt, xám ngắt. Môi thằng bé khô bợt, hai con mắt chưa nhắm hết. Bà Nhậm dù xót thương thằng bé lắm nhưng ánh mắt vô tình nhìn thấy cảnh ấy mà cũng ám ảnh, rụng rời tay chân.
Đám ma thằng bé diễn ra nhanh như vậy, bà Thắm thì ngất lên ngất xuống. Hết vật vã kêu gào lại cười nói man dại. Bà Nhậm và mấy người đàn bà thương tình nên ở lại túc trực mấy ngày, sợ bà Thắm nghĩ quẩn theo cháu thì nguy to. Vậy mà mấy ngày sau những sự việc kì lạ bắt đầu ám lấy ngôi làng với độ gần trăm nóc nhà này.
Tối hôm đấy trời mưa to lắm, mưa như trút nước xuống cái xóm nghèo càng thêm quạnh quẽ. Thằng Hận- con trai ông bà Năm Gù đang ngồi co ro trên ghế. Vốn dĩ ở làng này chỉ có mình thằng Hận là bắt thân với thằng cháu bà Thắm. Hầu hết đa số đám trẻ con trong làng nếu gặp thì một là lảng tránh, hai là chọc cho thằng bé hoảng sợ mà bỏ chạy nhưng thằng Hận thì không.