Từ hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe nói tới trùng như trùng tang trùng nước , còn về thần trùng tuổi tỵ thì đây là lần đầu. Bưng ấm nước lên trên nhà , người phụ nữ tên Ngà vẫn đều đều giọng :
– Lúc nhà tôi mới mất là tôi có nhờ thầy trấn yểm rồi nhưng hồi hôm con gái tôi đây mơ thấy ba nó có người dẫn về đập cửa ầm ĩ, cứ một mực kêu tên thằng em kế nó.
Cha lo lắng :
– Có chuyện đó luôn sao chị?
– Có ! Bởi vậy nên tôi nóng hết cả ruột gan. Nghe con bé kể lại là tôi vội đi coi thầy . Ông thầy rọi khăn tang nói trúng bóc à. Chồng tôi mất phạm khung giờ với ông cố nội..haiz..
– Nghĩ chết là hết nhưng lại không phải. Mà chị nói thần trùng tuổi tỵ là sao tôi không hiểu?
Lấy trong giỏ xách cái bìa thư, dì Ngà đẩy về phía cha tôi rồi đáp :
– Chồng tôi tuổi tỵ, mất đi có trùng nên thầy coi gọi là thần trùng tuổi tỵ.
Còn đây tôi gửi anh Tư chút công dọn dẹp đêm nay có gì phiền anh giúp gia đình tôi nha!
Cha xua xua tay :
– Ấy chết, người làng cả! Giúp được gì tôi thì tôi giúp. Chị cất đi giùm tôi !
Cha tôi đưa lại cái bìa thư đó , người phụ nữ tên Ngà lắc đầu :
– Anh Tư khó quá ah! Cảm ơn anh nhiều nha! Mà tối khoảng 8 giờ tôi qua làm lễ thần linh trước nghen anh.
– Khuya nay tôi cũng luộc bánh. Có cháu đây thức trông coi nên chị yên tâm mà lo công chuyện.
Nghe cha nói vậy, dì Ngà hướng sang tôi :
– Tối khuya nhờ con giúp dì nhen!
– Dạ. Có gì cần thì cha con con sẽ giúp ạ.
– Cảm ơn con. Dì về nha ! Tôi về nha anh Tư!
Nói xong, dì đó nổ máy rồi chạy xe đi vội vã. Cha tôi bước tới chỗ hòm sắt , lấy cuốn tập ghi chép coi ngày mà dì Ngà ấy có người thân tới đây an táng :
– Đây rồi. Người nhà là Trịnh Văn Hưng. Mả nằm hàng thứ 2 dãy số 5 . Xíu nữa cha con mình lên chùa rồi về dọn sạch quanh mả giúp họ.
– Dạ..
Ít cơm nắm muối vừng là cha con tôi xong bữa sáng. Lọc cọc chiếc xe đạp khung dựng tôi đưa cha lên chùa Bần. Ngày giáp tết có khác, người làng đi lại nhộn nhịp , Người thì đằng sau xe bó lá người thì chở bao gạo nếp. Bánh chưng bánh tét chẳng thể thiếu trong những ngày này dù tất cả vẫn còn nghèo đi nữa thì họ cũng dành dụm cả năm cho ba ngày tết.
Qua cây cầu nhỏ ,tôi và cha đã tới cổng chùa. Tụi nhỏ nô nức khoác trên mình manh áo mới, chúng chạy lại reo hò mừng rỡ :
– Ông Tư và chú vô đi! Sư thầy đang đợi ạ. Con mặc áo mới đẹp không chú Tín?
Tôi cười xoa đầu mấy nhóc :
– Áo đẹp quá trời hà ! Vậy phải ngoan và học giỏi nhen. Chú cũng có quà cho mấy đứa nè, chú gửi sư thầy cho tụi con nha..
– Thích quá thích quá! Tụi con cám ơn chú hihi
Nhìn tụi nhỏ vui thích mà tôi muốn khóc .! Chúng đáng yêu vậy mà sao cha mẹ đành lòng bỏ được..
Từ xa, có giọng nói của An cất lên :
– Chú Tư và anh mới tới hả? Mấy đứa vô trong đi ! ông Tư gặp thầy liền đó !
Mấy đứa nhỏ dạ dạ đi vô , tôi nhìn theo mà trong lòng còn bùi ngùi. Thấy tôi im lặng, cha liền nói :
– Xế qua thằng Tín mới về tới. Hai đứa nói chuyện đi ha , cha vô gặp sư thầy..
Cha tôi nói rồi nhanh bước đi lên trước. An với khuôn mặt ủng đỏ bẽn lẽn ..! Cha bữa này kì quá! Đi chung vậy mà bỏ tôi lại một mình..
Len lén nhìn An, tôi khẽ hỏi :
– Em có khoẻ không?
– Dạ. Em khoẻ .. Nghe nói chú với anh tới nên tụi nhỏ mặc áo mới khoe ..
– Ừ..Tụi nhỏ vui mà..
Đứng trước An mà sao tôi lại run đến thế! Muốn mở lời nhưng nơi cổ họng nghẹn cứng . Cả hai đưa im lặng cùng bước về hướng gian phòng của sư thầy..
——–
Cùng thời gian ấy, trong gian phòng ông Tư nhấm miếng trà rồi cất lời :
– Cả đời này tôi mang ơn sư thầy. Mỗi lần nhớ khi cha con tôi đặt chân tới đây không bà con thân thích. Mười tám năm – mảnh đất này đã là quê hương thứ hai của tôi..
Sư thầy cười :
– Chú Tư nói vậy hoài! Chúng ta gặp nhau cũng là nhân duyên. Thầy hay nói mảnh đất này nợ chú nên duyên nợ khó mà rời xa .. Có mấy cái bánh và gánh củi, chú mang về luộc nghen. Sao chú không để thầy luộc giùm cho đỡ cực.
– Bao năm trông coi ở nghĩa địa , vào hôm rằm mồng một hay đêm ba mươi tết là ở ngoải như hội làng. Trần sao âm vậy thưa sư thầy ! Mấy bữa nay chưa thấy tôi nấu bánh là họ đã vô hỏi rồi.. Thôi thì cả năm có một ngày nên tôi châm lửa cho ấm cúng.
Sư thầy như đã hiểu những gì ông Tư nói, rót ly nước thầy chuyển sang một câu chuyện khác :
– Chú Tư có thấy tụi nhỏ để mắt đến nhau không? Nếu chú Tư ưng thì chúng ta làm ông mai cho cháu Tín và con An nghen!
Ông Tư gật đầu :
– Nếu được như vậy là tôi mãn nguyện rồi. Ở cùng hoàn cảnh chúng sẽ hiểu và thông cảm với nhau hơn..
Sau câu chuyện, sư thầy và ông Tư cùng đi ra ngoài ..
Tôi, An thấy cánh cửa mở ,vội chạy lại tôi chào lớn :
– Thưa thầy con mới về!
– Ừ thầy nghe con An nói từ bữa qua rồi. Về ăn tết với làng với xómlà nhất đó con ah.
– Dạ. Không đâu bằng làng mình thầy ơi!
Thầy cười nhéo tai tôi :
– Biết ăn biết nói khéo dữ ha! Thôi vô bếp mang bánh về, còn củi giằng sau xe để An chờ giùm.
Nói rồi sư thầy quay qua An :
– Bữa nay con sang phụ chú Tư trông nồi bánh nha!
An cúi xuống lí nhí :
– Dạ..
—–
Về tới nhà, cất bánh chưng cẩn thận liền sau đó tôi và An cùng cha mau chóng đâỷ xe rùa đi ra nghĩa địa , cha vội đưa cho chúng tôi hai vòng hạt :
– Tụi bay đeo vòng này vô tay mình nhen. Chớ có hỏi cha gì cả …
Tôi không hỏi, An cũng không nói gì, cả hai gật đầu đeo chiếc vòng vô tay mình rồi đi vào bên trong nghĩa địa. Xung quanh có một ngôi mả vòng hoa phủ kín. Tôi nhìn dòng chữ khắc trên bia đá : ” Trịnh Văn Hưng ” .
Nước mưa vẫn còn đọng lại từng vũng lõng bõng khiến mặt đất trở nên nhầy nhụa. Dù là ban ngày nhưng vô trong đây thật sự là lạnh lẽo và u ám. Không gian ảm đạm khiến cho tôi có chút rùng mình. Cách đó không xa, chú hàng xóm của tôi ngồi quay lưng lại cùng với một người trên ngôi mả khác như đang nói chuyện gì đó. Không lẽ nào chú ấy lại vô đây ?Có ai mà khi không vô nghĩa địa ngồi như kia chứ? Bao câu hỏi đặt ra.. Trống ngực đập mạnh ,tôi bắt đầu thấy sợ khi mường tượng những hình ảnh m.a qu.ỷ trong đầu. Nhanh chóng tôi xếp những vòng hoa lên xe rùa rồi chuyển ra ngoài..