Chương 22: Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh
Lo liệu mọi chuyện cho ông Phong xong, nhà họ Nguyễn càng thêm lạnh lẽo hơn. Thời gian đầu, Khanh không dám đưa con xuống thăm bà nội, còn Hậu thì đưa con về nhà mẹ đẻ để tránh tai họa có thể xảy ra cho hai con của mình. Bà Phúc và Kim ở lại với con Mơ, hàng ngày chăm lo mảnh vườn cùng cái ao nhỏ sau nhà. Đồ có giá trị của bà cũng bị bán nốt để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Dù rất nhớ các cháu nội nhưng bà không thể làm gì được. Kim thì tỏ ra không tha thiết gì với cuộc sống nữa, vì gia đình như vậy, thậm chí có lúc cô muốn đi khỏi làng để quên đi quá khứ thảm khốc đau buồn nhưng nghĩ tới mẹ, cô không đành lòng. Tuổi ngày một cao, gia đình lại có nhiều tai tiếng như vậy, không một chàng trai nào trong làng dám lấy Kim nữa. Nhưng dẫu sao cô cũng tự an ủi mình khi cô đã kịp thời có thai với Phùng- dù cô biết điều này sẽ làm cho mọi người chê cười. Bà Phúc tuy là người phụ nữ chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến, nhưng với lòng nhân từ, bà không đành bắt Kim bỏ đi cái thai. Nhà đang cảnh trống vắng, có thêm người sẽ vui hơn, dù bố mẹ của Phùng không đồng ý nhận Kim làm con dâu. Con Mơ ở với hai mẹ con bà Phúc thêm một thời gian nữa rồi cũng xin đi lấy chồng, khiến bà Phúc phải cáng đáng công việc của những con “sen” mà đã lâu rồi bà không phải làm. Hậu ở bên nhà mẹ đẻ 1 thời gian, tuy trong lòng cô rất sợ vì vòng trùng tang luẩn quẩn sẽ quay lại bắt đến thế hệ thứ 3 trong nhà họ Nguyễn, nhưng cô không đành lòng để mẹ chồng cô một mình xoay sở như thế, nên khi Kim sinh xong, cô đưa hai đứa con trở về nhà họ Nguyễn để chăm sóc bà Phúc và đứa con mới đẻ của Kim. Không những thế, cô còn liên lạc với Khanh xin đưa hai đứa cháu về nhà nội chơi. Mới đầu, Khanh không đồng ý, nhưng về sau, do mẹ đẻ hết lời khuyên nhủ, cô mới nghe theo. Mọi chuyện cứ diễn ra trong yên bình, khiến mọi người dần quên đi những câu chuyện trong quá khứ. Kim sinh được một bé trai kháu khỉnh bụ bẫm, giống người chồng xấu số của cô như đúc, khiến cô cũng vơi bớt đi nỗi buồn. Cô cứ dành hết thời gian chăm lo cho con trai mình, bên cạnh đó cũng chăm chỉ đi chùa và làm việc thiện với mẹ và em dâu để tích phúc. Cuộc sống tưởng cứ như thế trôi qua, thần trùng đã bỏ qua cho những mầm non của nhà họ Nguyễn, nhưng xem ra, trời cao có mắt. Ông Phong và hai người con trai của ông ta đã làm quá nhiều điều ác với nhà họ Cao, đã vậy còn hại chết đứa cháu duy nhất của nhà đó khi đứa trẻ còn chưa thành hình, nếu để những đứa trẻ nhà họ Nguyễn sống thì thật không công bằng. Huống chi, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, đâu phải ngẫu nhiên chúng lại đầu thai làm con cháu nhà họ Nguyễn. Người ngoài nhìn vào thì có thể thấy rõ ràng chúng vô tội, nhưng theo triết lý nhà Phật, có thể kiếp trước hoặc nhiều kiếp trước, chúng đã làm những điều xấu nên kiếp này mới có một người ông và một người bố không tốt. Như vậy thì không có gì là ngẫu nhiên cả. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Nếu chúng tự biết nhận thức và làm những việc tốt thì số phận chúng sẽ khác, không đến mức bi thảm như thế. Nhưng đã là cùng chung huyết thống, thì sao có thể không bị ảnh hưởng? Dù là trẻ con, nhưng chúng đã có những suy nghĩ rất độc ác, và cầm đầu là An- con gái của Linh. Là chị cả trong nhà nên những đứa trẻ còn lại rất sợ nó, không dám làm gì trái ý nó vì sợ bị những đứa kia “nghỉ chơi”. Một ngày mùa thu hanh hang dịu mát, An trốn bà nội ra khu đất bỏ hoang chơi. Tất nhiên nó không đi một mình. Minh, Huyền, Tùng cũng trốn đi theo nó. Đối với những đứa trẻ, việc bị người lớn bắt ép ngủ trưa là một điều vô lý và lãng phí thời gian. An nói:
– Chị và Minh chiều nay phải về rồi. Huyền và Tùng trốn thím ra ngoài này chơi đi.
– Vâng để em gọi Tùng. Huyền đáp nhanh nhẩu.
Lũ trẻ tụ tập chơi trốn tìm ở bãi đất bỏ hoang, nơi đó có giếng nước đã cạn, cây cối um sùm. Đến lúc mệt thì sẽ hái quả trên cây ăn, hoặc mua một vài thứ gì đó rồi lại chơi tiếp. Ban đầu chỉ là những trò chơi vô hại của trẻ em thôn quê như rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, trốn tìm… có sự tham gia của những đứa trẻ khác trong làng. Nhưng trưa hôm đó, ngoài 4 đứa trẻ nhà họ Nguyễn thì chỉ có thêm duy nhất 1 đứa bé khác ở gần nhà họ Nguyễn. Cuộc chơi đang lúc hăng say thì xuất hiện một đứa bé tầm 5 tuổi, mặt mũi sáng sủa, xin An cho chơi cùng. Ban đầu An định không cho, nhưng về sau thì do những đứa kia van xin nài nỉ nên nó đành để đứa bé nhập hội. Đứa bé này không phải hoàn toàn quá xa lạ với những đứa trẻ nhà họ Nguyễn, vì nó từng xuất hiện mấy lần trong đám trẻ con rồi. Nhưng nhà nó thì lại không ở làng Vạn này. Thấy có thêm người, chúng chuyển sang chơi trò Vòng quanh Socola, và tất nhiên đứa bé lạ mặt kia là người phải đi tìm. Nó bị bịt mắt bằng một tấm vải màu đen nên không nhìn thấy mọi người. Nó cứ vừa đi vừa gọi “các anh chị ơi, các anh chị đâu rồi?” mà không hề biết rằng nó đã đi tới rất gần chỗ cái giếng sâu cạn nước. Tùng đang nấp ở một cái cây gần đó, thấy vậy thì toan chạy ra ngăn lại, nhưng bị ba đứa An ngăn lại. An ra hiệu cho Tùng im lặng, cho đến khi đứa bé kia ngã xuống giếng, chỉ còn nghe thấy một tiếng “ối” vọng lên. Sau đó, An ra lệnh cho ba đứa em của mình bỏ về, và đứa trẻ hàng xóm kia thì không hề hay biết gì cả. Tùng ngơ ngác không hiểu tại sao An lại làm thế, An chỉ giải thích một câu cụt lủn:
– Chị ghét nó.
– Sao chị lại ghét em ấy? Tùng thắc mắc.
– Vì nó vô duyên. Với lại hình như nó là ma.
– Ối. Tùng kêu lên. Ở độ tuổi này, cậu bé đã biết sợ thứ vô hình đó.
– Thật đấy, chị nhìn thấy nó đi vào ngôi nhà bỏ hoang mấy lần rồi. Nhìn sợ lắm.
– Nhưng…
– Em khôn được kể chuyện này cho ai nhé. Không thì chị sẽ nghỉ chơi với em.
Có lẽ Huyền và Minh cũng sợ bị An nghỉ chơi nên không dám kể câu chuyện này cho người lớn. Nhưng đối với cậu bé Tùng thì điều đó thật tàn nhẫn. Đêm hôm đó, Tùng không sao ngủ được. Đến sáng hôm sau, khi An và Minh đã trở về nhà bà ngoại, Tùng xin phép ra đầu làng chơi. Đi được một quãng, cậu nhìn thấy một người đàn ông, cứ nhìn thấy đứa trẻ con nào đi qua là ông ta lại giữ lại hỏi thăm. Và Tùng cũng không ngoại lệ. Ông ta hỏi:
– Cháu trai, cháu có thấy một cậu bé tầm 5 tuổi nào cao đến tai cháu, tóc đinh, mặt mũi sáng sủa không?
– Dạ… nghe ông ta miêu tả là Tùng biết ông ta đang tìm ai. Nhưng lời đe dọa của chị An vẫn văng vẳng bên tai nó, nên nó đành lắc đầu. Dạ, cháu không biết ạ.
– Tùng, tiếng gọi từ đằng sau làm Tùng giật mình quay lại. Là chị Huyền. Tùng, về đi, mẹ gọi em đấy.
– Dạ… Tùng vội chạy về chỗ chị Huyền. Chị ơi, ông kia đang tìm thằng bé hôm qua đấy.
– Thế à? Em có nói ra sự thật không?
– Không… không ạ…
– Ừ. Em mà nói, chị An sẽ nghỉ chơi với em, ông lý cũng sẽ xuống bắt chúng ta đấy.
Nghe những lời đe dọa như vậy, Tùng rất sợ nên đành im lặng. Cứ thế trong vài ngày, Tùng trở nên sợ hãi, ám ảnh, lúc nào cũng trốn trong phòng không dám ra ngoài, đã vậy còn dễ giật mình nữa, bà Hậu mới gạn hỏi sự thật. Lúc này, Tùng oà lên khóc, kể hết cho mẹ nghe. Bà Hậu nghe xong như sét đánh ngang tai, vội đi tìm vớt đứa bé tội nghiệp lên khỏi giếng, nhưng đã quá muộn, nó đã chết rồi. Nhìn cái xác đang lạnh ngắt dần mềm lại của đứa bé và khuôn mặt của người đàn ông, bà Hậu biết, những đứa trẻ nhà họ Nguyễn đã tới lúc cận mạng rồi!