Chiếc nón lá hãy còn mới tinh của Nguyệt Hoa bị gió thổi làm bay xuống dưới một con sông nhỏ cạnh ruộng lúa, ướt mất nửa non cái nón. Song bởi vì nước sông đã cạn vợi nên cô nàng phải sắn quần sắn áo, dùng hai tay bám vào bờ và tụt chân xuống để vớt nó lên. Nhưng vì cỏ trơn, đất lại mủn do úng nước nên cô chật vật cả mấy phút đồng hồ rồi mà vẫn chưa khều được nó về. Hết cách Nguyệt Hoa đành phải quơ chân lần mò mảng đất phía dưới để tụt hẳn xuống. Chân vừa chạm vào một tảng đất cái cô liền hơi thả lỏng hai tay, định bụng trượt xuống.
– Đừng tụt xuống dưới. Nước sông sâu lắm đấy.
Đột nhiên có tiếng nói vang lên làm Nguyệt Hoa giật bắn mình vội túm tay lại vào nhúm cỏ, rồi cô gần như là ngay lập tức quay đầu lại.
Bên dưới sông, một người đàn ông với khuôn mặt lạ hoắc đang trồi nửa thân trên ra khỏi mặt nước, trên vai anh ta có đeo một cái túi lưới đang đựng mấy con ếch nhái gì đó ở bên trong. Không biết có phải do lặn dưới nước lâu quá hay không mà trông gã ta lúc này mặt mũi xám ngoét, đôi môi thì thâm xì như rái dê.
Gã cầm chiếc nón của Nguyệt Hoa trên tay, mặt không biểu cảm hướng cô hỏi:
– Cái này là của cô phải không?
Nguyệt Hoa hơi nhướng mày, gật gật đầu. Sau đó cô buông một tay chìa về phía người đàn ông lạ mặt, với tư thế úp người vào bờ sông còn đầu thì nghẹo ra đằng sau. Nhưng gã lại không đưa chiếc nón cho cô, mà nói:
– Cô trèo lên bờ đi, sau đó tôi sẽ đưa nón cho cô.
Nguyệt Hoa hơi khựng lại mấy giây, nhưng rồi cũng làm theo lời gã lấy đà và nhảy lên. Cùng lúc đó một lực mạnh đẩy chân Nguyệt Hoa lên, giúp cô thuận lợi lên bờ. Lên tới nơi cô liền quay người lại, cúi sâu xuống với lấy cái nón từ tay người đàn ông lạ mặt. Cằm nón trên tay, cô vui mừng định nói lời cảm ơn thì chợt đằng sau có tiếng gọi.
– Mẹ Nguyệt Hoa! Mẹ làm gì ở đó thế?
Là giọng của thằng Điệp láo toét đây mà! Nguyệt Hoa theo phản xạ quay ngoắt người lại, quang quác lên:
– Đã nói là đừng có gọi thế nữa mà! Chị mày đấm cho vỡ mồm bây giờ!
Nói rồi cô bực tức quay đầu lại, thế nhưng người đàn ông lạ mặt nọ ban nãy còn ở ngay đây lúc này đã bơi đi xa tít tắt đằng kia, chỉ còn thấp thoáng mỗi cái đầu trên mặt nước. Trời đất, này là bơi hay lao mà nhanh khiếp thế. Là thợ lặn chuyên nghiệp chăng?
Nguyệt Hoa ngỡ ngàng nhìn theo gã một chút rồi nhún nhún vai, vẩy nón đứng dậy. Sau đó cô quay người chạy về phía chú Nhất và Điệp, hô lên thật to:
– Đi bắt châu chấu về nướng đê các mình ơi!
Buổi chiều hôm đó bà Đào cùng với Lâm và Dũng thu hoạch được bốn sào ruộng lúa, đám Nguyệt Hoa cũng bắt được một nón đầy ắp châu chấu muỗn màng. Tối đến mang về nướng với rang, mấy người quây quần ăn mỏi mồm cũng chỉ hết được một phần, bỏ đi thì tiếc nên bà Đào bèn kêu mấy chú cháu chia ra cho mấy hàng xóm xung quanh mỗi nhà một ít.
Đêm hôm ấy, có vài kẻ tham ăn nào đó nằm mơ thấy một đám châu chấu rượt đuổi mình cả đêm, sáng dậy toát hết cả mồ hôi trán. Từ đó về sau, cả đám không dám động vào một con châu chấu nào nữa, tởn đến già luôn!
(Truyện được sáng tác bởi tác giả:Hồng Gấm)
Cuộc vui nào rồi cũng đế lúc tàn. Những ngày rong ruổi vui chơi khắp cánh đồng ấy thế mà đã kết thúc, và bây giờ đã đến thời hạn Nguyệt Hoa phải quay về thành phố, quay trở về bên cạnh bố mẹ để tiếp tục đi học. Mặc dù đã trải qua chuyện này suốt bảy năm qua rồi, nhưng lần nào cũng ê chề như lần đầu hết cả.
Giữa trưa nắng Nguyệt Hoa đứng ở ngoài sân gọi điện thoại cho lão Tòng. Tiếng tu tu kết nối cuộc gọi vang lên một hồi, sau đó cô nghe được một giọng nói quen thuộc.
– Alo
– Ông ngoại đang làm gì thế ạ?
– Ông đang ăn cơm, con ăn chưa?
– Con vừa ăn rồi… Khi nào thì ông về ạ?
Đầu giây bên kia chợt im lặng, hồi sau mới trả lời:
– Sắp rồi. Mấy hôm nữa ông về.
Nếu là bình thường mà nghe ông ngoại nói sắp về thì Nguyệt Hoa sẽ vui lắm, nhưng ngày mai là cô phải đi rồi. Cô im lặng vài giây rồi rầu rĩ nói:
– Sáng mai bố mẹ về quê đón con rồi. Nếu mấy hôm nữa ông mới về thì con không kịp chào ông mất… Con sẽ rất nhớ ông.
Cô vừa dứt lời thì nghe lão nói:
– Vậy để ông gọi điện cho con Uyên bảo nó vài hôm nữa hãy về nhé.
– Dạ thôi ạ. Ông mà gọi thể nào cũng sẽ cãi nhau, con không muốn ông với bố mẹ cãi nhau đâu.
Lão Tòng im lặng như đang ngẫm nghĩ điều gì đó. Lát sau ông thở dài:
– Thôi được rồi. Ngày mai con cứ về thành phố với bố mẹ đi, rồi mấy nữa rảnh rỗi ông sẽ lên chơi với con dăm bảy hôm.
– Thật hả ông?
– Ừ. Trong nhà hết việc cái là ông lên luôn.
Nguyệt Hoa nghe thế thì vui lắm, toe toét miệng nhảy cấng lên:
– Vâng. Con sẽ đợi ông lên ạ. Hê hê!
Lý do Nguyệt Hoa vui mừng chỉ vì một chuyện rất chi là bình thường như vậy, cũng bởi vì những năm qua lão Tòng rất ít khi lên Hà Nội thăm cô, hiếm lắm mới có năm lão lên một vài lần còn đâu toàn là bận rộn chuyện này chuyện kia. Mỗi lần nhớ ông ngoại cô cũng chỉ có thể gọi điện thoại nói chuyện, nhưng cũng chẳng được mấy câu là lão lại bận nên phải tắt máy. Nguyệt Hoa tuy ở với bố mẹ, nhưng bố mẹ cô ngày nào cũng đi làm từ sáng đến tối mới về và toàn để cô ở nhà một mình tự tung tự tác. Điều đó ít nhiều cũng để lại sự cô đơn trong lòng cô. Cho nên chỉ một điều nhỏ nhoi thế này thôi, cũng đủ khiến cô vô cùng hạnh phúc rồi.
Nói chuyện với ông ngoại xong tâm tình của Nguyệt Hoa cũng phấn chấn nên được đôi chút, cô quyết định không rầu rĩ nữa và chuẩn bị ít đồ ăn để đi chào tạm biệt mọi người.
(Truyện được sáng tác bởi giả:Hồng Gấm)
Tại thủ đô Hà Nội.
Bên trong một căn nhà năm tầng nằm giữa khu trung tâm thành phố, bố mẹ Nguyệt Hoa đang chuẩn bị đồ đạc đẻ về quê đón con gái. Bình thường hai vợ chồng đều bận rộn đi làm nên chẳng có mấy thời gian thảnh thơi, may mắn hôm nay lại trúng vào ngày nghỉ cuối tuần nên hai người mới có thể cùng nhau về quê một chuyến. Đáng nhẽ là ngày mai mới đến hẹn, nhưng hai vợ chồng quyết định về sớm hơn một ngày để tiện thể thăm lão Tòng luôn. Nhớ năm ngoái vội quá còn chẳng nói được mấy câu với lão mà đã phải đi rồi, trong lòng ông bà cũng thấy áy náy.
– Uyên ơi xong chưa em? Sắp chiều tối rồi đấy, không đi nhanh là không kịp nấu bữa tối đâu!
Ông Thắng ngồi trong xe oto thò đầu ra gọi vợ. Vài giây sau bà Uyên lệ khệ xách mấy bọc đồ từ trong nhà chạy ra, nói vội:
– Đây đây, xong rồi đây!
Ông Thắng nhìn đống đồ ăn trên tay bà thì thở dài:
– Em khuân lắm thế làm gì. Một mình bố ăn làm sao mà hết được.
Bà Uyên nghe vậy liền cười xòa:
– Ôi dào, mấy khi vợ chồng mình về quê thăm ông đâu anh, cả năm về có một lần à. Với lại mấy thứ này toàn là đồ bảo quản tốt, để được cả mấy tháng lận. Đem về cho ông cất đi ăn dần anh ạ.
Ngừng lại đoạn, bà bỏ hết đồ vào ghế sau xe rồi lên ghế trước ngồi, nói tiếp:
– Mấy hôm trước con gái gọi điện cho em bảo, bố dạo này hay bị đau nhức xương khớp, đêm đến còn rên rỉ thành tiếng, hễ cứ trái gió giở rời là đau không chịu được. Thiết nghĩ cũng đúng, bố giờ đã ngoài sáu mươi tuổi rồi, sức khỏe cũng yếu đi nhiều. Thế là em bảo, để mẹ mua ít thuốc xoa bóp tốt tốt mang về cho ông bóp mỗi tối.
Nói đến đây bà Uyên hơi ngừng lại, ấn đường bất giác hơi nhăn nhó:
– Thế nhưng con bé lại nói, muốn từ năm sau mỗi lần rảnh rỗi sẽ về thăm ông rồi tiện cơm nước chăm lo cho ông luôn.
Bà Uyên vừa dứt lời liền nghe thấy giọng nói cáu có của chồng mình.
– Em đồng ý rồi ư?
Bà vội lắc đầu:
– Tất nhiên là không. Em định là hôm nay về nói chuyện với bố, kêu bố thu dọn đồ đạc rồi lên trên này ở cũng mình luôn.
Ông Thắng nghe vậy thì hơi thở nhẹ ra gật gật đầu, hồi sau mới trầm giọng nói:
– Chuyện này e là khó đấy. Bố đã ở chỗ đó gần hết một đời người rồi, tính cách bố xưa giờ lại kiên định nghiêm khắc. Chưa nói đến còn nhà cửa và điện thờ nữa.
– Vậy thì thu dọn chuyển cả điện thờ lên trên này luôn, như vậy chắc bố sẽ không quá khó dễ nữa. Chứ bây giờ mà không đồng ý yêu cầu của Nguyệt Hoa, kiểu gì con bé cũng làm ầm lên, rồi lại như tám năm trước…
Bà Uyên nói tới đây thì lại không nói nữa, như nhớ lại chuyện đau lòng gì đó, gương mặt bà hiện rõ vẻ áy náy.
Ông Thắng nhìn vợ đau lòng như vậy thì giơ tay xoa nhẹ vào vai bà, suy nghĩ một chút rồi thở hắt ra nói:
– Thôi, chuyện này trước cứ tạm bỏ sang một bên hãng. Bây giờ về đó gặp bố rồi vợ chồng mình nói chuyện với bố sau, nhé.
Bà Uyên sụt sịt mũi, gật nhẹ đầu:
– Vâng.
Đoạn đường từ Hà Nội về thôn Chiềng gần một trăm cây số, ông Thắng một đường chạy thẳng mất hơn một giờ đồng hồ mới đến đầu thôn. Khi xe đi qua cổng làng trời đột nhiên nổi sấm, ngay sau đó mây đen ùn ùn kéo đến. Nom trời có vẻ sắp mưa to nên ông Thắng bèn nhấn chân gas tăng tốc độ chạy nhanh hơn. Vừa đi được một đoạn trời quả nhiên đổ cơn mưa lớn, gió thổi nước mưa táp vào cửa xe làm khuất mất tầm nhìn.
Bất chợt đằng trước xe từ đâu xuất hiện một bóng đen, ông Thắng hoảng hốt vội phanh xe lại, lực lao mạnh làm người và đồ vật trong xe đều đổ dồn hết về đằng trước.
– Á!
Có lẽ do bị va đập khá mạnh làm bà Uyên kêu lên, ông Thắng vừa ngẩng đầu dậy cái là lo lắng quay sang hỏi vội:
– Em có sao không? Có bị va đập vào đâu không?
– Em không sao, chỉ bị đập nhẹ vào trán thôi.
Bà Uyên ôm cái trán rên nhẹ đáp lời.
– Ừ, không sao là được rồi. Em ngồi yên trong này để anh ra ngoài xem sao.
Xác nhận vợ không bị gì ông liền dặn dò một câu rồi nhanh chóng cầm theo cái ô mở cửa xuống xe. Ngoài trời mưa như trút nước, mọi thứ xung quanh đều trắng xóa mờ ảo, ông Thắng phải chật vật lắm mới có thể lờ mờ thấy thứ trước mặt. Một cái gì đó rất to và cao lớn, không phải con người mà giống như một cái cột lớn, ông nheo mắt tiến lại gần và rồi bị thứ đó lam cho kinh hoảng một phen.
Trước mặt, một cái cổng lớn có ghi hai chữ “Thôn Chiềng” màu đỏ gạch to tướng. Ông Thắng mở to mắt nhìn cái cổng chằm chằm, linh cảm cho ông biết có gì đó không ổn ở đây. Ông thầm thốt lên một câu “gặp ma rồi” sau đó ném cái ô đi lao nhanh vào xe và gạt cần cho xe quay đầu.
Bà Uyên ngồi trong xe thấy chồng vội vội vàng vàng mà không hiểu mô tê gì, vội lên tiếng hỏi:
– Có chuyện gì thế anh? Sao tự dưng lại quay xe lại thế?
Mà câu trả lời nghe được lại làm bà kinh hãi.
– Chúng ta gặp phải thứ không sạch sẽ rồi! Cái mà mình vừa suýt tông phải là cổng thôn Chiềng đấy!
– Cái gì cơ, cổng thôn á? Nhưng mình vừa đi qua chỗ đó được một lúc rồi mà! Có phải anh nhìn nhầm rồi không?
– Anh không nhìn nhầm đâu, đúng là cổng thôn đấy.
Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng và vô cùng tỉnh táo của chồng, bà liền biết ông đang rất nghiêm túc. Bản thân bà cũng là con gái của của một thầy pháp nên đối với những chuyện thế này, bà rất nhanh đã thích ứng được.
Bà Uyên nhìn xung quanh lo lắng hỏi:
– Vậy bây giờ phải làm sao đây?… Chẳng lẽ phải quay về sao?
Ông Thắng im lặng, lát sau mới trả lời:
– Trước tiên cứ ra khỏi thôn đã. Đợi mưa tạnh rồi mình lại vào.
Vừa nói ông vừa nhấn gas cho xe chạy nhanh về phía trước.
Bọn họ cứ vậy lái xe chạy băng băng trên đường nhưng lại không mảy may biết rằng, trận mưa như trút nước này vốn chỉ chạy theo họ, chứ không hề ảnh hưởng tới những người khác.
Và mọi chuyện quả nhiên không dễ dàng như bọn họ đã nghĩ. Cái thôn này lại cứ như một mê cung hình tròn, cho dù có đi hướng nào, đi về đâu thì cuối cùng vẫn sẽ quay về trước cổng thôn. Hai vợ chồng ông bà Thắng như bị ma che mắt, cứ dẫn đi vòng vòng quanh thôn mà không cho vào cũng chẳng cho ra, hành cho tới khi cả hai đều mệt rã rời và ngất lịm đi. Và trong lúc thần không biết quỷ không hay, có một con ma cổ, trên người khoác áo Tứ Điên bước đôi chân trần đến trước đầu xe họ. Hắn không làm gì cả mà chỉ âm trầm đứng ở đó nhìn vào trong xe đăm đăm, nhưng lại khiến những người bên trong xe cả đêm đó, mộng một giác mộng vô cùng đáng sợ.