Một lát sau bà Đào kêu chú Nhất và Nguyệt Hoa đưa Điệp về nhà. Trước khi đi bà còn dặn dò cậu nhóc tạm thời đừng qua bên này, đợi vài hôm nữa mọi chuyện lắng xuống thì hãng ra ngoài, nếu nhớ Nguyệt Hoa quá thì gọi điện xin chị sang bên đấy chơi một lúc.
Vài ngày sau đó trông thôn vẫn tiếp tục thông báo tin trẻ em mất tích, sự việc nghiêm trọng tới mức đã lên cả tin tức truyền trình nóng hổi trong ngày. Cho tới lúc này manh mối thu thập được chỉ vỏn vẹn hai điểm, đó là những đứa trẻ mất tích độ tuổi sẽ khoảng từ 4 – 10 tuổi và đều không để lại bất cứ vết tích hay dấu vết gì, giống như những đứa trẻ đó đột nhiên biến mất vào không khí vậy.
Cho tới sáng sớm ngày hôm nay, có một gã đánh dậm tình cờ phát hiện thấy một cái xác trẻ con nằm dưới ngòi ở ngoài cánh đồng và ngay lập tức báo lên trưởng thôn, chẳng lâu sau đó công an và người dân đã đổ xô đứng đầy ở đó. Nghe đâu đứa trẻ này đã tử vong từ vài ngày trước và đã được xác nhận là một trong những đứa trẻ mất tích dạo gần đây, trên cổ họng đứa bé có vết như dao cắt nên công an tạm thời kết luận có thể đứa bé đã bị giết hại. Khi thông báo này được đưa ra, ngay lập tức cơ chính quyền đã cho phong tỏa mọi lối đi chính, phụ trong thôn và kiểm tra chặt trẽ những người ra vào thôn, cũng như cảnh cáo người dân phải thật cẩn thận khi đưa đón con em đi học.
Bên trong nhà bà Đào.
– Gớm thật. Đi từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng thấy bàn ra tán vào, nghe đâu chiều hôm kia lại có một đứa trẻ nữa mất tích đấy!
– Thế cơ à? Thế có biết là con cháu nhà ai không?
– Là chắt nhà cụ Xuân ở xóm 1 ấy. Nghe đâu bảo, cụ Xuân dắt cháu sang nhà hàng xóm chơi rồi đến lúc về không biết đi đứng thế nào mà lại để lạc mất đứa nhỏ, từ hôm đó tới giờ vẫn chưa thấy bóng dáng nó đâu.
– Chết dở ấy nhỉ. Mà bố mẹ cũng chủ quan cơ, loa đài nó báo ầm ầm thế kia mà vẫn để cho cụ dắt cháu đi chơi. Thế lại trả trách!
– Hầy, bọn trẻ bây giờ chúng nó sống thoáng với suy nghĩ hời hợt lắm, chứ không tỉ mỉ cẩn thận như các cụ ngày xưa đâu. Chả nói gì đâu xa, con dâu nhà tôi đây, bà nội lo cho cháu dặn dò mấy câu mà nó cứ “không làm sao, mẹ toàn lo lắng không đâu”, rõ là chán!
– Thế mới nói thời thế thay đổi. Ngày xưa thì con cái nghe theo bố mẹ, còn giờ thì bố mẹ phải chiều theo con cái.
– Đấy, nói thì chúng nó lại bảo mình cổ hủ, không chịu nghe. Rõ là khổ tâm!
Mấy bà thím rảnh rỗi không có gì làm tụ tập sang nhà bà Đào buôn dưa lê bán dưa chuột, ngày nào cũng như ngày nào mà chẳng bao thấy giờ hết chuyện.
Nguyệt Hoa ngồi trên giường bên trong buồng dạy chú Nhất chơi game, thi thoảng cũng hóng hớt vểnh tai nghe mấy bà thím nói chuyện. Chú Nhất thấy vậy cũng bắt chước tắt điện thoại đi để nghe cho rõ, hồi sau chú đột nhiên nhìn cô hỏi:
– Hoa không sợ à?
Nghe chú hỏi vậy Nguyệt Hoa hơi quay đầu, hỏi lại:
-Bắt cóc ấy ạ?
Thấy chú gật đầu cô hơi suy nghĩ một chút rồi đáp:
– Hồi còn nhỏ mỗi lần nghe đến hai chữ “bắt cóc” cháu đều rất sợ hãi, nhưng bây giờ thì đỡ nhiều rồi, chỉ còn hơi sợ một chút thôi.
– Tại sao vậy?
Chú không hiểu, ngây ngô hỏi lại. Cô liền mỉm cười đáp:
– Vì bây giờ cháu đã trưởng thành rồi mà “tên đó” thì chỉ bắt cóc trẻ con thôi, cho nên cháu không thấy sợ mà chỉ thấy tội nghiệp mấy đứa nhỏ thôi. Trẻ còn thì đâu có tội tình gì đâu.
Nghe cô giải thích chú như đã hiểu ra, gật gật đầu.
– Vậy còn chú thì sao? Chú có sợ không? – Cô hỏi lại chú.
– … Không sợ.
– Ồ, tại sao? Vì chú cũng là người lớn nên không sợ ư?
– Ừm. Giống Hoa, vì là người lớn nên không thấy sợ.
Nhìn chú thành thật gật đầu trông rất ngốc, Nguyệt Hoa phì cười không tự chủ được mà giơ tay xoa nhẹ lên mái tóc hơi cưng cứng của chú. Chú ngốc quả thật đã trưởng thành rồi, giống như đám người các cô và những người khác vậy.
Rèm cửa đột nhiên bị vén ra, bà Đào từ ngoài bước vào vừa vặn trông thấy hành động vô cùng thân thiết này của Nguyệt Hoa, bà hơi khựng người lại không tin vào mắt mình. Thật không ngờ đứa con trai ngốc nghếch lúc nào cũng lủi thủi một mình của bà thế mà lại chịu ngồi yên để cho con bé xoa đầu, bà có chút kinh ngạc lại thấy vui mừng mà cười thầm trong lòng. Đây, thế này…
– Có chuyện gì sao bác?
Tiếng của Nguyệt Hoa vang lên làm đứt dòng suy nghĩ của bà Đào, bà bừng tỉnh hơi hắng giọng khua khua tay đáp:
– Sắp đến giờ học sinh tan trường rồi ấy mà, bác vào để kêu cháu đi đón cu Điệp cho kịp giờ.
Nguyệt Hoa nghe bà nói vậy mới như sực nhớ ra điều gì đó, cô “a” một tiếng bước xuống giường cười he he rồi nói:
– Tí nữa thì cháu quên béng mất đấy, may mà còn có bác để ý. Vậy cháu đi đây ạ!
Nói rồi cô nàng cúi người với lấy cái nón để ngửa dưới đất rồi cong mông lên chạy, bà Đào ở sau vội nói với theo:
– Đi đường cẩn thận cháu nhé. Bác đợi cơm hai đứa.
– Vâng ạ!
Bà Đào vén rèm cửa ra nhìn, đợi khi bóng dáng Nguyệt Hoa đã khuất lúc này bà mới đi tới giường rồi ngồi xuống cạnh chú Nhất. Bà nhìn chú, nghĩ nghĩ một chút rồi hỏi:
– Nhất này, con có thích Nguyệt Hoa không?
Chú Nhất đang chơi game nghe bà hỏi vậy thì hơi khựng lại, khó hiểu quay sang nhìn bà:
– Sao, mẹ lại hỏi…
– Thì, mẹ chỉ hỏi thế thôi. Mày cứ trả lời mẹ đi, mày có thích cô bé ấy không?
Chú không trả lời ngay mà lại hơi cụp mi mắt xuống trầm tư giống như đang tìm đáp án, hồi sau chú nâng mi không chắc chắn gật gật đầu. Bà đào thấy vậy thì như mở cờ trong bụng, nhưng còn chưa kịp há miệng cười thì lại nghe chú nói.
– Hoa rất tinh nghịch và còn tốt bụng nữa, chơi với Hoa rất vui.
Ngay lập tức mặt bà Đào nghệt ra như cái mâm, lại nhìn vẻ mặt ngây ngô thành thật của con trai mà bất lực thở dài. Con nhà người ta hai mươi, hai mốt đã lấy vợ sinh con, con nhà mình ba mươi tuổi đầu rồi mà còn chưa biết nắm tay con gái là gì. Cứ thế này thì làm sao mà lấy được vợ đây hả…
(Truyện được sáng tác bởi tác giả:Hồng Gấm)
Tiếng trống tan trường vang lên, cánh cổng trường học chậm rãi mở toang ra, không lâu sau đó học sinh ùa nhau từ trong đổ xô ra, tốp lớn tốp bé ồn ào huyên náo đua nhau tan trường. Nguyệt Hoa ngồi trên con xe đạp có hơi cũ kĩ dựng bên kia lề đường, cô ngậm kẹo mút trong miệng tí tí lại nghển cổ tìm kiếm Điệp trong đám học sinh đông đúc.
Ba mươi phút sau, học sinh trong trường đã về hết rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng Điệp đâu, Nguyệt Hoa nổi đóa ném cái ống nhựa đã ăn hết kẹo xuống rìa cỏ rồi đạp chân chống xe phi qua bên kia đường. Lề rề đi đến nửa đường thì bóng dáng Điệp từ trong sân trường lù rù đi ra, vừa trông thấy cô nó liền hớn hở chạy nhanh tới rồi gọi một tiếng.
– Mẹ ơi!
Nguyệt Hoa chả thèm í ới gì lạch cạch đạp xe đến rìa đường, đợi nó để cặp vào giỏ xe và trèo lên xe ngồi xong xuôi cô mới lên tiếng hỏi:
– Sao nay ra muộn thế, làm chị mày đợi cháy cả da tay rồi nè.
Nghe cô nói vậy Điệp mới nghiêng người ngó ra nhìn cánh của tay cô, cả hai bên đều trắng trắng mập mập không thấy cháy miếng nào. Nó lắc đầu thầm than trong lòng “ai bảo mẹ không chịu mặc áo dài tay kia chứ”, nhưng ngoài miệng thì chậm rãi trả lời cô.
– Hôm nay thầy giáo chủ nhiệm cho lớp bọn con ở lại để dạy vài cách phòng vệ với người lạ, ngày mai cũng vậy nên mẹ cứ đi muộn một chút.
– Ò. Thế không có thời gian quy định à, nhỡ chị tới muộn quá thì sao?
– Không sao, con đợi được.
Nguyệt Hoa đạp xe một tay giữ càng một tay giữ nón, nghe Điệp trả lời mà hề không do dự thì bĩu môi nhướn mày gật gù. Như nhớ ra điều gì đó, cô bỗng nhiên hỏi:
– Nhóc có học võ hay gì không?
Điệp liền trả lời:
– Con không. Sao thế ạ?
– Ừm thì xã hội bây giờ càng lúc càng nhiều thứ nguy hiểm, nếu biết chút võ để phòng vệ sẽ tốt hơn. Nhóc có muốn đi học võ không?
Hiếm khi lại thấy Nguyệt Hoa quan tâm đến mình như thế, Điệp vui mừng vòng tay ôm chầm lấy cô rồi dụi mặt vào tấm lưng mềm mại, nhỏ nhẹ đáp:
– Con thì cũng không quan tâm lắm, nhưng nếu mẹ muốn thì con sẽ học. Lát nữa con sẽ về nhà xin ông bà.
Thời tiết đã nóng chảy mỡ mà Điệp còn ôm ấp khiến Nguyệt Hoa càng thêm nóng, cô khó chịu định bụng dùng tay đẩy nó ra nhưng chợt nhận ra mình không còn tay nào rảnh cả. Cô đành ngả lưng về sau đẩy đẩy, cau có nói:
– Tránh ra đi nhóc. Đã nóng chết đi được rồi còn ôm với chả ấp, tránh ra!
– Không thích. Không nóng, người mẹ rất mát.
Mặc cho cô đẩy tới đẩy lui, cậu nhóc vẫn ôm chặt không buông. Nguyệt Hoa mất cả nửa ngày cũng không dứt được cái của nợ kia ra thì chán chả thèm đẩy nữa, cô bực mình “hừ” một tiếng rồi làu bàu:
– Thích ôm thì ôm, thằng nhóc dính người chết tiệt!
Điệp nhoẻn miệng cười mãn nguyện, áp cánh má nóng hổi vào tấm lưng mát rượi của Nguyệt Hoa rồi nhắm mắt hưởng thụ. Người này bản tính là một kẻ cứng miệng nhưng lại dễ mền lòng, cho nên chỉ cần nó một mực bám riết không buông, là cô sẽ phải chịu thua và để mặc nó muốn làm gì thì làm.
Giữa trưa thanh vắng, ngoài đường lúc này ngoại trừ hai người bọn họ ra thì không còn bóng người nào khác nữa. Nguyệt Hoa nhẫn nhịn cơn đói gồng sức đạp xe nhanh hơn, lại chẳng ngờ lúc đi gần tới cổng làng thì đột nhiên bị thứ gì đó bất ngờ đẩy một lực mạnh vào bả vai. Thế là cả người lẫn xe đều lăn xuống ruộng sát đường lớn, do quá bất ngờ nên hai người không kịp cả hét mà cứ thế mặc cho lực rơi nhanh xuống. Trời đất quay cuồng một hồi thì cuối cùng cũng dừng lại, Nguyệt Hoa toàn thân đau nhức lổm ngổm bò dậy kiểm tra người ngợm chân tay. Cũng may đây là ruộng khô đã gặt hết lúa, lại có dạ đỡ phía dưới cho nên khi ngã xuống chỉ bị xước nhẹ hai bên tay do mặc áo cộc, với lại mặt có dát dát một chút vì bị cái nón cọ phải. Xác nhận không vấn đề gì lúc này cô mới thở hắt ra, rồi chợt nhớ tới Điệp cô vội vàng quay đầu tìm kiếm.
Cách đó một đoạn Điệp đang ngồi ôm chân vẻ mặt đau đớn mím chặt môi lại, Nguyệt Hoa vừa trông thấy liền vội chạy qua.
– Chân bị làm sao rồi? Lúc ngã bị đè vào hả? –
Cô vừa hỏi vừa nhẹ nhàng kéo chân Điệp ra cúi đầu xem xét. Nhìn qua thì thấy mắt cá chân đã hơi xưng lên, màu da cũng chuyển thành màu đo đỏ, có vẻ là bị bong gân rồi. Chăm chú phủi đi từng mảng bùn đất dính trên bàn chân nhỏ của Điệp chợt cô nghe thấy tiếng cậu nhóc vang lên bên tai.
– Mẹ ơi, con đau quá…
Điệp mếu máo mím chặt môi, rõ ràng là rất đau nhưng lại không khóc lóc mà chỉ hít thở rất mạnh. Nguyệt Hoa lại chưa gặp phải tình huống như thế này bao giờ nên cũng rối, không biết phải làm gì mà xung quanh thì lại chẳng có ai.
– Không sao không sao, không đau. Một chút nữa là sẽ không đau nữa… – Cô thổi thổi vào cổ chân Điệp, nhẹ giọng dỗ dành nó vài câu.
Một đứa trẻ luôn được bao bọc khi ở với một đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình lại trở thành người gánh vác. Nguyệt Hoa giơ tay lau đi bùn đất dính trên mặt Điệp dỗ dành cậu nhóc thêm vài câu rồi dặn dò nó ngồi yên một chỗ, còn mình thì đi tới chỗ cái xe đạp đang nằm đổ chỏng vó ở bên kia. Tuy chiếc xe đạp không quá nặng nhưng mặt đường lại khá cao, Nguyệt Hoa cứ năng xe lên gần đến nơi thì lại kiệt sức tụt xuống, cứ một hồi như vậy làm cả người cô ướt đẫm mồ hôi. Lúc này cô mới tự trách bản thân bình thường chỉ ham ăn mà không chịu tập thể dục, để giờ có cái xe đạp cũng không đẩy nổi.
Nguyệt Hoa bực mình thả cái xe ra rồi ngồi bệt xuống ruộng thở hổn hển, chợt cô nghe tiếng của Điệp gọi.
– Mẹ ơi!
Còn chưa kịp í ới gì thì sau phía gáy bất ngờ nhói lên một cái như bị kiến cắn, Nguyệt Hoa giật bắn mình quay ngoắt đầu lại. Và ngay lập tức đụng mặt một người đang ông có khuôn mặt xám ngoét đang nhìn mình chằm chằm, làm cho cô hết hồn hét lên một tiếng “á” rồi lùi người về sau. Gã đàn ông có vẻ cũng bị tiếng hét của cô làm cho giật mình, gã ta hoảng hốt vội xua tay bước lên định nói gì đó, nhưng gã càng tiến thêm thì càng làm cho Nguyệt Hoa hoảng sợ. Cô nàng dùng hai tay túm đất dưới ruộng lên ném tứa lưa vào người gã, vừa ném cô vừa hét lên:
– Á Á Á! Anh đừng có lại gần đây, mau biến đi, biến đi!!
Điệp ở bên kia cũng vô cùng sợ hãi, cậu nhóc mặc cho đau đớn nơi chân vẫn cố gắng bò từng chút về phía Nguyệt Hoa.