Nguyệt Hoa nhận phạt xong thì không nói không rằng gì lầm lũi lếch thếch lê từng bước đi vào điện quỳ, bộ dạng đáng thương nhìn thế nào cũng thấy cô đang rất ấm ức. Mà lão Tòng thì từ đầu đến cuối vẻ mặt đều lạnh như tiền, không liếc nhìn cô lấy một cái. Xong Nguyệt Hoa thì đến lượt Lâm và Dũng nhận phạt, lão Tòng nể tình anh và cậu đanh bị thương nên lực lúc quật thước đã giảm đi một nửa so với lúc đánh Nguyệt Hoa. Nhận đủ gậy, đợi lão Tòng trở về phòng của mình rồi, Lâm với Dũng liền dìu nhau len lén đi vào điện thờ cùng với Nguyệt Hoa bôi thuốc và băng bó vết thương cho nhau. Một lúc lâu sau đó, ngoại trừ Nguyệt Hoa ở lại trong điện trông coi nhà cửa, còn lại đều theo chân lão Tòng đi đâu đó.
…
Buổi tối hôm đó.
Trong điện, Nguyệt Hoa yên lặng quỳ thẳng người đối diện với ban thờ, dưới chân cô kê một tấm thảm mềm và trên người cô lúc này đã thay một bộ quần áo ngủ bằng lụa cộc tay, mái tóc đen dài buông xõa thơm tho dường như đã tắm rửa sạch sẽ rồi. Tiếng bụng liên tục réo ồn ào, chốc chốc Nguyệt Hoa lại quay đầu nhìn đồng hồ treo trên tường, đã bảy giờ tối rồi mà ông ngoại cô với mọi người ra ngoài vẫn còn chưa về, cô đói quá… Bỗng cô nhớ ra, hình như trước lúc ra ngoài Dũng có nấu một nồi cám cho gà thì phải, nếu xuống bốc bốc tạm vài miếng lót dạ chắc sẽ bớt đói hơn một chút-
– Nguyệt Hoa ơi!
Chợt có tiếng gọi từ bên ngoài vọng vào. Vừa nghe thấy giọng nói đó Nguyệt Hoa liền mừng rỡ vội đứng dậy loạng choạng đi ra ngoài, quên cả vụ cám gà. Cô đứng ở cửa, hai tay bám vào tường hớn hở gọi một tiếng với hai người đang đi về phía mình.
– Bác Đào! Chú Nhất!
Từ ngoài sân bà Đào trên miệng tươi cười chậm rãi đi vào, ở đằng sau chú Nhất trên tay xách theo một cái cặp lồng sắt đựng đồ ăn to bổ chảng lóc cóc đi theo. Đến cửa điện bà Đào liền sảng khoái nói:
– Bác vừa nấu cơm xong. Nghe bảo tối nay có mình cháu ở nhà nên bác với thằng Nhất đem cơm qua đây ăn cùng cháu cho đỡ buồn.
Nguyệt Hoa nghe bà nói vậy thì đưa mắt nhìn cặp lồng cơm, đoạn cô hơi mím môi trực tiếp hỏi thẳng:
– Ông ngoại cháu đã nhờ bác nấu cơm cho cả cháu nữa, phải không ạ?
Bà Đào hơi nhướng mày, đúng là ông nào cháu nấy, ở với nhau lâu nên cũng tinh ý y như nhau. Biết cô đã đoán ra được, bà Đào bèn mỉm cười gật nhẹ đầu:
– Ừ. Ông ngoại cháu còn đặc biệt dặn bác nấu cho cháu món thịt kho tàu trứng cút mà cháu thích ăn nhất nữa đấy.
Một cảm giác xúc động chợt dâng trào, Nguyệt Hoa ngửi mùi thức ăn thơm lừng chui qua cả nắp cặp lồng mà trong lòng thấy vui vui. Ông ngoại cô luôn luôn như vậy, cho dù có giận cô tới mức nào đi chăng nữa thì vẫn sẽ âm thầm quan tâm và chăm lo cho cô.
– Thôi, ba bác cháu mình vào nhà ăn cơm luôn cho nóng, kẻo nguội lại mất ngon. – Bà Đào nói.
Nguyệt Hoa liền gật gật đầu đi tới ôm lấy cánh tay bà rồi quay đầu lại cười tươi vẫy tay với chú Nhất, sau đó thì khập khiễng cùng bà và chú đi lên phòng khách dọn cơm.
Cơm nước xong xuôi, bà Đào ngồi trong phòng ngủ của Nguyệt Hoa giúp cô bôi thuốc vào hai bên bắp chân. Liên tiếp ăn hai mươi gậy gỗ, lại thêm lực đạo khá mạnh từ lão Tòng khiến bắp chân trắng mềm của Nguyệt Hoa lúc này đã bị xước xát và sưng tấy, mấy vết xước thì dài ngoẵng còn dính cả máu đông đã ngả sang màu thậm. Cứ mỗi lần bà Đào quẹt thuốc mỡ vào vết thương là cô lại giật mình thon thót, xuýt xoa kêu đau.
– Chậc chậc, các cụ ta nói cấm có sai, thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi! Rốt cuộc thì lão Tòng thương cháu thế nào mà lại ra tay mạnh thế này, bầm tím hết cả chân con bé rồi.
Bà đào chẹp chẹp miệng, lầm bầm nói tiếp:
– Đã thành ra thế này rồi mà bắt quỳ nữa, lão Tòng đúng thật là…
Nguyệt Hoa nhìn bà mặt mày nhắn nhó liền cười hì hì, hai mắt sáng rực tiếp lời bà:
– Thế chắc ông ngoại phải thương cháu lắm ấy ạ. Quật cháu hẳn hai mươi gậy luôn cơ mà!
Cô vừa nói xong bà Đào liền phì cười, hỏi khéo:
– Cháu nói thế, là đang thấy cảm kích hay là đang nói kháy ông ngoại cháu thế?
– Ấy chết bác, cháu đương nhiên là thấy cảm kích rồi ạ! Cháu biết ông ngoại làm vậy cũng là muốn tốt cho cháu thôi mà.
– Ờ, chứ không phải cháu cảm thấy ấm ức à?
– Tại sao bác lại nói vậy ạ?
– Thì mắt cháu đấy thôi, sưng vù hết cả rồi.
Nghe bà nói vậy Nguyệt Hoa vô thức sờ lên mí mắt, đoạn cô cười cười đáp:
– Không hổ là bác Đào, chẳng có chuyện gì có thể qua mắt được bác cả!
Đoạn cô thu lại nụ cười, đổi thành gương mặt hơi trầm xuống, nói tiếp:
– Thực ra thì ban đầu cháu cũng có hơi ấm ức chút chút, bởi vì cháu nghĩ chuyện cháu làm lần này cũng không có gì là quá to tát, không đến mức ông ngoại phải đánh gãy chân cháu, cháu còn nghĩ có phải ông ngoại đang làm quá mọi chuyện lên hay không. Nhưng rồi cháu nhận ra, “mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do của nó”, có lẽ ông ngoại làm vậy đều có lý do của ông cả, chẳng qua là chưa đến lúc để ông nói ra những điều đó mà thôi.
Nghe cô bộc bạch, bà Đào có vẻ hài lòng gật gù đầu, bà chạm nhẹ lên vai cô nhẹ giọng nói:
– Ừ, cháu biết như vậy là tốt. Rồi sau này khi trưởng thành hơn cháu sẽ hiểu, tất cả những gì mà ông ngoại cháu làm ngày hôm nay đều là muốn tốt cho cháu, để tương lai cháu sẽ ngày một càng tốt hơn.
Nguyệt Hoa ngoan ngoãn gật đầu “dạ” một tiếng thành thực. Lúc này vừa hay bà Đào cũng băng bó vết thương cho cô xong, Nguyệt Hoa ngó nghiêng dòm một chút rồi nhìn bà cười tươi nói:
– Cháu cảm ơn bác Đào nhiều ạ.
Bà Đào gật gù xua tay ý nói không có gì, rồi bà thu dọn bông băng còn thừa đứng dậy đi về hướng cửa phòng, ngoảnh đầu lại nói:
– Hai chú cháu cứ ngồi chơi đi nhé, bác về nhà làm nốt tí việc đang còn dở tay.
– Dạ vâng ạ.
Nguyệt Hoa và chú Nhất cùng đồng thanh gật đầu.
Bà Đào vừa rời đi chú Nhất lại cúi mặt xuống tiếp tục bấm bấm điện thoại, Nguyệt Hoa để ý thấy liền cúi đầu ngó vào, thì ra chú đang chơi trò Candy Crush Saga – là trò mà hôm bữa cô đã dạy cho chú. Trông chú rất tập trung, lại nhìn nét mặt cau có thế kia thì có vẻ nãy giờ chú chơi toàn thua rồi. Cô bèn giơ tay chỉ chỉ vào góc màn hình điện thoại phần có mấy cái trợ giúp, nói:
– Ván này rất khó, chú phải chọn sự trợ giúp ở đây để hỗ trợ thì mới qua ải được.
Tay chú hơi ngừng lại, quay qua nhìn cô một chút rồi sau đó liền làm theo, ấn vào một trong mấy sự trợ giúp rồi tiếp tục kéo qua kéo lại vài cái, màn hình ngay lập tức rung lên nổ liên tục như động đất và quả nhiên đã thắng. Ngay tức khắc đôi lông mày chú giãn ra rồi nở một nụ cười mãn nguyện, Nguyệt Hoa ngồi bên cạnh dõi theo cũng nhoẻn miệng cười, cô hô lên:
– Đó, thắng rồi này! Những ván sau nếu khó quá thì chú cứ chọn trợ giúp mà chơi, đảm bảo nhất định sẽ qua được ải.
Chú liền gật gật đầu đồng tình, rồi chú nói:
– Hoa giỏi ghê, cái gì cũng biết hết.
Được chú khen Nguyệt Hoa liền cười he he, ngại ngùng khoát tay:
– Cũng không phải do cháu giỏi gì đâu, là do mấy cái này rất dễ, chỉ cần nhìn một lần là sẽ biết. Mà chú mới gọi là thông minh ấy, cháu chỉ chỉ chú có một cái, chú liền học được ngay à!
-… Hoa khen tôi thông minh ư?
Chú Nhất có vẻ rất ngạc nghiên, ngơ ngác nhìn cô:
– Nhưng mọi người đều cho rằng tôi rất ngốc, thường hay nói tôi bị cái gì mà… thiểu năng trí tuệ bẩm sinh… Rồi còn nói trí não của tôi chỉ bằng một đứa trẻ năm tuổi, cả đời này chỉ làm gánh nặng cho mẹ Đào mà thôi.
– Sao cơ! Ai lại có thể nói ra những lời quá đáng như thế với chú kia chứ?
Nguyệt Hoa vừa nghe cái thì liền giẫy nảy lên, sau đó nghe chú lí nhí đáp lời:
– Mọi người ở trong thôn ai gặp tôi cũng đều nói thế hết…
– Bọn họ thì biết cái gì chứ, chú đừng có nghe bọn họ nói linh tinh!
Cô tức giận quạc lên, rồi cô quay sang đối diện với chú bằng ánh mắt cực kì chân thành, nói với giọng kiên định:
– Chú Nhất mà cháu rất thông minh, học một biết mười, ngoan ngoãn nghe lời người lớn lại còn biết phụ giúp việc nhà cho gia đình. Còn tốt hơn gấp bội những tên con trai lớn tướng đầu rồi mà còn ăn bám bố mẹ ngoài kia ấy! Cho nên nếu lần sau còn có ai nói những lời như thế nữa thì chú cứ bịt tai lại, mặc kệ bọn họ, cứ coi như tiếng ruồi vo ve mà lơ đi, chú hiểu không?
Dường như đang loading những lời Nguyệt Hoa vừa nói, chú Nhất lơ ngơ một hồi sau mới gật gật đầu:
– Ừm, tôi hiểu rồi.
Đoạn chú hơi mím môi, bén lén nhìn cô hỏi:
– Vậy, Hoa thì sao? Hoa có chê tôi ngốc nghếch không?
– Hở, tất nhiên là không rồi! Từ bé tới giờ cháu đều coi chú là bạn thân của cháu, là người mà cháu vô cùng yêu quý, làm sao mà cháu có thể chê chú được kia chứ.
Nguyệt Hoa ngay lập tức trả lời mà không cần suy nghĩ. Nghe được câu trả lời chú có vẻ vui, miệng hơi tủm tỉm cười, hỏi nữa:
– Vậy sau này cũng sẽ thế sao, cũng vẫn sẽ coi tôi là “bạn thân”, và yêu quý tôi như bây giờ phải không?
Cô liền gật đầu:
– Đương nhiên rồi ạ. Trước kia, bây giờ hay sau này đều vẫn sẽ vậy, vĩnh viễn không đổi thay.
– Kể cả sông có cạn, núi có mòn?
– Ưm. Kể cả vậy!
Bất chợt Nguyệt Hoa hơi khựng lại, chớp chớp mắt nhìn chú Nhất. Cái câu ca dao đó, sao chú lại biết? Chú đâu có đi học… không lẽ là nghe người khác nói rồi học theo chăng? Đang định há miệng thắc mắc thì bất ngờ chú chìa bàn tay trắng nhợt đến trước mặt cô, rồi chú làm động tác nắm ba ngón lại và chỉ chìa ra ngón út và ngón cái, nói:
– Vậy chúng ta móc ngoéo đi. Hoa hứa sẽ không nuốt lời, một trăm năm cũng không thay đổi.
Nguyệt Hoa hơi sững sờ, vài giây sau thì bật cười nhìn thẳng chú:
– Oa. Chú Nhất dạo này ghê nha, còn biết cả trò này nữa. Là ai đã dạy cho chú thế?
Vừa nói cô vừa giơ tay chậm rãi móc ngón út vào ngón tay chú. Chú ngại ngùng cười cười, cũng gặp ngón út lại ôm lấy ngón tay cô rồi chạm nhau đầu ngón tay cái, đáp lời:
– Là mẹ Đào dạy cho tôi đấy. Mẹ nói, nếu muốn hứa hẹn với ai đó thì hãy móc ngoéo, móc ngoéo rồi thì nhất định không được nuốt lời, nếu không người thất hứa sẽ phải bị phạt.
– Ồ, cái này thì bác ấy nói đúng rồi này. Hồi còn nhỏ cháu cũng thường hay dùng cách này để hứa hẹn với lũ bạn, tuy bây giờ cháu đã lớn, nhưng nếu đã móc ngoéo với chú thì cháu tuyệt đối sẽ không nuốt lời.
Nói rồi cô cũng ẩn đầu ngón tay cái sát vào, sau đó cả hai cùng đọc to câu thần chú:
– Móc tay ngoéo chân, trăm năm không đổi!!
Như một lời hứa hẹn, lúc ấy cô chân thành, chú cũng chân thành.
Bà Đào đứng lấp ló ngoài cửa buồng nghe lén cuộc trò chuyện của hai chú cháu, bất giác miệng bà cười ngoác mang tai vội giơ tay bụm miệng lại. Cái thằng con ngốc nghếch của bà thế mà lại rất nhanh nhạy, bà mới chỉ dạy nó có hai lần thôi mà nó đã nhớ hết, đứng trước mặt con bé lại rất khéo léo lưu loát thăm dò, không uổng công bà kì vọng. Thằng con của bà ngốc nghếch, ngu ngơ cũng không sao cả, bà chỉ cần con bé Nguyệt Hoa này không ghét bỏ nó, không chê nó ngu đần là được, như vậy là bà đã có thể yên tâm giao con trai lại cho con bé rồi. Đoạn bà vui vẻ quay đi, trong lòng thầm nghĩ, đợi vài hôm nữa bà phải gặp lão Tòng xin mai mối Nguyệt Hoa cho con trai bà mới được!
Một lát sau bà Đào quay lại để đón chú Nhất về nhà ngủ, không ngờ lại bắt gặp hình ảnh Nguyệt Hoa và chú đang nằm nghiêng người trên giường say sưa ngủ, hai người còn mặt đối mặt, tay và chân cò quăm gần chạm vào nhau, làm bà vạn phần kinh hỉ vội sững lại, đứng ở cửa phòng nhìn một lúc thật lâu. Nhìn khung cảnh “đẹp đẽ, thơ mộng” này bà không nỡ đánh thức chú Nhất dậy, thế là bà bèn rón rén đi đến giở cái vỏ chăn mỏng ra đắp lên cho hai người, sau đó thì nhanh chóng khép cửa lại rồi rời đi.
(Truyện được sáng tác bởi tác giả:Hồng Gấm)
Đêm đến, bên ngoài cửa cổng nhà lão Tòng có vài cái bóng trắng dập dờn thập thò ngó vào bên trong, chúng thì thầm to nhỏ với nhau.
– Cái cô Nguyệt Hoa này làm gì mà cứ ở trong nhà suốt thế, cả ngày không thấy thò mặt ra ngoài lấy một lần.
– Phải đấy. Làm tụi mình nhòm dài cả cổ.
– Này, có khi nào cô bé đó nuốt lời rồi không? Lợi dụng chúng ta xong thì vứt bỏ, cho nên mới trốn khư khư ở trong nhà để tránh chúng ta?
– Nó dám chắc!
Vong linh nữ tức giận, tuôn ào ào âm khí ra xung quanh vừa nghiến răng ken két:
– Một khi đã giao kèo với ma quỷ thì tuyệt đối không được nuốt lời, nếu nó dám thất hứa thì tôi nhất định sẽ đeo bám nó cả cuộc đời, và nguyền rủa nó cho tới tận lúc chết!
– Đúng đúng. Cả bọn tôi nữa, tuyệt đối sẽ không tha thứ cho con bé đó!
Mấy vong linh kia cũng vội hùa theo. Vốn dĩ bọn chúng muốn xông vào bắt người đi luôn, nhưng ngặt nỗi trong ngôi nhà này có điện thờ, có nhà thánh bảo vệ là nỗi sợ của ma quỷ, nên bọn chúng chỉ có thể thập thò ở ngoài này đợi…
– Các ngươi dóm ngó cái gì ở chỗ này?
– Á á á á á!!!
Đột nhiên có tiếng nói làm đám vong linh giật bắn mình, quơ tay túm chân qíu vào nhau ngã dúi dụi hết xuống mặt đường. Lúc này ở trên bờ tường ba vanh trước mặt bọn chúng, một người đàn ông dáng người hơi gầy bận quần vải đen phối với áo xơ mi trắng buông thả đang ngồi vắt vẻo buông thõng hai chân xuống. Trong đêm tối, làn da của hắn từ mặt mũi đến tay chân đều trắng nhợt nhạt như xác chết ngâm nước lâu ngày. Mà khi đã nhìn rõ hắn đám vong linh ngay lập tức liền thất kinh, vẻ mặt người nào người ấy biến sắc. Trong cả đám chỉ có vong linh nữ dám run rẩy đứng dậy, ả nhìn kẻ đó bàng hoàng lên tiếng:
– Ông, ông là… Sao ông lại xuất hiện ở nơi này?
Người đàn ông đột nhiên nheo mắt lại chiếu đăm đăm vào vong linh nữ, làm ả hoảng sợ thối lui lại. Rồi hắn chậm rãi lên tiếng:
– Đi đi. Nơi này không phải chỗ mà đám vong linh yếu ớt các ngươi có thể đi vào.
– Nhưng…
Vong linh gân cổ lên định nói gì đó, rồi trong tích tắc ả vội điều chỉnh lại giọng điệu, lễ phép nói:
– Xin thưa, nhưng cô gái ở trong ngôi nhà này đã giao kèo với đám chúng tôi, cô ta có nợ đám chúng tôi một món nợ ân tình. Chúng tôi chỉ muốn đến lấy thứ mà chúng tôi được hứa sẽ trả thôi ạ.
Ả vừa nói dứt lời liền căng thẳng nhìn người đàn ông, hắn im lặng vài giây rồi mới nói:
– Các ngươi không thuộc về nơi này, những thứ ở dương gian cũng không dành cho các ngươi. Nếu đã chết rồi thì phải xuống cõi âm đầu thai chuyển kiếp, không nên tham luyến những thứ trần thế mà vất vưởng lưu lại cõi này. Nhân – quả là một vòng luân hồi xoay chuyển, nếu cô gái đó đã nợ ân tình của các ngươi vậy ắt sẽ có ngày trả đủ.