Từng câu từng chữ ý nghĩa rõ ràng là muốn đuổi đám vong linh bọn họ đi, ả tuy kính sợ nhưng lại không cam lòng, đây là cơ hội duy nhất để ả có thể trở về nhà gặp lại bố mẹ già, ả không muốn cứ thế mà đánh mất! Vong linh nữ nắm chặt hai bên tay nhìn người đàn ông chằm chằm, lấy hết can đảm lên tiếng:
– Thứ cho chúng tôi không thể làm theo lời ông, chúng tôi nhất định phải gặp được cô gái đó-
Bất chợt một ánh nhìn sắc bén đầy áp lực chiếu thẳng vào linh hồn vong linh khiến ả ngộp thở ngã quỵ xuống dưới đất, ngay cả mấy vong linh ở đằng sau cũng rúm ró hết lại. Cả người vong linh nữ run lên bần bật như cá nằm trên thớt, trong cơn kinh hoảng ả nghe thấy giọng nói âm u của người kia một lần nữa vang lên:
– Đi đi.
Ả quỳ người ở dưới đường run rẩy ngước mặt lên nhìn người kia, trong mắt chứa đầy căm phẫn như đang muốn nói “món nợ này một ngày nào bọn tôi nhất định sẽ đến lấy lại”, sau đó liền cùng mấy vong linh kia vụt một cái hóa thành những con đom đóm rồi bay đi mất.
…
Những ngày sau đó trong thôn không còn xảy ra sự việc kỳ lạ đặc biệt nào nữa, giống như sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, lại trở về những ngày yên bình như trước kia. Ngoại trừ thi thoảng sẽ bóng gió nghe được từ miệng các cô các bác bàn tán với nhau về một vị Tăng Sĩ già từ nơi xa xôi đến thôn, hữu duyên xin vào chùa ngày đêm tụng kinh cầu phúc cho những người dân trong thôn. Nghe đâu vị Tăng Sĩ này mỗi ngày còn cho người ra các chợ lớn nhỏ mua những con vật sống được người ta bán với số lượng lớn sau đó thì đem đi phóng sinh, lại còn kêu cầu cả hiến máu nhân đạo nữa. “Dẫu xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Mấy chuyện làm phước tích đức như này hễ cứ là người có lòng nhân đạo, thương người đều sẽ tham gia. Thế nhưng, mặt khác vẫn có một số ít người tặc lưỡi lắc đầu phật áo quay đi. Lại cũng có một số người nói bóng nói gió vị Tăng Sĩ già này làm chuyện dư thừa, thôn của bọn họ đang yên ổn cần gì một lão già từ đâu tới khua chân múa mép bắt bọn họ phải làm thế này phải làm thế kia, há chẳng phải nói bọn họ ăn ở ác nghiệp, thiếu phúc đức hay sao? Tóm lại mỗi người một ý, tuy không tranh cãi gì nhiều nhưng cũng là chủ đề nóng hổi để bàn tán sáng chiều.
Còn về ba thầy trò lão Tòng mấy ngày nay cũng bận rộn ở ngoài làm gì gì đó không về nhà, chỉ có Lâm và Dũng tối nào cũng gọi điện về cho Nguyệt Hoa buôn chuyện vài câu, tiện thể thông báo tình hình của lão Tòng cho cô biết, và cũng từ lời của hai anh mà Nguyệt Hoa biết được một chuyện khá là quan trọng. Nghe đâu một đoạn thời gian trước lão Tòng bói ra một quẻ “Đại Hung” báo rằng thôn Chiềng sắp tới sẽ gặp chuyện đại xấu, lại vì trong thôn yêu ma không dưng nối đuôi nhau mò đến, âm khí nặng nề, làm lão lo sợ xóm làng không yên ổn nên mới lên đường đi tìm một vị Tăng Sĩ đạo hậu thâm sâu về thôn để tụng kinh sám hối, xua đuổi tà ma và cầu phúc cho thôn làng. Nói ra thì sợ người ta chê cười chửi mình mê tín dị đoan, gieo bừa một quẻ lại nói cả thôn gặp nạn, ai mà tin cho được! Thế nhưng “mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do của nó”, lão Tòng xưa nay luôn là người làm việc cẩn trọng, tính tình lại cực kì cương nghị, nhìn xa trông rộng nên tuyệt đối không phải là một người dễ bị mê hoặc bởi những thứ tà ma mơ hồ. Lâm với Dũng cũng nói mọi chuyện không quá nghiêm trọng, dăm ba bữa xong việc sẽ về nhà, bảo cô chỉ cần ngoan ngoãn ở trong nhà dưỡng thương là được.
Nguyệt Hoa ở nhà rảnh rỗi không có gì làm tối ngày quây quần bên hai mẹ con nhà bà Đào, sáng thì ở nhà hương khói trong điện thờ, chiều đã khập khiễng chạy qua nhà bà kéo chú Nhất đi chơi. Ba người bọn ăn chung một mâm, ngủ cùng một nhà, cực kì thân thiết.
Bẵng đi vài hôm, nhờ có máu lành mà vết thương ở chân Nguyệt Hoa đã đóng vảy, không còn sưng và vết bầm cũng mờ dần đi nhiều. Chân vừa chạy nhảy được cái, sáng sớm mặt trời hãy còn lưng chừng núi Nguyệt Hoa đã kéo chú Nhất chạy ra quán tạp hóa mua mấy dây sữa tươi và ít đồ ăn vặt, chuẩn bị cùng chú qua nhà ông bà Quát thăm nhóc Điệp.
Bởi vì chỉ cách có một đoạn đường ngắn nên thông thường Nguyệt Hoa sẽ chọn đi bộ, nhưng vì tiết trời buổi sáng hôm nay khá đẹp lại mát mẻ nên cô đột nhiên nổi hứng lôi con xe đạp mini nữ cà tàng ra ngừa ngựa lóc cóc đèo chú Nhất, vừa đi vừa hóng gió. Hai chú cháu vừa cập bến vào sân nhà ông bà Quát, còn chưa kịp dựng chân chống xe xuống Điệp đã lao từ trong nhà ra ôm chầm lấy Nguyệt Hoa, rồi khóc quá trời quá đất. Lúc ấy cô cũng cười cười vòng tay ôm lại cậu nhóc, còn bất giác không để ý mà giơ tay vỗ nhẹ lên lưng nó như muốn an ủi vỗ về.
Trước đó mấy hôm bà Quát có gọi điện cho cô báo nhóc Điệp đã bình an xuất viện. Thằng nhóc vừa về đến nhà cái là nằng nặc đòi qua gặp cô, nhưng vì tai nạn trước đó nên ông bà Quát tạm thời không dám cho cháu đi ra ngoài, nên đã nhờ cô thu xếp hôm nào đó qua nhà nhìn Điệp một cái cho nó đỡ mong mỏi.
Ngồi chơi với Điệp cỡ ba tiếng đồng hồ, cho đến khi cậu nhóc mệt quá mà ngủ thiếp đi. Nguyệt Hoa cẩn thận kê gối đắp chăn cho Điệp xong xuôi, sau đó ra ban thờ gia tiên thắp cho chị Thu ba nén nhang, rồi thì xin phép hai chú cháu ra về. Trên đường đi về, đi tới cửa Đình thì cái xe đạp cọc cạch còn mót lại được sau lần bị Tinh Đỉa xô lộn cổ xuống ruộng đột nhiên lại dở chứng tuột xích, Nguyệt Hoa đành phải đỗ lại kiếm chỗ có bóng cây để sửa xe.
Trú ở dưới gốc cây bàng đằng trước Đình, chú Nhất thong thả đứng dựa vào thân cây dáo dác nhìn người đi đường qua lại, Nguyệt Hoa thì ngồi xổm dưới đường chổng mông chổng tĩ loay hoay cho dây xích vào trục sắt. Tí tí lại đứng lên, tí tí lại ngồi xuống, cứ cho được chỗ này vào thì chỗ kia lại tuột ra. Nguyệt Hoa cầm cái cành cây khô to bằng đầu đũa vừa lượm được ở dưới đường kiên nhẫn khéo léo gẩy từng chút một, mồ hôi ở trên trán đã lấm tấm nổi đầy.
– Này, sao dạo này lại có lắm chuột ở đâu ra thế nhỉ? Nhà tôi còn mấy sào ruộng hãy còn ẩm ương, đang định để mấy hôm nữa chín hẳn rồi gặt một thể mà bị chúng nó cắn tan tát, chán không cơ chứ!
Bên cạnh đột nhiên có tiếng nói chuyện, thì ra vừa có hai bác gái từ đâu đi tới gốc cây ngồi nghỉ mát buôn chuyện.
– Ôi dồi ôi, đây nhà tôi cũng thế đây, tiếc đứt cả ruột gan. Chuột với trí, cứ bảo đóng tiền cho xã để mua thuốc diệt chuột về đánh mà có ăn thua đâu, cái giống nó khôn chỉ cắn lúa chớ thuốc thì tránh. Năm nay ấy hả, ối nhà mất mùa đấy!
– Công nhận. Cứ thế này khéo dân họ lại rút hết tiền về, xã lại phải đọc loa kêu gọi mỏi mồm cho mà xem.
– Thì phải chịu thôi bà ợ. Thấy bảo còn có người trông thấy chuột ở trong nhà mình, cứ vài chục con nó quấn đuôi lại vào với nhau như bị dính keo. Tôi nghe người ta bảo đấy là hiện tượng “vua chuột”, là điềm báo cho một tai ương khủng khiếp sắp diễn ra như nạn đói hoặc bệnh dịch đấy!
– Ui sao gớm thế. Bà nghe thông tin ấy ở đâu, có chính xác không?
– Tôi cũng chả biết có chuẩn hay không, cũng chỉ nghe người ta đồn như thế thì biết thế thôi.
– Hài, này chỉ khổ dân thôi. Gieo mạ, cấy lúa, mua lân mua đạm, chăm bẵm cả mấy tháng trời cuối cùng lại mất trắng…
Nguyệt Hoa ở bên này sửa xe đạp cũng hóng hớt nghe người ta kể chuyện, mải mê chốc nhát cũng đã lắp xong cái xích xe.
– Mặt trời lên cao rồi, mau về nhà thôi Hoa.
Chợt chú Nhất từ chỗ gốc cây đi qua che chắn trước mặt cô, giơ tay xoa lên bụng mình nói tiếp:
– Tôi đói rồi.
Nguyệt Hoa liền ngẩng mặt cười cười đứng dậy đạp chân chống xe rồi trèo lên yên xe ngồi, đoạn cô phủi hai tay sạch sẽ quay đầu nói:
– Dạ. Mau về thôi, kẻo bác Đào lại ngóng.
Chú gật đầu tiến tới dạng hai chân ra ngồi lên yên sau xe, hai tay khéo léo túm lấy vạt áo bên eo Nguyệt Hoa để bám. Cô nom chú đã ngồi vững thì lấy đà đạp một cái rồi co chân lên chạy xe đi, chiếc xe mỏng manh trở hơn một tạ liêu xiêu lãng qua lãng lại. Đi được một đoạn, Nguyệt Hoa thở nặng nề đột ngột nói:
– Đèo chú tốn sức ghê á, lần sau đến lượt chú chở cháu đấy nhé.
– … Nhưng tôi không biết cách sử dụng thứ này.
Chú vừa dứt lời liền nghe tiếng cô bật cười:
– Ha, gì đây. Chú vì không muốn đèo cháu nên mới giả đò không biết đi để trốn tránh chứ gì. Chú quên mất là ai đã tốn quá trời sức lực để dạy chú đi xe đạp rồi à. Không ngờ chú lại biết dùng cả chiêu “giả ngu” nữa cơ đấy. Lần này lại ai đã dạy cho chú thế, là bác Đào hở?
Chú như bị nhìn thấu gượng gạo đáp một tiếng “ừm”, rồi nghiêng người về đằng trước hơi nheo mắt lại nhìn từng cử chỉ động tác đạp xe của Nguyệt Hoa như đang quan sát. Hồi lâu sau chú lên tiếng hỏi:
– “Đạp” thứ này rất mệt sao?
Cô liền đáp:
– Dạ. Không chỉ mệt thôi đâu mà còn phải che chắn hết cả nắng gió, mưa bão tạt vào người nữa, cháu lười nhất là vụ cầm lái ấy!
– Nếu vất vả như vậy… Vậy những lần sau hãy để tôi đèo Hoa đi.
– Thật ạ? Kể cả những ngày nắng gắt, những ngày gió rét?
– Ừm. Kể cả những ngày như thế.
– Okay. Vậy cháu sẽ chờ tới lần sau!
Nguyệt Hoa hí hửng cười tít mắt, chổng mông lên lấy đà đạp mạnh vài vòng để gió lùa vào mặt, mát không tả nổi.
(Truyện được sáng tác bởi tác giả:Hồng Gấm)
Về đến nhà bà Đào, Nguyệt Hoa dựng xe vào góc sân, từ ngoài đi vào đã nhìn thấy bà Đào ngồi ở cửa nhà đang lay hoay đan tre mền thành hình thù gì đó, bên cạnh còn có mấy cái giấy bóng màu xanh đỏ và vài sợi dây kim tuyến lấp lánh. Nghe tiếng động bà liền ngẩng mặt lên, nhìn thấy cô và chú bà ngay lập tức mỉm cười, nói:
– Hai đứa về rồi đấy à. Cu Điệp đã khỏe hơn chưa?
– Dạ nhóc đó khỏe re rồi bác ạ.
Nguyệt Hoa vừa đi vừa đáp. Đoạn cô đi đến ngồi xuống đối diện bà Đào, làm bộ phiền muộn nói tiếp:
– Bác không biết đâu, vừa gặp cháu cái nó liền ôm chặt lấy cháu khóc bù lu bù loa, rồi còn luôn miệng nói “may quá mẹ còn sống, con còn tưởng mẹ chết rồi” nữa chớ. Ôi mẹ ơi, làm cháu dựng hết cả tóc gáy!
Bà Đào liền bật cười:
– Cu cậu là lo cho cháu quá nên mới thế. Tính ra, cháu mà có được thằng con nuôi biết quan tâm lo lắng cho mẹ như vậy là phúc đức lắm đấy.
– Ấy ấy bác ơi! Cháu không dám nhận nó làm con nuôi đâu ạ. Cháu hơn nó có chín tuổi, còn chưa chồng chưa người yêu, nếu ngày nào cũng phải nghe nó gọi là mẹ chắc cháu sẽ tổn thọ mà nghẻo sớm mất.
– Ha ha, làm gì mà đến nỗi ấy, dần dần nghe nhiều rồi cũng sẽ quen thôi.
– Cháu nói thật đấy ạ! Mỗi lần nghe nó gọi “mẹ ơi, mẹ ơi”, cháu cảm tưởng cho dù mình có bị bất tỉnh thì cũng phải nổi da gà mà bật dậy mất. Không tin bác nhìn mà xem này.
Nguyệt Hoa nói xong còn giơ cánh tay đang nổi đầy da gà, da vịt đến trước mặt bà Đào để chứng minh lời nói của mình là không hề điêu ngoa. Bà Đào nhìn một chút rồi cười cười:
– Bác biết mà. Bác trêu cháu thôi ha ha.
– Trời ạ. Bác cứ làm cháu hãi.
Lúc này Nguyệt Hoa mới thở phào ra, rồi không biết lại nghĩ đến cái gì mà bất giác rùng mình một cái. Bà Đào nhìn cô mỉm cười lắc đầu. Cô bé này ấy à, miệng cứng nhưng lòng mềm, chỉ là tính cách vô tư lại khá bướng bỉnh, nên mới không biết cách thể hiện tình cảm ra mà thôi.
– Mà bác đang làm gì thế ạ?
Nguyệt Hoa lúc này mới để ý mấy thứ trong lòng bà Đào, tò mò hỏi. Nghe cô hỏi bà Đào cũng như mới sực nhớ ra, liền cầm thứ trong tay chìa đến trước mặt cô nói:
– Bác đang làm đèn ông sao cho thằng Nhất đi chơi Trung thu này. Cháu có muốn một cái không, tiện đây bác làm cả cho.
– Í, đã đến Trung thu rồi ấy ạ? Cháu không xem ngày tháng nên chẳng biết gì luôn. Thảo nào vừa nãy đi ở ngoài đường lại cứ thấy người ta đang treo gì đó lên cổng xóm, thì ra là họ đang chuẩn bị cho ngày Trung thu.
– Ừ. Hôm nay đã là mười ba âm lịch rồi, họ chuẩn bị dần dần trước mấy ngày đến hôm đó là vừa.
– Dạ. Ui thế thì mấy bác cháu mình cũng phải chuẩn bị dần đi thôi!
Nguyệt Hoa nghe đi chơi là khoái lắm, mọi năm đều có ông ngoại làm cho, năm nay cô cũng muốn tự mình làm một lần. Nguyệt Hoa mím môi nheo mắt nhìn đống đồ hàng một chút, đoạn cô cầm mấy thanh tre lên hướng bà Đào hí hửng nói:
– Cháu cũng muốn một cái đèn ông sao năm cánh giống chú Nhất, bác dạy cháu làm nhé ạ?
– Được, không thành vấn đề.
Bà Đào cười cười gật đầu, đoạn bà vẫy tay với chú Nhất:
– Thằng Nhất lại đây để mẹ dạy cả cho. Trung thu năm sau thích cái gì thì cứ thế mà làm.
Chú Nhất nghe bà gọi thì rất ngoan ngoan đi tới ngồi xuống cạnh Nguyệt Hoa, chăm chú cùng cô nhìn bà Đào chỉ dạy. Ba người ngồi lay hoay làm vài loại đèn khác nhau, ở cửa nhà chốc chốc lại vang lên âm thanh cười nắc cười nẻ giòn tan.