Mùa đông bảy năm về trước, sau khi theo bố mẹ lên thành phố sống ngày nào Nguyệt Hoa cũng nhớ ông ngoại, ngày nào cũng năn nỉ cầu xin bố mẹ cho cô về quê gặp ông nhưng bố mẹ cô một mực không đồng ý, thậm chí còn nhốt cô vào phòng và khóa trái cửa lại. Cứ như vậy suốt ba tháng trời khóc lóc ầm ĩ dòng dã qua đi. Cho đến một ngày nọ, lựa lúc bố mẹ đều đã ra ngoài làm việc hết Nguyệt Hoa liền trèo qua lan can tầng hai tụt xuống dưới đường rồi chạy đi bắt xe taxi về thôn Chiềng tìm ông ngoại. Giữa tháng mười hai rét căm căm cô mặc trên người mỗi chiếc áo len mỏng manh và cầm theo con lợn đất đựng tiền lì xì ngày tết mỗi năm, đập ra rồi dùng tiền đó để trả tiền taxi. Nhưng ai mà ngờ số cô đen đủi, lại lên phải xe của một tên biến thái thích hành hạ những bé gái mới lớn, lên xe được một lúc thì gã bất ngờ bịt thuốc mê cô rồi đưa cô về nhà của gã. Đến khi cô tỉnh lại thì đã ở trong một căn nhà hoang xa lạ, xung quanh kín mít tối om chỉ hở có đúng một cái lỗ thông gió nhỏ. Gã biến thái này tuy không đánh đập cô nhưng lại coi cô như lũ xúc vật, mỗi ngày không cho cô ăn côn trùng sống thì cũng là đồ ăn thừa đã bị ôi thiêu thối. Ban đầu cô cự tuyệt không động một miếng nào, nhưng rồi cơn đói hành hạ cô mỗi khi đêm xuống và bắt buộc cô phải nuốt những thứ kinh tởm đó xuống bụng. Thời gian cứ như vậy qua đi, Nguyệt Hoa ở nơi địa ngục đếm từng ngày một trong vô vọng, không có ai đến tìm cô, cũng không có ai đến cứu cô, một mình ở nơi ẩm ướt bị bóng tối bao trùm cả ngày lẫn đêm khiến một đứa trẻ mới mười hai tuổi đầu như cô dần sói mòn tâm trí. Cho đến đêm ngày thứ mười ba, cô đã không thể nào chịu nổi nữa mà quyết định phạm vào cấm kị, dùng một trong những cách gọi hồn lũ ma đói đến và lập một giao kèo kêu chúng đến tìm bố mẹ cô và chỉ dẫn cho họ đến nơi này. Vào buổi trưa ngày hôm sau cảnh sát cùng bố mẹ Nguyệt Hoa đã bất ngờ ập đến bắt giữ tên biến thái và giải cứu được cô. Cô vẫn còn nhớ rõ giây phút mà cánh cửa căn nhà hoang mở ra cô như được cứu rỗi, vừa vui sướng vừa hoảng sợ khóc nức nở đến mức ngất lịm đi. Ngay sau đó Nguyệt Hoa được đưa đến bệnh viện cấp cứu, và kết quả là phải điều trị về tâm lý trong suốt nửa năm trời sau đó.
Mọi thứ dần dần đều được chữa lành, nhưng chỉ có duy nhất một thứ mà cô không cách nào lấy lại được, đó là “vị giác”. Bởi lẽ do dư chấn tâm lý để lại mà từ đó về sau cô không còn có thể cảm nhận được mùi vị của đồ ăn nữa, cũng như không thể phân biệt đâu đồ ăn được và đồ không ăn được. Sau sự việc đó lão Tòng cùng với ông bà Thắng cãi cọ nhau một trận um xùm rõ to, còn mém nữa thì từ cả mặt nhau luôn. Vì không muốn sự tình càng thêm căng thẳng và cũng như không muốn ông ngoại phải thêm lo lắng nên Nguyệt Hoa quyết định âm thầm đem chuyện này ém vào sâu trong đáy lòng, không nói cho bất kì một ai cả. Bao nhiêu năm qua trong mắt mọi người cô luôn là một đứa trẻ ham ăn ham uống, hậu đậu, che dấu kĩ càng như vậy không ngờ lại bị một kẻ mới gặp vài ba lần nhìn thấu, đúng là có hơi bất ngờ.
Ngồi thêm một lát, sau đó Thái Qúy lại chơi trò “ảo thuật gia biến hình” đưa cô trở về nhà. Bên trong nhà lúc này tối om, nom có vẻ mọi người đều đã ngủ hết rồi. Nguyệt Hoa ngó nghiêng một chút rồi rón ra rón rén mò về phòng của mình, ai ngờ vừa bật điện lên quay đầu lại liền nhìn thấy lão Tòng đang ngồi thù lù trên giường nhìn mình chằm chằm, cô giật bắn mình hét toáng lên:
– Ối cha mẹ ơi!!
– …Ông, ông ngoại??
Khi đã nhìn rõ người ngồi ở giường là ai rồi lại làm cô càng thêm hoảng hơn, vội lắp ba lắp bắp:
– Sao, sao giờ này rồi mà ông còn chưa ngủ thế ạ?
Nói đoạn cô thở hít sâu một hơi nuốt nước bọt nhìn lão Tòng. Con gái con đứa lại bị bắt gặp ra ngoài đến tận nửa đêm mới về thế này, kiểu gì cũng bị ăn đòn cho mà xem. Thế nhưng khác với suy nghĩ của cô, lão Tòng lại nói một câu với giọng rất nhẹ nhàng:
– Đi ngủ thôi, muộn lắm rồi.
Điều này ngoài dự kiến làm cô có hơi bất ngờ khẽ nhăn mày nhìn lão, nhưng đôi chân thì vẫn chậm rãi đi về phía giường. Hai ông cháu nằm xuống giường đắp chăn đến ngang người cẩn thận, Nguyệt Hoa theo thói quen ôm lấy cánh tay lão Tòng chúc một câu “ông ngoại ngủ ngon” rồi nhắm mắt lại. Vài giây sau cô nghe thấy lão gọi tên mình:
– Nguyệt Hoa.
Cô ngay lập tức mở mắt thưa vội:
– Dạ ông.
– Chuyện học hành của con dạo này vẫn ổn chứ?
– Dạ vâng, vẫn ổn ạ. Cô chủ nhiệm nói, nếu con cứ giữ tiến độ như hiện tại thì sẽ tốt nghiệp với số điểm khá cao.
– Ừm. Cháu gái ông giỏi lắm.
– Dạ, nhờ ông ngoại mài giũa con cả đấy ạ!
Cô vui vẻ xấu hổ cười cười bất giác càng ôm chặt cánh tay lão Tòng hơn, lão cũng giơ tay xoa xoa ngô đầu cô rồi lại hỏi tiếp:
– Vậy… sau này con muốn trở thành con người như thế nào?
– Ừmmm, trở thành người như thế nào ấy ạ…?
Nguyệt Hoa chưa từng nghĩ đến vấn đề này, cô suy nghĩ một chút rồi đột ngột hỏi ngược lại:
– Thế ông ngoại muốn con trở thành một người như thế nào ạ?
Lão Tòng bất giác nghiêng đầu qua nhìn cô, đoạn lão quay đầu trở lại hiền hòa nói:
– Một người thành thực.
– Một người thành thực ấy ạ?
– Ừ. Ông ngoại mong con lớn lên thật xinh đẹp, mạnh khỏe và luôn dùng sự chân thành để đối đáp với tất cả mọi người. Chỉ cần con chân thành, một ngày nào đó con nhất định sẽ nhận lại được sự đền đáp xứng đáng, ông ngoại hy vọng con có thể trở thành một người như vậy.
Nguyệt Hoa ngay lập tức gật đầu mà không cần suy nghĩ.
– Dạ vâng. Vậy thì con sẽ trở thành một người thành thực như lời ông ngoại nói ạ.
Lão Tòng hài lòng gật gù giơ tay vuốt nhẹ lên mái tóc mềm của cô hồi lâu, rồi lão bất ngờ nói:
– Ngày mai con sắp xếp hết đồ đạc rồi về Hà Nội đi.
Ngay lập tức nụ cười trên môi Nguyệt Hoa vụt tắt, kinh ngạc nhìn lão Tòng không hiểu hỏi lại:
– Sao cơ ạ? Sao đương đâu lại…
– Con đã bỏ lỡ hơn mười buổi học rồi, nếu không quay về thì sẽ không đuổi kịp tiến độ cùng các bạn đâu.
– Dạ, nhưng bố mẹ bảo qua tháng mới về đón con được-
– Mai ông sẽ gọi taxi cho con, con chỉ cần sắp xếp hết đồ đạc đem theo là được.
– Nhưng-
– Nghe lời ông! Từ bao giờ mà con học được thói cãi ông ngoại nhem nhẻm như thế hả!
Đột nhiên lão Tòng lớn tiếng làm Nguyệt Hoa giật bắn mình, hoảng sợ nhìn lão không chớp mắt. Mặt mũi lão tối sầm lại, lão quát xong thì lạnh lùng quay mặt đi, để Nguyệt Hoa chẳng hiểu mô tê gì cứng hết cả lưỡi.
Ông ngoại chưa bao giờ thế này cả. Còn nhớ cái đợt bố mẹ cô đi nước ngoài về đòi dẫn cô đi ông ngoại lúc đó còn nổi giận chửi đánh bố mẹ quá chừng, nhất quyết một mực giữ cô lại. Thậm chí sau này cũng nhiều lần kêu bố mẹ cô cho cô về quê chơi với ông vài bữa, ấy vậy mà lúc này ông ngoại lại tự mình ép cô quay về Hà Nội ư? Cô không hiểu, từ lúc lão Tòng đi công tác về tính tình cứ là lạ thế nào ấy, có cố gắng gặng hỏi thế nào thì lão cũng ngậm miệng chặt như hến không chịu nói, làm cô lại càng bất an. Lại nói, từ sau khi nghe những lời của Tinh Đỉa khiến cô bắt đầu nảy sinh nghi ngờ rằng liệu chuyện đó có khả năng hay không, liệu có phải chỉ đơn giản là một câu chuyện do nó bịa ra để dọa cô hay thật sự còn có ẩn ý nào đó? Hốc mắt Nguyệt Hoa chợt đỏ hoe, cô buông tay lão Tòng ra dịch người đến tận mép giường bên kia rồi kéo chăn che kín đầu, ấm ức sịt sịt i ỉ. Lão Tòng nhìn cô cuộn tròn thân mình chôn trong chăn mà vẻ mặt vô cùng não lề.
Đến nửa đêm khi Nguyệt Hoa đã ngủ thiếp đi vì mệt, lão Tòng lúc này mới ngồi dậy nhẹ nhàng kéo chăn trên đầu cô xuống, mặt mũi cô lúc này tèm nhem nước mắt, tóc tai ướt rượt nằm tán loạn trên mặt. Lão lặng lẽ chìa tay vén những sợi tóc ra khỏi mặt cô, sau đó thì móc một tờ giấy đã gập nhỏ lại sẵn từ trong túi quần ra và bỏ vào cái túi đựng bùa trừ tà đeo trên cổ của cô. Đoạn lão giơ tay xoa xoa cái đọc trọc hếu của mình run run người rơi nước mắt, lão khóc nghẹn không ra tiếng tới nỗi đỏ mặt tía tai, giờ phút này sao trông lão lại bất lực đến thế.
– Cháu gái ngoan của ông, từ ngày mai ông không thể bảo vệ cho con được nữa rồi…
– Ông cháu mình hết duyên nợ rồi con ơi…
Giọng nói nghèn nghẹn già nua cùng với tiếng khóc khàn đục của lão Tòng trộn lẫn vào nhau, làm cho người nghe phải thương tâm. Lâm cùng Dũng đứng dựa tường ở cửa phòng mà mặt ai người nấy bơ phờ mệt mỏi, Dũng bất lực huơ tay đấm mạnh lên tường một cái “uỵch” làm tay cậu đau nói. Hồi lâu sau cậu quay sang nói với Lâm:
– Anh mau về nhà đi, ở đây đã có em trông nom rồi.
Lâm nhìn cậu, vẻ mặt hiện lên những tia đau buồn nhẹ giọng nói:
– Em thì sao, có nơi nào muốn đi không? Để anh ở lại cho em đi trước.
Dũng lắc đầu cười nhạt:
– Không cần đâu, đằng nào cũng chẳng có ai để gặp cả. Anh Lâm cứ yên tâm đi đi, kẻo không còn nhiều thời gian.
Lâm thở dài, anh quay qua ôm lấy Dũng vỗ vài cái lên lưng cậu vừa nói:
– Được rồi, gặp lại em với thầy sau. Anh đi đây.
Nói rồi anh buông cậu ra rồi nhanh chóng xuống sau nhà lấy xe máy phóng đi. Bên trong nhà Dũng ngồi xổm dựa lưng vào tường, cậu chống hai tay lên đầu gối phủ kín mặt và cúi thấp đầu, tinh thần cực kì suy sụp.
(Truyện được sáng tác bởi tác giả:Hồng Gấm)
Ngày hôm sau ăn xong bữa cơm trưa, lão Tòng gọi một chiếc taxi đến nhà rồi sắp xếp hết hành lý cho Nguyệt Hoa lên xe. Cô đứng cạnh Dũng ở ngoài sân nhìn bác tài xế bận rộn đi qua lại mà lòng buồn thỉu buồn thiu, đoạn cô thở dài quay sang hỏi Dũng:
– Bà nội anh Lâm ốm nặng lắm ạ? Em có nên ghé qua thăm bà một lát rồi hãy đi không nhỉ?
Dũng liền xua tay:
– Cũng không nặng lắm đâu, chỉ là ốm vặt thôi, chắc mai gì đấy là khỏi ngay ấy mà. Để lát tôi mua cân đường hộp sữa đem qua, cô cứ yên tâm mà lên đường đi nha.
Nguyệt Hoa nghĩ nghĩ chút rồi gật gù:
– Vâng, vậy cũng được. Nhờ anh chuyển lời hỏi thăm đến bà với em gái anh í giùm em.
– Ừm, tôi nhớ rồi.
Nghĩ đến việc phải tận một năm nữa mới được quay trở lại nơi đây mà lòng cô vạn phần lão nề, cô nhìn Dũng dặn dò một câu:
– Hai anh ở nhà giữ gìn sức khỏe và chăm sóc cho ông ngoại cẩn thận nha, đầu tháng bảy năm sau em lại về.
Trước câu nói của Nguyệt Hoa, Dũng hít vào một hơi khí lạnh rồi cậu cười tươi vỗ bộp một cái vào vai cô:
– Cô Nguyệt Hoa yên tâm đi nhé, bọn này lại đợi cô về!
Nguyệt Hoa liền mỉm cười vòng tay ôm cậu một cái rồi quay vào điện thờ thắp hương thay giầy. Lúc trở ra thì thấy lão Tòng cùng bà Đào và chú Nhất đứng ở sân đang nói chuyện gì đó, cô bèn nhanh chóng đi tới. Bà Đào trông thấy Nguyệt Hoa thì cười cười lên tiếng:
– Bác nghe bảo hôm nay cháu về thành phố nên dẫn thằng Nhất chạy qua đây chào một câu, để khỏi lát nữa không thấy cháu đâu nó lại giãy sần sật lên đi tìm.
Nói đoạn bà quay lại vẫy chú Nhất cầm theo một bọc đồ gì đó đi lên phía trước, nói tiếp:
– Bác còn mang chục cái bánh gai, chục cái bánh gấc qua nữa. Toàn là bánh bác lấy tận lò hãy còn nóng nguyên đấy, cháu cầm lên thành phố làm quà cho các bạn, gọi là có cái đặc sản.
Nguyệt Hoa nghe bà nói thì chiếu mắt xuống đùm bánh trên tay chú, đoạn cô nàng cười cười ngại ngùng khách sáo nói:
– Ôi trời ạ. Lần nào cháu đi bác cũng cho quà thế này, cháu ngại lắm ạ.
– Ôi dào, có gì đâu mà ngại, toàn là hàng xóm thân thiết với nhau cả. Cháu cứ cầm lấy, cả năm mới được về quê một lần, lần sau về mà thèm cái gì nữa thì cứ bảo bác, tiền thì bác không có chứ cái ăn thì đầy.
– Vậy… cháu xin nhận ạ.
Nguyệt Hoa ngượng ngùng cắn cắn môi nhận lấy đùm bánh từ tay chú Nhất, rồi cười tít cả mắt lên. Lúc này Dũng từ đằng sau đi lên, mạnh mẽ choàng tay vào vai cô rồi xì một tiếng:
– Gớm, thích chết đi được còn bày đặt ngại với chả ngùng nữa chớ.
Không thèm để ý đến nụ cười trên môi ai đó đã vụt tắt, cậu tự nhiên quay sang nói với bà Đào:
– Bác Đào có cơm thừa canh cạn gì thì cứ mang qua cho cô ấy, không cần khách sáo đâu bác, càng nhiều càng ít ấy mà.
Cậu vừa dứt lời liền bị Nguyệt Hoa đen mặt quay ngoắt người lại vung túi bánh đập cái “bụp” vào vai cậu, cô nghiến răng thét lên:
– Anh Dũng! Một ngày anh không chọc em thì anh không sống nổi đúng không, phải không? Hả!
Dũng ăn một cú đập thì nhanh chóng chạy đi, vừa chạy vòng quanh sân vừa oan ức kêu oai oái:
– Oan cho tôi quá đi. Tôi có ý tốt xin đồ ăn cho cô mà cô lại trách tôi thế đấy, cô xấu tính quá đó nha.
– Ai cần hả? Có mà oan thị màu ấy! Toàn thích làm chuyện dư thừa thôi!
– Ái da! Đau đau…
Hai anh em một ông hai ba, một bà mười chín chí chóe như mèo với chuột đuổi nhau chạy vòng quanh sân, khiến cho đám bà Đào nhìn theo cũng phải bật cười lắc đầu.
Một lát sau đồ đạc đã được xếp vào xe xong xuôi, Nguyệt Hoa chào tạm biệt mọi người lần cuối. Trước khi lên xe, cô ngoái đầu lại cười tươi nói với chú Nhất:
– Lần sau cháu về, chú đừng quên cháu nữa đấy nhé. Không là chái giận đấy nhé.
Chú ngoan ngoãn gật đầu:
– Ừm. Sẽ không bao giờ quên Hoa nữa.
Nụ cười trên môi Nguyệt Hoa càng thêm nở rộ như đầu mùa xuân, cô vẫy tay nhìn mọi người nói to:
– Ông ngoại và mọi người ở nhà giữ gìn sức khỏe nha! Năm sau Hoa sẽ lại về ạ!
Chiếc xe bốn bánh chầm chậm chạy xa, người rời đi thì tràn ngập vui vẻ chờ mong, nhưng nào đâu biết người ở lại lòng nặng nề trầm ngâm.