• Út ơi! Coi cái ấm nước má nấu sôi chưa mang lên cho má!
Tiếng bà Sen gọi kéo Út Khá trở về thực tại. Cô tráng nhanh mớ chén úp vô rổ rồi lau tay chạy vô bếp, xách ấm nước lên nhà trên Út Khá thấy má đang ngồi với cô Liên hàng xóm. Không hiểu sao mỗi lần thấy cô Liên là trong lòng Út Khá bất giác có dự cảm không lành. Lúc nhỏ cũng vậy, cô Liên xuất hiện là hai ngày sau anh Tư mất, lúc đó Út Khá cũng có cảm giác như bây giờ. Thấy con gái cứ đứng tần ngần, bà Sen lên tiếng:
• Con chế cho má bình trà. Làm gì mà đứng thừ người ra đó zậy?
Út Khá dạ một tiếng rồi bước tới bàn, cô cố gắng làm thật chậm rãi cốt yếu để nghe cuộc nói chuyện của mẹ và cô Liên. Cái miệng của cô Liên dẻo đeo, khoé môi giật giật theo từng câu, từng chữ phát ra:
• Bà biết tin gì chưa?
• Tin gì? Bà chưa nói sao tui biết!
Út Khá nín thở chăm chú nhìn về phía cô Liên chờ đợi. Sau câu trả lời của mẹ thì cô Liên nuốt nước miếng cái ực rồi bắt đầu kể bằng giọng bí hiểm:
• Hổng biết là phải rồi! Bị gì hôm qua chị về sớm mà. Để em kể cho nghe. Ngày hôm qua giỗ thằng Tư đó, lúc mà mọi người ăn uống gần xong thì tự nhiên một người trong nhà phía bên Nội của thằng Tư tự nhiên lăn đùng ra giật giật, xong ngồi lê chỉ mặt từng người trong nhà mà chửi. Con mắt đỏ ngầu à chị, nghe là bị ông cụ gia tiên nhập.
• Rồi sao nữa bà? Ổng chửi gì?
• Từ từ tui kể cho nghe. Người đó ngồi khoanh chân như zậy nè, tay thì quơ quơ. Chỉ thẳng mặt bà Huệ mà nói là “mày cúng làm gì? Mày cúng mâm to mâm nhỏ con mày cũng có hưởng được đâu. Quỷ nó hưởng hết rồi, con mày đói khát lắm”. Trời ơi bà Huệ bả quỳ lạy khóc lóc quá trời, mấy người trong nhà cũng xanh mặt. Chỉ có ông Long là cứng vía không tin. Cái người đó chỉ thẳng mặt ổng chửi là “còn mày nữa, con mày lúc còn sống nó bệnh hoạn mày không thương, hắt hủi nó giờ nó chết thì mày cúng”
Nói tới đây cô Liên cầm li nước trà uống cái ực rồi tiếp tục kể:
• Mặt ông Long tái mét luôn bà. Giờ tui ngồi kể lại mà tui còn nổi da gà luôn á.
• Rồi xong sao nữa? Chị Huệ có nói gì nữa không?
• Có! Bả quỳ, bả lạy, bả khóc um sùm. Xin gia tiên chỉ dạy. Xong người kia nhắm mắt lại nói “ con mày nó bị oan gia trái chủ nhiều kiếp bắt đi chứ chưa tới số chết. Bây giờ nó vẫn chưa siêu thoát được mà bị giam giữ rồi. Liệu mà kiếm đường giải thoát cho nó đi. Tao đã nhiều lần báo mộng mà tụi bây phớt lờ. Hôm nay tao mới mượn được thân này để nhập. Coi mà làm cho nhanh, nó sắp không chịu nỗi nữa rồi” . Trời ơi nổi da gà chưa? Tui nói hả nguyên cái nhà bên đó muốn xỉu luôn á, khách khứa sợ quá bỏ về hết.
Bà Sen hồi hộp hỏi tiếp:
• Bà kể tiếp đi. Rồi chị Huệ có hỏi thêm được gì không?
• Bả cũng quỳ lạy xin chỉ dạy mà ông cụ chỉ nói tới đó rồi xuất hồn đi. Còn người kia thì té lăn ra xỉu. Mấy người bu lại đánh dầu một hồi bả mới tỉnh, mà người bả rã rời, đầu óc thì lơ mơ không nhớ gì. Nghe kể xong thì bả sợ bả run cầm cập luôn.
• Bà cũng gan hen, ngồi chứng kiến từ đầu tới cuối mà không sợ.
Cô Liên trả lời tỉnh queo:
• Tui có chứng kiến đâu. Tui cũng nghe mấy bà kia kể lại tui qua tui kể bà đó chớ. Hôm qua bà vừa về là tui cũng về luôn mà.
Út Khá và bà Sen cùng phì cười trước câu trả lời của cô Liên. Nãy giờ cổ múa may quay cuồng diễn tả câu chuyện mà cứ như cổ ngồi coi trực tiếp rồi kể lại vậy. Út Khá đi xuống bếp ngồi lặng thinh suy nghĩ, vài phút sau cô nói thầm:
• Nếu đúng như cô Liên kể thì chuyện anh Tư mất đâu phải do mình. Mình không gián tiếp gây ra cái chết cho ảnh.
Nghĩ vậy lòng Út Khá nhẹ hẫng như trút được cả tấn đá đang đè nặng, bao lâu nay cô luôn bị day dứt bởi cái chết của anh Tư. Cô cứ nghĩ vì cứu mình mà ảnh đã vong mạnh. Cô đem chuyện đó tự dày vò bản thân mình, và cũng phải chịu đựng sự ghẻ lạnh của gia đình dì Huệ. Nghĩ tới đó, nước mắt của Út Khá lại chực trào ra. Bỗng có một bàn tay bất ngờ đặt lên vai làm Út Khá giật mình quay lại, anh hai không biết xuất hiện sau lưng từ bao giờ, có lẽ An cũng nghe được câu chuyện nên chỉ biết mỉm cười trấn an em gái mình. Tiếng nói chuyện của má và cô Liên trên nhà làm hai anh em cùng tò mò ngó lên:
• Tui nghe được là hôm nay bà Huệ mời thầy về đó. Cái ông thầy mà hồi xưa ba chị em mình đi coi xong về thằng Tư mất đó. Bà nhớ không?
Bà Sen chép miệng nói:
• Ừa, nhớ. Đợt đó đi coi ông thầy ổng cảnh báo chị Huệ về canh đứa con trai cẩn thận, chứ không là nó không qua nổi tuổi mười lăm. Chị Huệ cũng sợ lắm, về nhà để ý thằng Tư dữ lắm mà cuối cùng….
Bà Sen bỏ lửng câu nói, đưa tay khẽ lau giọt nước mắt vừa tràn ra trên má. Cô Liên tiếp lời:
• Thì bởi! Số đã định mà chị. Hồi đó cả nhà bả đổ thừa cho con Út Khá, tội nghiệp. Bây giờ mới rõ ràng. Giờ tui với bà qua đó coi hông? Bà Huệ mời ông thầy đó về làm lễ, nãy tui thấy bả đi chợ mua nhang đèn um sùm hà!
Bà Sen suy nghĩ vài giây rồi đứng dậy khoác áo đi theo bạn. Dưới bếp hai anh em Út Khá cũng nhìn nhau đầy do dự. Chợt An hỏi:
• Em đi coi không?
• Đi
Sau cái gật đầu chắc nịch của Út Khá thì An cũng nhanh chóng thay cái quần dài rồi dắt xe ra ngoài. Út Khá khoá cửa, leo lên xe ngồi mà lòng vẫn hồi hộp. Nửa mừng vì trút bỏ được nỗi lòng mấy năm qua, nửa cũng lo sợ vì không biết ông thầy nào đó có cứu được anh Tư không. Trong lòng Út Khá hỗn độn nhiều cảm xúc, nếu như lời cô Liên kể mà là thật thì thiệt là tội nghiệp cho anh Tư. Số phận sao mà bạc bẽo với anh tư quá, lúc nhỏ cũng may có anh Tư cứu Út Khá một mạng chứ không thì đã không có cô ngày hôm nay.