A Tư là con trai kế út của dì Huệ, anh vốn không được khoẻ mạnh, lại áp lực gia đình nhiều chuyện cho nên anh mắc chứng bệnh trầm cảm từ nhỏ, có một lần nọ anh bị ma giấu, năm đó anh chỉ mới bảy tuổi. Anh xin phép đi chơi nhưng tới sẩm tối vẫn không thấy về, cả nhà túa ra đi tìm, dò hỏi hết tất cả đám bạn của anh thì bọn họ đều nói anh đã về từ sớm. Dì Huệ thì khóc vật vã, mọi người trong xóm đốt đuốc đi tìm khắp hốc hẻm trong xóm. Họ cũng dự phòng phương án xấu nhất nên chia nhau đi tìm ở cả những mé sông, suối quanh đó. Sau mấy tiếng đồng hồ tìm kiếm mà không có kết quả, dì Huệ vẫn bò khóc ở dưới đất cho nên ai cũng lo lắng. Bỗng nhiên chú Sáu nghe có tiếng thở phì phò trong bụi tre bên đường, mọi người nhìn nhau đầy ái ngại, chú Sáu liền nói ngắn ngọn:
• Đốt thêm đuốc đi, soi cho tui
Nói xong thì mấy cây đuốc trog tay mọi người chụm lại sáng rực. Chú Sáu tay cầm chặt cái rựa bước chầm chậm tới gần bụi tre. Càng tới gần thì mọi thứ càng sáng rực, chú Sáu và tất cả mọi người há hốc mồm ngạc nhiên khi thấy anh Tư nằm gọn lỏn trong bụi tre ngủ ngon lành. Không ai nói ai câu nào, chỉ biết nhìn nhau bằng ánh mắt đầy kinh ngạc, bởi vì bụi tre này ngay từ lúc trời còn chưa tối hẳn thì mọi người đã tìm đầu tiên, tại sao không thấy mà bây giờ lại thấy? Chú Sáu ra hiệu mọi người chụm thêm đuốc rồi cẩn thận phát đám tre để đưa anh Tư ra ngoài.
Phải mất mấy tiếng đồng hồ thì chú Sáu mới lôi được anh Tư ra khỏi bụi tre, tay chân anh xước xát rướm máu. Anh Tư vẫn say ngủ cho tới khi dì Huệ lao tới ôm anh thì anh mới tỉnh dậy, đưa đôi mắt ngơ ngác nhìn mẹ và mọi người. Chú Sáu lên tiếng:
– tại sao bụi tre đan nhau chằng chịt như zậy mà bây chui zô hay zậy bây? Lần sau đừng có chơi dại nữa nghe chưa!
Đôi mắt anh Tư đờ đẫn nhìn mọi người rồi cười hì hì. Chú Sáu nói vậy để trấn an tinh thần dì Huệ thôi chứ thực ra trong lòng chú và tất cả mọi người chứng kiến đã thầm hiểu anh Tư bị ma giấu.
Sau lần đó, đầu óc anh Tư vốn đã không mấy tỉnh táo nay lạo càng lơ mơ hơn. Đôi khi anh hay ngồi cười một mình rồi nói những gì đó rất khó hiểu. Cứ lúc tỉnh lúc mơ như vậy nên dì Huệ mới đi tìm thầy thì thầy nói anh bị bắt mất hai vía, gia đình dì Huệ lúc đó còn nghèo,lại tìm phải ông thầy lúc không được cao tay cho lắm thành ra tốn tiềm cúng kiếng mà tình trạng của anh Tư không hề thuyên giảm. Cứ mười hai giờ trưa là anh lại ra bụi tre chỗ mình bị giấu, ngồi đó khi trời hết đứng bóng lại về. Dì Huệ buồn lòng lắm, dượng Long vốn đã không thương nay còn hằn học hơn. Dì Huệ thương con nên ai chỉ, ai bày thầy nào dì cũng ráng vay mượn để đi mời để chữa cho con.
Một lần nọ, có một người phụ nữ dưới Cần Thơ mang hàng lên xóm Lá để bán, nghe mọi người trong chợ bàn tán chuyện của anh Tư nên người đó mới chỉ cho một ông thầy cao tay lắm, nghe đâu ở tít dưới Cà Mau, mà phải có duyên dữ lắm mới gặp được. Tình cờ cô Liên nghe được nên vội vã báo tin cho dì Huệ, khỏi phải nói dì Huệ mừng lắm, dì gấp rút đi vay tiền để mời thầy. Nhìn cái dáng lật đật của dì mà ai cũng thương xót. Cô Liên khi đó cũng qua nhà Út Khá để rủ má cô đi chung. Sẵn tiện má cô cũng muốn đi coi thử cái vong chết trôi còn theo Út Khá không mà dạo này nó hay gặp ác mộng. Cả ba người đi nhanh trong buổi sáng hôm đó, không biết ông thầy đã nói gì mà lúc về Út Khá thấy sắc mặt dì Huệ tái mét, tinh thần sa sút nghiêm trọng. Út Khá chỉ nghe loáng thoáng má nói chuyện với cô Liên là khi tới nơi ông thầy chỉ đích danh dì Huệ vô trong mặc dù chưa gặp lần nào. Không biết họ nói những gì mà lúc trở ra dì Huệ thất thần lắm, ông thầy sau đó cũng từ chối tiếp má Út Khá và cô Liên. Ba người quay trở về mà không ai nói với ai câu nào, ngồi sau honda mà dì Huệ khóc không ngừng, má Út Khá gặng hỏi lắm thì dì Huệ mới nói là ông thầy dặn dì về nhà coi giữ anh Tư cẩn thận, nói tới đó dì Huệ lại bật khóc. Năm đó anh Tư vừa tròn mười sáu tuổi!
—
Về phần Út Khá lúc đó, sau đêm bị doạ cho xanh mặt thì vẫn còn ám ảnh lắm. Mặc dù bà Sen đã cúng, mấy ngày sau tuy là Út Khá không còn thấy cái người đó nữa nhưng nó vẫn còn sợ lắm, mỗi lần nhắm mắt lại ngủ là cái hình ảnh thây ma chết trôi đó lại hiện ra, nên nó làm cho Út Khá lúc nào cũng có cảm giác bất an và sợ hãi.
Út Khá vẫn nghe lời má dặn là phải niệm Phật trước rồi hãy ngủ, như vậy thì sẽ không còn thấy bậy bạ nữa. Nhưng có vẻ không giúp ích được cho Út Khá là mấy, vì thường nó chỉ lẩm nhẩm được vài lần là đã ngáp muốn rách mỏ. Đời thuở đã sợ ma nhưng lại cứ buồn tiểu đêm mới khổ, Hễ mỗi lần bước chân xuống đất Út Khá lại có cảm giác có một bàn tay lạnh toát túm lấy chân mình, có khi thì một bóng đen vụt qua trước mặt, có khi đang đi vệ sinh thì cái ót của nó nhột nhột như có ai đứng sau lưng vậy. Trăm lần như một, Út Khá đều hét lên rồi bỏ chạy thật nhanh, có lần xách cả cái quần ướt nhẹp mà dứng khóc tu tu. Những lần sau đó, Út Khá cố gắng giải quyết nỗi buồn trước rồi mới đi ngủ, vậy mà chẳng hiểu sao cứ giữa đêm là lũ lại tới làm nó tỉnh giấc, Mỗi lần như vậy Út Khá đều lay má dậy để dắt đi, đang trong cơn say ngủ nên bà Sen bực dọc lắm, bà sắm hẳn cho nó cái bô để ở chân giường. Ấy vậy mà mỗi lần ngồi bô, Út Khá vẫn cảm nhận dưới gầm giường có một đôi mắt đỏ ngầu, sáng rực đang nhìn nó chằm chằm. Ai cũng vậy thôi, phải chứng kiến một cái cảnh quá là kinh dị mà tới người lớn còn kinh sợ thì nói chi một đứa nhỏ như Út Khá.
Biến cố thật sự ập tới trong một buổi trưa yên tĩnh, Út Khá đang nằm đong đưa trên chiếc võng cột trước nhà. Gió mát hiu hiu nên Út Khá cũng nhắm mắt mà chập chờn ngủ. Chợt có một con gió từ đâu tốc mạnh vô mặt làm Út Khá giật mình, nó nghe trong gió thoang thoảng mùi tanh tanh như mùi rêu đóng lâu ngày, rồi từ từ chuyển sang một mùi thúi nhức mũi. Út Khá một tay bịt mũi, một tay quạt quạt cho bay bớt nhưng càng lúc mùi càng nồng, cứ như dính luôn trên mũi vậy. Một cơn gió nữa lại thổi tới, Út Khá bỗng nhiên ngồi thất thần, vài giây sau nó từ từ đứng dậy miệng lẩm nhẩm:
• Tắm… tắm…sông
Đôi mắt Út Khá trở nên vô hồn, chân nó bắt đầu bước đi, nhắm thẳng mà bước đi từng bước nhẹ nhàng như lướt vậy. Đang giữa trưa, ai nấy cũng tranh thủ nghỉ lưng cho nên không ai để ý tới Út Khá đang lững thững đi trên đường. Nó cứ đi như vậy dưới trời nắng, gương mặt lạnh tanh, tay vung loạn xạ. Cho tới khi đi tới con sông Thượng thì Út Khá mới dừng lại, quay đầu nhìn xuống sông, đôi mắt vẫn còn vô hồn nhưng lại mở to đầy vẻ thích thú. Út Khá lầm bầm trong miệng:
• Tắm… xuống tắm… mát
Bên tai Út Khá văng vẳng có giọng nói trầm đục:
• Đúng rồi… đi xuống đi.. xuống tắm đi.. nước mát lắm..xuống đi..
Giọng nói kì lạ cứ lanh lảng vang lên, như có một ma lực khiến Út Khá cứ làm theo răm rắp. Nó bỏ lại đôi dép trên bờ rồi bước xuống, miệng cười hì hì còn đôi mắt lại dại đi vô hồn. Út Khá cứ bước tới phía trước theo tiếng gọi lanh lảnh bên tai, nước đã bắt đầu tới ngực, sình dưới chân siết chặt khiến bước đi của Út Khá trở nên khó khăn nhưng nó vẫn bước tới. Cho đến khi nước tràn vào mũi khiến Út Khá ho sặc sụa thì nó mới tỉnh cơn mộng mị, nó hốt hoảng vì nước đã sắp sửa lún đầu nó. Út Khá vội lấy hết sức ngoi lên để thở, nước sông làm mắt Út Khá cay xè, nó đưa tay dụi mắt rồi bất ngờ hét to, trước mặt nó có một cái đầu đen sì đang nhe hàm răng trắng trởn cười với nó. Út Khá hoảng sợ quay lưng cố gắng bơi ngược về bờ nhưng cái đầu lúc nãy lại lù lù ngoi lên chặn đường rồi bất thình lình nó giơ tay nhấn đầu Út Khá xuống. Út Khá bị nước làm ngộp thở, nó ho sặc sụa đập tay liên hồi, vùng vẫy để ngoi lên. Trong cơn hoảng loạn, Út Khá với tay chụp lấy cánh tay đang dìm mình nhưng nó lại trơn tuột, cảm giác như rêu vậy, trơn lẵng mà nhớp nháp. Nước tràn càng ngày càng nhiều làm mũi Út Khá đau điếng, nó bắt đầu thấy xung quanh tối sầm, đặc quánh lại. Nó không còn sức vẫy đạp nữa, từ từ buông thõng cơ thể. Ngay trong lúc chuẩn bị chìm, nó nghe loáng thoáng bên tai có ai gọi tên nó:
• Út Khá.. em ơi..Út ơi
Giọng nói đó quen thuộc lắm, Út Khá như được tiếp thêm sức mạnh, nó gắng chút hơi tàn bật ngoi lên thều thào hai tiếng “Cứu..em” rồi im bặt.
• Tỉnh dậy đi.. Út Khá… mở mắt ra..