Chị Thuận mặt đờ đẫn:
– Lúc nghe tiếng gõ cửa, và tiếng bác Kiệm, anh ấy vội lẩn trốn. Nhà cháu trống hoắc chỉ có cái tủ gỗ này, cháu bảo anh ấy chui vào tủ, anh ấy nghe theo và cháu khoá lại, rồi ra tiếp mọi người. Nếu tủ không khoá, thì bảo anh ta còn lẩn trốn đâu đó, chứ cháu khoá rồi làm sao anh ấy đi được…
Ông Kiệm trầm ngâm:
– Này, Thạc Diễn, tụi bay có ý kiến gì không? Gã đàn ông này rất đáng sợ, ta nghĩ hắn không phải là người…
Tôi gật đầu:
– Đúng thế. Vì người thì đâu có biến đi như vậy được! Hay cái khoá nhà chị bị hư, chị Thuận?
Chị Thuận lắc đầu:
– Không có chuyện hư đâu, chú ra kiểm tra đi!
Tôi cầm chìa khoá chị Thuận đưa khoá tủ lại, rồi giật mạnh, chiếc tủ không nhúc nhích, cánh tủ chắc chắn vô cùng. Diễn khô khốc:
– Gã này là một hồn ma. Vì chỉ có ma mới biến đi như vậy! Hồn ma đó ẩn náu trong đền vắng và ban đêm mới xuất hiện. Hèn gì, mà ngôi đền bé tí tẹo, chúng ta lùng sục không thấy gã đâu cả.
Chị Thuận bàng hoàng:
– Làm gì có chuyện đó, anh ấy là một người bình thường, khoẻ mạnh, và rất yêu chị kia mà.
Tôi hỏi:
– Thế chị gặp anh ta ở đâu? Và yêu nhau lúc nào?
Chị Thuận bùi ngùi:
– Hôm đó, trời mưa to, chị vào đền trú mưa. Nhìn thấy một cái tượng đá trên bàn thờ, cái tượng đầy bụi bặm. Tượng của người đàn ông. Chị lau pho tượng và tự nhiên thấy hoa mắt. Chị thấy hình như có người đàn ông nhìn chị. Chị bủn rủn chân tay. Đêm đó, người đàn ông lạ tìm chị, xưng tên là La Nham nói là có duyên phận với chị. Tụi chị yêu nhau đã được sáu tháng rồi. Chị có dò hỏi nguồn gốc, anh ấy không nói gì cả. Chỉ bảo ở bên nhau ngày nào hay ngày nấy. Chị cũng không cật vấn nữa. Cho đến hôm nay, quả là bất ngờ…
Ông Kiệm chậm rãi:
– Thế là rõ rồi. Gã đàn ông đó là một hồn ma. Ta ra ngôi đền, đập phá nó đi, không còn chỗ cho ma trú ẩn nữa..
Tôi ngăn lại:
– Khi chưa biết rõ, hãy khoan đập bác Kiệm à! Bác có biết nguồn gốc của ngôi đền này không?
Ông Kiệm nói:
– Tao đâu có biết, chuyện này phải hỏi cụ Bảo Thiên, cụ ấy già nhất làng này. Nhưng phải đợi sáng mai. Bây giờ ta về.
Chúng tôi ra khỏi nhà chị Thuận, ông Kiệm dặn:
– Thuận à, phải cẩn thận đấy nhá. Ta biết cháu đang dằn vặt suy nghĩ, chờ khi mọi việc sáng tỏ, cháu sẽ bình yên lại thôi.
Chị Thuận ứa lệ cảm ơn ông Kiệm…
*
* *
Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại nhà cụ Bảo Thiên. Sau khi nghe chuyện, cụ kể:
– Ngôi đền, thực chất là ngôi miếu xuất hiện cả trăm năm nay. Hồi đó có một người thanh niên đi ngang qua cây đa, bị đột tử chết. Mối xây lên thành gò, che xác người thanh niên. Dân làng thấy tội nên lập miếu thờ cô hồn. Đó thực chất là miếu cô hồn. Người thanh niên đó vì chết bất đắc kỳ tử, nên oan hồn lang thang hễ nhập được vào ai là nhập.
Tôi hỏi:
– Phải chăng người đàn ông đó là La Nham? Đêm nào cũng từ miếu hoang đi ra, chị Thuận vô tình chạm vào miếu thờ, nên bị hồn ma quyến rũ.
Cụ Bảo Thiên chậm rãi:
– Ta cũng không biết nữa! Nhưng nếu muốn tìm kỹ, phải ra miếu, biết đâu có dấu tích gì chăng?
Chúng tôi cảm ơn cụ Bảo Thiên, và ra miếu. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi thấy pho tượng đá, mà chị Thuận đã thấy, phía sau có dòng chữ: La Nham. Ai đã khắc pho tượng này? Hay chính La Nham khi còn sống đã tự làm tượng mình? Chúng tôi định mang pho tượng đi, thì chị Thuận chạy lại, thổn thức:
– Chú Thạc, chú Diễn, cho chị xin pho tượng đá đó. Nó là linh hồn của anh La Nham.
Tôi tần ngần:
– Thế chị biết rõ La Nham rồi, sao còn quyến luyến chi nữa? Chị hãy để chúng em dập nó đi, cứu chị.
Chị Thuận van nài:
– Đêm qua, anh ấy đã kể hết cho chị nghe rồi. Anh ấy đúng là hồn ma. Nhưng anh ấy đâu có hại ai!
Diễn lắc đầu:
– Chị lầm rồi! Già làng đã kể rõ cho tụi em nghe. Chị ơi mau tránh xa anh ta nếu không nguy hiểm lắm đó. Ma xưa nay chỉ hại người mà thôi. Thiếu gì người ở làng mà chị phải lấy ma làm chồng?
Chị Thuận buồn rầu:
– Các em chưa hiểu hết dâu, chị đã mang trong mình giọt máu của anh ấy. Anh ấy bảo: nên mang pho tượng đá về thờ để cho con cháu sau này biết cha nó là ai.
Tôi sửng sốt:
– Chị nói cái gì, chị đã có thai với La Nham? Sao lại có chuyện đó được?
Chị Thuận ngượng ngập:
– Vâng! Chị đã nói rồi mà. Chị là đàn bà quá lứa lỡ thì, các em hãy thông cảm cho chị…
Tôi tần ngần:
– Lạ nhỉ, sao người đàn bà lại có thai với ma được? Vô lý quá.
Diễn chậm rãi:
– Chị Thuận nói đúng đấy. Chị Mạo ở xóm Giếng cũng có thai với ma là gì, mà đẻ ra đứa con trai nhìn nó chẳng có gì là ma cả. Chỉ Thuận ơi! Pho tượng đó chị cầm lấy đi.
Chị Thuận rối rít cảm ơn, rồi ôm pho tượng về nhà. Diễn lẩm bẩm:
– Đúng là tình yêu bí ẩn. Tình yêu cũng có cái chất ma quái, cậu nhỉ?
Tôi ngẩn ngơ:
– Thế ra La Nham có duyên phận với chị Thuận thật à? Cậu có tin không?
Diễn gật đầu:
– Tin chứ. Đó là tâm linh mà. Khi gặp được người thực sự yêu thương, cũng cảm hoá được hồn ma. Nếu không có chị Thuận, La Nham sẽ trở thành ma dữ đó. Lúc đó tác hại không lường hết được.
Tôi cười:
– Thế liệu chúng mình có còn gặp người từ đền hoang đi ra nữa không nhỉ?
Diễn lắc đầu.
– Có lẽ là không đâu. Vì La Nham đã ở nhà chị Thuận rồi, ta nên mừng cho chị ấy…
Tôi hỏi:
– Liệu La Nham có trả thù chúng ta không nhỉ? Anh ta nhập vào chúng ta thì sao?
Diễn thân mật:
– Nhờ có chúng ta, chị Thuận mới biết sự thật. La Nham phải cảm ơn chúng ta chứ. Có thể, ban đầu, anh ta giấu chuyện vì sợ chị Thuận biết anh ta là hồn ma. Nhưng nay rõ rồi, anh ta được gần vợ, gần con, thế là hạnh phúc quá còn gì!
Quả nhiên, đêm đó, tôi thấy La Nham hiện ra, nhìn tôi, thân mật. Tôi nói:
– Anh La Nham! Liệu anh có làm hại chị Thuận không? Vì dù sao anh cũng là hồn ma kia mà?
La Nham đầm ấm:
– Tôi yêu Thuận, làm sao mà hại cô ấy được. Tôi chờ đợi cả trăm năm mới gặp được người con gái tôi yêu. Và Thuận đã sắp có con với tôi. Chờ Thuận sanh con xong, tôi sẽ đi.
Tôi hỏi:
– Anh đi đâu, về lại miếu cô hồn à?
La Nham cười:
– Không, tôi sẽ về trình diện Diêm Vương, và sau đó đi đầu thai. Làm ma như thế đủ rồi…
Tôi gật đầu:
– Anh nghĩ thế phải lắm. Dù sao, thì ma cũng không nên sống gần người. Cầu chúc anh may mắn.
La Nham cảm ơn, và biến mất…
Ít lâu sau. Chị Thuận sanh đứa con trai. Cả làng trố mắt, ngạc nhiên, có người dè bỉu:
“Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian bình thường.”
Nhưng cũng có người chép miệng:
– Chị Thuận quá lứa rồi, có được đứa con cũng quí chứ sao? Hãy thông cảm cho chị ấy…
Nhiều người tò mò:
– Nhưng phải biết cha dứa bé là ai chứ.
Tôi cười:
– Là La Nham, các ông bà hiểu chưa?
Mọi người ồ lên:
– La Nham à? La Nham là ai? Anh ta ở đâu? Sao không xuất hiện?
Hết.