Đầu tiên, em xin giới thiệu, bác T. là chủ khu đất đấy (là ông bác sĩ làm ở viện 108 em đã nói ở phần đầu tiên.
Hôm ấy là mùng 4 tết Quý Tỵ, khoảng 9h30 tối, nhà em đi chúc tết về thì có sang hàng xóm chào hỏi, và tất nhiên, bố em cũng k quên người đã bán rẻ khu đất ấy cho nhà mình, cả nhà em qua nhà bác T.
Bác T. là một bác sĩ rất cao tay và tâm huyết. Trông bác rất tri thức và điềm đạm, dễ mến. Đặc biệt là bác có 1 chất giọng kể chuyện vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn.
Trước cửa khu đất bác T. đang ở nhờ, bác quây 1 cái lán bằng tre nữa, vách tre, trên nóc phủ thêm bạt xi măng cho đỡ mưa, để làm chỗ nấu cao, sao thuốc. Hôm ấy, cả nhà em + bác T. và cô con dâu (vợ anh cá độ) ra đấy ngồi, đun nước nấu chè nhâm nhi. Nói chuyện được khoảng 30′ thì bố mẹ em lấy cớ về, còn em ở lại nói chuyện với bác.
Chầm chậm châm lửa điếu thuốc bằng que đóm, bác chậm rãi kể:
“… Khu đất này bác được phân từ ngày mới về viện (tức viện 108). Chỗ này hồi ấy hoang sơ lắm, chưa có ai, cũng chưa có khu trung cư bên cạnh đâu. Hồi ấy đồng không mông quạnh, bác với bác gái cũng anh L. (anh cá độ) sống ở đây có mỗi một nhà. Mãi về sau, đô thị thay đổi, khu này mới đông dân lên đấy…”
Nhấp một ngụm chè, bác kể tiếp, giọng trầm xuống hẳn…
“… Từ khi bác tu nghiệp bên Liên xô về, rồi sang Tàu học đông y, bác đã nấu biết bao nhiêu cao hổ. Cao hổ xịn, có giá lắm. Bác phải lên cả dân tộc, xin ở nhà họ, cho con ma nó nhận mặt, để học lén cách nấu cao hổ, rồi trốn về xuôi mới thành nghề. Cao hổ, mật gấu bác bán không đắt như vàng, nhưng cũng có người mua. Bác nấu, mỗi năm nấu vài chục bộ. Hổ nuôi, hổ chết bách thú, hổ rừng cũng có. Có lần, bác cùng anh L. còn mang chui một bộ cốt hổ chúa từ Lào về Việt Nam nấu cao, cốt hổ chúa mùi tanh phát lợm giọng, phải bọc mấy lần vải mới mang lên được ô tô về đến Hà Nội. Nấu cao hổ, rồi cao ngựa bạch, cao sơn dương, cao nào bác cũng nấu, hình như chúng nó giận bác lắm, chúng nó mới làm nhà bác nên nông nỗi này…”
Từ khóe mắt bác một giọt nước mắt, em cũng chỉ biết an ủi vài câu. Bác kể tiếp:
“… Anh L. bác cũng không tiếc tiền cho đi học, học ngoại khoa ở Đức xong, về đây, bác xin cho vào viện 108. Chúng nó làm hư nó. Cá độ còn nhẹ con ơi, đây nó còn dính vào nghiện ngập. Bác sĩ mà như thế à, biết mà không tránh, bác đau lòng lắm con ạ. Mất chục tỷ có là gì đâu con, mất đứa con mới là… (bác bỏ lửng câu nói). Cũng may chị D. (cô con dâu) không bỏ nhà bác, bác thương nhất là mẹ con con D., vì thằng khốn nạn kia mà khổ…”
Nói đến đây, bác không kìm được nước mắt nữa, bác khóc, khóc khi chị D. đang dỗ đứa cháu nội mới hơn 1 tuổi lũn cũn chạy chơi quanh sân. Em lẳng lặng không nói gì một lúc, nhấp ngụm chè. Đột nhiên bác nói:
“… Con ơi, bố con mua khu đất bênh cạnh, bác mừng cho bố con đấy. Bác đầu tiên định bán cho bố mày cái nhà kia mà không nỡ. Bác đã thế rồi, bác không muốn ai cũng như bác đâu. Con ơi, tan cửa nát nhà…”
Thế rồi, bác kể về những kỷ niệm đẹp trong đời bác về xây nhà cửa, về nấu cao, về anh L. con bác. Bác không nhắc gì đến khu đất nữa, nhưng em biết, có chuyện gì đấy đã xảy ra…