Mùa hè ở cái xóm nhỏ, không khí oi bức cả về đêm. Lâu lâu có một cơn gió thổi thả vào người nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Mấy thằng nhỏ ở trong xóm cởi trần hết, tụ tập ra giữa nền đất lớn bàn trò chơi nhưng chưa kịp chơi đã bị người lớn gọi vào nhà :
_ Trời ơi, giờ này còn chơi gì nữa? Về ngủ sớm hết đi mấy đứa, nghỉ hè không đi học rồi chơi cả ngày chưa thấy mệt hay sao? Giờ này cười giỡn quá không nên đâu !
Tiếng người từ trong nhà vọng ra, cả bọn nhìn theo hướng phát ra thì thấy mẹ của thằng Khôi đang đứng trước cửa nhà nhìn về phía bọn nó. Thằng Khôi nghe mẹ gọi vào nhà thì mặt bí xị, đi vào trong. Trong đám con nít, thằng Khôi là đứa nhỏ tuổi nhất, mới học xong lớp một chuẩn bị lên lớp hai. Còn bốn đứa kia cũng chín, mười tuổi rồi. Mất một đứa chơi mà cả bọn cũng như mất hứng :
_ Thôi về !
Thằng Bảo nói cộc lốc rồi quay người đi, bị thằng Hoàng gọi ngược :
_ Ê, tự dưng thằng Khôi về cái bốn đứa mình giải tán là sao? Qua nhà tao đi, bà nội tao kể chuyện cho nghe, đỡ buồn !
_ Mày mười tuổi rồi chứ có còn nhỏ nữa đâu mà thèm nghe chuyện cổ tích !
_ Khùng hả mạy, tao lớn rồi chứ có phải nhỏ đâu mà thèm nghe mấy chuyện đó, ý tao nói là chuyện ma !
Hoàng nhỏ giọng nhưng phát ra tiếng nào rõ tiếng đó, còn nhướng cái chân mày thách thức mấy đứa còn lại. Nghe qua cái từ ‘ ma ‘ thằng nào thằng nấy thoáng rùng mình hết trơn. Nhưng đâu có thằng nào mở miệng ra nói mình sợ thứ ấy, thứ đáng sợ nhất lúc này là sợ bị quê, sợ bị cười, con trai mà không dám nghe chuyện ma thì có khác gì mấy đứa con gái đâu. Khí trời vẫn oi bức, có giải tán đi về cũng khó mà ngủ được.
Bốn thằng qua nhà Hoàng, năn nỉ bà Quý,nội của nó kể chuyện ma cho nghe. Ban đầu, bà còn do dự, sau một lúc cả đám cam đoan là không sợ thứ được gọi là ma quỷ ấy thì bà mới gật đầu nhẹ. Cái tay cầm cái quạt giấy ngưng lại, ánh mắt chợt nhìn xa xăm rồi bà bắt đầu kể những mẩu chuyện ma bà gặp từ lúc còn trẻ. Hồi ấy bà làm ruộng thuê của nhà ông Hội, thời gian để bà gặp ma dường như cả sáng lẫn tối. Nghe cả bốn, năm cái chuyện gặp ma của bà Quý mà tụi con nít nó chỉ mắc cười, không hề có cảm giác sợ hãi :
_ Trời ơi bà ơi, con ma nào mà lộng hành dữ vậy?
Cả đám cười ngặt nghẽo, bà Quý thấy mấy chuyện mình đi gánh nước, làm ruộng gặp ma xem ra còn nhẹ với tụi nhỏ quá mới chuyển sang nói về ma da. Bà kể rằng ở dưới sông sẽ luôn luôn có ma da, chờ người hợp mạng bắt xuống sông thế mạng. Cái câu chuyện này không còn xa lạ gì với tụi nó nữa rồi, vì đa số người lớn nói dưới sông có ma da. Một câu chuyện mới lạ không đem được cho tụi nó cảm giác sợ hãi mà khi nghe về câu chuyện ma da quen thuộc, mặt đứa nào đứa nấy tái mét. Cơn gió thỉnh thoảng trong mùa hè oi ả ngay lúc này lại thổi nhẹ qua cửa sổ, phả nhẹ nhàng qua da từng đứa một. Bấy giờ tụi nhỏ không cảm thấy mát mà ngược lại, cơn gió vô tình ấy như muốn nhấn điểm thêm cho câu chuyện này. Thằng nào thằng nấy giải tán hết. Không phải vì câu chuyện của bà Quý làm tụi nó sợ mà tại vì khúc sông ở cái xóm nhỏ này năm nào cũng có đàn ông chết. Mà chết rồi sẽ thành ma, suy ra khúc sông nhỏ cả chục vong ma chứ đâu có ít, bà Quý chỉ kể nhẹ có nhiêu đó thôi, còn bao nhiêu suy diễn mỗi một thằng mỗi cách phong phú. Thằng Bảo lại nghĩ tích cực hơn, vì nó nghĩ mấy người đàn ông chết ở đó chỉ là đi nhậu say, chẳng may bị té rồi chết đuối mà thôi. Chứ thật sự có ma ở dưới sông thì sao gia đình ông tư sống mấy chục năm ở trên ghe hàng mà không bị gì. Điều mà làm cả đám từ bỏ việc ngồi nghe vì chỉ mới một năm trước, trên khúc sông quen thuộc ấy lại nổi lềnh bềnh một xác chết người đàn ông, nhìn mặt độ khoảng ba mươi, và hình như là người ở nơi khác. Sau khi người này truyền người kia, người thân của cái xác đến nơi này lấy xác về, còn mướn thầy trục hồn về nữa. Cái xóm nhỏ, mỗi năm vào đúng mùa hè thì y như rằng sẽ có một người đàn ông vong mạng. Mỗi lần như thế người ta lại được chứng kiến những buổi cúng giấy vàng, đồ mã nhiều vô kể, mong thông qua thầy mà xin cho trục cái vong mới chết đi về nhà. Nhiều năm liên tiếp đổi nhiều thầy, người trong xóm biết được nguyên nhân là do khúc sông này có ma da. Còn là một vong nữ, những bà thầy, ông thầy nói cái vong chỉ mới độ mười tám mười chín mà lại dữ vô cùng. Họ chỉ dám xin cúng đồ đổi vong hồn chứ không dám khuyên vong nữ ấy đi đầu thai.
Khi cả bọn về hết, còn lại một mình bà Quý, bà nghĩ lại chuyện năm xưa. Một chuyện đã từng xảy ra và cho đến tận hôm nay vẫn còn tồn đọng, chưa giải quyết được. Năm ấy bà cũng đã hơn ba mươi, gia đình bà cũng đã có đất làm ruộng riêng và không còn làm mướn ở ruộng của ông Hội nữa. Một buổi sáng của tháng hè, người dân nơi này vớt được một thân xác, trên người không một mảnh vải che thân, nhìn mặt thì người ta nhận ra ấy là Kiều, người con gái bị cha mẹ bỏ từ lúc còn non tháng, đỏ hỏn, được người làm trong nhà ông Hội đem về nuôi. Lớn lên lại ở trong nhà ấy phụ làm những việc nhà. Kiều gọi người đem cô về nuôi là mẹ, và người ấy là người thân duy nhất mà cô có thể dựa dẫm. Do mẹ là người ở cho nhà ông Hội nên số phận cô từ nhỏ cũng không khác gì, lên mười bốn thì mẹ mất, thân con gái chẳng biết đi đâu nên vẫn ở lại nhà ông Hội, chẻ củi, giặt đồ… làm những việc mà mẹ đã từng làm. Người ta vớt được xác của Kiều, nhìn cái xác họ cũng đoán được cô đã bị quân ác nào hãm hiếp trước khi chết. Và cái vong ở dưới sông được gọi là ma da ấy không ai khác đó là Kiều.
Còn nữa…