______________
Đôi khi bỏ làng đi không phải là chuyện quá xấu. Để toàn mạng, nhiều người còn hiến cả nhân thân của mình. Còn người ở đây bỏ làng đi, vì nơi đó không còn gì cả. Kiếp nạn đến, mọi người đều tứ tán. Kẻ không đủ dũng mà đi, ắt chết không toàn thây.
Lại có những kẻ tìm đến cái chết như sự giải thoát. Chết là hết, nếu chỉ còn hồn, không phải chịu đau đớn của dương gian. Nhưng cái làng này, như đã nói khí âm tụ chướng, chuyện kì dị gì cũng có thể xảy ra. Nơi đây, cái chết không hẳn là sự giải thoát, mà lại là hành trình để trả lại tội lỗi của kiếp trước.
***
Chuyện này bắt đầu vào ngày đột nhiên chị Thành, là vợ anh Ngô Trung ở gần đình làng, không biết trúng cơn nước độc nào mà nằm li bì trên giường, cơm chẳng chịu ăn. Ai đến hỏi cũng không trả lời, đến nỗi chồng bực cả lên, vụt cho mấy roi dâu da. Nhưng chẳng thấy chống đỡ gì, người ngợm lại tỏa ra mùi khó chịu. Nghĩ là bệnh nặng, anh đành mời thầy lang đến. Sau khi thầy lang chẩn mạch, khám xong thì nói chỉ là chị ưu tư, lâu ngày dẫn đến sinh bệnh. Bệnh này chỉ cần chăm cơm nước đầy đủ, an ủi vỗ về, vài hôm khắc khỏi.
Anh Trung thấy cũng lạ, vốn anh là người cộc tính, thường đánh vợ con. Nhưng chị Thành cũng chẳng phải vừa, chị vốn là ca kép trong đoàn văn nhân tận trên Phủ Hội, nghiện hút phù dung, đến nỗi thân xác tàn tạ. Tây nó có mắt nhìn, biết đây là giai nhân, chẳng qua vì phù dung hại nên tàn phai nhan sắc. Nó đem về chăm, đến khi có da có thịt chút lại hãm hiếp ngày đêm xem như bù lại vốn, đến lúc Thành sức cùng lực kiệt chẳng hầu nổi, nó liền vứt ra đường chờ chết. Anh Trung lúc ấy làm cửu vạn, đi qua thấy chướng mắt, thương tình mà đem về chăm sóc ở nhà mình. Đến khi khởi nghĩa nổ ra ở gần đó, hào sĩ trốn tránh khắp nơi, Tây nó bắn pháo làm hai người mất chốn nương tựa, đành dắt díu nhau về đây, gán nghĩa vợ chồng mà sinh con đẻ cái. Vì vậy, anh có đánh chị thì chị cũng chẳng buồn phiền gì, như ông bà ta nói :”làm đĩ tứ phương, may có một phương mà tìm chồng”. Chị biết thân biết phận, chẳng chút ưu tư, cũng làm đẹp lòng chồng lắm.
Nhưng thầy lang đã nói vậy, nên dân làng ai cũng bở ngỡ khi thấy anh Trung đổi tính hẳn, hiền hòa chứ không cộc cằn như xưa, ngày ra ruộng cày thuê, tối lại về tắm cho vợ, ru con ngủ. Nhiều lúc thấy anh cũng tội nghiệp, dân làng còn qua giúp. Thế mà chị Thành mãi vẫn không rời khỏi giường, da thịt được ăn no đủ, lại nằm trắng mặc trơn, vóc dáng gọn gàng lại như gái đôi mươi. Nghe các cao niên bàn tán rằng cả làng không ai đẹp bằng chị.
Anh Trung thấy vợ ngày càng đẹp ra, trong lòng lại nổi tính dục. Nhưng cứ gần vợ thì lại bị đẩy ra, có lúc chị la lối làm cả xóm làng kéo qua xem. Không làm gì được, lại nhìn vợ phây phây ra thế, anh Trung buồn phiền mà đâm ra tật nghiện rượu. Anh uống rượu nhưng vẫn tỉnh táo lắm, không như vài người nổi chướng làm mình làm mẩy, khổ vợ khổ con. Được vài tháng, anh bị rượu nhập, suy sụp cả thể trạng. Khổ! Vốn người đã không biết uống, lại mượn rượu giải sầu, thế nào chẳng rước họa.
Lúc này, chị Thành bỗng dưng đi lại được. Chồng thì không làm nổi gì, cứ nằm liệt trên giường. May thay lúc này Tây rời đi không chắn làng lại, mọi người được phép đi khỏi làng. Để lo cho hai con nhỏ, chị lại làm kép hát, tối ngày đi theo đoàn văn nhân, vài ngày mới về. Chị bắt đầu son phấn, má đào, trẻ trung lại, làm nhiều anh trong làng cũng tơ tưởng đến nỗi bị vợ chì chiết. Người đẹp, chồng lại liệt, ắt dẫn đến nhiều chuyện thị phi. Dân làng kháo nhau, chị cặp cùng một con nhà quan tận phố huyện, cách xa nơi này. Còn những kẻ nhiều chuyện, nghe bọn phụ nữ trong làng cứ đồn đại, sợ mất tình xóm giềng cứ la mắng suốt.
Thế mà họ lại đúng. Vài tháng sau, bụng chị Thành lùm lùm, rõ là thai đã lớn, chẳng giấu được. Họ lại xì xào, chị Thành đi làm kép hát, chung đụng với con quan, nay mang chửa hoang lại về ép chồng. Tiếng xấu đồn xa, đến nỗi nhà chị cứ đóng cửa suốt, không giao du với ai. Nhưng anh Thành thì họ chẳng thể bỏ qua được. Người bệnh, có chút khí trời còn khó khỏi, nay lại bịt kín thế, chẳng khác nào ép chết. Thế là những người trong làng lại tới thăm, hỏi chuyện thì anh Thành khóc mà rằng.
“Nhục, nhục lắm cụ ạ!”
Mọi người sinh nghi, hỏi mãi cuối cùng anh cũng chịu nói. Số là chị Thành làm kép hát trên phố huyện, đường xa nên vài ngày mới về một lần. Chị cũng nghĩ đến chồng con nên không làm chuyện thất thân. Xong việc, chị lại về lữ quán mà trọ cùng một người cũng làm kép hát, nhà tận Phú Ninh.
Cậu ấm Tuân vốn con nhà quan huyện, mê chị lắm nhưng chị luôn khéo chối từ. Cậu Tuân tức lắm, nhưng đụng vào vợ người, quan Tây biết được thì khó ăn nói. Thế là cậu cứ kiếm cớ hạch sách, ép uổng này nọ, nhưng chị cũng làm tốt lắm, chẳng thể nào bắt bẻ được lâu.
Một ngày trước khi chị về, cậu ấm Tuân bỗng trở nên vui vẻ lạ thường, mời chị rượu mãi. Chẳng chối được, chị đành uống một chút rồi xin phép về ngay. Trên đường về lại làng, chị cảm thấy mệt nên nghỉ lại bên đường thì từ đâu cả nhóm gần mười đứa bịt mặt, lao ra mà lôi chị vào ruộng. Chúng thay nhau hãm hiếp chị, đến hồi chán chê, chúng bỏ mặc chị dọc đường. Trong lúc bị hiếp, chị có giật được một mảnh ngọc đeo bên hông của một thằng trong bọn. Đến khi tỉnh, mở ra xem thì nhận thấy ấn hiệu nhà cậu Tuân.
Biết là nhục nhã, nhưng để đòi lại công bằng, chị đến quan Tây mà kiện. Không biết thế nào, quan Tây vu chị hoang dâm, ăn trộm ngọc để giá họa, liền đánh cho mấy hèo mà đuổi đi. Chị mang nỗi nhục ấy về mà kể thật với chồng, đòi chết. Anh Trung phải cản mãi, chị mới thôi.
Trong đêm ấy, chị nói rõ với chồng, vì chị lỡ đi qua cửa đình mà không vái nên bị bệnh. Sợ thần thánh bắt vạ, chị không dám gần chồng. Nghe xong, anh Trung còn thương vợ hơn nữa, tối đó hai vợ chồng tuy mang nhục nhã, vẫn vui sướng hoan lạc cùng nhau. Khốn nạn thay, chỉ vài tuần sau, chị bị nghén, biết là mang chửa nhưng chẳng biết của ai, anh Trung cảm thấy không nuốt nổi cái nhục này. Cố giấu nhưng chẳng được, đến khi các cụ hỏi, anh kể hết ấm ức trong lòng ra.
Còn chị Thành, nghe chồng nói thế, nhục nhã mà chạy ra phía cửa sông đòi trầm. Dân làng, đàn ông thì cố cản, đàn bà thì đứng ngoài nhỏ to nhưng cố cho chị nghe thấy. “Đồ lăng loàn, thứ chửa hoang…”, những thứ gán ghép đủ cả. Quẫn bách đến tận cùng, chị nhảy xuống sông mà tự vẫn.
Đến ba ngày sau, xác chị mới nổi lên, bụng trương sình chẳng nhét nổi vào hòm quan. Có người dạn, đến cầm một que tre nhọn chọc vào bụng, tức thì cái bụng nổ tung, cả đàn giòi bò ra, để lại một bộ cốt nhi nhỏ xíu, nằm lọt thỏm trong dạ con.
Còn về anh Trung, nghe tin vợ tự vẫn, biết lỗi do mình, cuồng đến nỗi phát điên. Ngày dân làng chôn chị, ở nhà anh vác rựa ra chém chết cả hai con rồi tự vẫn. Ngày ấy cả làng chìm trong nỗi tang thương.
Nhưng rồi, cái việc xảy ra tiếp theo còn kinh dị hơn nữa. Đúng câu người ta thường nói, chớ vì miệng mà rước họa vào thân. Khoảng vài tuần sau ngày cả nhà chị Thành vì miệng lưỡi người đời mà tự vẫn, có nhà của bác Vương Sinh, người tại Tứ Kỳ bắt đầu xảy ra chuyện. Nhà bác khi ở quê cũ vốn là phú nông, gạo thóc đầy nhà, con cháu thì cả trên dưới cũng hơn ba mươi người, đề huề lắm. Thế mà chỉ một lần Tây càn bắt nghĩa quân, cả nhà bác bị vu là tiếp tay cho phạm, bị đem xử giảo cả nhà. Bác thì già nên chúng tha, bắt chứng kiến lần lượt hết con lại cháu bị chúng bắn từng người. Đến con dâu út chỉ chừng mười tám, mười chín, chúng thấy đẹp nên định hãm hiếp, may sao nghĩa quân đánh tới, giết hết Tây mà cứu được bác và cô con dâu, đưa lên núi chữa trị, đến khi khỏi thì bác xin đi mong kiếm được nơi khác mà mưu sinh.
Cuối cùng bác đến được làng này, chọn một khoảnh đất trống gần cuối nhà mà dựng nhà tranh, được bà con lối xóm chia cho hai sào ruộng mà trồng hoa phẩm, cuộc sống dần bớt cơ cực hơn.
Lại nói về cô con dâu của bác, tên là Minh Nguyệt, vốn là trê mồ côi được bác đem về nuôi dưỡng, đến khi lớn thì ưng bụng anh con út của bác là Trí Sanh, xin được kết mối trăm năm. Bác chẳng nề hà hủ tục, ngay lập tức từ chị, lấy cớ đó mà cho hai con được nên nghĩa vợ chồng. Hai vợ chồng ở chung nhà với bác, các anh chị ở cạnh bên, thay nhau chăm sóc cha mẹ già xem chừng phúc do ba đời để lại.
Từ khi anh Trí Sanh bị Tây hại, chị Nguyệt vẫn một lòng phụng dưỡng bác Vương Sinh mà bỏ qua cái tuổi kết đôi của người con gái. Nhiều lần bác khuyên chị lấy chồng, chị chỉ khóc mà thưa.
“Con lấy chồng, phải mang họ người, đến tên còn chẳng giữ được, sao mà phụng dưỡng cha tuổi đã xế chiều. Cha thương thì cho con ở lại, cũng là để anh Sanh được ngậm cười nơi chín suối.”
Bác Vương Sinh nghe, tuy lòng buồn nhưng lại vui, từ đó còn yêu thương con dâu hơn nữa. Đám trai làng thấy chị Nguyệt trẻ đẹp, cũng muốn tán tỉnh, xin kết duyên vợ chồng mà không màng đến hai chữ “nạ dòng”. Nhưng chị nào ưng, chị cứ ở vậy mà báo hiếu cho cha chồng.
Ấy thế mà sự đời đến lạ. Chuyện chị Nguyệt không chồng mà chửa hoang lại lan nhanh hơn gió thổi, họ xì xào nhau cha và con dâu, lửa lâu cũng bén. Nhưng bác Vương Sinh nào buồn vì chuyện đó. Chửa hoang cũng được, bác có cháu bồng, chị có người phụng dưỡng lúc già, còn miệng lưỡi thế gian thì kệ họ nói gì thì nói!
Ngày chị hạ sinh, lại là sinh bốn, may mà không chửa trâu, một trai ba gái nếp tẻ đủ cả. Buồn thay, hai người sau yểu mệnh, chết ngay sau sinh, chỉ còn hai con đầu một trai một gái là sống, được bác Vương Sinh đặt tên là Hậu và Diệu, ý là đến cuối cũng có chuyện diệu kỳ xảy ra.
Nhưng lúc này, những chuyện kì dị lại tiếp tục tái diễn, ấy là khoảng bốn năm sau. Thời gian trước đấy tuy có vài người đi khỏi làng, nhưng khắp nơi loạn lạc, lại đã lâu làng này không có chuyện kỳ dị xảy đến, cũng lũ lượt mà trở về.
Hai con của chị Nguyệt, tuy sinh cùng nhau nhưng khuôn mặt lại khác nhau hoàn toàn, chỉ giống mỗi đã lên bốn mà không biết nói, cũng chẳng cười, trên mặt luôn có nét buồn thoang thoảng. Dần dần chúng trở nên âm u, chỉ chơi với nhau, không tiếp xúc với ai. Nhưng hòa thuận lắm, người ta chẳng thấy chúng giận nhau bao giờ. Bác Vương Sinh do tuổi đã cao nên ở nhà trông cháu, còn chị Nguyệt thì đi đồng đến tận chiều mới về. Cuộc sống họ tuy im ắng nhưng hạnh phúc, dường như mọi chuyện đau buồn trước đây đã chôn sâu vào quá khứ.
Như thường lệ, chị Nguyệt đến chiều lại về nhà, đáng lẽ sẽ bình thường như mọi ngày, đến khi tiếng thét của chị Nguyệt vang lên khắp làng. Dân làng đổ xô tới thì thấy chị Nguyệt gục đầu bên bác Vương Sinh, lúc này đã há hốc miệng, mắt trố to kinh ngạc, xem chừng đã chết cứng tự bao giờ. Còn hai đứa nhỏ, chỉ đứng nhìn mẹ và ông, không có nổi một giọt nước mắt.
Sau đám tang của cha chồng, chị Nguyệt cảm thấy gì đó lạ lắm ở nhà mình nên thường gửi đồng lại cho người quen chăm hộ, còn mình chốc chốc lại về nhà xem chừng, như có điều gì đó mà chị muốn tận mắt kiểm chứng.
Chẳng cần hỏi quá nhiều, chị cũng tự nói ra.
“Này bác, nhà em có gì đó lạ lắm!”
“Lạ là lạ thế nào? Đừng nói gở! Nhà chỉ có mẹ góa với con côi thôi đấy!”
“Thật! Bác cứ nghe em nói hết đã!”
“Cô nói đi, tôi cũng thấy cô hốt lắm rồi!”
“Hôm cha em mất, khi vào nhà em nghe thấy tiếng ai đó cười!”
“Cô lại nói linh tinh! Người mất ai mà cười cho nổi!”
“Thì bác cứ nghe em nói…”
Chị Nguyệt kéo người phụ nữ về phía mình, ghé miệng vào tai mà thì thầm.
Ngày bác Vương Sinh mất, trong lúc cả làng vào phụ dựng đám, chị ra phía sau mà gạt nước mắt. Nhưng chị lại nghe tiếng ai đó cười, giận lắm nên chị lại chỗ tiếng cười phát ra mà xem thì thấy chỉ có hai con đứng ở đó. Chị hỏi thì hai đứa vẫn không mở miệng, nói có phải chúng cười không thì chúng gật đầu. Cơn giận làm chị mất đi cái tính dịu hiền của mình, định vung tay mà tát chúng. Nhưng lạ thay, chúng chẳng tránh ra mà lại cười quái gở, tiếng cười chẳng phát ra từ cái miệng như cái lưỡi liềm của chúng, kì dị đến ghê người. Chị nhớ lại lúc chị thấy cha gục chết, hai đứa nhỏ đứng cạnh bên cũng cười như thế, nhưng vì quá đau lòng mà chị chẳng để ý. Cảm thấy lạnh từ sau lưng, chị vội đi lên nhà trên, bần thần đến khi hạ huyệt cha.
Vì thế, chốc chốc chị lại về nhà, xem có điều gì lạ không. Nhưng chẳng có gì cả nên chị càng nghi hoặc. Không lẽ mình nhìn nhầm? Rõ ràng chúng cười thật mà!
Chuyện sau này tôi chẳng biết, nhưng có người kể lại cho nghe. Dạo đó tôi mất ngủ đến mấy ngày.
Chuyện là khi một đêm nọ, chị Nguyệt cảm thấy khó ở trong người, tuy nhắm mắt mà không tài nào ngủ được, cứ trăn trở mãi. Đêm ấy trăng lặn, trong nhà tối như bưng. Trằn trọc hồi lâu, chị nhổm dậy mà chong cái đèn dầu để gần đầu giường. Đèn chong lên, chị suýt thét khi thấy hai đứa con đứng ở chán giường từ bao giờ, miệng cười như lúc ông chúng nó mất. Chị run run mà hỏi.
“Hai đứa…sa..o… chưa đi… ngủ?”
Nhưng chúng chẳng trả lời. Lúc này gió thổi qua cửa sổ làm đèn vụt tắt. Chị lóng ngóng vội châm đèn lên. Lúc đèn sáng chẳng thấy chúng đâu, chị vội qua phòng chúng mà xem thì thấy chúng vẫn đang say giấc. Nghĩ nhà có ma, chị vội về phòng mà lấy cái bùa được một người tốt bụng cho lúc đám ma cha chồng. Chị lục trong tủ, đến khi tìm được thì vô tình làm rơi bèn cúi xuống nhặt. Lần này thì chị thét lên thật.
Ở dưới gầm giường, hai đứa nhỏ đang nằm trong đó, cuộn tròn vào nhau như hai con rắn, đôi mắt toàn tròng trằng lườm chị. Miệng chúng hé như lưỡi liềm, rõ là cười mà không thấy răng, chỉ có một màu đen từ trong kẽ miệng. Chúng tựa vào bốn cái tay như chân con thằn lằn, trườn ra phía chị.
Chị vứt cả đèn mà tuôn ra cửa, chẳng may đập mạnh vào tường mà ngất đi. Lúc tỉnh dậy thì xung quanh im như tờ, chẳng có gì. Chị run rẩy bò ra ngoài cửa, nhận ra trăng lên, hắt sáng từ cửa sổ vào phòng nhưng có gì đó đong đưa cản lại đôi chút. Chị lẩy bẩy nhìn ra phía sau rồi sợ đến nỗi vỡ tim mà chết.
Hai đứa con của chị cuộn phần thân dưới vào nhau, tay bấu vào hai bên cửa sổ, trên người không một mảnh vải mà toàn thân trắng đục, đong đưa như con dơi treo mình trên cây.
Rồi chúng hạ nhau xuống, đứa con trai chân khều lấy đứa con gái, nâng nó chạm vào đất rồi thả mình xuống theo. Hai đứa lại tiếp tục quấn vào nhau mà tựa vào bốn tay, bò thẳng về phía đầu làng.
Đêm ấy, trăng đang lặn bỗng sáng lạ thường, đến nỗi rõ cả mặt người. Trăng kì dị, ắt có chuyện chẳng lành xảy ra.
Chị Nam Hà là một người điêu ngoa, gặp ai cũng chanh chua mồm mép. Chính cái chị này là người gieo đồn chị Minh Nguyệt có chửa với bố chồng. Đêm ấy, chị thấy khát đến cháy cả cổ, chồng con thì đã ngủ hết chẳng có ai nhờ, ấm trà pha buổi tối đã lạnh nguội, thiu xỉn cả lá chè khô. Chị đành đi ra giếng mà múc nước uống tạm. Chị chỉ lấy vơi, nhưng sao cái gàu nặng đến lạ. Hì hục mãi, chị mới kéo được lên, cái gàu chỉ non nửa nước mà nặng như bỏ cả vài cân đá núi vào vậy.
Cúi mặt xuống mà vốc nước vào mặt, cái lạnh làm chị tỉnh đi đôi chút. Khom hai bàn tay, chị vốc một nắm to mà cho vào miệng. Quái lạ thay, càng uống càng khát, chẳng mấy chốc mà gàu nước đã gần cạn. Chẳng đã thèm, chị nâng cả gàu nước lên mà kê miệng uống.
Đến khi gàu nước trơ đáy, có gì đó đập vào mặt chị. Đang cơn khát, chị tức tối nhìn vào xem rồi ói ngay tại chỗ. Trong cái gàu là một bàn tay bị chặt nham nhở, giòi bò lúc nhúc đến lộ cả xương, mùi hôi của xác thối bốc lên đến lợm giọng. Chị giật lùi ra phía sau, may chạm vào cái cột lạnh tanh mà không ngã. Nhưng cái cột ấy đang cứng lại dần mềm oặt đi, càng lúc càng lạnh hơn. Chị quay lại, chỉ thấy hai khuôn mặt trắng bệt, đôi mắt chỉ có tròng trắng trừng mắt nhìn, miệng mở to nhưng chẳng thấy răng mà u tối, từ đó lợm ra mùi thối như xác người chết trôi. Cái thứ đó bấu chặt vào chị mà dí sát mặt lại gần. Đến khi gần chạm, chị hoảng đến mức cắn vào lưỡi, một miếng bay ra tạo thành lỗ to, từ đó máu xối xả tuôn ra từ miệng. Vật đó thả chị ra, chị lấy chút sức còn lại mà lết vào trong, một tay che miệng cố ngăn máu mà không nói nổi từ nào, cứ vậy máu chảy đến cạn mà gục chết.
Đến nhà chị Như là người từng xỉa xói chị Thành đến nỗi chị tự vẫn, đêm ấy, chị nghe tiếng bà Tám là mẹ chồng gọi nên đi qua, khi đi ngang cửa chính thì thấy cửa mở toang. Nghĩ chồng ham ngủ nên quên, chị kéo tay đóng lại, miệng lẩm bẩm chửi. Đến hồi đóng cửa lại, chị định thôi chửi nhưng không ngừng lại được, miệng cứ động đậy liên hồi. Chị vội chạy vào trong nhưng chân bị tay ai đó nắm chặt, mở mắt to ra nhìn thì thấy hai đứa nhỏ một tay nắm chặt lấy chân, ba cái tay còn lại kéo dài đến kinh hồn nắm lấy bụi tre trồng trước nhà mà kéo ra. Chị muốn hét cũng chẳng được vì cái miệng không nghe theo ý mình, cứ vậy mà bị kéo ra. Lúc ra đến bụi tre, hai đứa quỷ ấy nhét vào mồm chị một đốt tre to. Miệng chị vẫn cứ lẩm bẩm vậy, va vào đốt tre mà răng rụng dần, đến khi chỉ còn lại lợi tướm máu thì chúng rút ra, ném chị vào bụi tre. Những cành tre kẹp chặt không cho chị động đậy, càng động thì mắt tre càng đâm sâu vào da thịt, đau đớn khôn cùng. Lũ kiến ở dưới gốc tre, nghe mùi máu tanh mà tỉnh cả dậy, bâu vào chị mà cắn xé. Cả người đàn bà mập mạp ấy chẳng mấy chốc mà kiến bâu kín chỉ còn màu đỏ tía.
Cuối cùng, hai đứa quỷ ấy đến nhà chị Giang. Chị này lúc chị Thành tự vẫn đến khi anh Trung hóa điên chém chết cả nhà cũng chẳng nói một lời. Nhưng khi chồng đi đám chị Thành về, luôn miệng tiếc người đẹp làm chị nổi cơn tam bành, lôi người đã khuất ra xỉa xói, rồi dựng chuyện nói xấu họ cho cả chợ làng cùng nghe.
Đêm ấy, ánh trăng hắt vào mặt làm chị khó chịu, nhưng vốn tính lười biếng, chị không dậy mà đòi chồng phải ngồi đóng cửa sổ cho. Người chồng vốn sợ vợ, lèm bèm vài câu rồi cũng ngồi dậy mà đóng cửa vào. Lạ thay, người chồng đã ngồi dậy mà mãi chẳng đóng cửa lại làm chị nổi cáu, dang tay đánh mạnh vào lưng chồng.
Bàn tay ấy như chạm vào túi bóng cá, nhớt nhợt mà nảy ra. Thấy sự lạ, chị mở mắt mà nhìn. Hai đứa quỷ ấy đã thế chỗ chồng chị mà ngồi bên cạnh, cái đầu quay ngược hẳn ra sau phát ra tiếng răng rắc như xương gãy. Chị định rú lên thì chúng thò tay vào trong miệng, giữ chặt lấy đầu mà từ từ kéo ngược ra. Cái miệng dần mở to, rồi rách toang cả má, da thịt bị xé như miếng vải. Đến khi cái hàm không còn cái gì níu lại, mở toang như cái hòm mất bản lề, chúng lại kéo ngang qua, tựa như lột da cá. Cuối cùng cái hàm dưới của chị rời khỏi cái đầu rướm đầy máu, được chúng cầm phe phầy như đồ chơi. Khốn nỗi chị chưa chết nhưng chẳng hét lên được, nước mắt chảy túa ra vì đau, chúng lại thò cái hàm dưới đứt rời ấy mà thọc vào mắt, từ từ móc hai con mắt ra. Cuối cùng, khi nơi đáng lẽ là hai con mắt giờ chỉ còn hai cái lỗ sâu hoắm, chúng lôi chị ra ngoài, ném vào hố ủ phân. Từ đó giòi bọ tưởng xác thối lao lên, bò vào hốc mắt, chạy vào miệng đến trắng nhờ, mặc chị lúc này được thả ra đang cố vùng vẫy lần cuối.
Sáng hôm sau, cả làng thất kinh mà đi nhặt ba cái xác người ấy. Chợt có ai đó đến nhà chị Nguyệt, thấy chị chết cứng mà báo cho mọi người nghe. Lúc này họ nhìn ra phía đình làng thì thấy hai đứa quỷ kia đang quấn chặt, dần tách nhau ra, nắm tay mà đi về phía sông. Càng đi, chúng bỗng lớn dần, đến khi giống như hai người đã trưởng thành thì quay ngược đầu lại, còn thân vẫn hướng tới.
Rõ đó là mặt của anh Trung và chị Thành!
Dân làng lạnh gáy khi nhận ra ba người đã chết đều là kẻ ác mồm, xỉa xói làm chết cả nhà Ngô Trung. Nhưng họ càng kinh hãi hơn khi những người đàn bà vốn cũng có phần bỗng như hóa điên mà nhảy múa liên tục, những người đàn ông từng ve vãn chị Thành thì móc cái của quý ra mà thọc vào ổ kiến lửa. Ai cản cũng chẳng được. Đến khi hai đứa quỷ ấy chìm hẳn xuống sông, mọi chuyện mới dứt.
Bấy giờ không ai hiểu sao nhà bác Vương Sinh vốn hiền từ, chẳng có thù oán gì với vong nhà Ngô Trung lại bị ám đến chết thảm. Chắc là vì yêu quỷ chẳng tốt đẹp gì mà chừa một ai!
Nhưng rồi họ cũng ngờ ngợ đoán ra cái thai mà chị Nguyệt mang chẳng phải của bác Vương Sinh, rồi mấy chuyện kinh dị kia cũng chẳng phải là không có nguyên nhân gì. Nhưng đấy là lúc cả Trịnh gia trang bắt đầu có sự quái dị.