Đang ngồi trong quán phở thưởng thức bát phở gầu thơm ngon, tôi bỗng bị giật mình bởi tiếng quát của một người đàn ông:
– Làm cái gì mà lâu thế hả?
– Quán đông, cụ chịu khó chờ một tí. Tiếng chị chủ quán phân trần.
– Hừ, tao đứng đây đợi 15’ rồi mà mãi vẫn chưa được phục vụ, trong khi mấy đứa vào sau lại được ăn trước, bán hàng kiểu đấy à?
– Đây của cụ xong ngay đây. Tại thấy cụ nói chuyện điện thoại nên cháu cứ nghĩ cụ đang bận. Nói rồi chị chủ quán đưa một hộp phở nóng đựng trong túi nilon cho người đàn ông cao tuổi, đổi lại là 20.000VND nhàu nát từ tay ông ta. Mặt chị chủ có vẻ không hài lòng vì ông cụ trả thiếu tiền nhưng cũng chưa kịp nói gì thì ông ta đã chặn họng:
– Thiếu 5000, mai tao ra trả.
Nói rồi ông cụ quay lưng bỏ đi, tập tễnh từng bước để lại sau lưng ánh nhìn khó chịu của nhiều người đang ngồi ăn trong quán. Một người chép miệng:
– Cái lão thọt này, già rồi còn hay cáu bẳn, bẩn tính, đến bát phở cũng trả thiếu. Mà con bé này hiền nên lão cứ bắt nạt, chứ như con mụ Kim béo ở bên kia đố thấy lão ý vào mua bao giờ đấy.
– Cái lão này thì ai còn lạ gì nữa. Cả làng có ai dám dây với lão ý đâu. Mà lão ta khôn không dám dây với những người ghê gớm, không thì người ta chẳng đánh cho từ lâu rồi. Thế mà vợ lão vẫn sống được với lão thì cũng giỏi thật.
– Con cái chết hết, vợ chồng không sống với nhau thì sống với ai bây giờ? Âu nó cũng là cái số.
– Tôi nghe nói hồi trẻ lão là công an đấy, thế mà về gìa lại đổ đốn như thế.
– Không biết lão từ đâu đến đây mà tác oai tác quái thế nhỉ?
– Chịu. Một người đàn bà chép miệng.
Tôi đặt 90.000 VND lên bàn rồi đứng lên sau khi đã nói “cô ơi cho cháu thanh toán”. Tôi cũng không khỏi hiếu kì về người đàn ông lớn tuổi khiếm khuyết ban nãy bởi đây là lần đầu tiên tôi thấy ông ta. Tuy tôi không ở đây thường xuyên, nhất là vì tôi vừa đi du học 3 năm trung học bên Đức về, đang nghỉ mấy tháng trước khi quay trở lại bên đó học đại học, nhưng đây là quê của ông bà ngoại tôi, không đến nỗi xa lạ đến mức không nhận ra những người hàng xóm láng giềng quen thuộc. Trên quãng đường về nhà, trên tay một chiếc cặp lồng sắt trong đó có 2 bát phở cho ông bà của tôi, tình cờ tôi thấy ông cụ thọt chân đang đứng bên một bàn cờ, miệng hò hét nhiều câu từ tục tĩu. Tôi cũng thoáng thấy nét mặt của một vài người đang đứng xem cũng tỏ ý khó chịu về ông ta. Tính hiếu kì của tôi trỗi dậy, lát nữa tôi sẽ về hỏi ông bà ngoại về người đàn ông đó.
Ông bà tôi ăn xong phở tôi mua về, hài lòng khen ngợi:
– Cháu tôi ngoan lắm, mới ngày nào bé tí lẽo đẽo theo bà đi chợ mà bây giờ đi ăn đã biết mua về cho ông bà. Từ mai không phải mua cho ông bà nhé, cháu để dành tiền mà tiêu, ông bà tự lo chuyện ăn uống được.
– Chẳng mấy khi cháu về thăm ông bà, cháu có tiền mà. Mẹ cháu vẫn bảo ông bà tiết kiệm lắm, chẳng bao giờ ra hàng ăn cái gì.
– Ôi giào ông bà già rồi cần gì ăn ngon, no là được rồi. Mà cũng không được no quá, không thì chỉ tổ khó thở. Ông tôi chống chế.
– Cháu ở Đức sẵn các loại thuốc và thực phẩm chức năng lắm, ông bà cần gì cứ nói với mẹ cháu, cháu sẽ gửi về cho ông bà.
– Thôi ông bà không cần gì đâu, cháu sang đó lạ nước lạ cái tập trung vào mà học để sau này kiếm được công việc tốt.
– Ông nói phải đấy, ông bà không thiếu gì đâu, cháu không phải lo. Bà ngoại tôi lên tiếng.
– Vâng. Cháu biết mà, ông bà cứ yên tâm. À, ông ơi, lúc nãy ra ăn phở cháu nhìn thấy một ông cụ rất lạ, hình như ông ấy không phải người làng mình. Ông ấy bị thọt chân, đây là lần đầu tiên cháu thấy ông ấy.
– Cháu muốn nói đến lão Trọng phải không? Làng này chẳng ai muốn dây dưa với ông ta cả.
– Ông ta từ đâu đến thế ạ?
– Ông cũng không biết, nhưng nghe người ta nói ông ta hồi trẻ là công an đấy.
– Ông ta đến làng mình lâu chưa ông? Sao ông ta cư xử với mọi người thô lỗ thế ạ?
– Ông ta đến đây cũng phải được 1 năm rồi, người dân làng mình hiền lành nên không ai muốn dây dưa với ông ta. Mà cũng hay, các cụ có câu “ma cũ bắt nạt ma mới”, nhưng ông ta là người mới mà lại bắt nạt tất cả người gốc ở đây. Bà ngoại tôi góp lời.
– Bà ơi, thế bà có biết tại sao chân ông ta lại bị thọt như thế không ạ?
– Bà cũng không biết, bà chỉ thấy khi ông ta mới tới đây đã đi cà nhắc như thế rồi. Cháu đừng đến gần ông ta không là bị ông ta kiếm chuyện rồi chửi đấy.
– Vâng cháu biết mà. Tôi đáp lại lời bà trong lòng vẫn không khỏi hoang mang về ông cụ bị khuyết tật.
Tôi vốn là một người không thích xen vào chuyện người khác, lại thêm tính cách hung dữ thích gây sự của người đàn ông lớn tuổi ngang với tuổi ông ngoại mình nên tôi luôn cố gắng tránh xa ông ta mỗi lần đi ra chợ. Dù tôi không va chạm gì với ông Trọng nhưng bà tôi thì dù không muốn vẫn bị ông ta gây sự, chửi bới khi ra ngõ chỉ vì vô tình va phải vợ ông ta. Tôi chỉ lắc đầu khi nghe bà tôi kể lại, rồi bà chép miệng:
– Cái lão này, chẳng hiểu từ đâu đến đây. Bà vô tình va phải vợ ông ta thôi mà ông ta chửi bới quá trời. Người dân xung quanh cũng tỏ ý bênh vực bà mà ông ta còn gắt với tất cả mọi người. Haiz.
– Bà có sao không ạ?
– Bà không sao, già rồi mà còn vô đạo đức. Haiz.
Tôi đỡ bà ngoại vào nhà mà cũng cảm thấy rất tức giận. Tôi sau này có thể trở lại Đức hoặc lên thành phố, nhưng ông bà tôi thì vẫn còn ở lại đây, và những người khác nữa, họ sẽ phải chung sống với người đàn ông khó chịu này không biết đến bao giờ. Nhưng tôi vốn chỉ là một cô gái liễu yếu đào tơ, không thể và cũng không nên to tiếng hay gây gổ với một ông cụ già được, đành chỉ cố gắng tránh mặt càng nhiều càng tốt. Cuộc sống trong làng cứ vậy trôi qua cho đến một ngày nọ, Bội- chồng của chị bán phở đi tù về. Anh ta vốn là một tay giang hồ bặm trợn, từng phải đi chấp hành án tù 10 năm vì tội đánh người và làm mất trật tự nơi công cộng. Khỏi phải nói, người dân trong làng ai cũng chán ngán anh ta, số lượng người qua ăn phở cũng giảm đi nhiều. Sau lưng Bội, mọi người nói với nhau:
– Hết lão Trọng thọt lại đến thằng Bội. Sao làng này lại chứa toàn những kẻ cộm cán vậy chứ?
– Cẩn thận khéo nó nghe thấy rồi rách việc.
– Từ nay hạn chế qua nhà đó ăn, không khéo bị đánh bị giết oan mạng.
Lão thọt, không biết có biết tin về chồng chị chủ quán phở nơi lão hay ra ăn không, nhưng lão vẫn giữ cái vẻ khinh khỉnh ngang tàn và sẵn sàng gây sự đi khắp nơi. Một buổi sáng nọ, tôi dậy sớm để đi ăn phở như thói quen, tôi lại thấy lão thọt khấp khểnh ra lệnh cho chị chủ quán:
– Cho nhiều thịt vào. Cho được có tí thịt.
– Cụ ơi cháu bán thế này là đúng rồi. Dạo này thịt đắt, cháu không tăng giá bán được nên đành bớt thịt đi. Cụ thông cảm.
– Thịt đắt, thịt đắt, tao lạ gì chiêu trò buôn bán của chúng mày nữa, chúng mày ăn lãi dày thế mà không sợ sau này nghiệp vận vào thân con cháu à?
– Cụ đừng nói thế. Thôi cháu biếu cụ thêm một ít thịt nữa.
– Biếu? Tao bỏ tiền ra mua mà mày bảo biếu? Con này mày khinh tao à?
Rầm. Một tiếng đập mạnh xuống bàn vang lên khiến những người ngồi trong quán giật mình quay lại nhìn. Bội quát:
– Cái lão già này, lão là ai mà lắm lời thế hả?
– Tao là ai liên quan gì đến mày. Mày là thằng nào mà láo lếu thế hả?
– Tôi là chồng của nó, vừa nói Bội vừa chỉ vào chị bán phở, ông thích hạch sách không?
– Tao đáng tuổi bố mày đấy, sao mày dám ăn nói thế với tao?
– Bố ruột tôi còn không dám quát tôi, ông là cái thá gì mà dám lên mặt dạy đời? Nghe người dân làng nói ông hay gây sự, để hôm nay tôi cho ông một trận.
– Mày dám đánh tao không? Tao là công an đấy.
– Công an đương nhiệm tôi còn đéo sợ nữa là loại công an hết thời như lão. Lão biến đi trước khi tôi nổi điên. Bội quát.
– Thôi cụ mang phở về đi, chị chủ cố can ngăn.
– Không tao không về, thằng côn đồ này, mày định bắt nạt ai?
– A… Bội rít lên một tiếng rồi lao đến chỗ lão Trọng, túm lấy cổ áo nhàu nát, hỏi lại một câu nữa: Lão bảo ai là thằng côn đồ?
– Tao bảo mày đấy, buông tao ra. Lão Trọng gan lì.
– Thôi mình ơi, buông ông cụ ra đi. Chị chủ quán van nài chồng.
– Thôi anh Bội ơi, đừng chấp ông ta. Tiếng một số người can ngăn.
– Đánh chết cha nó đi. Tiếng một số thanh niên hư hỏng khích bác.
– Mày có giỏi thì đánh tao đi. Tao lên báo công an.
– Thằng này ra tù vào tội, có đi thêm 10 năm nữa cũng không xi nhê gì đâu. Hôm nay tôi phải cho loại người già mà không biết điều như ông một trận.
Bốp. Tiếng đấm vang lên khiến tôi cảm thấy choáng váng dù đã đứng xa mấy mét. Lão thọt ngã ra mặt đất, máu chảy đầy mũi và miệng, la lên oai oái:
– Ôi làng nước ơi, nó đánh tôi.
– Kêu này, kêu này. Bội vừa hét vừa đánh. Chị chủ hàng phở vẫn cố can ngăn chồng: dừng lại đi mình ơi, đánh chết người ta là mình đi nữa đấy.
– Dừng tay lại. Một tiếng nói lớn vang lên ngăn Bội lại. Anh lại gây chuyện à? Mời anh theo chúng tôi.
– Dạ, chào các đồng chí ạ. Bội luống cuống buông lão thọt ra, khúm núm chào công an.
– Cậu đưa anh ta đi, còn tôi thì đưa ông cụ về nhà. Một đồng chí công an có vẻ ngoài già dặn phân công. Mọi người giải tán đi.
Tôi cũng không còn tâm trạng nào ăn nốt bát phở nữa, nên tôi đứng lên trả tiền rồi đi về nhà. Đi ngang qua cổng nhà lão thọt, tôi thấy một người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ đang đỡ lấy ông ta để đưa vào nhà. Chắc đó là bà Dậu- vợ của lão Trọng. Nhìn khuôn mặt sầu não đẫm nước mắt của bà ấy tôi cũng thấy có gì đó đáng thương, nhưng nghĩ đến những việc chồng bà ấy làm, tôi lại lờ đi coi như không biết chuyện gì. Ông bà tôi cũng biết chuyện của lão Trọng nhưng họ chỉ nói:
– Nếu không may ông ta mất thì sang thắp hương. Nghĩa tử là nghĩa tận. Dẫu sao bà Dậu cũng đáng thương.
Nghe ông bà tôi nói chuyện, trong lòng tôi bỗng nảy lên một mối thương xót với bà Dậu. Nếu ông Trọng không thể qua khỏi, tôi sẽ sang thắp hương cho ông ấy.
Đúng như dự đoán của ông bà tôi, chỉ một tuần sau ông Trọng mất, bà Dậu là người duy nhất than khóc cho chồng mình, người đến viếng cũng ít vì không mấy ai ưa ông ta. Bà tôi hỏi thăm bà Dậu, và không ngờ rằng chỉ có lúc này người phụ nữ kín tiếng này mới kể cho bà tôi nghe về cuộc đời của lão thọt – cái biệt danh gắn với lão sau một vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng hai người con của bà Dậu. Tiếng mưa rơi tí tách từng hạt như phụ với bà Dậu kể lại câu chuyện về cuộc đời chồng bà, còn tôi thì thi thoảng nhìn vào di ảnh ông ta như thể nhìn thấy một ông Trọng trở về trước mắt.