Cách đây mấy chục năm, lão thọt là một người đàn ông trung tuổi nhưng phong độ, là một công an phường có cấp hàm khá cao. Lão có một gia đình yên ấm với người vợ hiền hậu và hai đứa con một trai một gái xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn. Ngày đó, lão sống trên thành phố với số tài sản bố chia cho, còn người em trai của lão thì sống ở quê, cũng có 2 người con. Với số tài sản được thừa kế từ bố, cộng thêm khoản thu nhập kha khá từ công việc, gã đã xây được cho mình một căn nhà khang trang trong một con phố nhỏ, mua được xe oto giá rẻ để đi lại, các con được học ở những ngôi trường danh giá và tham gia vào những khoá học và dịch vụ dành cho con nhà giàu. Những tưởng ông Trọng sẽ hài lòng với cuộc sống đó, nhưng trong thâm tâm ông ta vẫn mong ngóng có cơ hội phát triển thêm. Ông ta luôn quan niệm, sống ở đời mà không phấn đấu thì chỉ phí hoài, nên nếu có cơ hội thì phải mọi giá chớp lấy. Nhưng khổ nỗi bà Dậu chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc các con, mọi gánh nặng về tài chính rơi xuống vai ông Trọng, dù lương lậu rất khá nhưng cũng không thể giúp ông trở thành một người đẳng cấp như giám đốc của mình được. Ông thèm được người ta nhìn ngưỡng mộ như sếp của mình, thèm được có một chiếc oto đắt tiền, thèm được có thêm một khoản thu nhập rủng rỉnh hơn nữa… Đất nhà ông ta cũng rộng, đằng sau cũng xây 5-7 căn phòng cho sinh viên thuê, hàng tháng bà Dậu cũng được thêm một khoản tiền chợ, nhưng so với tham vọng của một người đàn ông thì chẳng là gì. Ông Trọng khổ tâm lắm, ngày đêm suy tính tìm cách đổi vận nhưng xem chừng bí bách lắm. Hàng ngày đi làm, ông Trọng vẫn nghe ngóng mọi chuyện ở cơ quan cùng những người đồng nghiệp, hi vọng tìm được một thông tin gì hữu ích. Ngày này qua ngày khác, cũng phải ngót chục năm, cuối cùng một tin vui cũng đến với ông Trọng. Hôm ấy, trời mưa tầm tã, ông Trọng vừa đi làm về, toan xuống mở cửa để phóng xe vào thì đã thấy bà Dậu đứng sẵn chờ từ khi nào. Bà mở rộng cửa cho chồng phóng xe vào sân, rồi còn nhanh chóng bật ô lên che cho chồng. Ông Trọng ngạc nhiên lắm, nhưng phải vào trong nhà mới hỏi vợ:
– Hôm nay em ra đây đón anh à? Em không phải đi đón cái Trúc à?
– Không Trúc được nghỉ anh ạ.
– Thế thằng Triều thì sao? Nó về chưa?
– Cả hai đứa đều về hết rồi, anh yên tâm.
– Vậy hôm nay có chuyện gì mà em ra đón anh thế? Chắc phải có chuyện gì vui lắm đúng không?
– Em mới nghe được một chuyện, đảm bảo anh sẽ rất vui.
– Chuyện gì thế? Trúc được điểm cao à? Hay Triều có kết quả thi học sinh giỏi cấp quận?
– Không, đối với anh còn hơn thế. Em đảm bảo anh nghe xong sẽ vui cả tối cho mà xem.
– Chuyện gì? Em nói đi làm anh sốt ruột quá.
– Chiều nay khi em đi chợ tình cờ em nghe thấy một chuyện từ mấy người hàng xóm. Họ nói đằng sau nhà chúng ta và một loạt nhà nữa sau này sẽ được giải toả và quay ra mặt đường.
– Anh tưởng là chuyện gì, chuyện này anh chưa nghe ai nói cả, em nghe phải tin vịt rồi.
– Không đâu, trong những người đó có cô Liên- cháu gái của chủ tịch quận, cô ấy cũng xác nhận đó là tin chính xác đấy. Cô ấy còn nói gia đình cô ấy sẽ nhận được hàng chục tỉ đền bù đấy.
– Anh chưa nghe thông tin này ở cơ quan, sếp anh cũng không nói gì. Em lạ gì tính cô Liên nữa, một tấc đến trời. Haiza… ông Trọng thở dài toan quay đi, để lại sau lưng gương mặt đang xịu xuống vì thất vọng của bà Dậu, nhưng ông lại quay lại ngay và nói: Mà sếp anh ở phường khác nên có thể ông ấy không quan tâm đến chuyện này. Mai anh sẽ đến cơ quan hỏi xem. Thôi em vào dọn cơm đi, anh đói rồi. Anh lên đi tắm thay đồ đã.
Ông Trọng đi lên nhà trong tiếng reo hò của Trúc. Cô bé năm nay học lớp 6, rất quấn bố, chạy tới khoe bố thành tích mình mới đạt được ở lớp học đàn. Triều thì mới vào lớp 10 nên không còn vô tư như em gái, và cũng đầy tham vọng giống bố mình. Cậu ta chỉ quay lại chào bố một tiếng rồi cúi đầu xuống quyển sách tiếp. Ông Trọng tiến đến bên con trai, hài lòng gật đầu khi thấy con chăm chỉ học tập. Ông xoa đầu Triều:
– Con trai ngoan, cố gắng học rồi sau này bố cho đi du học nhé. Giờ bố đi tắm, hai con xuống nhà giúp mẹ bày bàn ăn đi.
Ông Trọng cầm bộ pyjama vào phòng tắm, xối nước lên cơ thể, cố tắm nhanh để xuống ăn cơm với vợ con. Thông tin vợ nói làm ông rất hoài nghi, nhưng cũng mang lại cho ông một hi vọng mới về thời vận. Sáng mai ông sẽ tới cơ quan dò hỏi, mong rằng đó không phải tin vịt. Bữa cơm tối diễn ra trong không khí đầm ấm, bên ngoài mưa vẫn rơi, từng tiếng sấm thi thoảng vang lên khiến Trúc giật mình hoảng sợ, còn bà Dậu thì dỗ dành con gái. Triều ăn xong trước bố mẹ, lấy cớ phải học bài nên lên phòng sớm. Ông Trọng và bà Dậu vẫn nói đủ chuyện từ chuyện chợ búa cho đến chuyện học tập của con cái, nhưng chủ đề chính vẫn xoay quanh câu chuyện bà Dậu nói về chuyện giải tỏa đất. Mắt ông Trọng sáng long lanh như thể ông nhìn thấy diện mạo mới của phía sau ngôi nhà mình đang ở. Ông vẫn nghĩ đó chỉ mãi mãi là một con sông hôi thối, không ngờ trong tương lai lại trở thành mặt đường.
Sáng hôm sau, vừa đến cơ quan, ông Trọng đã nói về chủ đề giải toả đất làm đường. Một số người nói không biết, một số người chỉ gật gù hóng chuyện, mãi mới có một người xác nhận chuyện ông Trọng nói là đúng, nhưng cũng phải vài năm sau mới giải toả đến nơi ông Trọng sống. Không sao, miễn là chuyện giải toả đất là thật, nếu phải chờ vài năm cũng không sao. Ông gọi về cho vợ, báo cho vợ biết tin mừng, dặn vợ đi chợ mua ít đồ ngon để chiều nay cả gia đình ăn mừng. Ông còn cao hứng mời người đồng nghiệp đã xác nhận tin vui về nhà để cùng chung vui. Người đó nhận lời ngay và còn nói sẽ đi mua quà để tới nhà ông Trọng. Chiều hôm đó, ông Trọng về nhà trước để chuẩn bị, đi siêu thị để mua sâm-panh. Ông không ngờ, chính trong chiều hôm ấy ông nhận được một tin sét đánh về con trai mình. Vừa về đến nhà, chưa kịp vào thì ông thấy cô Hoa hàng xóm nói với ông một tin:
– Dạo này anh cho thằng Triều nhiều tiền quá nhỉ? Như thế là không tốt đâu.
– Sao cô lại nói thế? Ông Trọng ngỏ ý không hài lòng.
– Em vừa vào trung tâm thương mại, thấy thằng cu nhà anh đi cùng mấy đứa nữa vào quán cafe sang chảnh lắm, nó còn hào hứng nói với các bạn: Hôm nay tớ mời, các cậu cứ tự nhiên. Em còn thấy nó rút ra một xấp toàn tờ 100.000 VND polime nữa.
– Không thể có chuyện đó, chắc cô nhìn nhầm nó với ai rồi, vợ chồng tôi không bao giờ cho nó nhiều tiền.
– Khổ, em không nhìn nhầm đâu, lúc đó có cả chị Chi đi cùng mà, anh không tin thì hỏi chị ý xem.
– Tôi thì tôi không tin đâu. Con trai tôi ngoan lắm.
Ông dắt xe vào trong nhà, không quan tâm đến vẻ mặt đang hiếu kì của cô Hoa, cố tỏ ra bình thường. Nhưng vừa bước vào nhà, thấy bà Dậu đang nhặt rau, ông Trọng hỏi ngay:
– Em dạo này có cho con tiền không?
– Em có sao thế anh?
Ông Trọng kể lại chuyện cô Hoa vừa nói, bà Dậu lắc đầu tỏ ý bênh vực Triều, nhưng ông Trọng nhất quyết:
– Đợi thằng Triều về rồi hỏi cho ra lẽ.
Bữa cơm tối hôm ấy trôi qua trong không khí gượng gạo. Ông Trọng cố không nổi giận với con trai, làm bộ mặt vui mừng với đồng nghiệp. Nhưng khi người đồng nghiệp vừa về, ông đã tra hỏi Triều. Ban đầu nó chối bay chối biến, nhưng về sau nó thú nhận đã ăn trộm tiền của bố. Nó biết thói quen của bố nó là hay để tiền trong túi quần âu nhưng hay bỏ quên tiền trong đó. Tờ 500.000 thì nó chưa dám lấy, nhưng nó đã lấy mấy tờ 100.000 mấy lần rồi. Ông Trọng tím mặt, toan đánh con thì bà Dậu can ngăn. Cũng may câu chuyện này chưa đi quá xa và được ngăn chặn kịp thời, nếu không thì có ngày ông phải đón nhận tin con trai mình là kẻ cướp ở chính chỗ làm mất.
Một thời gian sau, ông Trọng nhận được tin chính thức về việc giải toả đất. Ông ta mừng như bắt được vàng, nhưng ngay sau đó lại tỏ ra buồn rầu. Tuy được nhà nước đền bù một khoản tiền lớn, nhưng sau vài tiếng đồng hồ suy tính, ông Trọng nhận thấy số tiền ấy chỉ đủ xây 1/3 toà nhà ông dự định xây để sau này làm văn phòng cho các công ty thuê. Bà Dậu có nói mình có một khoản tiền để dành nhưng ông Trọng gạt đi, nói số tiền ấy chẳng giúp gì nhiều cho ông. Đang vò đầu bứt tai, bà Dậu gọi chồng ra nghe điện thoại:
– Chú Trịnh (em trai ông Trọng) gọi cho anh này.
– Có việc gì không? Không thì để anh gọi lại sau, anh đang bận.
Ông Trọng còn nghe rõ tiếng cúp máy sau lưng. Nhưng dường như âm thanh đó mang lại một giải pháp có thể cứu giúp ông khỏi sự khó khăn đang bao vây tâm trí. Ông vội chạy ngay ra chỗ điện thoại bàn, mặc kệ vợ vẫn đang đứng, ông bấm số gọi cho em trai và hẹn cuối tuần sẽ về quê thăm. Bà Dậu thấy thái độ của chồng đổi khác thì tỏ ra ngạc nhiên, vui mừng hỏi:
– Sao anh vui thế? Có chuyện gì à?
– Ừ tin vui em ạ, em cứ chờ rồi sẽ thấy.
Sau đó ông Trọng đi ra sân sau, nơi có mấy căn phòng cho sinh viên thuê, thông báo với họ về chuyện giải toả đất và yêu cầu họ rời đi trước ngày 20. Nghe ông chủ nhà thông báo vậy, một người hỏi:
– Bác ơi thế tiền điện nước bọn cháu đã đóng đủ thì có được trả lại không ạ?
– Trả lại? Các cô các cậu đóng cả tiền điện tiền nước có 50.000/ người 1 tháng mà dùng bao nhiêu, như nhà ông Hoá ở bên cạnh mỗi người phải đóng 70.000 kia kìa.
– Nhưng nhà ông ấy có công tơ nên ai dùng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, thừa thì được trả lại, còn nhà bác thì không có… 10.000 đối với chúng cháu cũng lớn lắm ạ, mong bác…
– Ngay từ đầu các cô các cậu ở đây là được đọc hợp đồng rồi mới thuê, chứ tôi có ép ai thuê đâu, giờ các cậu lại phản đối là sao? Không nói nhiều với các cậu nữa, đúng ngày 20 là tất cả phải dọn đi, không thì đừng trách tôi.
– Ơ bác ơi, bác ơi… tiếng của mấy người sinh viên gọi với theo, nhưng ông Trọng làm như không nghe thấy, bỏ lên nhà trên.