Khi xe còn chưa vào đến trong sân thì trên bậc thềm, ông Trọng và bà Dậu đã nhìn thấy ông Trịnh đang đứng để chào đón anh chị. Ông Trịnh là em trai ông Trọng, năm nay 37 tuổi, chỉ kinh doanh rau quả sạch cùng với vợ, là một người đàn ông chân quê thật sự. Thấy xe của anh trai mình tiến vào sân, ông Trịnh vui lắm, chạy ra chào đón. Mấy người hàng xóm và họ hàng cũng chạy sang chào mừng ông công an từ thành phố về chơi. Bước xuống xe, ông Trọng gật đầu chào mọi người, ra vẻ kẻ cả còn bà Dậu thì lúi húi bê túi quà xuống xe, vui vẻ chào hết người này đến người khác. Ông Trịnh mời anh trai và chị dâu vào nhà, nhưng ông Trọng thì không vào ngay mà còn đi đi lại lại xem xét toàn bộ số đất vườn nhà em trai. Ông ta gật gù hài lòng, xem ra ông ta sắp có một khoản tiền lớn từ chỗ đất này đây. Ông Trọng hỏi ra vẻ quan tâm:
– Hai đứa nhà chú đi đâu rồi?
– Dạ chúng nó đi học rồi anh ạ.
– Thế à? Chăm học là tốt, học giỏi bác thưởng.
– Vâng hai đứa nhà em thì được cái rất thích học, nhưng sắp tới thằng lớn lên lớp 12, phải ôn thi vào đại học mà ở đây thì không có nhiều lớp luyện thi như trên thành phố. Em cũng định xin anh cho nó lên ở nhờ nhà anh một thời gian để nó học thi, sau này nó đỗ thì em sẽ thuê nhà cho nó ở riêng chứ không dám làm phiền hai bác và các cháu.
– Ừ được rồi tôi sẽ sắp xếp. Nhà tôi có mấy phòng lại đang cho sinh viên thuê, khi nào cháu cần thì tôi bố trí cho. Người nhà với nhau, chẳng lẽ tôi không cho cháu được mấy triệu mỗi tháng để cháu đi học?
– Dạ được thế thì tốt quá ạ. Em cảm ơn bác. Nhà em mang ơn bác nhiều.
– Ơn huệ gì? Miễn sau này cháu nó thành tài làm rạng ranh dòng họ là được rồi.
Ông Trọng hứa hẹn và vẽ ra rất nhiều viễn cảnh đẹp trước mắt người em trai tội nghiệp quê mùa. Cách đó mấy mét, nơi bà Dậu đang chuẩn bị cơm cùng người em dâu, nghe chồng nói mà không dám phản bác, chỉ im lặng. Bà biết những lời chồng nói chỉ là lừa gạt, dụ dỗ ông Trịnh bán đất để xây công ty chứ không hề muốn giúp đỡ cháu như lời ông ấy nói. Bà Ngọc- vợ ông Trịnh nói với chị dâu:
– Trên thành phố cái gì cũng dễ kiếm hơn ở dưới này. Công an ở đây không kiếm được nhiều như trên đó đâu chị ạ.
– Ừ, cũng nhiều chuyện lắm chứ cũng không đơn giản đâu cô ạ.
– Thì trên đó phức tạp hơn, kiếm được nhiều tiền hơn nên cũng phải chấp nhận thôi chị. Chứ nhà em quanh năm chỉ trông vào mấy ruộng rau, nhiều lúc cũng bí lắm. Hai đứa nhà em đi học may cũng không tốn nhiều, nhưng sau này thằng Hải thi vào đại học rồi đi học sẽ rất tốn kém. Haiza!
Nghe tiếng thở dài của người phụ nữ cũng tầm tuổi mình, bà Dậu không khỏi thương cảm. Chồng bà đang định chiếm hết số đất này của hai vợ chồng người em để làm giàu cho mình mà bất chấp luân thường đạo lý. Trước khi về đây, bà đã khuyên can nhưng ông không nghe:
– Anh làm thế thì tội nghiệp cô chú ấy. Họ còn 2 đứa con cũng tuổi ăn tuổi học mà.
– Chúng nó ngu thì mắc bẫy thôi, tham thì thâm.
– Nhưng làm thế thì tội nghiệp họ. Không còn nhà ở, cô chú ấy biết làm thế nào? Hai cháu sẽ phải sống như thế nào?
– Cùng lắm thì cho ít tiền. Em đừng có nói lung tung làm ảnh hưởng đến chuyện của anh.
– Em có thể không về quê lần này được không?
– Em phải về. Dẫu sao cũng là ngày giỗ của bác trong họ. Hai đứa phải đi học thì thôi, nhưng em thì phải về.
Bà Dậu cắn răng chịu đựng người chồng mưu mô độc ác mà không dám phản kháng bởi bà phải phụ thuộc vào ông về kinh tế. Bà chỉ thương cho gia đình người em, và cũng thương cho hai đứa con sau này lớn lên có thể bị ảnh hưởng bởi bố chúng. Trong suốt bữa cơm, bà không nói chuyện với ai, chỉ đáp lại những câu cần thiết, cũng như tránh nhìn hai đứa cháu vì ám ảnh tội lỗi. Bà Ngọc thấy chị dâu phản ứng lạ còn nghĩ chị bị ốm nên đã đề nghị để mình dọn dẹp thay, còn bà Dậu thì cứ vào buồng nằm nghỉ. Bà Dậu lại càng thương cảm gia đình người em chân chất hơn, cố kéo chồng ra một góc khuyên nhủ nhưng ông không nghe. Ông Trọng trở thành một kẻ lạnh lùng, độc ác và mưu mô, để ngoài tai những lời nói của vợ. Cơm nước xong xuôi, ông nói với em trai có chuyện cần bàn. Ông không giấu chuyện giải toả đất nữa, nhưng lại giấu chuyện mình muốn xây công ty và đề nghị ông Trịnh bán đất đi để hùn vốn cùng mình, đổi lại ông ta sẽ đón cả gia đình người em lên thành phố sống. Ông Trịnh nghe đề nghị của anh, không khỏi giật mình thoảng thốt vì dẫu sao đây cũng là gia sản bố mẹ để lại, cũng là nơi thờ cúng cho hai ông bà, nếu bán đi thì sau này lấy đâu ra chỗ trồng trọt vì đó là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình ông. Ông Trọng trấn an:
– Chú đừng lo, sau này chú hoặc thím và 2 cháu lên ở với gia đình anh, lúc đấy anh vừa cho nhà ở, lại vừa cho quản lý mấy ngôi nhà thuê, tiền thuê nhà chia đều cho Dậu và chú hoặc thím, đi đâu mà thiệt?
– Nhưng làm sao em bỏ được nhà này anh? Em còn phải ở đây để lo hương hoả cho bố mẹ chứ.
– Thì anh có bảo chú bán hết đất đâu. Cứ để lại ngôi nhà này, còn chỗ đất kia bán đi, chú thím cứ ở dưới này còn cho 2 đứa cháu lên ở với hai đứa nhà anh, chúng nó sẽ cùng giúp đỡ nhau học tập, lại được làm quen dần với không khí trên thành phố, như thế không tốt sao?
– Vâng anh dạy rất phải, nhưng em…
– Nhưng nhị gì nữa? Chú không tin anh à?
– Không phải thế, anh để cho em suy nghĩ đã.
– Đợi chú suy nghĩ xong thì nhà nước cũng đền bù và xây xong rồi, lúc đó có muốn xây cũng không được, khi đó chẳng những anh chỉ thu được có ít tiền, các cháu nhà chú cũng không lên thành phố học được đâu. À tiện nhắc đến tiền, đây là chút quà anh cho hai cháu, sau này nhà nước đền bù thì anh cho thêm.
Nhìn đống tiền trên bàn, lại thêm những lời hứa hẹn của anh trai, ông Trọng có vẻ xuôi lòng. Lúc đó bà Ngọc cũng đi vào, thấy chồng mình cầm một cọc tiền, liền kéo chồng vào hỏi. Nghe chồng kể, bà Ngọc không khỏi hoài nghi. Bà cũng cho rằng mảnh đất trồng rau nếu bán đi thì sau này có chuyện gì hai vợ chồng bà biết xoay sở như thế nào. Hai vợ chồng bàn bạc một lúc thì bà Ngọc nói:
– Thế thì phải bắt bác ấy viết giấy cho vợ chồng mình.
– Ừ được rồi mình để tôi.
Sau cùng, ông Trịnh đồng ý bán đất nhưng với điều kiện ông Trọng phải viết giấy đảm bảo. Ông Trọng tỏ ý phật lòng:
– Chú thím không tin tôi sao mà còn phải bắt tôi ghi giấy? Tôi xin thề trước ban thờ của bố mẹ được chưa?
Nói rồi, ông Trọng bước đến trước ban thờ, nói lớn lời thề của mình. Ông Trịnh vốn là người hiếu thảo, thấy anh thề thốt như vậy thì mềm lòng, với lại ông cũng nghĩ chắc anh trai chẳng dám lừa gạt bố mẹ đâu. Ông Trịnh đồng ý bán đất mặc cho sự can ngăn của vợ. Ông gọi cho người môi giới nhà đất ở trên tỉnh xuống xem và định giá. Ông Trọng cũng lấy kiến thức và kinh nghiệm của mình ra để ép người môi giới trả giá cao, nhưng không thành. Ông Trọng nói với ông Trịnh viết giấy đồng ý bán đất cho mình và ông ta sẽ lên thành phố tìm người mua giá cao. Ông Trịnh tin lời anh trai nên viết ngay chẳng chút đắn đo. Ông không ngờ rằng sau này các con mình không những không được những lợi ích như bác chúng nó đã hứa, mà bản thân ông còn rơi vào ngõ cụt đến mức phải treo cổ tự vẫn.
Bán được số đất của em trai với giá cao, cộng thêm tiền đền bù của nhà nước, và tận dụng các mối quan hệ, ông Trọng đã xây được một toà nhà khá lớn ngay mặt đường làm trụ sở cho các công ty thuê. Về phần gia đình ông Trịnh, sau một thời gian dài không thấy anh trai nói về việc đưa họ lên thành phố, gọi điện thì 5 lần 7 lượt ông Trọng tránh mặt, ông Trịnh khăn gói lên tìm thì nhận được sự trở mặt của anh trai. Ông Trọng nói thẳng vào mặt người em chân chất:
– Nhà tôi không có chỗ cho gia đình chú lên đây đâu, mà chẳng phải tôi đã cho chú một khoản tiền rồi hay sao? Chú tiêu hết rồi thì thôi chứ, còn mặt dày lên đây ăn vạ tôi à?
– Anh… anh đã thề trước di ảnh của bố mẹ là…
– Hừ… ai bảo chú ngây thơ tin vào lời thề đó?
– Anh… anh thật là tráo trở…
– Hừ… chính chú đồng ý kí giấy chứ tôi có ép đâu, chú về đi.
Nói rồi ông Trọng lạnh lùng đuổi em trai, chốt cửa đánh rầm làm ông Trịnh giật mình. Đứng nhìn căn nhà sâu hun hút của anh mà nước mắt cứ thế rơi xuống ướt đẫm chiếc áo xanh đã sờn rách. Đi được chục bước thì bà Dậu đuổi theo và dúi cho ông ít tiền, nhưng ông kiên quyết không nhận và cứ thế bỏ đi. Ông Trịnh lủi thủi đi về quê, cả quãng đường ông khóc giống như khi bố mẹ mất. Về đến nhà, ông chui vào trong buồng, chốt cửa chặt không chịu mở ra. Cho đến khi bà Ngọc về, thấy đôi dép chồng để ngoài cửa mới hay chồng về, nhưng gọi cửa mãi không thấy ông mở. Hoảng hốt, bà chạy sang gọi hàng xóm cứu giúp. Cánh cửa vừa mở, tất cả mọi người kinh hoàng khi thấy ông Trịnh đã treo cổ từ khi nào rồi, trên đầu giường còn để lại lá thư cho vợ và hai đứa con.
Tin dữ chẳng mấy đến thành phố và truyền đến tai hai vợ chồng ông Trọng. Bà Dậu khóc nấc lên thương xót còn ông Trọng thì sau một hồi ngạc nhiên cũng không nói gì hay tỏ ý thương em.
49 ngày sau, ông Trọng và cả bà Dậu nghi ngờ em trai hiện hồn về, nhưng không thể khẳng định gì ngoài sự hoài nghi.