Lễ nhập trạch diễn ra xong xuôi, thầy cúng nói mọi chuyện diễn ra vẫn ổn, ông Trọng không cần phải lo lắng gì. Ông Trọng cũng khéo léo hỏi thầy về chuyện ma tà nhưng thầy nói không có nên ông ta cũng yên tâm, dù trong lòng vẫn hoang mang. Không biết chuyện ông ta và vợ gặp là thật hay là ảo giác, nhưng từ sau buổi lễ, cả hai vợ chồng không nhìn thấy gì nữa. Bà Dậu nói với chồng:
– Dẫu sao em cũng thấy áy náy với thím Ngọc và 2 cháu, hay là thỉnh thoảng mình gửi cho họ một ít tiền?
– Thóc đâu mà đãi gà rừng. Số tiền anh cho nhà chú ấy cũng phải tầm 200 triệu chứ ít đâu. Sống thì phải biết thu vén chứ.
– Nhưng chỗ đất chú Trịnh bán được cả tỉ, mình cho như thế không công bằng. Em sợ…
– Em chỉ nghĩ lôi thôi, chú Trịnh còn có bảo hiểm nên vụ tử tự hôm trước được đền bù mấy trăm triệu đấy, kể ra chú ý cũng biết tính toán trước khi chết đấy chứ.
Nghe giọng điệu của chồng mình, bà Dậu vừa phẫn nộ vừa ghê tởm. Chính ông là người đã đẩy chú ấy vào cảnh uất ức mà phải tự sát, giờ lại còn nói vậy. Vợ con chú ấy đâu có muốn nhận được tiền đền bù trong hoàn cảnh như thế chứ. Bà Dậu không nói gì thêm nữa, trong lòng bà nghĩ bà sẽ cố gắng hết sức để giúp thím Ngọc và hai đứa cháu, coi như thay chồng chuộc lại lỗi lầm. Về phần ông Trọng, ông ta vẫn cậy mình là công an, lại có tiền nữa nên hàng ngày vẫn sang nhà hàng xóm hoặc ra đường nơi người ta tụ tập đánh cờ để răn dạy họ những điều hay lẽ phải. Trước mặt thì mọi người tỏ ra nghe lời, nhưng sau lưng thì họ khinh thường ông ta lắm. Cô Hoa bĩu môi:
– Ông này lúc nào cũng ra vẻ đạo đức đạo mạo, nhưng thực chất còn không dạy nổi con mình.
– Sao cô lại nói vậy?
Cô Hoa đem câu chuyện về Triều ra kể cho những người ưa đưa chuyện nghe, dù câu chuyện đó đã xảy ra cách đây khá lâu rồi. Người thì lắc đầu, người thì nhếch mép tỏ ý khinh bỉ, cũng có người thì thông cảm “dao sắc không gọt được chuôi”. Có người thì thâm thuý hơn, nhận xét:
– Đúng là thằng bé đó có học nên cách ăn cắp của nó cũng tinh vi. Lưu manh giả danh trí thức là đây chứ đâu. May mà cô Hoa phát hiện ra kịp chứ không thì có ngày nó thế chấp hết nhà cửa mà bố nó không hay ý.
Một đám đông túm năm tụm ba bàn tán hết về ông Trọng cho đến Triều, bỗng một người gợi chuyện:
– Này cách đây lâu rồi tôi thấy một người họ hàng ở quê ông ta ra thăm, chẳng hiểu mâu thuẫn xích mích gì mà người đó lủi thủi bỏ về trông tội lắm. Tôi còn thấy cái Dậu đuổi theo đưa tiền cho nhưng người đó không nhận.
– Thế à? Ai thế nhỉ?
– Tôi cũng biết nhưng hỏi thì cả hai vợ chồng nó chỉ lấp lửng rồi đánh trống lảng.
– Thế thì chắc là có chuyện khuất tất rồi.
Những người nhiều chuyện đang bàn tán sôi nổi thì ngưng lại vì họ thấy bà Dậu đi chợ về và vui vẻ chào họ. Họ cũng đổi chủ đề luôn:
– Đợt nhà nước đền bù cho nhà bà bao nhiêu?
– Ít lắm, được có gần 200 anh ạ.
– Tôi thì đỡ hơn vì có suất mua chung cư, tôi cho đứa con gái tôi rồi.
– Không hiểu nhà ông Trọng được đền bù bao nhiêu nhỉ? Ông ta còn xây được cả toà nhà to tướng thế mà.
– Chịu, nhưng ông ta giàu sẵn rồi mà.
– Khéo có khi toàn tiền bẩn. Cô Hoa lại lên tiếng.
Mấy người quay sang nhìn cô Hoa tỏ ý hiếu kì lắm. Cô Hoa lại kể mấy câu chuyện cô sưu tầm được:
– Em có nói chuyện với mấy người thuê toà nhà của lão Trọng, họ kể cho em nghe mấy chuyện kì lạ lắm.
– Chuyện gì?
– Hình như toà nhà của lão ý có ma. Họ bảo họ từng nghe thấy tiếng bước chân nhưng không thấy người lên, rồi có khi họ còn nhìn thấy có bóng người lướt qua nữa cơ…
– Cô chỉ nói linh tinh, ma cỏ ở đâu ra?
– Em nói thật, chính họ kể cho em nghe. Họ còn nói có lần thấy con mèo đen chẳng hiểu ở đâu xuất hiện kêu ré lên. Mà quan trọng hơn là toà nhà đó có mấy ai thuê được lâu đâu, có người nói không hợp phong thủy hay đất dữ nên không hợp làm ăn.
Những con người rảnh rỗi ngồi nghe cô Hoa kể mà gật gù xác nhận. Họ cũng chứng kiến chuyện toà nhà đó 5 lần 7 lượt đổi chủ, mỗi công ty chỉ được 1 thời gian ngắn rồi dọn đi. Có lẽ ông Trọng đã làm gì khuất tất nên toà nhà của ông ta mới có gì đó không bình thường. Nhưng không ai dám nói điều đó trước mặt ông công an phường mà chỉ dám đồn thổi sau lưng mà thôi.
Vài ba năm sau, khi Triều học đại học năm 4, cả gia đình đi du lịch một chuyến bằng oto gia đình, một thảm hoạ đã xảy ra. Lúc ấy, xe dừng lại dọc đường để bà Dậu xuống xe mua mấy chai nước, trên xe còn ba bố con ông Trọng. Triều là người lái xe còn Trúc ngồi ghế lái phụ bên cạnh anh trai. Họ mải mê nói chuyện mà không để ý rằng ở một ngọn đồi trước mặt có một chiếc xe tải đang mất đà lao xuống thẳng hướng chiếc xe của họ đang đỗ. Cho đến lúc bà Dậu phát hiện ra thì quá muộn, phần đầu xe đã bị oto tải chèn nát, hai người con của bà chết thảm, còn ông Trọng thì bị thương nặng tưởng như không qua được. Bà Dậu khóc cạn nước mắt vì thương con, giờ đây bà đã thấm thía câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Những người đến viếng cũng không khỏi bàng hoàng và thương xót cho hai đứa trẻ ngoan ngoãn học giỏi. Bà Ngọc cũng đến thắp hương cho hai đứa cháu dù rất giận ông Trọng. Sau biến cố của chồng, bà Ngọc và hai người con vẫn đứng vững và sống tốt, người con trai lớn của ông Trịnh cũng vào được đại học và có thành tích học tập tốt, làm chỗ dựa cho mẹ và em. Nghe bà Dậu kể đến đó, bà tôi hỏi:
– Thế hai cháu có tới thắp hương hay thăm viếng ông Trọng không?
– Không chị ạ.
– Ừ cũng khó trách hai đứa nhỏ. Chỉ vì lòng tham mà huynh đệ tương tàn, con cháu thì không nhìn mặt nhau.
– Dạ… chồng em có lỗi nên em cũng không dám trách các cháu. Sau chuyện đó thì chị biết đấy, ông ấy bị tật một chân, đi lại khó khăn, nhưng tính cách thì càng lúc càng cáu bẳn, em cũng rất khổ tâm. Vợ chồng em bán toàn bộ gia sản, một phần gửi về cho thím Ngọc, một phần gửi lên chùa còn đâu giữ lại gửi vào ngân hàng để lấy tiền sinh sống. Chúng em chuyển đi mấy nơi, không ngờ đây là điểm dừng cuối cùng của cuộc đời.
Câu chuyện về lão thọt kết thúc khi những hạt mưa cuối cùng rơi xuống. Tôi chỉ còn nghe mấy tiếng tí tách rất nhẹ bên ngoài. Tôi và bà cáo từ vì đã rất muộn rồi, chắc ông ngoại tôi đã ngủ từ lâu. Hôm sau, khi đi ra chợ mua đồ, tôi thấy một chiếc xe oto sang trọng đỗ trước cửa nhà lão thọt. Từ trên xe bước xuống một bà cụ cũng ngang tầm bà Dậu, một người đàn ông và một người đàn bà trung tuổi. Tiếng bà Dậu vang lên sau lưng tôi:
– Thím và hai cháu à?
Cùng với câu nói ấy, hình như bà Dậu đang thút thít khóc.