Liễu Thi được người hầu đưa vào sảnh chính, con bé tên là Chanh, vừa tròn mười ba tuổi, nó nói rằng từ giờ sẽ phụ trách việc ăn uống ngủ nghỉ của cô trong phủ. Bà cả đã ngồi sẵn giữa gian nhà, lúc này Liễu Thi mới có thời gian nhìn kỹ dung nhan của bà cả. Dù đã ngoài năm mươi nhưng trông bà chẳng khác gái độ ba mươi cho lắm, khuôn mặt hồng hào, đôi mắt phượng lạnh lùng, uy nghiêm như từ trên cao nhìn xuống.
– Thằng Tý, mày gọi cậu cả dậy chưa?
Tý cung kính đáp:
– Bẩm bà lớn, cậu cả vẫn chưa chịu dậy ạ.
Thằng Tý vừa dứt lời thì có tiếng sột soạt vang lên. Liễu Thi ngước mắt nhìn về hướng phát ra âm thanh thì thấy bên trái gian phòng có kê một chiếc sập gụ lớn, xung quanh được giăng kín bằng màn tơ màu trắng. Cô cố nhìn kỹ bên trong màn có gì thì thấy một hình nhân màu đỏ đang treo lơ lửng, hai cái tay áo của nó còn vẫy vẫy như đang gọi cô. Liễu Thi giật mình suýt thì ngã ngửa về đằng sau.
– Ui cha, cậu chịu thay đồ rồi bà ạ. Con hầu cậu từ tấm bé tới giờ, lần đầu tiên cưới mà cậu chịu mặc đồ đỏ bà ạ. – Thắng Tý tấm tắc quay sang nịnh bà.
Bà cả nghe thấy thế thì có vẻ hài lòng, giọng nói dịu đi:
– Xem ra thằng bé thích cô rồi đấy!
Con Chanh thấy Liễu Thi nhìn mình thì bèn thỏ thẻ giải thích:
– Những lần cưới vợ trước cậu chỉ mặc đồ trắng thôi, có hôm nay là cậu chịu mặc đồ đỏ. Vậy là cậu ưng mợ rồi đấy!
Liễu Thi nghe thấy cậu ưng thì cũng thấy có chút an ủi, thầm nghĩ chỉ cần sau này mình hầu hạ cậu cho tốt, nghe lời bà, thì ở nhà này cũng không khó sống cho lắm! Ít ra cũng đỡ hơn quãng thời gian ở với mẹ cô, ngày nào mẹ cũng bắt cô đi mai mối duyên âm cùng bà, chủ yếu là những cô gái mười ba, mười bốn tuổi nhà nghèo bị gia đình bán gạt nợ làm con dâu cho nhà giàu. Liễu Thi không muốn làm những chuyện trái với lương tâm mình nữa.
– Nam con ơi, tới giờ lành rồi, con ra bái đường cùng vợ kẻo trễ.
Tiếng bà cả vừa dứt thì một trận gió từ đâu thổi đến, cửa rèm được đẩy sang hai bên, hình nhân bằng giấy “bay” ra. Nó bay dập dờn, lượn một vòng quanh nhà rồi mới đậu trên vai trái của cô. Liễu Thi có cảm giác hơi thở lành lạnh lướt qua dái tai mình, cái lạnh thấu xương như đến từ mười tám tầng địa ngục. Thi ngay cả thở mạnh thôi cũng không dám.
– Bắt đầu đi!- Bà cả ra lệnh.
Quản gia dơ một nắm nhang to trước mặt Liễu Thi, khói hương nghi ngút xộc thẳng vào mũi khiến cô cảm thấy khó thở. Sau đó quản gia cắm một nén hương, hô to:
– Thiên linh linh, địa linh linh, hôm nay ngày mồng lăm tháng năm năm giáp tuất, ta Đinh Huy xin mời gia tiên, chư vị quỷ thần về đây tề tựu, làm chứng cho hôn lễ của cậu cả nhà ta.
Sau đó ông ta gầm gừ một tiếng, cắm liên tiếp bảy nén hương vào bảy lư hương khác nhau rồi lẩm bẩm đọc một đoạn chú ngữ gì đó, Liễu Thi nghe không rõ, cô nhận thấy hình nhân đậu trên vai cô càng lúc càng lạnh khiến bả vai cô tê cứng.
Nghe lời mẹ dặn cô không dám ăn gì từ tối qua, bụng đã đói cồn cào còn phải đứng yên một chỗ, chẳng biết qua bao lâu, tai cô đã dần ù đi.
– Aaa, máu, vai mợ chảy máu nhiều quá!
Tiếng con Chanh hét lên làm mọi ánh mắt đổ dồn về phía Liễu Thi. Lúc này cô mới để ý thấy vai trái của mình máu chảy loang lổ, nhưng mà cô không cảm thấy đau một chút nào cả, không lẽ đây… là máu của cậu.
– Thu! – Quản gia nghe vậy liền hét to một tiếng rồi phun ra một đống máu.
Mà hình nhân giấy trên vai Liễu Thi như mất đi trọng lực, rớt ngay xuống đất.
– Cô, cô tới ngày kinh nguyệt.
Liễu Thi còn chưa kịp trả lời thì lại nhận ngay một cái tát trời giáng từ bà cả, bà điên tiết chửi cô:
– Mày, mày muốn hại chết con trai bả!
Vừa nói bà giựt phăng búi tóc của cô ra, mái tóc dài đen nhánh mượt như nhung rũ rượi rơi xuống.
– Con đ*! Đáng lẽ ngay từ đầu bà không cho mày bước chân vào đây mới phải! Tao đã dặn đi dặn lại phụ nữ tới ngày kinh nguyệt tuyệt đối không rước dâu, mẹ con mày định lừa bà chứ gì!
– Thằng Tý đâu! Đánh chết nó cho tao, dùng roi quất mạnh vào! Dám để con trai tao hút đi máu độc trong người mày!
– Dạ, bà…ơi, bà tha cho mợ ạ..
– Bà kêu mày đánh thì mày cứ đánh! Ai là chủ cái nhà này hả
Từng nhát roi mây nặng nề giáng xuống người Liễu Thi, cô oan ức mà khóc nức nở. Hồi sáng trước đi rước dâu cô đã hỏi mẹ rằng mình đến kỳ kinh nguyệt thì có sao không, bà Mai bảo không có vấn đề gì, cứ ngoan ngoãn làm dâu nhà họ Hồ là được.
Cũng may thằng Tý tuy không dám nhẹ tay, nhưng cũng không dám đánh thẳng vào mặt Liễu Thi, vợ của cậu mà, mợ đẹp như thế, mợ mà có vết thẹo xấu đi sau này cậu quở chết.
Cả người Liễu Thi run lên bần bật, toàn thân đầy vết máu….
– Ma quỷ là vật thuần âm, trong những ngày kinh nguyệt phụ nữ rất yếu ớt, nhiều âm khí nên rất dễ bị những thứ không sạch sẽ, xui rủi bám theo. Chắc cậu chê mợ bẩn nên tức giận bỏ đi.- Quản gia lúc này mới khôi phục chút sức lực, thở phì phào.
– Không ổn, mau đi xem nhà thổ.
Lão vừa bấm đốt ngón tay tính toán gì đó vừa nói rồi chạy nhanh ra cửa. Bà cả cũng hốt hoảng vội đi theo.
– Mày, đi lấy tấm ván, khiêng nó về phòng. Nhớ tắm rửa sạch sẽ cho nó, đừng để thứ ô uế vào phòng cậu.
Liễu Thi bị đánh tới cả người đau điếng, nằm bẹp ra đất, nào còn sức lực đứng dậy. Cô được con Chanh dìu lên tấm ván gỗ.
Trong phủ vốn có kiệu, thế mà bà cho người dùng ván cân heo để rước mợ, qua đó có thể thấy địa vị của mợ cả trong cái nhà này “nặng” bao nhiêu. Đám người hầu, gia đinh trong phủ khinh thường Liễu Thi ra mặt. Liễu Thi nào có sức đôi co với tụi nó, nằm nghiêng người để tránh vết thương sau lưng chạm vào ván gỗ.
Lúc đi ngang qua chỗ bày tiệc khi nãy thì tiệc đã tàn, không ngờ thời gian trôi qua nhanh thế, buổi sáng còn đông đúc bao nhiêu thì giờ vắng hiu chẳng còn bóng người.
Một đám người khiêng thứ gì đó lướt qua, Liễu Thi mở to mắt nhìn kỹ thì thấy đó chính là những người hồi sáng. Họ… đã chết rồi! Từ nhỏ Liễu Thi đã được trời phú có khứu giác cực kỳ nhạy bén.. lúc đám người kia đi qua cô ngửi thấy mùi tử khí- xác người chết.
Cô chợt nhớ lại từng nghe kể rằng: nhà họ Hồ có quy định, bất kỳ ai bước chân vào cánh cửa này thì có chết cũng phải bỏ xác cho họ, sống thì được mang vàng cầm về. Mặc dù rất sợ nhưng khổ nổi mấy năm thất bát lương thực khan hiếm, họ chỉ đành liều. Cũng có người nhà người chết từng kiện lên quan, nhưng cũng vô ích, chỉ mang roi vọt vào mình. Nghe đồn nhà họ Hồ nuôi ngải, đem xác của những người đã chết ngâm trong rượu rắn hổ mang bảy bảy bốn mươi chín ngày, nọc độc của rắn hổ mang không những giúp cho xác không thối rữa mà còn nhốt tàn hồn của người còn sống, để rồi cho ngải ăn nó có thể cắn nuốt cả xác lẫn hồn mà tăng thêm công lực. Từ đó chúng sẽ giữ sự giàu có thịnh vượng của họ Hồ trường tồn vĩnh cửu. Lời đồn là thế, cũng chưa ai có thể chứng thực được, chỉ thấy nhà họ vẫn giàu nứt đố đổ vách.