Liễu Thi đứng trên bờ đê cách đó không xa để xem buổi lễ tế, con Liên dìu lấy cô, theo sát cô từng li từng tý, chỉ sợ mợ cả có chuyện.
Chợt ở giữa mặt sông nổi lên một xoáy nước, thân hình to lớn của giao long lờ mờ ẩn hiện bên trong khiến dân làng càng thêm kính sợ, tôn sùng.
Người khác có thể không thấy rõ nhưng Liễu Thi có thể nhìn được kỹ con giao long kia. Nó chính là hiện thân của Hà bá, có đầu hình rồng, nhưng mình lại giống rắn với đủ tứ chi, trên thân có những chiếc vảy cứng.
Đây là con giao long đã trưởng thành, bảo sao lại có uy lực đến vậy, có thể trị thủy, điều nước lên xuống. Liễu Thi từng đọc trong sách có kể khá chi tiết về loài vật này. Sự sinh trưởng và phát triển của giống giao long trải qua nhiều giai đoạn khác nhau với nhiều hình dạng biến đổi qua từng thời kỳ.
Khi giao long mới nở thì chỉ như những con rắn con, dài khoảng hai gang tay và đặc biệt là chưa mọc chân. Còn lúc lớn lên, giao long con sẽ mọc thêm hai chân đằng trước, đầu có mào, dân gian hay gọi là thuồng luồng.
Trải qua một thời gian tu luyện tương đối dài, thuồng luồng mọc thêm hai chân, thân dài trên năm thước (tùy tu vi từng con mà độ dài sẽ khác nhau) và nhờ vào hình thể to lớn, chúng có thể trị thủy, điều khiển dòng nước lên xuống hay bơi trong nước tạo thành những xoáy nước mãnh liệt tựa vũ bão.
Trong sách còn nhắc đến về số ít những con giao long với tuổi thọ hơn ngàn năm có thể độn thổ, nuốt đất đá để tạo thành những địa đạo rồi điều thủy đi theo những địa đạo này từ đó tạo thành các long mạch. Tuy nhiên bản thân cơ thể giao long chính là bảo dược quý hiếm gồm ba món: huyết long, cao long, não long vì thế nên ở giai đoạn mới trưởng thành, thường rất hay bị các pháp sư săn lùng để lấy ba thứ quý hiếm kia trên người của giao long.
Huyết long là máu từ quá trình sinh sản của con cái, có tác dụng bổ tâm dưỡng não, giúp tâm vững não mạnh, tà khí không thâm nhập được vào cơ thể. Cao long cốt, gần giống như cao hổ cốt, nhưng công dụng cao hơn rất nhiều so với cao hổ.
Não long, được lấy khi giao long chết đi, mùi thơm rất đặc trưng, người thường ngửi sẽ bị say, sau đó là ảo giác, nếu ngửi nhiều sẽ phát điên, những ai có căn là thầy pháp với tu vi cao, ngửi nó sẽ gia tăng pháp lực rất rất nhiều.
Mà con giao long này, Liễu Thi đoán không lầm thì tuổi thọ của nó đã trên ngàn năm, bảo sao bà cả lại cung kính với nó như vậy.
Chiếc kiệu ở trong xoáy nước bỗng chốc bị đánh tan tành, những mảnh gỗ nhỏ cùng bọt nước văng tung tóe khắp nơi, vô tình trúng một vài người dân đang quỳ lạy, khiến cho hình tượng của Hà bá trong mắt họ càng trở nên to lớn vĩ đại.
Sau đó Hà bá quấn cả người cô gái bị hiến tế bơi xuống lòng sông sâu, Liễu Thi dù muốn cứu nhưng cũng đành bất lực. Hà bá rời đi thì mặt sông yên bình phẳng lặng trở lại, bà cả quơ cây phất trần, nghiêm nghị nói:
– Lễ tế đã xong, Hà bá đã chấp nhận lễ vật, các ngươi hãy quay về đi, năm nay Hà bá sẽ phù hộ cho thôn chúng ta mưa thuận gió hòa, của cải sung túc.
Dân làng nghe vậy thì mặt mày hớn hở, dập đầu đáp:
– Tạ ơn bà lớn, tạ ơn bà lớn.
Buổi tế lễ đã diễn ra tốt đẹp, tuy nhiên khi nhìn thấy nụ cười của bà cả, không hiểu sao trong lòng Liễu Thi lại trào dâng một cảm giác bất an mãnh liệt, cô cảm nhận thấy còn có một âm mưu thâm độc nào đó ẩn dưới lớp mặt tươi cười kia.
– Mợ, mợ, chúng ta đi về thôi ạ, buổi chiều gió lớn nhỡ mợ cảm lạnh lại khổ.
Liễu Thi gật đầu, cô hỏi con Liên:
– Phòng của bà cả ở Tây viện được tu sửa tới đâu rồi em?
– Dạ bẩm mợ em nghe bọn người hầu trong phủ nói nơi đó phong thuỷ không tốt nên bà lớn cho bỏ hoang rồi ạ.
Liễu Thi nghe vậy thì rơi vào trầm tư, cô muốn quay lại cứu người đàn ông kia thì phải tính cho kỹ, bà cả chắc chắn đã giăng rất nhiều bẫy để chờ cô quay lại đây.
– Đi em, chúng ta về thôi.
Lúc về tới cổng làng thì Liễu Thi va phải một người nọ, người này trùm đầu che kín mặt, Liễu Thi định đỡ anh ta dậy thì người này hoảng sợ, lập tức bỏ chạy. Chuyện này cô cũng không để trong lòng, chỉ nghĩ là một người kỳ lạ mà thôi. Liễu Thi tới cửa phòng thì tình cờ gặp Hà Chi tới thăm cô, trải qua thời gian nửa năm chung đụng, quan hệ của hai người đã tốt đẹp lên nhiều, Hà Chi nhìn là bề ngoài là một tiểu thư bướng bỉnh kiêu kỳ, nhưng tâm không xấu, lúc cô mất tích sau vụ hỏa hoạn thì ở phủ họ Hồ cũng chỉ có cậu ba và Hà Chi là thật lòng tìm cô.
Tối hôm đó cậu cả không về, chẳng hiểu sao ruột gan Liễu Thi sôi sùng sục, cô nóng lòng đi đi lại lại, ngồi trên ghế chờ cậu cả đêm nhưng vẫn không thấy bóng dáng cậu đâu. Cô đọc sách tới khuya thì nằm gục ra bàn, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Đêm đó Liễu Thi nằm mơ một giấc mơ rất lạ, xung quanh đều bao phủ một lớp sương mù dày đặc, trước mặt cô ẩn hiện bóng người mờ mờ ảo ảo của một người đàn ông. Ông ta không nhìn Liễu Thi mà quay lưng lại, giọng nói rền rền như tiếng sấm vang lên:
– Tối ngày mai nước sẽ bắt đầu dâng lên, cô hãy tìm một chiếc thuyền lớn đóng thật kiên cố, cố gắng cứu càng nhiều mạng người càng tốt.
Liễu Thi nghe vậy thì giật nảy mình, cô hỏi:
– Ngài là ai? Tại sao lại báo mộng cho tôi?
Người đàn ông đáp lời:
– Ta là hà bá ở sông Bắc Khê.
Liễu Thi kinh ngạc, chẳng phải hôm nay ở buổi lễ tế mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, vị thần sông này cũng ưng ý vật tế mà dân làng dâng sao? Tại sao buổi tối lại báo mộng với cô sắp có nước lũ dâng cao là thế nào chứ?
Hà bá dường như nhận ra được nghi hoặc của Liễu Thi, ông ta thở dài đáp:
– Trong lúc nóng giận chẳng may ta mắc mưu của kẻ gian, đã làm phép cho nước sông dâng cao trong bảy ngày bảy đêm rồi!
Liễu Thi vội hỏi:
– Nước lũ còn chưa dâng, tại sao ngài không ngăn lại ạ?
Hà bá lắc đầu đáp:
– Vô ích thôi, trong lúc nóng giận ta đã thi chuyển pháp lực mạnh nhất, không thu hồi lại được, giờ chỉ có thể tìm cách giảm bớt tội nghiệt của ta mà thôi! Ta xem trong vùng có cô mệnh cách đặc biệt, Liễu Thi, liễu tựa âm quan, nhất định có thể giúp được ta. Hơn nữa cô cứu được nhiều người, sau này công đức vô lượng, ắt sẽ thành chính quả.
Liễu Thi nghe tới đây thì hiểu được phần nào, Hà bá trong lúc nóng giận đã làm phép dâng nước lũ, mà việc này nếu không có lệnh của quan trên, ắt sẽ bị phạt, nặng hơn có thể bị trời giáng thiên lôi xuống đánh chết.
– Tôi cũng muốn giúp lắm, nhưng sức tôi có hạn, mong ngài thứ tội…
Liễu Thi giả vờ lưỡng lự nói. Cứu người chắc chắn cô sẽ cứu, nhưng cô vốn không ưa vị Hà bá này, năm nào cũng mượn cớ để ép dân làng dâng trinh nữ cho ông ta, xong lúc gây tội thì tìm người tới giúp, nào có dễ thế! Lần này có cơ hội, cô phải trị ông ta một phen.
Hà bá cứ tưởng Liễu Thi dễ gạt, không ngờ cô lại xảo trá thế, vội quay người lại, cuống quýt nói:
– Cô cần gì cứ nói, chỉ cần trong khả năng của ta, ta sẽ giúp đỡ cô tận lực.
Có câu nói này của Hà bá, Liễu Thi mới cười nói:
– Cũng không có gì khó, chỉ cần ngài đáp ứng tôi hai điều mà thôi!
Hà bá hỏi:
– Mau nói đi!
– Thuyền tôi có thể chuẩn bị, nhưng ngài phải cho tôi một cái vảy rồng trên người, nước lũ lớn như thế, nếu không có vảy rồng chế ngự, nhỡ nhấn chìm thuyền tôi thì sao?
Hà bá nghe tới đây thì mặt lạnh lại, đây là lần thứ hai trong ngày ông ta bị người phàm đùa cợt, nhưng đã tới đường cùng, Hà bá chỉ đánh đáp ứng:
– Được! Mau nói điều thứ hai.
– Điều thứ hai, từ giờ mong ngài hãy bỏ luật lệ một năm tế lễ một lần, tha cho con gái nhà lành, ngài đâu thiếu gì vợ, hà cớ phải làm tan cửa nát nhà người khác.
Hà bá hừ lạnh:
– Khẩu khí của cô cũng thật lớn, ăn nói thật ngông cuồng.
Liễu Thi chỉ cười không đáp lời Hà bá, hai điều kiện của cô không cái nào dễ làm, nhưng cô biết Hà bá chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt, quả nhiên một lát sau Hà bá nói tiếp:
– Được thôi!
Dứt lời ông ta phất tay, tức giận bỏ đi, lớp sương mù dần tan biến, Liễu Thi cũng từ trong mộng tỉnh lại. Trong tay của cô cầm một cái vảy từ lúc nào, nhìn qua khá giống với vỏ của con trai, màu bạc sáng lấp lánh.
Sở dĩ Liễu Thi đòi hai điều kiện kia là muốn dạy cho Hà bá một bài học, bớt cậy quyền hà hiếp dân lành. Việc nhổ một miếng vảy trên người Hà bá chẳng khác nào con người bị rút một miếng xương vậy, đau đớn vô cùng. Dựa vào đâu mà con người khi mắc lỗi thì phải chịu phạt, còn thần thì không?
Hơn nữa có miếng vảy này rồi, sau này Liễu Thi khi đi xuống nước cầm theo nó bên người, có thể thở được. Cô vẫn không quên người đàn ông có ơn với mình, chờ thời cơ thích hợp cô sẽ lẻn lại cái hố dưới lòng hồ kia, cứu ông ấy.
Trời lúc này cũng đã chập choạng sáng, Liễu Thi không ngủ nữa mà ngồi tìm cách để có thể cứu nhiều người nhất có thể, cơn lũ này xem ra không tránh khỏi được rồi.
Liễu Thi chỉ kịp húp một bát cháo loãng rồi chạy ngay ra ngoài, vừa tới cửa phủ thì đụng ngay bà cả, bà ta trông thấy Liễu Thi thì nói:
– Mới sáng sớm ngày ra, cô làm gì mà hốt hoảng vậy, cứ như con ở vậy, chẳng có phong thái của mợ cả cái nhà này gì cả.
Chuyện Hà bá tức giận nhất định có liên quan tới bà cả, nhưng Liễu Thi đã nghĩ mãi vẫn không ra tại sao bà cả lại muốn nước lũ dâng lên cơ chứ? Có ích gì cho nhà họ Hồ đây? Không lẽ bà cả muốn nhân lúc có lũ lương thực khan hiếm rồi bán thóc gạo với giá đắt hay sao?
__________