Liễu Thi vội lấy tay che miệng con Liên, nói:
– Suỵt, em đừng nói thế, phủ họ Hồ người nhiều, tai mắt cũng nhiều, kẻo mang vạ vào thân. Mẹ nói cũng không sai, dù sao tôi cũng là phận dâu nhà họ Hồ, con gái khi đi lấy chồng rồi thì nửa đời còn lại vinh nhục phụ thuộc vào nhà chồng mà.
Nói xong Liễu Thi lại thở dài:
– Lũ lụt kéo dài nhiều vậy như vậy, ruộng nương gia cầm gia súc bị cuốn trôi sạch, năm nay sẽ có nạn đói nhiều đây, mẹ đem thóc gạo ra cứu dân, tôi vui còn không kịp ấy chứ, quan trọng là người dân vượt qua nạn đói lần này em ạ.
– Dạ, em đã hiểu.
Con Liên nghe vậy chỉ đành cúi đầu, nhớ tới những ngày mợ kiệt sức mà vẫn gắng gượng cứu người thì càng cảm thấy bất công thay Liễu Thi.
Quả nhiên sau đó ở vùng xứ Lạng và những nơi lân cận chịu ảnh hưởng của lũ lụt xảy ra nạn đói chưa từng có, lương thực khan hiếm đến kiệt quệ, không khí khắp nơi đều tiêu điều, tang thương tới cùng cực. Ngoài đường người chết như ngả rạ, những người còn sống thì người đói queo quắt, như bộ xương khô.
Trong những ngày này, vì đã bà cả đồng ý, hàng ngày cứ từ sáu giờ sáng, Liễu Thi lại mở nồi cháo từ thiện trước cửa phủ nhà họ Hồ. Người dân ai đói bụng có thể đến xếp hàng, mỗi người sẽ được phát cho một chén cháo loãng cũng hai củ khoai ăn cầm chừng, nhưng do số lượng quá nhiều, đến khi trời đã tối mịt thì đoàn người xếp hàng vẫn dài dằng dặc.
Những linh hồn ma đói đi lang thang trên đường còn nhiều hơn người sống, thậm chí có những con còn bám víu lên cơ thể người, người sống kẻ chết lẫn lộn ở cùng nhau, bởi số lượng người chết quá nhiều, khiến cho địa phủ không dung chứa kịp, cảnh tượng này chẳng phải địa ngục trần gian thì là gì!
Danh tiếng nhân đức của nhà họ Hồ lan xa khắp các tỉnh phía bắc, người xin ăn kéo đến ngày một đông, trong khi kho gạo của nhà họ Hồ ngày một vơi dần, Liễu Thi kiểm tra mà hoảng sợ, vội chạy đến Tây viện tìm bà cả thương lượng đối sách.
– Bẩm mẹ, kho thóc nhà mình đã vơi bảy phần, chỉ còn lại ba phần thôi ạ.
Bà cả nằm trên sập gụ, sắc mặt bình tĩnh hưởng thụ hương trầm đang được đốt khắp phòng, không có lấy một tia lo lắng nào cả. Một lát sau bà ta mới ngồi dậy đáp lời Liễu Thi:
– Nhanh thế à? Con cứ phát tới khi hết gạo thì thôi.
Liễu Thi không ngờ bà cả lại có tấm lòng nhân hậu như vậy, có thể là trước đây cô đã có suy nghĩ sai về bả, có lẽ bề ngoài bà lạnh lùng nhưng tâm tính lại tốt như cậu cả vậy. Nghĩ tới đây Liễu Thi càng thấy vui vẻ, xem ra sau này cô có thể sống yên bình với bà cả rồi.
– Dạ, nhưng theo con cứ phát gạo cho dân như này không phải cách tốt, không cầm cự mãi được đâu ạ.
Bà cả ồ lên hỏi:
– Vậy sao? Con có cao kiến gì không?
Liễu Thi cười nói:
– Theo con nghĩ thay vì mình cứ phát lương thực cho dân một cách thụ động như vậy, hay là nhà ta phát thóc giống cho họ, đưa họ chiếc cần câu cơm, để họ có thể gieo trồng vụ mùa mới ạ? Như thế dân chúng có thể an cư lạc nghiệp mà nhà ta cũng không lo bị cạn lúa gạo.
Bà cả khuôn mặt lạnh dần đi, nói:
– Không được rồi! Lúa gạo trong kho nhà ta bị sâu mọt ăn hỏng, không gieo trồng được, chỉ có thể ăn được thôi! Còn ít thóc giống chỉ đủ nhà ta gieo trồng vụ tới! Trước giờ cô làm gì thì cứ thế mà làm, đừng có đưa ra mấy cái chủ ý lung tung khiến tôi phiền lòng. Tôi mệt rồi, cô về đi!
Liễu Thi chỉ đành chào bà cả rồi ra về. Cô quyết định tới kho thóc kiểm tra thóc gạo thì thấy chúng vẫn rất tốt, có thể nảy mầm gieo mạ được, Liễu Thi thắc mắc sao bà cả lại không đồng ý với chủ ý cô đưa ra cơ chứ?
Dù kiểm tra xong giờ trời đã sang canh hai, nhưng Liễu Thi vẫn quyết định tới Tây viện, cô quyết định quỳ trước cửa một đêm để sáng mai có thể thuyết phục bà cả cho mở kho phát thóc giống cho dân trồng trọt.
Đêm nay là một đêm trăng non, âm khí trong người Liễu Thi đặc biệt nhiều, tuy vậy do cô đã dần học được cách kiềm chế âm khí, nên không cần thiền vào thời điểm này cũng không sao cả.
Người hầu trong phủ nhà họ Hồ đều đã đi ngủ hết cả, chỉ có mình Liễu Thi lẻ loi dưới ánh trăng lạnh cuối đông. Cô vừa mới tới cửa Tây viện, còn chưa kịp đi vào thì thấy bà cả đi ra khỏi cửa, trên người bà ta mặc một bộ pháp bào đỏ rực, đầu búi tóc cao, sau gáy cài thêm trâm ngọc, chân đi hài thêu chỉ vàng, ở cổ lại mang một sợi dây chuyền có mặt hình lưỡng nghi.
Liễu Thi đang định mở miệng gọi bà cả thì thấy bên cạnh bà xuất hiện bóng dáng một người đàn ông- người này chẳng phải là quản gia Đinh Thăng đã biệt tăm khỏi phủ nhà họ Hồ mấy tháng trời đây sao?
Hai người họ thì thầm to nhỏ chuyện gì đó, rồi bà cả đi trước, Đinh Thăng đi sau. Liễu Thi thấy hành động của họ khả nghi thì vội bám theo sau.
Trước khi đi Liễu Thi không quên lấy từ trong ngực ra một tấm bùa máu trắng, dính lên người, đây là bùa ẩn thân mà cô mới học vẽ được, có thể giúp che giấu khí tức, hơi thở trên người. Bà cả và Đinh Thăng đều thuộc hàng pháp sư cao tay, vì thế Liễu Thi không dám lơi là, cẩn trọng duy trì với họ một khoảng cách khá xa.
Bà cả đi xuyên qua nhà mồ họ Hồ tới dãy núi sau nhà. Bà cả dừng chân trước ngọn núi nhỏ, ở chỗ đất địa thế khá bằng phẳng, đã dựng sẵn một cái đài cao hai thước. Ánh trăng yếu ớt phủ xuống khiến cho án đài cao hằn lên đất một bóng đen lạnh lẽo.
Bà cả đứng trước án đài, đài có tổng cộng sáu bậc đại diện cho lục đạo luân hồi gồm cõi trời, cõi Atula, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục.
Liễu Thi nhìn thấy án đài thì có linh cảm không tốt, trên đỉnh đài có treo một miếng gương bát quát, ma đói theo đó mà dần tụ tập lại. Lúc này Liễu Thi mới mơ hồ nhận ra âm mưu của bà cả, không lẽ bà ta định chiêu âm binh từ những ma đói ở trận lụt này?
Quả nhiên bà cả đưa tay phải cầm lấy mộc kiếm, tay trái phất lên bắt ấn, miệng đọc to:
– Thái Thượng Đáo Ngự, tầm nguyệt chi bộ túc. Chủ soái khao quân, mở trường kinh luyện. Khẩn Ngự!
Đọc xong bà cả lấy một con dao nhỏ cắt lấy máu mình quệt lên trên mộc kiếm, viết từng văn tự chú thuật lên đó. Khi máu khô lại thì trên thân đã hằn rõ hàng chữ: Tế Luyện Âm Binh .
Gió dần nổi lên, mây đen kéo tới che đi một nửa phần trăng non. Bà cả duỗi tay làm động tác vái chào, bước hiên ngang từng bước lên từng bậc. Mỗi một bậc, bà ta lại ném xuống rất nhiều giấy vàng, tiền bạc vào lò lửa trên đó. Khi bước tới đỉnh đài thì bà ấy rút lấy một đạo bùa ném vào trong ngọn lửa :
– Luyện Binh gấp gáp, thông cáo Chủ Điện, Phán Quan thông hành cho qua lục đạo. Xét lại cho chúng quân ở lại dưới trần. Khẩn Ngự!
Ngay tức khắc lửa chuyển dần sang màu đỏ, từng khuôn mặt vặn vẹo trong đó kêu gào thảm thiết. Trên án đài bày một con lợn quay, đầu bò đầu trâu cùng với ba bát máu tươi. Bà cả cầm lấy một con gà trống đã thiến, lấy dao cắt cổ gà. Máu gà bắn lên một cái đỉnh nhỏ. Bên trong đỉnh đồng phát ra những tiếng rít cực tợn.
Bà cả mở nắp đỉnh, bên trong thoát ra từng vong hồn mà bà ta thu được. Trong đó có cả những vong hồn với bộ dạng thê thảm, da thịt rữa thối, tôm cua rỉa thịt bám quanh:
– A a a, hù hù, bà là đồ gian ác!
– Đồ ác như quỷ dữ! Nguyền rủa bà chết không yên, chồng con chết sạch!
– Đồ ác nhân!
Những vong hồn này chết vì bị lũ cuốn trôi được bà cả thu lấy. Số khác là những con ma đói vất vưởng bị bà ta triệu hồn về. Liễu Thi đứng từ xa nhìn mà choáng kinh, số lượng này ít cũng phải vài chục nghìn vong hồn, thế mới biết bà cả thâm độc cỡ nào. Bà ta nghiến răng, mày cau lại :
– Câm mồm cho bổn tọa!
Bà cả rút mộc kiếm đâm vào một linh hồn, tay bắt ấn đưa lên cao hình chữ nhất, miệng đọc to thần chú :
– Bát Mệ Đáo Trùng Địa. Bất kham sắt thuyết. Tru luyện!
Bà ta dùng chỉ ấn đẩy linh hồn về phía trước. Bốn cây trụ cờ bắt đầu rục rịch, ở dưới án đài là từng bức tượng người có kích cỡ bằng người thật. Linh hồn bị đẩy vào tượng đất, bà cả nhảy xuống án đài rút lấy từng đạo bùa dán lên trên trán. Bà ta hô to lên:
– Đóng tam muội. Cấp thỉnh thiên lôi!
Bà cả rút từ trong túi áo mình một chiếc búa cùng rất nhiều cây đinh. Bà ta thẳng tay đóng từng cây đinh lên đỉnh đầu và hai vai bức tượng. Tiếng kêu thảm thiết vang lên:
– A a a a a a a, đau quá, tha mạng…
Bà cả không chần chừ hay nương tay, lại thò tay vào bát máu to kia rồi nhảy xuống trước mặt bức tượng kia. Từng vệt máu chảy róc rách rơi xuống đất, bà ta dùng tay viết lên mi tâm tượng đất tên của mình cùng với hàng thần chú:
– Âm Binh tru luyện, nhất trung nhì hung.
Bà ta viết như thế với hàm ý âm binh phải trung thành tuyệt đối với mình, và đối với kẻ địch thì phải hung sát. Những vong hồn trong chiếc đỉnh kia thấy cảnh bà ta luyện âm binh đáng sợ thì hoảng hốt, vội vàng nháo nhác bỏ chạy. Chúng xô ngã chiếc lư hương kia để thoát ra ngoài, cùng với đó là một loạt những tiếng kêu gào, giận dữ.
Một vong hồn chết trôi bay vụt tới, dang hai tay bóp lấy cổ bà cả. Bất thình lình, từ pháp bào bà ta đang mặc lóe lên hàng quang. Bà cả cười, đưa mộc kiếm chỉ từng vong hồn:
– Ta mặc cẩm y kim bào, mộc kiếm trên tay được mài từ gỗ bạch đàn cổ thụ của triều Đinh thuở trước. Chúng mày sao chạm vào được, cũng đừng nghĩ tới chuyện chạy trốn!
Dứt lời bà cả vung hai cánh tay mình ra hai bên, hai bàn tay vòng lên trên thành hình tháp rồi đè trước ngực mình hô lên:
– Cọc đồng trấn hồn.
Bốn cây cột kia bấy giờ mới phát huy tác dụng, từ dưới đất nổi lên hàng lửa đỏ, không có vong hồn nào chạy thoát khỏi. Bà cả quát lớn:
– Chúng mày chạy đâu cho thoát!
_____________