Lúc này ông Hồ mới để ý nữa khuôn mặt đã bị hủy dung của Liễu Thi, như cảm nhận được cổ vương trong người cô, vội hỏi:
– Cô bị bà ta hại cổ trùng độc?
Liễu Thi lập tức gật đầu, kéo tay ông Hồ, ý muốn ông ấy mau rời đây khỏi cô. Ông Hồ vội lắc đầu:
– Tôi mà rời khỏi đây, mật đạo này sẽ tự sập, đến lúc đó cả hai sẽ cùng chết, giờ tôi giải cổ cho cô, xong cô lập tức rời khỏi đây.
Liễu Thi lắc đầu không chịu, ánh mắt cô kiên cường tới sáng ngời, làm ra bộ dáng lúc thiền, ông Hồ nhíu mày hỏi:
– Ý cô là thằng cả cũng tới cứu tôi?
Lúc này ông Hồ mới nhớ ra là mình lỡ lời, Liễu Thi thấy vậy thì vội chắp tay lạy ông, viết loạn chữ trên không trung, ông Hồ tức giận:
– Làm như này là nguy hiểm! Giờ tôi người không ra người, ma không ra ma, quỷ không ra quỷ, ra ngoài kia chỉ làm nhục dòng họ mà thôi!
Thời gian gấp gáp, Liễu Thi không thể viết từng chữ để giải thích cho ông Hồ hiểu hết mọi chuyện, cô chỉ đành viết:
– Bà cả muốn hại chết cậu!
Bấy giờ ông Hồ mới giật mình:
– Cô nói thật chứ?
Liễu Thi gật đầu như gà mổ thóc, kéo ông Hồ ra ngoài. Ông Hồ vừa chân ra khỏi khu bùn nhầy thì trong mật đạo rung lắc dữ dội, Liễu Thi biết nó đang tự kích hoạt cơ chế tự hủy, cô chỉ có thể kéo ông Hồ, chạy thật nhanh ra phía bên ngoài.
Những bức tường sau lưng hai người sụp đổ dần, khoảng cách tới cánh cửa mật đạo ngày một gần mà tốc độ tự hủy của mật đạo cũng càng nhanh theo. Vài giây cuối cùng khi Liễu Thi và ông Hồ kịp nhảy ra ngoài, cậu cả cũng mau chóng buông cánh cửa mật đạo ra.
– Uỳnh….
Tiếng nổ vang lên dữ dội, cả người Liễu Thi đã ướt sũng, cô thở phào nhẹ nhõm, may thay mình và ông Hồ có thể chạy kịp, nếu không hai người đã bị đè thành đống thịt vụn mất rồi.
Cậu cả vội tiến đến đỡ ông Hồ và Liễu Thi dậy. Hai cha con bao năm xa cách nhìn nhau mà tay bắt mặt mừng, có quá nhiều thứ để nói, nên nhất thời không ai mở lời nói được câu chi.
Cậu cả nhớ ra cổ trùng độc trên người Liễu Thi, để càng lâu sẽ càng nguy hiểm, cậu vội nói:
– Cô ấy tên là Liễu Thi, là vợ của con. Thời gian gấp rút, xin cha có thể giải cổ trùng độc trên người cô ấy.
Ông Hồ gật đầu cười nói:
– Cha đã sớm ưng đứa con dâu này rồi. Không cần con phải xin.
Dứt lời ông Hồ lấy ra con dao nhỏ, cạo lớp nấm mốc trên lớp da sần sùi của mình rồi thoa lên cổ của Liễu Thi, ông nói:
– Cô ráng chịu đau chút.
Liễu Thi cười, có thể sống tiếp, ở bên cậu cả cô đã hạnh phúc lắm rồi, chút đau đớn này có là gì.
Sau đó ông Hồ lấy rễ từ trong người mình ra, đốt lấy khói quơ quơ trước mặt Liễu Thi, rồi bảo:
– Cô hút mạnh vào, càng nhiều càng tốt.
Nghe lời ông Hồ, Liễu Thi hít một hơi thật sâu, khói có mùi hắc khiến Liễu Thi ho sặc sụa. Ông Hồ đưa tay che lấy mũi Liễu Thi, cổ trùng từ người Liễu Thi chui lên mũi cô, bò sang tay ông Hồ. Trên cánh tay ông ấy xuất hiện vết dài ngoằn ngoèo di chuyển, cho thấy cổ trùng đã thoát ra khỏi người Liễu Thi.
Sau đó ông Hồ điểm hai ngón tay lên cổ Liễu Thi, nói:
– Giải!
– Được rồi, cô có thể nói, nhưng cổ họng sẽ hơi đau chút. Còn nửa khuôn mặt này đã bị độc của cổ trùng ngấm vào, ta không giải được.
Liễu Thi nghe vậy thì vội rối rít cảm ơn ông Hồ, tuy nhiên giọng nói cô vì mới khôi phục nên có chút khàn khàn, chứ không trong trẻo như xưa:
– Cảm tạ ngài rất nhiều.
Ông Hồ nghe vậy thì không vui đáp:
– Còn không gọi tôi một tiếng cha? Cha con trong nhà còn có ơn nghĩa gì nữa hả?
Liễu Thi gật đầu vui mừng nói:
– Dạ thưa cha.
Trúng phải cổ trùng độc, đây đã là kết quả tốt nhất mà Liễu Thi có thể có rồi. Cô đã giữ lại được tính mạng, có lại được giọng nói, dù rằng khuôn mặt bị hủy một nửa cũng không sao, sau này sẽ nghĩ cách chữa trị sau, dù cậu cả nói không quan tâm nhưng phụ nữ có ai mà không yêu dung mạo của mình cơ chứ!
– Thời gian không còn nhiều, chúng ta mau đi thôi ạ, dọc đường cô con sẽ kể cha nghe những chuyện đã xảy ra tại nhà họ Hồ trong thời gian gần đây.
Ông Hồ nghe cậu cả kể sơ lược mà choáng kinh, trước đây ông chỉ nghĩ bà cả tham vọng cao, muốn bá chủ nhà họ Hồ mà thôi, thật không ngờ bà ấy có thể độc ác đến vậy, xuống tay được với chính con trai của mình.
Lại nói lúc này ở đình làng, dân chúng đang la hò vì đói. Đột ngột từ phía xa có tiếng ngựa hý cùng tiếng người hò reo:
– Là bà cả tới. Thật sự là nữ bồ tát, phật sống của chúng ta.
– Gặp được bà cả là phúc phận cả đời.
– Trông bà ấy thật oai vệ. Đáng mặt nữ nhi hào kiệt!
Bà cả một tay giắt ngựa đi vào trong, vừa đi vừa chắp tay chào hỏi dân chúng xung quanh. Họ nhiệt liệt đứng thành hai hàng tươi cười, vừa nói vừa khen ngợi bà ấy.
Bà cả chợt thấy có một người chạy tới trước mặt mình xin thóc, miệng mếu cả lên:
– Bà cả làm ơn làm phước, cho tôi một chén gạo cũng được. Con tôi bốn ngày nay chỉ ăn củ, rễ, bắp chuối. Nó sắp chết tới nơi rồi!
Người trông coi kho lương đi tới trước mặt bà cả chỉ vào người dân hèn mọn trước mắt
– Đứa này giả khổ xin ăn. Con đã bảo là không cho mở kho mà nó cứ quỳ ở đây mãi.
Nghe xong câu nói này, bà cả lập tức tát hắn một cái rõ mạnh ngã dúi xuống dưới đất. Bà cả hét lên:
– Người đâu, bắt tên gian tặc này lại cho ta.
Võ sĩ đứng ở ngoài xông vào đè tên trông kho lương xuống dưới đất, tên nào tên nấy to khỏe xông vào tát thẳng vào miệng làm hàm răng văng ra vài cái, môi bị đánh sưng phù lên.
Bà cả bấy giờ mới trưng ra bộ mặt giả nhân giả nghĩa đi tới đỡ người dân dưới đất, ân cần phủi bụi và nói bằng giọng xin lỗi:
– Thật tình tôi không hề biết việc này, đã khiến mọi người chịu thiệt rồi.
Bà ta đỡ người đó dậy xong thì đám võ sĩ kia cũng lục ra tấm lệnh bài ở trong người tên kia. Chúng mang lên tâu với bà cả:
– Bẩm bà lớn, chúng con tìm thấy thứ này.
Bà cả cầm lấy rồi giơ lên cao cho toàn bộ mọi người thấy, chữ trên đó có ghi: “THÁM BÁO HOÀNG TRIỀU”.
Người dân hoang mang chưa hiểu chuyện gì thì bà cả đã nói phủ đầu:
– Thì ra chính mày là gian tặc cài vào đây ,gây khó dễ cho bách tính. Người đâu trói hắn lại, chuẩn bị xét xử thị chúng!
Ngay trước đình lớn, tên trông coi kho lương bị trói gô quỳ dưới đất. Bà cả cầm lệnh bài đưa cho võ sĩ mang cho toàn bộ người dân. Bà cả thấy ánh mắt mọi người hồ nghi, xầm xì với nhau:
– Triều đình cử tên này vào làm gì?
– Còn phải hỏi nữa? Bà cả làm chuyện tốt trước cả triều đình, nên sợ công tớ hơn chủ.
– Tôi cũng nghĩ thế!
Những tên tay sai nội gián của bà cả đứng trong đám dân đen mà buông lời dèm pha triều đình. Bà cả bấy giờ mới đứng lên nói:
– Kính thưa toàn bộ bách tính có mặt hôm nay. Vùng ta vừa trải qua thiên tai quá lớn, người chết, người sống không còn nhà để về. Ấy thế cái ăn cái mặc lại thiếu thốn, khốn khổ không kể xiết. Tôi thân là phận nữ, nhưng vẫn đọc hiểu kinh luân, tế thế cứu dân. Từ lúc lũ rút tới nay là tôi lập tức mở kho lương phát chuẩn cho mọi người. Mặc dù thế tôi vẫn gặp nhiều uất ức mà không sao kể hết.
Bà cả đưa tay lên che mắt, tay cầm khăn tay lau đi nước mặt. Những tên tay sai trà trộn vào hàng dân đen đưa tay hô to:
– Bà cả là ân nhân của chúng tôi. Có khó khăn gì, oan tình thế nào hãy nói cho chúng tôi nghe. Chúng tôi đòi lại công đạo cho bà.
– Đúng, không có của thì giúp sức. Bà cả là phật sống, là nữ bồ tát.
Người dân cũng bị kích động, hiệu ứng đám đông nhanh chóng lan ra khắp mọi người. Ai ai cũng đưa tay hô to ủng hộ bà cả.
Bà ta trong lòng mừng thầm, đưa tay hạ xuống yêu cầu mọi người im lặng. Bà cả nói tiếp :
– Triều đình muốn trưng thu kho thóc của tôi. Quan trên tỉnh thì vì muốn nạp triều đình cho đủ số thóc mà cấm tôi không mở kho lương. Tên gián tặc này trà trộn vào cốt để phá vỡ đi lòng tốt của tôi. Hic, hic….
Người dân nghe xong thì nháo nhác lặng người, họ nhìn nhau:
– Có thật thế không?
– Theo tôi là có. Chứ nghĩ đi, lũ đã qua lâu vậy mà triều đình chẳng thấy động tĩnh. Giá gạo trên chợ thì một cân bằng cả một lượng vàng. Lũ ác bá, quan tham thì vơ vét thóc gạo.
– Ừ, tôi chỉ thấy bà cả đáng thương. Làm việc thiện mà cuối cùng vẫn bị khép vào tội.
Bà cả nói tiếp, nước mắt đã ngừng chảy, bà ấy bước tới trước và nói:
– Theo mọi người thì chúng ta nên làm gì? Chúng ta ai cũng là con người, hà cớ gì mà chịu cực khổ. Uất ức bấy lâu nay đã dồn nén quá nhiều. Con giun xéo lắm cũng quằn mà thôi!