Tôi là con trai một của một người có số làm thầy bùa. Chẳng biết do tự nhiên hay sau này phải học đạo nối nghiệp cha, mà từ nhỏ tôi đã có thể nhìn thấy và nói chuyện được với linh hồn của người đã khuất, thông qua ấy, biết thêm được nhiều ẩn khuất mà chưa chắc người khác đã biết được. Cha tôi là con trai út của nội. Ông nội có ba người con, cô hai lớn hơn cha tôi năm tuổi. Tiếp đến là bác ba, lớn hơn cha ba tuổi. Khi ông nội còn sống, ông cũng là một người thầy bùa có tiếng. Ông nội thờ chân dung của Đạo Đức Thiên Tôn và ông nói, ngài ấy chính là Tổ bùa của ông. Nhà sanh hai trai, một gái, nhưng binh sĩ lại chấm cha tôi. Nghe ông nội kể lại, từ nhỏ, tánh khí cha tôi rất hiền, thường ngồi yên ngoan ngoãn chứ không mấy khi chạy nhảy, nô đùa như mấy người cùng độ tuổi. Và khi đó mỗi khi mà cha tôi tự dưng khi không lại nói chuyện gì, thì y như rằng mấy hôm sau sẽ xảy ra. Cho đến ngày cha trình Tổ, được Tổ và ông nội dạy cho những phép bùa, cha chính thức bước chân vào con đường huyền môn.
Và dường như điều ấy tôi cũng được ‘hưởng sấy’ khi từ lúc biết nhớ được những chuyện đã xảy ra, tôi đã có thể nói chuyện với người âm như là người dương vậy. Thậm chí tôi còn nhìn và phân biệt được đâu là vong hồn người chết, đâu là binh sĩ của một môn bùa, đâu là một vong ngải, hay thậm chí đến cả vong quỷ tôi cũng đã từng nhìn thấy tận mắt. Nhớ nhất là cái năm ấy, khi tôi lên tám. Trời làm cơn bão xuống vùng quê nghèo. Khi ấy, người lớn tấp nập vùi đất cát vào bao gạo, dằn trên mái nhà. Phòng gió bão cuốn mái nhà đi mất. Có nhà còn kiếm gỗ đóng lại cửa sổ thêm cho chắc. Mì, gạo, nước mắm,muối… nhà ai khá giả thì dự trữ nhiều, ai có ít thì dự trữ ít. Hàng xóm động viên, giúp đỡ nhau nhiều hơn bao giờ hết. Rồi trời bắt đầu có dấu hiệu chuyển xấu hơn, người ta bắt đầu vỗ vai nhau. Trấn an nhau. Tôi lúc ấy vẫn cảm thấy mọi việc bình thường lắm, người lớn nói sắp có bão tới, ai ai cũng mang trên mặt một nỗi lo lắng. Còn tôi vẫn cảm thấy họ lo xa, vì trời giờ này không hề nổi lấy một cơn gió thì lấy đâu ra cái hiện tượng bão giông. Từ trong nhà, nhìn ra cái sông nhỏ, mặt nước cũng phẳng lặng như tờ. Lúc ấy, tôi còn tự đắc ý bảo với lòng, người lớn chỉ biết lo xa. Bầu trời yên ả thế này thì làm gì có bão được. Hít một hơi thật sâu hưởng thụ không gian yên bình, tôi mới chợt nhận ra, cái mùi gỗ mục ở đâu đưa tới cái mũi nhỏ bé của mình. Hít thêm một lần, hai lần, cái mùi ấy như đang tồn tại và bao trùm trong không khí vậy. Lúc này cũng là lúc tôi ngồi nhìn thấy một dòng người, ai cũng là người trong xóm. Nghe tiếng xì xầm ở bên ngoài, thì mới biết họ đang dọn đến cái trường tiểu học do nhà nước xây. Cha mẹ tôi cũng dọn đồ đi ra :
_ Đi thôi Huy !
_ Đi đâu vậy hả cha?
_ Đi đến trường, ở tạm đêm nay hoặc ngày mai. Ổn rồi mình về !
Lúc đó tôi cũng chẳng biết lí do tại sao, nhưng thấy người lớn khẩn trương nên tôi cũng trèo xuống bộ giáng, rồi nắm tay mẹ đi ra trường. Đi được vài bước, bác tôi cùng bác gái, ẳm theo chế Thơ mới hơn một tuổi đi tới. Bác hỏi cha tôi :
_ Gia đình định ra trường phải không !
Cha tôi mới trả lời :
_ Ừm, phải tới đó ở phòng hờ chứ cái nhà lá chịu sao nổi giông bão đâu anh !
Tôi nghe câu trả lời của ba, thì mới biết mọi người kéo ra cái trường ấy là để trú bão. Vì ở đây ai cũng nhà lá và nghèo hết. Thế là gia đình tôi hòa cùng dòng người đi đến trường, lựa một chỗ đặt đồ ngồi xuống, thấy ở trong lớp học, người lớn đã dọn gọn bàn ghế, để nhiều chỗ trống để ngồi. Vẻ mặt ai cũng lo lắng nhưng ai cũng gáng kiếm chuyện vui, nói để giết thời gian. Tôi ngồi kế mẹ, nựng chế Thơ. Chế nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng do chế là con của bác ba, xét vào vai vế nên tôi nhỏ hơn. Chơi được một lúc, chị ngủ trong vòng tay của bác gái, còn mỗi mình tôi nên đành đi sang chơi với mấy đứa cùng tuổi. Lúc này mới để ý, bốn góc tường chấc đầy túi đồ của người dân. Đa số là đồ ăn, và còn một số vật dụng quan trọng nữa. Lâu lâu tôi cứ nhìn ra con sông xa xôi kia, vẫn nhìn thấy được mặt nước rất yên bình. Thậm chí đến cả những chiếc lá của hàng đước xanh cũng chẳng buồn lung lay nhiều. Tôi vẫn không hiểu sao mọi người lại lo lắng đến vậy. Đến tối, tôi nằm trên tay mẹ ngủ không hay trời chân từ bao giờ, lại bị giật mình vì ngoài trời gió hú lớn đến sợ hãi. Tôi cũng không biết được lúc ấy, gương mặt mình khó coi đến mức nào khi tôi lại xoay người bấu chặt lấy người mẹ. Mẹ cũng ôm chặt lấy tôi. Cha cũng dang tay ra ôm lấy hai mẹ con, tôi nằm úp mặt vào lòng mẹ run rẩy trước tiếng gió hú kì dị. Phó mặt cho sau lưng mình, bên ngoài cái tường trường học, trời đang giận dữ nhiều lắm. Sợ là vậy, run là vậy nhưng tôi ít ra cũng chưa đến mức khóc lên như mấy đứa tôi vừa chơi chung lúc sáng. Bên lớp kia cũng có tiếng con nít khóc lớn lắm, cả tiếng người lớn dỗ con nữa. Tất cả sự việc, tôi điều cảm nhận qua đôi tai của mình, chứ không đủ gan mở mắt ra nhìn mọi thứ đang diễn ra. Nghe ở bên ngoài, tiếng gió càng lúc càng dữ tợn hơn. Thoáng ở bên tai, tiếng thằng Khoa bị mẹ nó la, vì nó đái trong quần. Trong không khí ngột ngạt, có thể ngửi được cái mùi nước thánh ngai ngái của nó nữa. Tôi chỉ nhớ được bao nhiêu đấy, sang ngày hôm sau lúc thức dậy lần nữa, tôi mới biết đêm qua mình ngủ quên. Mô Phật, trời chắc thương nên cho ngủ ngon trong lúc cơn bão hoành hành, chứ cứ thức mà khóc như tụi nó thì còn gì là đáng mặt đấng nam nhi nữa.
Sau cơn bão, cảnh vật toang hoang đổ nát. Người lớn nói dần bao phòng bay nóc nhà mà sau khi cơn bão qua đi, đến cả cái cột nhà còn không nguyên vẹn. Mọi người vừa buồn vừa mừng, buồn vì nhà cửa giờ đây phải xây sửa lại, còn vui là vì không ai mất trong cơn bão cả. Nhà tôi và nhà cậu cũng chẳng còn gì. Cũng hên là nhà nghèo, chẳng có đồ gì quý để mất. Trừ những ảnh với chân dung của Tổ mà thôi. Mà mấy thứ đó, cha tôi đem theo bên người hết rồi. Tôi cũng để ý cha lắm, mỗi lần đặt cái bao chứa cái bọc có hình của Đạo Đức Thiên Tôn là xá khấn thầm. Cuối cùng thì trời cũng quang mây tạnh, khi sửa lại ngôi nhà, người ông nội đã mất của tôi có về thăm, ông chỉ cho xây nhà, đại khái là những hướng tốt mà thôi. Tôi mới đến gần, không ngại hỏi nội :
_ Ông về rồi, còn bà nội đâu sao không về ?
Ông cười hiền hậu, vuốt đầu tôi trả lời :
_ Bà nội từ lâu đã ở chùa, bận tu cho thân hồn rồi mà, còn ông xin Tổ cho về một lát thăm cha con !
Tôi mới đánh liều, hỏi cái thắc mắc bấy lâu nay :
_ Ông nội về với Tổ tu đạo là tu làm sao? Ở chỗ của Tổ có đẹp không ?
Ông cười với tôi, giải thích :
_ Ông về trên núi, ở đó cũng có những người học đạo bùa như ông, cũng cùng chung thờ Tổ, ngoài ra còn có những bậc cao nhân hơn nữa, tập chung về tu đạo, chỉ vậy mà thôi !
_ Vậy… còn cảnh vật ở đó có đẹp không? Ông nội có cưỡi mây được không ?
Ông lắc đầu :
_ Người có duyên sẽ được chứng kiến, cảnh đẹp hay không còn là do lòng có cảm thấy đủ hay không. Cũng giống như một người thích hoa cúc trắng, khi nhìn vào nó sẽ thấy nó đẹp, một vẻ đẹp đơn giản. Còn người thích hoa hồng, có đưa một cành hoa cúc thì họ cũng không cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó !
Tôi suy nghĩ vài giây rồi nhìn lên ông nội trả lời :
_ Sau này con gắng được như ông nội để xem trên trời đẹp như thế nào !
Ông cười với nét mặt hài lòng :
_ Ông còn có việc, sau này sẽ về thăm con !
Nói vừa xong, tôi nhìn thấy ông đi cùng một vài người, mấy người đó mặc đồ giống ông, là một trang phục tựa như áo lam đi chùa, nhưng màu trắng, hai tay áo rất dài. Họ xa dần rồi mờ trong không khí nhẹ nhàng. Sau khoảng thời gian vất vả xây nhà, đắp lại bờ ruộng, cuộc sống của mọi người dần trở lại như xưa. Cũng là khoảng thời gian tôi bắt đầu thấy ở nhà của bác ba xuất hiện một vong nhi lạ mặt.
Ông nội tôi có ba người con, cô hai lấy chồng xa, về nhà chồng lập nghiệp. Gia cảnh của ông nội cũng chỉ có miếng ruộng chia ra hai cho cha tôi một phần, bác một phần. Do binh sĩ chấm cha tôi nối nghiệp ông nên phần ngôi nhà, cha tôi được hưởng. Bác ba lấy vợ rồi tự nhờ vào cái ruộng, tự lập xây nhà. Cả nhà tôi và nhà bác đều là nhà lá. Nhưng nhà tôi lớn hơn, khang trang hơn một chút. Hai nhà chỉ cách nhau sáu mét, từ bên nhà của tôi đi qua nhà bác đi qua hai cây ổi và một cây ớt. Nhưng sau cơn lũ, chẳng còn cây nào nữa. Từ lúc thấy vong nhi ấy, tính tò mò của tôi lại xúi giục tôi tìm hiểu. Tôi lấy cớ qua nựng chị Thảo mà thăm dò ý đồ của vong nhi. Mấy bữa đầu tôi cố ý giả vờ không nhìn thấy nên đi về an nhiên lắm. Tự dưng bữa đó, vong nhi phát hiện ra tôi nhìn thấy được nó. Nó mới chập chững chạy tới hỏi tôi :
_ Anh thấy được em mà đúng không ?
Tôi cố tình lơ đi, vờ như không nghe, đi luôn một mạch, vẫn bị réo lại :
_ Em biết là anh thấy được em rồi, giả bộ làm gì ?
Tôi mới quay lại hỏi nó :
_ Em là ai? Mà sao vào nhà cậu của anh?
Nó nhìn vào tôi :
_ Em nghe mẹ gọi em là Thành. Còn anh tên gì ?
Nhìn cái da dẻ xanh dờn của nó, tôi cũng đoán được hơi hơi là thằng nhỏ này chết nước. Tôi cũng không có thói quen trả lời tên cho người lạ mà thân phận chưa rõ. Bỏ qua câu hỏi của vong nhi. Hỏi nó như tra khảo :
_ Vậy sao không theo mẹ đi mà ở trong nhà này mấy bữa nay vậy?
_ Nửa tháng trước có bão, em không may nên mất mạng, mẹ em cũng không đi tìm xác em, lúc em quay trở về nhà thì mẹ với cha bỏ đi đâu rồi, em bị ma khác quánh mới biết mình chết rồi. Em mới tìm đường đến cái xác của em, đứng đó hơn hai ngày trời, người lạnh quá trời lạnh. Mà người lớn đi ngang họ không có thấy em, hoặc là họ không có đủ can đảm vớt xác em nên đi qua luôn. Chú ở trong nhà này vớt xác em lên, em đi theo về đây !
Tôi nghe xong thì vừa thương vừa nghĩ :
_ Số nó xui mới gặp cha mẹ không thương mà bỏ mặt, mà nó là ma bên ngoài, ông thần Tài thổ Địa cho nó vào nhà chứng tỏ nó không phải vong phá. Chắc chắn bác ba chưa biết chuyện này, mà nếu có biết thì bác ấy đâu có gì phải cần rước một con ma vô nhà làm gì? Chắc nó theo trả ơn một thời gian thôi rồi đi !
Nghĩ xong, tôi mới nhìn nó, cười một cách thân thiện :
_ Anh tên Huy, ở nhà này, không được phá chế Thảo của anh nha, anh mà biết anh cho một đạo bùa là hết siêu sinh !
Nó có chút sợ, gật gật cái đầu, điệu bộ ngoan ngoãn lắm. Tôi vẫn không quên làm màu, múa men vài cái đường phù của cha hù nó. Nó cũng chỉ cười cười rồi vẫy tay tạm biệt tôi. Cười cũng phải rồi, tôi múa đại chứ có phải nghiêm túc, biết vẽ văn phù đâu. Tôi đi về, bỏ lại nó đứng ở sau. Vừa về vừa nghĩ :
_ Nó chết như vậy, nhập âm bằng cách nào? Chắc chắn lại bị âm phủ liệt vào oan vong rồi còn đâu, chết tận nửa tháng, mới được chôn mà !
Tôi về, sà vào lòng cha hỏi :
_ Cha ơi, nếu một vong hồn, chết vất vưởng trần gian, thì làm sao họ đi đầu thai ?
Cha tôi nghĩ chừng vài giây, hỏi lại tôi :
_ Sao hôm nay con lại hỏi vấn đề này ?
_ Đằng nào con cũng sẽ nối nghiệp nhà, làm thầy bùa, thì giờ cha nói cho con biết sớm đi, sau này khỏi hỏi !
Cha nhìn tôi, ánh mắt dò xét :
_ Có phải con đã nói chuyện với vong hồn đứa trẻ trong nhà của bác ba rồi không ?
Tôi nhìn cha, như đúng ý với nhau thôi chứ cha tôi là thầy bùa mà, chuyện thấy được linh hồn đâu phải lạ :
_ Đúng rồi, con có nói chuyện với nó, biết nó bị mẹ cha bỏ rơi. Nó cũng cỡ ba tuổi rồi !
Cha tôi nhìn xa xăm :
_ Đứa trẻ đó đi theo để trả cái ơn mà bác ba đã vớt xác nó, tìm chỗ cho nó yên thân. Nó cũng không thể đi xuống âm phủ một cách bình thường được, sau này có duyên tự nó sẽ đi được thôi. Do nó không có ý đồ xấu, lại còn là chuyện trả nợ. Cha không xen vào làm gì !
_ À, thì ra là vậy. Con cũng mong là nó được đi siêu thoát, hay ít nhất là có được cuộc sống như người âm bình thường. Chứ nghe nó kể bị ma khác đánh, con thấy tội nghiệp !
Cha tôi xoa đầu của tôi :
_ Không sao đâu, mọi chuyện trời an bài hết mà, sống tốt thì sẽ gặp lành thôi con !
Tôi lại giống cha lúc nhỏ, khi không còn thắc mắc, tôi đi tìm một chỗ lặng im nhìn trời mây. Cũng từ lúc có thằng nhỏ ấy, con chó đực golden của người hàng xóm bắt đầu thường xuyên đến nhà của bác ba. Thằng bé thích chó nên nó dụ con chó của người ta tới chơi luôn. Con chó cũng biết vong thằng này hiền, nó đâu có sủa như mấy con chó gặp ma.
. Tôi là một người con, một người cháu của thầy bùa. Từ lúc lọt lòng đã tiếp xúc với thế giới tâm linh rồi. Tôi có một khả năng mà những thầy bùa chính hiệu hoặc những vong hồn thật thụ mới có. Đó là giao tiếp, nói chuyện với nhau qua ý nghĩ. Chỉ cần nhìn vào mắt của vong hồn, tôi sẽ nghe và biết được vong hồn muốn nói gì. Tôi trả lời họ cũng bằng ý nghĩ. Và họ cũng ngược lại, họ đọc suy nghĩ của tôi và trả lời bằng suy nghĩ. Cuộc giao tiếp bí mật đến mức như thế đấy, ai tinh mắt thì sẽ nhìn thấy ánh mắt tôi chớp thường xuyên, con ngươi chuyển động liên tục. Nhưng chắc chắn một điều, người bình thường không hề biết cuộc trò chuyện đó nội dung là gì.
Đó cũng là cách mà bao thầy phép khác giao tiếp với vong hồn. Trừ ánh mắt, hơi thở, người bình thường cũng chẳng biết thêm được gì. Đó cũng là một khả năng đặc biệt mà ông trời ưu ái cho tất cả thầy phép. Khi họ có thể giao tiếp, biết được nguyên nhân, đầu đuôi câu chuyện của một gia đình chưa từng gặp trước đây. Thông qua lời kể của chính người thân đã khuất trong gia đình của họ. Có lẽ người thường sẽ nghĩ các thầy phép siêu phàm, sai binh đi điều tra nhà họ rồi mới biết rành rọt như vậy. Nhưng họ không hề biết, là thầy phép đa số đều có khả năng này. Trừ những kẻ có mưu đồ, và biết nhà từ trước, mới sai binh sĩ đi điều tra được. Chứ một người xa lạ vừa mới gặp mặt lần đầu. Cả cái tên còn không biết, thì chuyện nhà của họ, trừ phi chính người trong nhà nói cho nghe thì chỉ có trời mới biết được. Chứ nào đâu có ông thầy nào tài tình đến mức nhìn ai cũng hiểu rõ ngọn ngành.
Đứa trẻ ấy ở nhà cậu của tôi được một thời gian, mối quan hệ của tôi và nó cũng có phần thân thích. Nhiều lần tôi thấy nó theo bác ra ngoài ruộng tôm, mỗi lần bác đặt lú xong nó sẽ dùng khả năng có sẵn của một linh hồn, lùa tôm cho vào lú. Công sức của cậu là thả tôm, thả thức ăn chờ tôm lớn. Nó chỉ lùa vào cho có nhiều tôm hơn, hết thì bác lại mua giống về thả. Việc ấy cũng hơn một năm. Bác ba tôi nhờ sự trả công vô hình mà từ từ có một chút vốn. Bác cũng biết về sự tồn tại của nó trong nhà, bữa cơm nào cũng rủ nó ăn chung. Sau khi có được chút vốn, bác ba tôi đi qua nhà. Lúc này tôi ở ngoài, cầm khúc củi xới đất trước nhà. Bác nhìn thấy tôi, bác hỏi :
_ Ủa Huy ! Con làm gì mà xới đất lên chi vậy con ?
Tôi giật mình xoay qua :
_ Dạ, bác ba mới qua. Con bới đất sét nặn chơi !
Bác cười nói với tôi :
_ Ý trời, chỗ đó làm gì có đất sét mà đào chi tốn công hả con ?
_ Vậy chỗ nào có hả bác, con đào cũng sâu lắm rồi mà có thấy đâu !
Bác ba trai ngó vào cái lỗ xới của tôi, phì cười rồi lắc đầu :
_ Con đào banh sân hồi cha ra la con bây giờ. Rửa tay vô nhà đi, đất chỗ này đào sâu lắm mới tới lớp đất mềm dẻo. Giống như đất sét vậy á. Mai bác ra thăm cua rồi mang theo cái giá, chỗ kia có mô đất cao, chắc dễ kiếm đất sét hơn. Bác đào cho một cục rồi ngồi nặn chơi. Chứ cầm cây củi xới như vậy quài cũng vậy à con !
_ Bác nói là bác nhớ nha !
_ Ừm, bác nhớ mà, cha bây có ở trong nhà không ?
Tôi nghe bác hỏi, liền lắc đầu :
_ Dạ không, cha con đi đắp lỗ mọi rồi !
Vừa nói dứt câu, nghe như cha về ở sau, tôi mới quăng vội cây củi :
_ Hình như cha con về rồi á !
Tôi với bác vô nhà, nhìn ra cửa sau thấy cha đang đi vào, chân dính sình non hôi thì thôi rồi luôn. Tôi chạy tới cái lu múc nước ra rửa lại cái tay đính đất. Cha tôi vừa rửa chân vừa hỏi tôi :
_ Làm cái gì mà tay dính đất không vậy Huy?
Tôi cười hề hề :
_ Con kiếm đất sét, mà bác ba nói chỗ ấy không có !
_ Muốn chơi thì nói cha đi đào cho, cầm mấy đồ nhọn rồi lỡ có gì rồi sao ?
_ Đâu có, con lấy khúc củi đào mà, có dám chơi dao đâu !
_ Coi chừng dăm đâm tay khó chịu lắm đó con. Mai chiều cha đi đào cho mà chơi !
Tôi vừa dạ một tiếng, bác ba ra ngoài hỏi cha tôi :
_ Tôm tép nước này có đỡ không cha thằng Huy !
Cha tôi nhìn bác :
_ Cũng đỡ anh ba ơi !
Tôi rửa sạch tay rồi, lấy khăn lau khô rời đi. Sau lưng tôi vẫn còn nghe được giọng của bác ba :
_ Anh có chuyện nhờ mày !
Tôi ra võng nằm, lắc lư mạnh hết mức có thể, tay cầm chùm dây thun bắn lên mái nhà kêu bốc bách. Lâu lâu, dây kẹt ở nóc nhà luôn. Dây thun này là cha cho, mỗi lần cha thả tôm giống là sẽ có dây thun đủ màu, xanh, đỏ, vàng. Mấy cọng này dai lắm, trừ bị dính trên nóc nhà lá ra thì chuyện dây đứt ít khi xảy ra. Trước còn có mấy con thằn lằn, nhắm bắn rồi nhìn nó chạy loạn xạ cũng vui mắt, nhưng từ lúc bão đến giờ, nhà tự dưng không còn con nào, thiếu thiếu buồn muốn chết. Giờ đang trong lúc nghỉ hè, lại không có gặp bạn bè chung lớp nên cả ngày của tôi rảnh toàn giờ luôn, không có cần phải học bài nữa.
Chợt thấy cha với bác trai trở vào :
_ Cha thằng Huy coi giùm anh có nên lập bàn thờ cho bé vong trai kia không? Chứ anh thấy từ ngày biết nó theo độ hộ, cuộc sống cũng bớt vất vả !
Tôi ngó lên nhiều chuyện. Họ ngồi ở bộ giáng cách tôi không xa. Tôi thấy cha lắc đầu :
_ Không được, thằng bé đó không phải con cháu nhà mình. Không tự tiện lập bàn thờ được đâu, Phật lòng gia tiên nhà mình không có tốt. Lập bàn thờ là chính thức chấp nhận cho nó tự do vào nhà, nhỡ sau này nó trở mặt làm ác, thần Tài, thổ Địa cũng không độ cho nổi. Cúng cơm thôi được rồi, sau này có duyên, nó sẽ đi thôi !
_ Nó cũng giúp anh vậy rồi, không lập bàn thờ có tội nó không em?
_ Phải chi cha mẹ còn ở nhà, mình thờ phụng thì em có thể gửi nó ở với mẹ cha. Nhưng hai người đó không ở đây. Anh mà lập bàn thờ. Lỡ sau này nó lộng hành, em khó lòng mà trị ! Thương thì mua kẹo bánh cho nó thôi !
_ Ờ, anh không biết rành chuyện đó nên mới qua hỏi, cha thằng Huy nói vậy thì thôi anh làm theo !
Cha tôi gật đầu, bác đứng lên nhìn về hướng tôi :
_ Bác về nghe, rảnh rảnh qua chơi với chế nè con !
Nói thật thì lần nào tôi qua, chơi được một tí chế lại ngủ. Nhiều lần nên tôi có hơi giận. Đang chơi ngon lành lại ngủ thì còn gì hứng nữa. Tôi đáp gọn :
_ Dạ !
Bác cười thân thiện rồi đi về. Tôi là cháu của bác, lại thường sang chơi với chế, nhiều lúc còn giữ chế cho bác gái nấu cơm nên bác mới nói chuyện với tôi như thế, vừa thân vừa tập cho tôi có cái tính tạm biệt người khác luôn. Còn với cha tôi, hai anh em chắc thân nhau quá rồi nên không có khách sáo làm gì. Về chỉ cười rồi thôi, con chó thấy bác ba bước ra sân, sủa mừng vài cái. Lại nhắc về con chó golden, nó giờ ở hẳn bên nhà bác ba, chẳng thèm về nhà cũ, mà chủ của nó cũng không thèm gọi nó về, chắc là do bớt một con, bớt miệng ăn. Phần vì chơi với đứa nhỏ kia, phần vì bác ba cũng cho ăn đầy đủ. Thời gian này, nhà của bác cũng có đồng ra đồng vô ổn định, bác gái mới bàn với bác trai chuyện nuôi hụi để lãi. Một triệu một chưng, mỗi tháng chỉ cần đóng bảy trăm rưỡi thôi. Ba năm sẽ mãn hụi. Bác trai cũng không có ý phản đối ý kiến của vợ, gật đầu đồng ý.
Ngay bữa đó, khi trời đêm buông xuống, bác trai ngủ mơ thấy thằng Thành, mà sáng hôm sau bác mới qua nhà tôi kể lại cho cha tôi nghe. Tất nhiên một thằng nhiều chuyện như tôi sẽ nghe ngóng, thêm phần vì có máu huyền môn nên chuyện tâm linh tôi càng phải lắng tai nghe hơn. Bác ba ngồi kể lại với cha tôi về giấc mơ :
_ Hôm qua tự dưng anh mơ thấy đứa nhỏ, chắc là đứa nhỏ theo độ anh từ trận bão đến giờ nhưng nay mới được gặp nó !
Cụ thể giấc mơ là nó đến tìm anh nó hỏi :
_ Bác định chơi hụi góp vốn hả bác ?
_ Ừ, đúng rồi! Con là thằng bé mà theo bác đúng không? Gọi là chú được rồi, chú cũng có già lắm đâu !
Vong nhi lắc đầu :
_ Con thấy anh Huy gọi là bác, nên con gọi theo !
_ Nó là vì vai vế nên phải gọi như vậy chứ chú có già lắm đâu, mà thôi, con muốn gọi là gì cũng được !
_ Dạ, con có nghe cô chú bàn chuyện chơi hụi. Chú khoang hả chơi hụi người ta, khoảng một tháng nữa cũng sẽ có chủ hụi đến rủ, người đó mập, trắng. Khi đó chú hãy chơi hụi với người đó, người mà cô chú định chơi lần này không an toàn, có thể bị giựt !
_ Vậy sao, còn gì nữa không con ?
Vong nhi lắc đầu, mỉm cười :
_ Con chỉ nói vậy thôi, chú nhớ nha !
_ Chú cảm ơn con !
Nhận được câu cảm ơn, cũng là lúc bác ba tôi thức giấc. Kể xong giấc mơ cho cha tôi nghe. Cha tôi mới gật gù :
_ Vậy thì anh theo ý thằng nhỏ đó đi, ý nó muốn giúp mà !
_ Ừ, số anh nghèo, mà gặp được đứa nhỏ theo độ hộ cũng mừng quá !
_ Ở hiền gặp lành mà anh, nếu như hôm đó anh không giúp đứa nhỏ thì hôm nay nó không theo về !
Hai người đàn ông nói chuyện với nhau, toàn là việc của người lớn với lại không có yếu tố thực thực hư hư nên tôi cũng không muốn nghe thêm. Mấy hôm sau có người phụ nữ đến kêu hụi, và bác tôi từ chối. Người đó cũng có qua nhà tôi rủ mẹ tôi chơi hụi nhưng mẹ tôi cũng khéo léo từ chối :
_ Chế đi nhà khác rủ họ thử coi, chứ nhà em thu nhập thất thường lắm !
Người kia cũng chẳng nói thêm cái gì, gật đầu rồi đi. Mẹ tôi chở vào nhà, xới lại nồi cơm chiều. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy bóng của thằng Thành, đi theo cậu tôi ra ruộng lùa tôm. Tôi thấy nó trọng tình nghĩa dữ thật, luôn đi theo bác tôi bảo vệ cho bác. Chỉ vì một lần đắp cho nó một mô đất, mà nó theo trả nợ đến bây giờ. Gặp những vong nhi khác, chưa chắc đã như thế. Vong nhi ấy luôn luôn tồn tại một cách âm thầm, theo như ý của giấc mơ đặc biệt ấy, bác ba tôi bắt đầu chơi hụi của bác Hà. Một người phụ nữ được vong nhi miêu tả là vừa mập vừa trắng.
Lúc này vong nhi ấy cũng lớn hơn rồi, giúp được nhiều hơn ban đầu. Buổi sáng đó tôi đang ngồi ở nhà của bác, chơi với chế Thơ cho bác gái làm công việc. Thằng Thành chạy tới ngồi chơi với tôi và chế. Nó mới nói với tôi :
_ Anh Huy ơi, nhờ anh chuyển lời giùm em là kêu bác của anh thả tôm giống nhiều hơn một chút. Giờ em lùa được nhiều hơn rồi nên thả nhiều một chút anh ạ !
_ Ừm, chút anh nói lại cho. Ở đây lâu rồi không định đi tu hay gì sao ?
Thằng Thành lắc đầu :
_ Bây giờ thì chưa, em chưa định đi ngay bây giờ !
_ Vậy định bao giờ? Không phải là anh đuổi mày, nhưng mày phải lo cho bản thân của mình nữa, cứ như vậy thì bao giờ mới đi chuyển kiếp ?
Thằng Thành cười cười :
_ Bây giờ thì chưa đến lúc đó. Mà anh làm con của thầy bùa, có cách nào để em làm con của bác trai anh không. Chứ em thấy bác thương em lắm, mua đồ chơi, bánh kẹo cho em ăn quài !
_ Cái đó anh không biết, mà bộ mày muốn làm anh tao hay gì mà hỏi vậy ?
_ Hihi, có đâu, không được thì thôi chứ em đâu có đòi hỏi gì đâu. Em may mắn lắm mới được chơi với anh, chứ người khác có muốn chơi họ cũng đâu có thấy em đâu !
_ Thì anh cũng vui khi có mày nói chuyện mà !
Nghe phong phanh đâu rằng bác ba chơi hụi của bác Hà, chơi hai chưng, đóng góp như vậy suốt ba năm thì sẽ mãn hụi. Tôi tuy nhỏ, bình thường chẳng đi đâu chơi nhưng mà chuyện làng xóm tôi muốn biết là biết được hết. Một là hỏi vong hồn ở ngoài hai là hỏi thằng Thành thì cũng từ không biết thành ra biết luôn. Hôm đó tôi chẳng biết ăn cái gì, lỡ miệng hỏi bác gái :
_ Bác ba chơi hai chưng hụi để mãn ra có tiền phải không ?
Bác gái giật mình :
_ Sao con biết? Bác đâu nói với ai đâu, bộ bác Hà nói cho mẹ con nghe hay gì?
Thôi xong, tiêu đời tôi rồi, một phút lỡ miệng thành ra người khác biết tôi nhiều chuyện thì toang. Tôi biện minh một cách vụng về :
_ Đâu có đâu…con đoán đại vậy á mà không biết có trúng không?
Bác gái nhìn tôi nghi ngờ :
_ Bộ thằng bé Thành gì đó nói cho con nghe hả?
Giờ thì đến lượt tôi giật mình vì câu hỏi, vì từ trước tới giờ bác gái có tin mấy chuyện tâm linh ma quỷ gì đâu. Mà giờ lại hỏi tôi câu đó khác nào bác gái đã thừa nhận sự tồn tại của thằng Thành. Với một thằng nhóc lên mười, với tư cách là bạn ngầm với thằng Thành suốt hai năm, tôi mới gật đầu thừa nhận. Mặt thằng Thành tự dưng trắng như bạch tạng :
_ Anh vậy lỡ bác gái hổng cúng đồ ăn cho em nữa rồi sao ?
Lúc này tôi cũng cứng người, vì không ở trong trường hợp của nó thì làm sao lo xa được như nó. Tôi tự hỏi bản thân hôm nay ăn gì mà nói ra câu nào cũng vạ miệng hết trơn. Sự căng thẳng của tôi và thằng Thành chỉ được giải vây khi bác gái nói :
_ Con nói với thằng Thành giúp bác là cho bác cảm ơn nó, hai năm qua đã giúp gia đình bác nhiều lắm !
Tôi thở phào, mặt thằng Thành cũng bớt trắng hơn, trở lại với thân hồn bình thường. Tôi cười khì khì :
_ Dạ không cần chuyển lời đâu, nó nghe được hết mà bác !
Bác cười, ngồi xuống giường :
_ Bác xong công việc rồi, cảm ơn con nãy giờ chơi với chế giùm bác !
_ Vậy bác chơi với chế đi, con về nhà con !
Tôi tuột xuống đi về, con chó thấy tôi về cũng sủa nhẹ một tiếng như để hẹn ngày mai qua chơi nữa. Một mình tôi ngồi ở nhà, tự hỏi bản thân :
_ Nó đã giúp bác ba hai năm, sao còn chưa đi? Hay là không có duyên để đi tu?
Hai năm, khoảng thời gian ngắn cũng đủ làm cái xóm này phát triển và thay đổi chút ít. Điển hình như nhà của bác ba, giờ đây không cần lo bữa đói bữa no nữa. Cơm canh đầy đủ nhưng cũng chỉ đạm bạc mà thôi.
Cái xóm này tôi tưởng mình nhiều chuyện không đối thủ rồi mà vẫn còn thua xa cái ông lái tôm ở xóm. Chuyện là bác ba tôi bán tôm cho ông ta số lượng nhiều và thường xuyên nên hắn đem chuyện đi nói với người khác, mồi chài cho những kẻ không muốn làm nhưng vẫn muốn ăn tìm đến ruộng tôm nhà bác mà trộm.
Những người như vậy thì trời không sợ đất không sợ mới dám làm chuyện bất lương. Đêm đó, từ trong buồng của mình, tôi nghe tiếng gió huýt đanh vào lỗ tai. Cái tánh bẩm sinh làm tôi bước ra xem thử có chuyện gì. Ra đến nơi cái cửa, bật cái cửa sổ lên, nhìn ra ruộng. Tôi thấy thằng Thành vẻ mặt giận dữ nhìn đăm đăm vào khoảng không tối mịch. Tôi cố nhìn thử xem nó đang nhìn cái gì, nhưng trời nửa đêm tối mịch, trăng còn không đủ sáng như ngày rằm nên cố mấy tôi cũng không biết nó đang nhìn cái gì. Chỉ thấy linh hồn nó đứng đó nhìn duy nhất một hướng như là đã xác định được mục tiêu vậy.