Chưa kịp mở miệng hỏi nó đang nhìn thứ gì thì tôi đã thấy nó lướt đến hướng mà bản thân nó nhìn từ nãy đến giờ. Trong màn đêm, tôi nghe tiếng nước đập mạnh, mặt nước dưới cái vuông tôm cũng đánh sóng. Tuy không thấy rõ nhưng tôi biết được phía dưới vuông tôm của bác ba đang có người xuống trộm lú. Được năm phút, tôi thấy có hai dáng người đàn ông đang hốt hoảng chạy đi. Thằng Thành tiễn hai kẻ trộm bằng một điệu cười thích thú rợn cả da lông. Tôi phải hít thở thật sâu vài cái mới có can đảm cất tiếng :
_ Ê Thành, giờ này làm gì đứng ở ruộng cười như điên vậy ?
Thằng Thành vẫn còn cười hả hê, nhìn tôi trả lời :
_ Haha, em vừa mới nắm giò hai người đó. Tội ăn cắp tôm !
_ Trời ơi, hèn gì tao thấy hai người đó chạy thấy tội nghiệp !
_ Đáng đời !
_ Ê mà nè, hù vậy thôi được rồi nghe, đừng đi theo phá người ta nghe !
_ Dạ, em biết rồi !
_ Thôi anh đi ngủ á, mày bớt làm gió hú đi để tao còn ngủ nữa !
_ Dạ. Anh đi ngủ đi !
Tôi trở vào giường đánh một giấc cho đến sáng. Khi tôi bước ra ngoài vệ sinh cá nhân bên ngoài cái lu, cũng là lúc thấy mẹ bưng rổ rau về. Tôi rửa mặt vội, chạy tới chỗ mẹ nhìn xuống cái rổ mới biết sáng mẹ đi cắt rau đắng.
_ Mẹ ơi, hôm nay ăn canh rau đắng hả ? Đắng lắm á mẹ !
_ Ăn rau đắng mát mà con. Tí cha về mẹ coi có cua không, mẹ luộc riêng cho con he !
_ Hihi, mẹ là số một !
Tôi ngồi không, tấy mấy tay chân cũng cầm cọng rau lên lặt. Cái cọng rau bé tí mà ăn vào miệng đắng vô cùng. Cắt hết đám này, độ tuần sau là nó mọc lên những cây mới. Thậm chí lâu lâu không ăn, ra ngoài nhìn thì thấy nó mọc lan ra đất một khoảng rộng rất rõ. Có lần không có gì chơi, tôi nhổ một đám cả rễ lên thảy ra chỗ trồng rau bồ ngót, vậy mà lũ rau đắng này nó không chết mới ghê, giờ vẫn còn một mảng đất nhỏ rau đắng ở dưới gốc bồ ngót, đó là cái di tích ‘không có gì làm’ của tôi còn sót lại. Lặt được vài ba cọng rau, cha tôi đi về, trên tay còn cầm một cái lú, bên trong cái lú là những con tôm đất còn sống đang búng loạn hết.
_ Rồi, không có cua rồi mẹ ơi !
Mẹ tôi ngước lên nhìn cha :
_ Ừm, thì còn tôm đó, chút mẹ luộc cho !
_ Dạ !
Buổi sáng hôm nay nhà tôi ăn canh rau đắng nấu tôm. Tôi không ăn được nên mẹ đã luộc tôm riêng một phần cho tôi. Mọi thứ vẫn bình thường cho đến một tuần sau. Tôi đang nằm trên võng đung đưa, nghe tiếng bô tạch tạch ở trước nhà, chưa kịp ngó lên đã có một giọng nói của một người đàn ông, có phần vội vã nữa.
_ Có ai ở nhà không ?
Tôi xuống võng, nhanh chân chạy ra trước :
_ Dạ, cha con đi coi vuông láng rồi !
_ Chừng nào cha về vậy con?
_ Dạ con không biết chú ơi. Có bữa đi lâu, có bữa thì mau !
Tôi vừa trả lời, vừa đánh mắt nhìn xung quanh một lượt. Hết thảy có năm người, trên hai chiếc xe máy có hai người đàn ông, đang nhăn nhó nhìn tôi. Người đàn ông kia xoay qua hỏi bốn người còn lại :
_ Giờ sao? Chờ hay đi về ?
Năm cặp mắt nhìn nhau rồi đột nhiên tất cả nhìn vào tôi. Hình như trong ánh mắt có phần ái ngại. Họ cứ ấp úng mà tôi thì cứ đứng chờ lời nói của họ. Chưa gì thì cha tôi về. Cái tiếng xói nước rửa chân quen thuộc mách bảo với tôi điều đó. Tôi chạy ùa ra sau :
_ Cha, có năm người kia kím cha kìa !
_ Hả? Ai dị ?
_ Con không biết, nhưng mà hình như là người ở khúc dưới !
_ Ờ, con ra trước mời mấy chú vô đi, đợi cha một chút rồi cha lên !
Tôi dạ một tiếng rồi quay ra trước :
_ Cha con về rồi á, mấy chú vô nhà đợi cha con một chút, cha con lên !
Họ đáp lại tôi :
_ Ờ ờ, vậy hả con !
Năm người e ngại bước vào nhà tôi. Có hai người kè hai người kia vào. Ngồi trên bộ đi văng, kì lạ là hai người kia mặt cứ nhăn nhó không ngừng. Đoạn cha tôi đi lên, nhìn năm người rồi hỏi :
_ Có chuyện gì mà các anh đến đây sớm vậy ?
Một người ấp úng nói :
_ Anh coi giùm hai ông này coi, sao mà… chân đau cả tuần rồi, đi bác sĩ mua thuốc uống mà càng ngày càng sưng !
Cha tôi ngó xuống hai cái giò của hai người kia. Họ cũng săn ống quần lên một đoạn cho cha tôi nhìn. Tôi ngồi ở cái ghế đẩu song song với bộ đi văng nên cũng nhìn thấy hai cái giò ấy. Nó sưng không nhiều nhưng cái vết đỏ ở chỗ sưng nhìn rất dị. Cha tôi nhìn thấy vết sưng :
_ Hai anh đi không được thì nhờ ai đến đây đốt nhang đi !
Cha tôi vừa nói, vừa mặc áo choàng vào. Một người bước xuống tiến tới chỗ cha tôi lấy nhang đốt cắm lên bàn thờ. Cha tôi ung dung đến bộ đi văng ngồi xếp bằng. Hỏi tên tuổi của hai người bị thương ở chân rồi đưa tay hướng về chân dung của Tổ hỏi. Chẳng biết bề trên nói gì, mà chỉ thấy cha tôi thở dài nhìn hai người ấy :
_ Tham của người ta làm gì rồi bây giờ bị vong quở đây ?
Hai người kia sửng sốt, trố mắt nhìn cha tôi. Cha tôi vẫn bình tĩnh nhìn họ, chờ câu trả lời từ họ nhưng dường như họ líu lưỡi mất rồi.
_ Người ai cũng có lần sai lầm mà, anh thương tình giúp tụi tui, làm ơn !
Cha tôi lại ngước lên bàn thờ Tổ :
_ Lần này là tiệt hay còn làm lại ?
_ Bỏ, nhất định sẽ bỏ mà ! Giúp giùm đi anh ơi !
Cha tôi vỗ lưng hai người họ, vẽ văn phù trên vết sưng một phân. Xong đâu đó, cha tôi nói :
_ Nếu còn lần nữa sợ rằng cái chân này phế !
Hai người đàn ông kia đối diện với ánh mắt nghiêm túc của cha tôi, mặt xanh như tàu lá chuối nhưng vẫn còn biết nói cảm ơn. Họ đứng lên xá bàn thờ vài cái rồi nhanh chân đi về. Sau lưng họ là ánh mắt dõi theo của cha tôi. Đợi họ đi hết rồi, cha tôi cũng cởi áo choàng bước xuống rồi, tôi mới hỏi cha :
_ Ủa sao hôm nay cha nghiêm khắc quá dị?
Cha bật cười :
_ Hai người đó ăn cắp tôm của bác ba bây, bị thằng Thành quở chứ gì !
Tôi nhớ lại cái đêm hôm đó, cũng phì cười. Cha tôi nhìn tôi hỏi :
_ Cười cái gì đó ?
Tôi hào hứng :
_ Thì đêm đó con thấy chớ gì. Nó nói với con là nó nắm giò người ta. Mà bữa đó tối quá nên con không thấy mặt hai người kia !
_ Con có qua chơi với em nó thì nói sau này đừng quở người khác nữa. Nó còn nhỏ, tập tành thói hận thù quá mai mốt khó đường có duyên để thoát !
_ Dạ !
Ở nhà cũng không có gì chơi, tôi lại đi sang nhà bác ba. Tôi thấy trên bộ giáng nhà bác có một mâm cơm, thằng Thành đang ngồi ở đó. Nhìn qua là biết mâm cơm đó là do bác tôi chuẩn bị cho nó rồi. Chợt, tôi tự dưng lại nghe được tiếng lòng của một vong hồn. Thằng Thành ngồi ở mâm cơm nghĩ :
_ Bác đắp nhà cho mình, cho mình ở, cho mình ăn. Bác thương mình là vậy mà mình không thể trở thành con của bác. Thôi thì trả bác một cái nhà, xem như là trả ơn !
Lúc đó tôi như sững sờ, vì nghe được suy nghĩ của nó nhưng vẫn không hiểu được một vong hồn trẻ con thì làm sao giúp người ta xây nhà được. Nhưng thông qua cái đó, tôi cũng biết là thằng Thành thật sự mang ơn bác tôi đến nhường nào. Tôi may mắn hơn nó, có cha có mẹ thương yêu dạy dỗ, không ở trong hoàn cảnh của nó thì làm sao hiểu được nó.
Tôi không muốn làm phiền bữa ăn của nó nên lướt qua, đi lên nhà giữa chơi với chế Thảo. Được một lúc, thằng Thành cũng lên, nó hỏi tôi :
_ Anh ăn cơm chưa !
Tôi nhìn nó, trả lời bằng ý nghĩ rằng tôi ăn rồi. Tự dưng lúc này tôi thấy có thiện cảm với thằng Thành đến lạ. Cái suy nghĩ của nó nói cho tôi biết là nó thương bác tôi, nó muốn làm con của bác, chắc là vì xa cha mẹ lâu rồi nên nó thiếu thốn tình thương. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác tội nghiệp, xót xa cho người dưng. Cái cảm giác này không hề thoải mái một chút nào. Tôi xoay qua nhìn thằng Thành. Chợt nhận ra sau một thời gian, linh hồn nó dần như người bình thường. Không còn xanh dờn như lúc mới về nhà bác nữa. Thằng Thành ngồi sát bên tôi, nó nựng chế Thảo. Chế tôi cũng cảm nhận được nó, thoáng chút giật mình khi bị thằng Thành chạm vào má. Chơi được một lúc lâu, tôi cũng phải về nhà ngủ trưa. Loáng thoáng trong không gian trưa nóng nực, nghe được người nào đó lớn tiếng với nhau. Nhưng đối với tôi nó không phải chủ đề đủ hấp dẫn để tôi phải ngóng đầu nhìn. Tôi cũng chẳng biết mình rơi vào giấc ngủ từ bao giờ. Chỉ biết là sau khi tôi thức giấc, trời đã gần về chiều. Từ trong buồng, tôi nghe được tiếng cha với mẹ đang nói chuyện với nhau :
_ Bữa nay cũng không có cua hả anh ?
_ Ờ, anh cắm câu cua câu thử mà không thấy nó dính. Anh có bắt vài con cá phi làm mồi thả rập rồi. Biết đâu chừng câu không dính mà thả rập dính thì sao !
_ Dạ, hồi nãy em mới qua nhà chị sáu, xin chia lại mình ít năng. Chị cho luôn chứ không lấy tiền á, bữa nay nấu canh tôm với năng cho Huy nó ăn, chứ nấu rau đắng quài tội nghiệp thằng nhỏ !
Nghe tiếng mở cái nắp xô ra. Sau âm thanh đó là giọng của mẹ tôi :
_ Ý, có cả tôm sú nữa hả. Để em đi mua nước đá, ướp lại sáng mai bán !
_ Thôi em, cái này cũng không tới một ký, bán mất công, em coi lột ra rồi làm tôm xỏ lụi, để dành nướng ăn dần. Anh đi vót tre cho em xiên !
_ Dạ !
Tôi chẳng bận tâm bên ngoài cha mẹ nói chuyện gì nữa, chỉ nghe đến sắp có tôm xỏ lụi ăn thì nước miếng tự dưng ứa trong miệng rất nhiều. Mà mớ xỏ lụi đó làm cho tôi chứ cho ai, món khoái khẩu của tôi mà. Lỗ tai tôi lại ngóng chuyện, mà không thấy ai nói gì nữa, tôi ngồi bật dậy, đi ra ngoài rửa mặt rồi đi vào. Thấy mẹ đang ngồi chọc tăm tre tách năng. Tôi ngồi xuống, cầm mớ năng đã tách lột vỏ ra rồi bỏ vào rổ.
Mẹ nhìn tôi cười cười.
_ Cha mới đem tôm về, kêu mẹ làm tôm xỏ lụi cho con đó !
Tôi vốn đã biết từ nãy rồi :
_ Híhí, cha giờ thương con hơn mẹ rồi !
Ở sau lưng vọng lại tiếng của cha :
_ Cha mày, ai nói cha thương con hơn mẹ, ai cha cũng thương đều. Mà tại con còn nhỏ nên phải ăn nhiều chút thôi !
_ Dạ, dù sao tôm này cũng làm cho con ăn chứ bộ !
Cha tôi bật cười :
_ Ờ thì làm cho con. Ráng ăn cho mau lớn, sau này còn phải lo lại cho cha mẹ nữa !
_ Chuyện nhỏ, con mà lớn rồi, con xây nhà bự cho cha mẹ ở luôn !
Mẹ tôi nhìn tôi :
_ Thôi đi ông tướng, lo học hành kia kìa !
_ Dạ !
Tôi ngồi bóc vỏ rau năng được mấy cái. Bên ngoài nhà có giọng của thằng Sơn gọi tôi.
_ Huy ơi, ra chơi lò cò không mạy ?
Tôi chưa đưa ra quyết định, mẹ tôi nói nhỏ :
_ Đi chơi đi con, để mẹ làm cho. Vận động nhiều nhiều cũng tốt !
Tôi vốn đâu phải là đứa ham chơi, nhưng mà mẹ nói vậy thì tôi cũng “dạ” một cái, bỏ cọng năng xuống rồi bước ra nhà :
_ Sao tụi mày không chơi đi mà rủ tao ?
_ Chơi đông mới vui !
Thằng Sơn chỉ tay ra sân đất :
_ Vẽ rồi kìa, chơi chung cho vui !
Tôi nhìn theo hướng tay, thấy có bốn đứa, nếu tôi nhập cuộc nữa là năm, tính thêm thằng Sơn nữa là sáu.
_ Tại mày năng nỉ tao mới chơi á nghe !
_ Ờ ờ, ra chơi đi !
Tôi giả bộ làm giá vậy mà thằng Sơn cũng ‘ờ’. Luật chơi lò cò chỗ khác như thế nào, ra sao thì tôi không biết. Ở xóm tôi cái môn này được vẽ mười ô, đánh số vào. chơi phải co một chân lên, nhảy một chân lên mười ô, nhảy về mười ô mà cái chân co lên kia không chạm đất thì coi như sống một mạng. Thằng nào thua thì phải phùn má lên cho tất cả những người khác búng vào mặt. Cái giá phải trả cho những đứa thua nhiều, buông ra là mặt sẽ đỏ, con trai mà, có sức chơi có sức chịu. Bọn tôi u xùm để coi coi thằng nào đi trước. Lúc này, tôi lại nhìn thấy thằng Thành đứng một mình ở sân nhà bác. Vẻ mặt buồn hiu. Tôi khẽ vẫy tay chào nó, sau cái vẫy tay, nó mỉm cười rồi tiến gần tới chỗ tôi. Nó muốn giúp tôi thắng nên trừ tôi ra, thằng nào nhảy lò cò nó cũng rị chân xuống. Kết quả là thằng nào bị nó rị cũng ngã xuống. Tôi phải xua tay mấy lần, thằng Thành mới thôi không chơi cái trò có ăn gian mà như không có đó. Tôi chơi được một lúc, nghe tiếng mẹ gọi nên tôi đi về. Món canh năng thơm phức đánh thức khứu giác của tôi.
_ Ra sau tắm đi rồi lên ăn con !
Mẹ kêu tôi đi tắm, tôi cũng dạ một cái rồi quay đầu chạy lấy đồ. Nhưng vừa quay đã vừa kịp ngửi được cái mùi kho sả quen thuộc. Phi thật nhanh tới bếp, thì trèn ơi giống như tôi đoán :
_ Bữa nay toàn món thịnh soạn thôi à, cá chốt kho sả… hí hí !
Mẹ nhìn thấy tôi như vậy, lắc đầu rồi bật cười :
_ Tắm lẹ đi còn ra ăn nữa !
_ Dạ !
Tôi đi tắm, vào phụ mẹ dọn cơm ra. Ăn một bữa no căng cả bụng. Thời gian trôi nhanh như nắm cát nằm trong lòng bàn tay. Buổi tối chuẩn bị đi ngủ, tôi lại nghe loáng thoáng có tiếng cãi nhau của nhà hàng xóm. Tôi chẳng có tí hứng thú nào với mấy chuyện đó cho tới một ngày bác Phong ở khúc dưới, đến nhà bác ba tôi nói chuyện. Hôm đó gia đình tôi qua nhà bác chơi, cùng bác gái làm ít chuối chiên giòn để dành ăn đỡ buồn. Cha tôi với bác trai ra tiếp chuyện với bác Phong. Còn sai tôi đi qua nhà bà sáu mua hai lít rượu về nữa. Cả ba người nhậu với nhau, chén chú chén anh một hồi thì mẹ tôi với bác gái cũng bào xong ề chuối xanh, sơ chế lại chuẩn bị đem đi chiên giòn, tôi ngồi không cũng nghe họ nói chuyện. Giọng của bác Phong hỏi bác ba trai :
_ Dạo này vuông láng đỡ không cha con Thảo ?
_ Cũng lai rai ông ơi, đủ sống, nhính nhúc ít để dành thôi à !
_ Ờ, vậy cũng mừng. Của tôi thì tự dưng hai năm nay xuống quá, thả giống thì nhiều mà thu lại không có được bao nhiêu. Lỗ vốn quài cũng đau đầu lắm chứ !
_ Kiếm tiền hồi nào giờ dễ dàng đâu anh !
Rồi giọng của bác Phong lại khào khào vì có rượu :
_ Kể ra thì không biết phải hay không, chứ từ lúc con chó nhà tôi bỏ qua nhà anh ở thì nhà tôi bắt đầu làm ăn không được thuận lợi mấy, cứ như bao nhiêu tài lộc của nhà tôi trôi qua nhà ông hết vậy đó !
_ Ê, anh đừng nói vậy, khác gì nói nhà tôi cướp lộc nhà anh đâu. Tại con chó thường xuyên qua đây nên tôi cũng cho nó ăn hai năm nay rồi. Mà nếu là tại con chó sao mấy tháng đầu anh không dắt nó về đi, hai năm rồi mới nói thì chuyện này khó nói lắm anh Phong !
_ Thì tôi cũng nói sự thật thôi mà, hôm nay qua đây cũng vì trước muốn hữu tình anh em, sau thì xin đem con chó về !
_ Chó của nhà anh qua đây cũng hai năm rồi, mà nó quấn con Thảo nhà tôi lắm. Nhà anh còn hẳn hai con như vậy thì thôi, nếu anh tiếc thì cứ cho tôi xin cái giá, tôi mua để ở nhà. Chứ có nó hai năm rồi, nay anh bắt về thì buồn lắm !
_ Sao cha con Thảo lại nói như vậy được. Tôi qua đây là xin nó về mà chứ có bán đâu. Bán nó thì khác nào bán lộc nhà mình cho người ta !
_ Hôm nay sao anh kì vậy. Nó ở nhà tôi cũng hai năm rồi, tự dưng hôm nay anh qua một hai muốn dắt nó về. Chừa tình nghĩa anh em chòm xóm láng giềng với nhau chứ anh !
Chợt giọng của cha tôi vang lên :
_ Thôi thôi. Có chuyện con chó thôi mà mấy ông gắt với nhau làm gì cho mất tình. Chó của anh Phong thì nếu không bán thì anh dắt nó về đi !
_ Ừ, nói như cha thằng Huy đây còn nghe được. Chứ chó của anh thì anh nói một tiếng đã đàn hoàn rồi phải không ?
_ Dạ thì anh cứ dắt nó về đi !
Tôi nghe cha nói như thế, dự cảm không lành mới chạy ra trước, núp khép ở cái màn cửa nhà giữa dòm ra trước. Tôi thấy bác tôi không giữ được bình tĩnh nữa. Long long nhìn vào bác Phong lớn tiếng :
_ Tôi mua con chó năm triệu, anh bán không ?
Bác Phong đứng phắt dậy, xua tay lắc đầu trèo xuống :
_ Không bán, thôi. Tôi về luôn nghen !
Bác tôi định nhóm chân đứng dậy thì bị cha tôi đặt tay lên đầu gối ngăn lại. Bác Phong cầm cục xương vịt nhử con chó rời khỏi nhà của bác. Tôi thấy bác có chút luyến tiếc có chút bất lực nhìn con chó bị dụ đi. Có một chút tiếc nuối thoáng qua trong người của tôi. Cha tôi rót rượu ra ly mời bác :
_ Dù gì thì cũng là chó của người ta. Buồn quá thì đi kiếm nhà ai có chó con đó rồi xin về nuôi lần lần !
_ Kể ra cũng phải, từ lúc con chó qua nhà anh ở thì nhà anh khấm khá hơn trước nhiều !
Cha tôi cười :
_ Xời, anh nghĩ con chó đó mang lại lộc lá thật hả. Nhà anh có được như ngày hôm nay là do cái đứa bé kia đi theo trả ơn mà thôi !
Vừa nhắc tào tháo thì tào tháo xuất hiện. Thằng Thành lướt ngang qua tôi rất nhanh. Bản tánh hiếu kỳ của tôi nó làm tôi phải nhanh chân theo nó. Cha tôi thấy tôi đuổi theo thằng Thành thì chỉ lặng im, còn bác tôi lại nói :
_ Chạy từ từ coi chừng té !
Tôi chạy ra ngoài, đảo mắt tìm thằng Thành thì thấy nó đang ôm chặt con chó lại. Trong đôi mắt của tôi thì thấy như thế nhưng còn đối với đôi mắt của bác Phong thì giống như con chó đang giở chứng không chịu về. Một người một vong giành nhau một con chó. Thằng Thành tuy nhỏ nhưng do bác tôi cúng cho ăn đầy đủ nên nó mạnh lắm. Sức của bác Phong không kéo xê được con chó tí nào. Con chó tội nghiệp cứ ẳng ẳng vì đau. Bác Phong luồn tay chuẩn bị nắm chân nó kéo về lại bị nó cắn cho một cái sâu ngoắm. Bác Phong la lên vì bị cắn, bao nhiêu bực tức ông dồn vào chân đạp cho con chó một đạp rồi cầm chặt cái tay mới bị cắn đi nhanh về. Con chó chắc cũng đau lắm vì tôi dòm mãi mà chẳng thấy nó đứng dậy. Tôi mới đi lại gần. Thằng Thành ngồi bên con chó mà vuốt ve như là đang an ủi vết thương của con vật mà nó thích vậy. Tôi đỡ con chó dậy, hì hục mãi mới lôi được nó về trước nhà của bác vì con chó khá to. Bác ba tôi nhìn thấy liền nhanh chân đi ra :
_ Ủa sao vậy Huy?
Tôi nhìn thằng Thành, rồi nhìn bác tôi trả lời :
_ Bác Phong bị nó cắn nên đạp cho nó một cái rồi bỏ về rồi !
_ Ý trời ơi, nuôi nó hai năm nó nào có cắn thứ gì đâu, sao bữa nay nó cắn người vậy !
Bác vừa nói vừa lo lắng ngồi xuống con chó vài cái. Con chó vì đau quá nên cứ rên ư ử. Bác bế nó vào nhà, lót mấy cái áo cũ cho nó nằm. Tôi nghe tiếng dầu sôi ở sau nhà, đoán chừng mẹ với bác gái đã thả chuối vô chiên rồi , tôi nhìn con chó một cái nữa rồi chạy ra sau.
_ Coi chừng dầu sôi nè !
Mẹ tôi thấy tôi chạy tới thì nhanh nhắc tôi cẩn thận. Tôi cười khì khì cho qua. Mẹ nhìn tôi rồi nói :
_ Con đi vô nằm ngủ với chế Thảo đi. Ngủ xong rồi mẹ với bác cũng chiên xong rồi về !
Tôi nhìn tới nhìn lui, thấy chẳng có gì chơi, thôi thì cũng nghe lời mẹ vào buồng ngủ với chế. Đoạn đang nằm sắp ngủ được đến nơi thì tai lại nghe bác với cha nói chuyện với nhau :
_ Anh định hốt hụi xây nhà, cha thằng Huy thấy có được không ?
Giọng cha tôi hỏi lại :
_ Anh năm nay 38 rồi hả ?
_ Ừ!
Chẳng bận tâm hai người nói với nhau gì nữa, trong đầu tôi bắt đầu mường tượng ra hình bát quái, tám góc bên ngoài là : _ Khôn – Đoài – Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly. Bên trong tám góc là Trung. Đủ Cửu Trạch, vậy là 38 ứng với Đoài. Là trạch Đức, tốt cho xây nhà ! Lại không vướng Kim Lâu. Nhưng lại vướng Ngũ Thọ Tử, haizz ! Xây nhà vào năm này thì thành viên trong nhà nhất định sẽ có chuyện ly biệt, mà chuyện biệt ly, ly biệt có bao giờ được ai mong muốn đâu !
Chẳng biết hai người lớn nói gì nữa, và mọi chuyện cứ thế diễn ra theo dòng chảy vô thường, cho đến ngày tôi hay tin bác mua vật liệu xây dựng. Tôi mới bất ngờ, vì không nghĩ cha tôi sẽ để bác xây nhà vào năm này thật. Vì suy nghĩ của tôi chỉ thấy nhà bác có ba thành viên. Chị Thảo lại còn nhỏ, chuyện biệt ly ấy có phải sẽ trả về hai vợ chồng của bác hay không? Nếu như thế chẳng khác nào bác trai ở một nơi, bác gái ở một ngã? Tôi thật sự không thể nào hiểu tại sao cha coi tuổi cất nhà cho anh mình mà coi kì như vậy. Tính từ hôm tôi nhẩm tuổi của bác đến giờ được hơn hai tháng. Người ta nói ” cưới vợ phải cưới liền tay ” chứ đâu có nói ” cất nhà phải cất liền tay ” đâu mà bác tôi vội vàng thế.
Tôi chạy đi tìm cha, cha đứng sở lưới cá :
_ Cha ơi, bộ cha để bác xây nhà năm nay thật hả ? Con còn tính ra được tuổi bác dính hạn Hoang ốc mà !
Cha tôi lườm tôi một cái :
_ Con nít lo đúng chuyện của con nít thôi. Không phải việc của con thì con lo làm gì ?
Tôi vẫn một mực cho rằng mình không tính sai :
_ Con đã cẩn thận tính lại rồi. Tính tới tính lui vẫn vướng Ngũ Thọ Tử. Nhiều gia đình xây nhà mà không coi Hoang ốc sống được vài năm thì vợ chồng li dị, hoặc là gặp cảnh chia ly. Trước giờ con chưa thấy cha xem cho ai mà bỏ qua cái hung gì, sao nay cha lại vậy ?
Cha tôi đứng trước chất vấn của tôi chỉ phì cười và lắc đầu :
_ Cẩn thận thì là một tính rất tốt. Nhưng vì sao cha làm thế thì sau này con có những trải nghiệm thực tế con sẽ hiểu vì sao cha làm vậy. Lí thuyết chỉ là một phần, đời người không thể phụ thuộc hết vô lí thuyết mà còn thuộc vào sự suy nghiệm !
Tôi không hiểu nổi những gì cha nói. Cái gì là thực tế cái gì là suy nghiệm. Thôi thì cứ để thời gian sẽ trả lời cho tôi biết vậy.
_ Cha có cần con phụ cầm đầu lưới không?
_ Có, nhìn cha làm rồi mai mốt quen mắt rồi làm theo !
Định phụ cha tập sở lưới thì tôi lại nghe giọng của bác gái gọi :
_ Có ai ở nhà không ?
Tôi nhìn cha một cái rồi chạy ra :
_ Dạ có !
Hình như bác mới đi chợ chiều về. Trên đầu đội cái nón lá với ở cái tay còn xách theo cái giỏ đi chợ màu đỏ. Trong giỏ có mấy cái bọc nilon đã cột chắc. Bác lấy trong cái giỏ ra một bọc rau khá lớn :
_ Chiều bác đi chợ thấy bông điên điển mới hái ngon quá chừng. Mua về hai mớ cho nhà con một mớ nấu canh !
Tôi nhận lấy bọc rau :
_ Dạ con cảm ơn bác !
_Ờ, tối chưa ngủ thì qua chơi với chế Thảo một chút nghen Huy !
_ Dạ!
_ Ờ, thôi bác về !
_ Dạ, bác ba về !
Bác gái quay lưng đi về. Tôi cầm bọc bông điên điển đi vô nhà. Cha thấy tôi liền hỏi :
_ Bác ba kêu cái gì vậy con ?
_ Dạ bác cho bọc rau !
Vừa lúc đó mẹ tôi vừa ở sau hè bước lên. Tay còn bưng ngang hông rổ rau gì đó.
_ Em tính hái ít bồ ngót nấu canh, mà thấy già quá. Chừng nào anh ra láng thì em đi ra đó hái ít lá nhãn lồng về luộc !
Cha tôi vừa thu lưới vừa nói :
_ Chị ba vừa mới cho bọc bông điên điển kìa, em ở nhà lặt bông đi. Anh ra láng neo lưới một chút !
_ Dạ !
Cha tôi đem cái lưới đi ra ngoài láng. Tôi ở trong này phụ mẹ lặt bông. Cái bông màu vàng, cánh bông mỏng manh, phải là người khéo léo lắm mới lấy được nhụy bông ra ngoài mà những cánh bông vẫn còn nguyên. Bông điên điển mọc thành chùm, nhỏ như đầu ngón tay. Ngồi lặt lâu lắm, nhìn nó nhiều vậy thôi chớ tí mẹ bỏ lên xoong nấu thì nó mềm lại ít xịt à. Hai mẹ con vừa lặt xong ề bông cũng vừa lúc cha tôi đi về. Mang về mấy con cá đối với ít con cá bống trăng. Cha chia đều số cá ra :
_ Nè, đem qua cho bác rổ này nói là cho chế Thảo giùm cha !
Tôi bưng rổ cá đem qua nhà bác. Cũng phải cẩn thận với bọn này lắm, vì lâu lâu nó cứ dẫy, tôi sợ nó rớt khỏi cái rổ rồi khó bắt lại. Qua đến nhà, tôi thấy bác trai đang vá lú, tiến lại gần bác tôi chìa cái rổ ra :
_ Cha kêu con đem qua cho chế Thảo !
Bác ngó nhìn rổ cá :
_ Ý trời, sao cha bây không để dành ăn mà đem qua đây cho. Nhà bác còn mấy con cá phi ướp muối mà, có thiếu cá đâu, nhà con tôm tép thất thường hơn nhà bác. Để dành ăn lúc không có đi con !
_ Cha con có chia ra hai rồi, với lại cha nói là cho chế Thảo chứ có nói cho bác đâu mà bác từ chối !
Bác trắc lưỡi :
_ Thiệt là tình thằng cha mày …!
_Hả? Cha con làm sao ?
_ Không có sao, bác cảm ơn nghen !
_ Dạ vậy con về !
Tôi quay lưng đi về, để lại rổ cá. Buổi chiều nhà tôi ăn cơm với canh chua bông điên điển. Trúng món tủ nên tôi ăn rất nhiều, vì điên điển có theo mùa, một năm được đôi lần ăn là hết mùa rồi. Trước khi vô mùng ngủ tôi còn phải ôn lại mớ bài tập ở trường. Vừa xong là cũng vừa lúc đến giờ đi ngủ. Tôi trèo lên giường, đắp mền lại rồi đánh một giấc mặc kệ trời trăng. Đang ngủ ngon lành, tôi không mấy dễ chịu khi cảm nhận được một cảm giác có người kéo chân của mình. Tôi mở mắt ra nhìn thì thấy thằng Thành đang đứng ngoài mùn, đưa tay của nó vào nắm giò của tôi.
_ Giúp em với !
_ Mày làm cái gì giờ này vậy? Sao không để anh ngủ. Sáng mai anh còn phải đi học nữa, có gì trưa mai qua nói sau có được không ?
_ Anh ra ngoài giúp em cái. Có người bỏ bả vào miếng thịt luộc, dụ con chó ra ngoài, nó mà ăn thì nó chết á, em biết là nó không cắn em nhưng dù sao nó cũng là con vật có tánh linh, em mà cản nó thì khó lắm !
_ Mày sang kêu cha anh đi, cửa khóa rồi. Cái gì mày cũng nhờ tao mà sao mày không biết sức lực tao cũng có giới hạn vậy?
Nó quay đi sang phòng của cha tôi, điệu bộ vội vàng lắm. Tôi thấy nó đi rồi cũng nhắm mắt lại, nhưng không tài nào ngủ được nữa. Xoay qua xoay lại vài lần, tai tôi nghe tiếng cửa mở ra. Đi cùng nó là tiếng bước chân quen thuộc của cha. Chẳng biết thằng Thành nói gì với cha mà cha lại đồng ý ra giúp nó. Nằm cũng không nhắm mắt được chi bằng ra hóng chuyện cho rồi. Tôi tuột xuống giường, đi nhẹ nhàng như một con mèo tới chỗ cửa sổ, ngó một con mắt hướng nhà bác mà hóng chuyện. Trong màn đêm, ánh trăng soi mập mờ, tôi thấy bóng dáng của cha đang cầm cái gì đó ném xuống sông. Con chó sủa và gừ lên một tiếng như đang giận cha tôi lắm, cha tôi đưa tay vuốt nhẹ lên đầu con chó. Vài giây sau thấy nó đi chầm chậm vào nhà. Chắc nó tiếc cái thứ bị cha tôi đem quăng nhiều lắm. Chỉ còn lại cha với thằng Thành. Nó hỏi cha tôi :
_ Hôm trước con vô tình nghe anh Huy nói cái gì là xây nhà năm nay vướng phải thứ gì đó, sao bác không chọn một năm khác để xây nhà ?
Cha tôi hỏi lại thằng Thành :
_ Con nghe lén bác với con bác nói chuyện hả ?
Bóng thằng Thành lắc đầu phủ nhận :
_ Đâu có, hôm mà bác hỏi tuổi của anh trai đó, lúc đó anh Huy nằm trong buồng ngủ với chế Thảo mà tính nhẩm cái gì là biệt ly, ly biệt nên con nghe được thôi chớ con đâu có nghe lén ai !
_ Ủa vậy hả?
Dáng cha tôi ngồi xuống, đối mặt với hồn thằng Thành :
_ Trên đời này khi nhắc đến hai chữ biệt ly, người ta sẽ thường tiếc nuối cho khoảng thời gian kỷ niệm. Nhưng trước chữ biệt ly là kết thúc, sau chữ biệt ly là bắt đầu. Một sự bắt đầu sau một sự kết thúc. Bắt đầu mới, hành trang mới, rồi cũng sẽ có những kỷ niệm mới !
Sao mà tôi nghe cha nói chuyện với nó mà trong câu nói có nhiều ẩn tình quá, hay là do tôi đã bỏ sót một chi tiết nào trong cái chuyện xem tuổi cho bác của tôi.
_ Con ở đây cũng hơn hai năm rồi, mà bác là thầy bùa mà sao không hóa duyên cho con, con cũng rất ít khi thấy bác giúp cho người, không phải thầy phép phải đi cứu người khỏi tà ma hay sao, sao bác đợi người ta đến tìm mà không đi tìm người ta để giúp vậy? Chẳng phải làm việc thiện là để tích đức hay sao ?
Cha tôi phì cười :
_ Thằng bé này, sao giống như đang chất vấn bác vậy? Chuyện bác không hóa duyên… à…ừm có câu nói như thế này ” vạn hạt mưa rơi không hạt nào rơi nhầm chỗ, những người ta gặp không người nào là ngẫu nhiên ” mọi thứ đang đã diễn ra trong quá khứ, đang diễn ra ở hiện tại, và sẽ diễn ra trong tương lai thật chất đã nằm trong sự sắp xếp của ngũ uẩn. Bất kỳ cuộc gặp gỡ nhau trong kiếp này dù là vô hình, tượng hình, gián tiếp hay trực tiếp điều là do duyên và nợ. Có lúc gặp nhau là để trả nợ, có lúc gặp nhau chỉ là để nối lại duyên xưa, tùy mối duyên sẽ có cách vay trả khác nhau. Biết nhau trong kiếp này, dù ít dù nhiều vẫn là do duyên !
Càng nghe cha nói tôi càng không hiểu được gì. Mà tôi không hiểu thì sao một đứa như thằng Thành hiểu được. Nhìn thằng Thành không trả lời cha tôi cũng đủ biết là nó không hiểu cha tôi nói gì rồi.
_ Thôi, chú về ngủ, con cũng vào nhà đi !
_ Dạ !
Tôi nhanh chóng quay gót trở về giường. Hóng chuyện mà để bị phát hiện thì khó giải thích lắm. Tôi vào buồng, nằm nhìn nóc mùn mà đầu cứ nghĩ về những câu nói của cha, nghĩ tới nghĩ lui cũng không hiểu gì. Tôi cũng không nhớ rõ được mình ngủ từ bao giờ. Nhà bác bắt đầu xây nhà mới, ngày nào cũng có tiếng những người thợ làm việc. Thỉnh thoảng những chú thợ hồ còn nhậu vài ly với cha với bác nữa. Cũng là người trong xóm với nhau thôi nên cứ độ một tuần là có một buổi nhậu. Cha tôi ngồi cho vui tình anh em thôi chứ cha không uống được nhiều, và từ trước giờ tôi cũng chưa từng thấy cha say quắc cần câu như người ta. Những buổi ngồi nhậu với nhau nói chuyện như vầy, ít nhiều người lớn có nhắc đến chuyện bác Phong dạo gần đây mắc bệnh xuống sức nhiều lắm. Tay bị đau sưng gì đó mà không làm việc được nữa, ban đầu chỉ là đau quay máy bơm nước không được, mà giờ đau tới mức cầm cái lưới cá cũng không nổi. Nghe đâu là có đi bệnh viện nhưng mà không bớt được phần nào, tay thì càng ngày càng đau mà tiền đi khám viện cứ mỗi tháng một tăng. Cha tôi nghe chuyện của bác Phong thì chỉ lặng im. Bác tôi chắc còn nhớ chuyện con chó nên không muốn anh em trong sòng nhậu nhắc đến bác Phong nên nâng ly cho qua chuyện. Tôi thấy chuyện của bác Phong cứ giông giống chuyện của hai người trộm tôm của bác ba lúc trước. Nhưng đó cũng là suy đoán thôi chứ tôi không chắc chắn. Vì nếu là do thằng Thành làm thật, chẳng lẽ nào cha tôi không ngăn cản. Nhưng cứ thấy thằng Thành nhìn đăm đăm vào mấy chú khi mấy chú nhắc đến chuyện của bác Phong, rồi tôi nhìn nó thì nó lại trốn tránh ánh mắt của tôi. Nó làm tôi nghi ngờ rằng thằng Thành đã quở bác Phong, nhưng khi tôi nhìn sang cha thì cha vẫn như ‘bình chân như vại’ khiến tôi phải dẹp bỏ cái suy nghĩ kia đi. Giữa cái suy nghĩ không chắc chắn, tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng bình tĩnh lại rồi dùng khả năng giao tiếp tâm linh xem cha của tôi với nó có nói nhau cái gì không nhưng giữa họ lặng im. Kết thúc chầu nhậu, tôi với cha tôi đi về. Đoạn vừa bước ra khoảng đất cách giữa hai nhà, sau lưng tôi vọng lên tiếng nói của thằng Thành :
_ Con mong chú sẽ không trách con chuyện này. Con chỉ muốn lấy lại chút công bằng cho con chó thôi !
Tôi nghe nó nói mà như chết điếng : “Cái gì, chuyện của bác Phong là do nó làm thật sao?” Tôi tự hỏi bản thân như thế. Tôi chỉ thấy cha phì cười lắc đầu, vẫy tay biểu nó vào nhà. Cha vẫn bước về, không trả lời thằng Thành thứ gì. Tôi cũng nhìn thằng Thành, thấy nó vừa xoay lưng thì linh hồn đã mờ nhạt hòa vào màn đêm. Tôi không giấu nổi thắc mắc của mình, liền hỏi cha :
_ Chuyện của bác Phong là do thằng Thành quở hả cha, sao cha biết mà không ngăn cản nó vậy ?
_ Cha cũng không biết nói sao nữa, chỉ biết nói nó là “Duyên Khởi” !
_ Dạo này cha nói chuyện khó hiểu ghê !
Về đến trước nhà, tôi với cha ngưng nói về chuyện của thằng Thành với bác Phong.
_ Dạ mẹ con mới về !
_ Ừm, mai có trả bài gì không, không có thì đi ngủ sớm đi con !
_ Dạ mai con không có trả bài !
Mẹ tôi gật đầu một cái. Tôi mỉm cười rồi bước vào buồng riêng, xoã cái mùn xuống rồi tôi lại nằm nghĩ về cái hai từ duyên khởi mà cha nói. Một vong hồn đi quở người sống, một thầy bùa biết chuyện chỉ xem như không thấy. Thì có chỗ nào gọi là khởi duyên đâu. Đêm nay lại là một đêm tôi ngủ thật ngon dưới tiết trời mát mẻ cùng cái bản hoà nhạc của những con côn trùng ru tôi vào giấc ngủ. Thời gian trôi qua nhanh như một cơn gió, cuốn những thứ như vừa mới xảy ra mà nay lại thuộc về quá khứ từ lâu. Sau cái ngày ăn tân gia nhà bác hơn một tuần. Hôm ấy trời mưa tầm tã, mưa như trút nước. Cha với tôi ra ngoài ngồi ở bậc thềm. Cha nhìn ra cái đường đất sìn lầy ấy không nói gì cả. Ngồi được hơn năm phút, từ phía dưới có một vị sư đi lên. Trời mưa như trút thế mà dáng đi của vị ấy không một chút vội vã. Cha tôi nhìn theo từng bước đi của vị sư kia rồi khoé môi mỉm cười. Ông ấy đi vào trước nhà bác. Đứng nhìn vào trong nhà, tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã thấy linh hồn thằng Thành chạy qua nắm tay cha của tôi. Cha tôi nhìn nó, đặt tay lên tay của nó rồi nói :
_ Duyên đến rồi đó con, người đó đến đây là để giải hòa ân oán giữa con với ông Phong. Con đi theo vị sư đó, về nơi mà con thuộc về đi !
Ánh mắt thằng Thành rưng rưng, nhìn cha tôi lại quay sang nhìn tôi, nhìn vị sư đang đứng chờ dưới mưa ngoài kia. Cha tôi nói :
_ Bác không đủ khả năng hóa duyên cho con thì bác xin phép mượn vô thường hóa duyên giúp con. Vạn hạt mưa rơi không hạt nào rơi nhầm chỗ, những người ta gặp không người nào là ngẫu nhiên !
Dường như nó hiểu được ý của cha tôi, giọng nó nghẹn ngào :
_ Con cảm ơn bác !
Rồi nó vút đi thật nhanh vào nhà của bác ba. Vị sư vẫn đứng ở đó kiên nhẫn chờ nó. Tôi hỏi cha :
_ Vị thầy ấy đến đây đưa em Thành đi hả cha ?
Cha tôi gật gật :
_ Giờ thì hiểu tại sao cha quyết định để cho bác con xây nhà vào năm này chưa ?
Tôi nhớ lại cái luận tuổi vướng phải Ngũ Thọ Tử, xong chưa kịp đáp lại thì cha nói tiếp :
_ Thành nó về ở nhà của bác, ăn cơm nhà bác, bác đối xử với nó không khác gì con trong nhà, nó mang ơn bác mà dùng âm lực đền đáp như con báo hiếu cha. Nó cũng đã là thành viên trong nhà của bác. Cha không đủ khả năng hoá duyên cho nó mới mượn năm Ngũ Thọ Tử để thúc đẩy cho nó một con đường. Cha biết chuyện nó quở bác Phong vì ông ấy đạp con chó mà nó thương nhất cha cũng không khuyên can tất cả cũng là vì chờ ngày này. Cha biết bác Phong không trị được bệnh sẽ mời thầy đến xem, mà thầy tìm ra nguyên nhân từ nó nên sẽ đến tìm nó !
Tôi không khỏi kinh ngạc :
_ Trời ơi, một thời gian dài như vậy mà đều nằm trong sự tính toán của cha hả? Bái phục bái phục á nghen ! Mà sao bác Phong không tìm cha giải, cha cũng là thầy bùa mà, cha nói một tiếng không lẽ thằng Thành không nghe lời ?
Cha tôi phì cười :
_ Ông ấy biết cha là em trai của bác. Chuyện xích mích với bác của con nên thành ra ổng không thích đi tìm cha !
Tôi gật gù, khoảng hơn năm phút thằng Thành đi ra đứng với vị sư. Định đi thì nó quay đầu lại, bay về phía tôi. Nó ôm tôi một cái :
_ Em quý anh lắm, dù đi đến thế giới nào em cũng sẽ nhớ về tình bạn đẹp hơn hai năm của em với anh, cảm ơn bác và anh, cho con tạm biệt hai người, ở lại giữ gìn sức khỏe nhé !
Tôi đủ thông minh để nhận ra được đã đến lúc nó phải đi. Tôi cũng ôm nó một cái, dù cái ôm nó lõng lẻo. Thằng Thành nhẹ nhàng rời ra xa, mỉm cười với tôi và cha rồi quay đi. Nó đi với vị sư ấy. Đợi cho hai người họ đi khuất rồi, cha tôi mới nói :
_ Ngày linh hồn ấy đến đây cũng là một ngày mưa, ngày linh hồn ấy rời đi cũng là một ngày mưa !
Đúng như vậy thật, linh hồn của thằng Thành hòa vào trong màn mưa trắng xóa đi với vị sư thầy rời khỏi nơi này, vị sư ấy sẽ giúp nó trở về nơi mà nó thuộc về. Tôi ngồi ở lại đó rất lâu mặc cho cha tôi đã quay vào nhà, trong đầu tôi không ngừng nhớ về những kí ức của tôi và thằng Thành, cảm giác này nghẹn ngào, khó chịu biết bao. Cơn mưa vừa lớn vừa dai, nước mưa trút xuống như muốn tột rửa nỗi buồn của tôi đi vậy.
Bác trai tôi cũng dường như cảm nhận sự ra đi của nó, không ngại cơn mưa mà chạy qua nhà của tôi vội vã tìm cha :
_ Cha thằng Huy à, anh mới mơ thấy thằng Thành cảm ơn anh, rồi nó tạm biệt anh rồi !
Cha tôi nhìn bác, vỗ vai bác :
_ Nó nói gì với anh ?
_ Trong mơ anh thấy nó ôm anh, rồi nói là ” bác vớt xác đắp mộ cho con. Con phụ bác ít sức kiếm tiền xây nhà, bây giờ duyên của con đến rồi. Gia đình ở lại mạnh khỏe ” rồi tự dưng nó mất tiêu. Anh giật mình mới thấy giấc mơ kì quá mới qua đây gấp vậy đó chứ !
_ Thằng Thành nó đi thật rồi ! Anh đừng lo, nó về với nơi mà nó vốn thuộc về mà thôi. ! Sau này không cần dọn cơm cho nó nữa. Em tin chắc nó sẽ đến một nơi tốt hơn và sẽ có những trải nghiệm tốt hơn. Duyên nợ một kiếp đến đây là hết rồi !
Tôi nghe cha nói chuyện với bác như thế. Biết là nó sẽ sang một thế giới khác. Giữa trời mưa lớn, tôi hét thật to, to như muốn lấn át cơn mưa :
_ Dù ở nơi nào anh cũng mong em vui vẻ. Nhớ phải cười thật nhiều có biết chưa ?
Chẳng có âm thanh của nó đáp lại tôi. Trong tâm trí của tôi hiện lên nụ cười ngây ngô của thằng Thành, bản thân của tôi cũng mỉm cười một cách ngờ nghệch .
Full