Chiến tranh đã khép lại sau ánh đèn vinh quang của bản hùng ca mùa xuân năm 75. Tuy hoà bình cũng đã mấy mươi năm nhưng những hệ lụy về nghèo đói và những đau thương mất mát do cuộc chiến tàn khóc ấy để lại vẫn còn đó.
Dưới thời Mỹ-Ngụy chúng rất chú trọng để mắt đến và xây dựng nhiều căn cứ điểm quan trọng trên vùng miệt thứ xa xôi hẻo lánh này bởi vì quân chủ lực miền Nam lợi dụng thiên nhiên rừng rú, sông ngòi chằng chịt của đất Cà Mau mà hoạt động cách mạng. Điển hình như vùng U Minh Hạ, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi,…
Chúng dùng mọi âm mưu và phương tiện để hòng chặt đứt con đường tiếp tế từ miền Bắc của ta.
Nhưng bằng sự mưu lược và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đoàn tàu không số và quân giải phóng miền Nam. Sau hàng tháng trời vượt sóng gió trùng dương, con tàu tiếp tế đầu tiên cũng đã chạm vào đất liền của miền Nam ruột thịt tại bến Vàm Lũng thuộc Tân Ân, Rạch Gốc ngày nay.
Một trong những người lính của tháng năm hãi hùng ấy sau ngày giải phóng
đã thất lạt cả gia đình và lưu lại phương xa hữu duyên tầm sư học đạo để rồi vang danh thiên hạ như ông Tám Chánh này.
Cà Mau vào những năm cuối thế kỉ XX.
Cung đàn Kìm âm vang theo con nước lớn giữa đêm trăng ngà, trong tiếng chày khuya nhộn nhịp của mùa gặt khắp làng trên xóm dưới, một giọng hát mộc mạc quê mùa ngân nga theo tiếng tí tách của bó đuốc đang bập bùng.
“Từ ngày xa đất Tiền Giang em theo anh dìa xứ cảnh đờn
Muỗi kêu mà như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh,
Em yêu anh nên đành xa xứ
Xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau….”
Tiếng cộp cộp vang lên, chiếc xuồng ba lá nhỏ của thằng Vẹn đang khập khiễng trên sông Xóm Lá lùa vịt chạy đồng về. Đám vịt quế kêu inh ỏi cả một nhánh sông quê, nghe âm thanh quen thuộc biết thằng trời đánh đã về tới ông Tám Chánh liền từ trong nhà bước ra ngoài hiên réo lên.
– Dìa rồi đó hả bây! Tao mới bắt được cặp rắn Hổ Hành ú nu nè, lên làm vài ly cho ấm mầy ơi, mấy nay mưa lạnh quá víu ráo trọi.
Thằng Vẹn nghe tiếng ông Tám hú liền phơi phới lên
– Con nghe rồi ông Tám ui…mòi màng dọn sẵn đi con lùa đàn em về cái dọt qua liền.
– Ừa coi có trứng vịt bể đem qua tao nấu chè húp cho ấm nghen mậy.
– Dạ…dạ….dạ……..
Tiếng dạ khuất xa dần theo bóng dáng chiếc xuồng, ông tám Chánh đốt đuốc lội thẳng ra mé ao xách tụm rắn gọng ở dưới lên, ông ngồi đó mằn mò cả buổi xong cũng mần rồi rổ rắn. Ông Tám có vẻ hài lòng gật gù nói
– Chà chà coi bộ mỡ nhiều nghen bây, điệu này đem đi nướng lá Cách dí nấu cháo đậu xanh là quắt đọt dừa luôn đó đa.
Xong ông cầm rổ thịt rắn đi ra sau bếp mà trổ cái tài nấu nướng lão làng của mình.
Xách chai rượu vô buồng đong đầy một lít, cái mùi rượu đế xông thẳng vào mũi khiến ông tê tái chép chép miệng thèm thuồng.
Nữa tiếng sau thằng Vẹn đã tắm rửa sạch sẻ lật đật chạy qua, nó không quên cầm theo rổ hột vịt bể cùng mớ bị ung, chưa tới cửa nhà đã nghe giọng nó ong ỏng ngoài đê.
– Chết rồi, chết rồi, chết con rồi ông Tám ơi…
– Gì la bày hẩy đó bây?
Thằng Vẹn vừa bước vào vừa cười cười nói.
– Thơm quá đói chết con rầu khà khà khà….
– Tổ bà mày thằng dịch giật, làm tao hú hồn. Coi phụ tao dọn lên rồi quất nè, đợi mầy từ giờ đói rã ruột.
Nói xong cả hai người lật đật bưng chén đũa lên, ông Tám không quên dọn một mâm nhỏ để cúng bên góc trái nhà, chổ đó có một cái bàn thờ nhỏ đặt một lư hương tạm bằng lon sữa bò.Thấy ổng vội vã vái lia vái lịa rồi phóng thẳng lên ván quơ chai rượu rót liền tay.
– Làm luôn bây ơi, tao thèm nãy giờ.
Ông Tám cầm ly rượu lên khấn lầm thầm xong cái hất thẳng ra cửa sổ, rồi mới rót ly thứ hai đưa lên miệng uống ực một hơi vỗ đùi khà ra.
– Khà……….công nhận rượu vợ thằng Đẹt này ngon nhất xứ ba xua nghen bây.
Nói về ông Tám Chánh, ông là một thầy bùa Lỗ Ban nổi danh khắp các vùng miệt thứ đều biết, kể cả dân Châu Đốc, Hà Tiên lâu lâu cũng có người xuống nhờ ông cứu giúp hoặc là mua gà nòi của ổng.
Nhà ông Tám hơi sụp sệ một chút nhưng cũng ấm cúng, giữa nhà có một cái bàn thờ lớn, khung thờ vẽ bằng chữ Tàu trên tấm trần đỏ.
Mỗi lần vào đây là thằng Vẹn cứ có cảm giác rờn rợn sóng lưng, nó vừa cầm ly uống vừa quay sang nói nhỏ với ông Tám.
– Ông Tám, sao mỗi lần con qua đây nhậu về là tối ngủ cứ bị đè, mà mà ghê lắm, trong chiêm bao con thấy cả đám người đông lắm đứng chật cả sân nhà ông Tám luôn, người nào người nấy toàn mặc đồ đen, đội nón đen, mặt hầm hầm nhìn con ý chèn ơi muốn đái trong quần.
Ông Tám gắp miếng thịt rắn quấn lá Cách nướng thơm lừng bỏ vào miệng nhai rổn rảng, cái vị ngọt của thịt cùng với vị thơm phức của mỡ rắn cộng với cái mùi đặc trưng của lá Cách khiến con người ta tê tái, ông Tám ngon chớn đẩy luôn ly rượu tráng miệng rồi mới nói.
– Chắc tại bây hợp vía nên binh của tao nó theo, mà bây yên trí đi, theo độ chứ không có phá đâu mà lo.
– Nhưng mà ghê quá ông Tám ui, nhìn sợ thiệt. Mà sao người ta ở nhà ông nhiều quá trời quá đất dậy?
– Tụi đó là vong chiến sĩ ngày xưa, tao thâu về hết để cho làm việc giúp đời, đến khi đủ phước duyên rồi thì siêu thoát cho tụi nó.
– À à…hèn gì kakaka…..
– Bây suy nghĩ chuyện gì mà vui dị?
– Hí hí con biết tại sao ông Tám ế tới giờ rồi.
– Sao nói coi?
– Zị chứ nhà toàn âm binh cô hồn các đảng đông quá hà bà nào dám vô ở, rục rịch cái cũng có người nhìn thấy sao dám….hí hí hí….
– Tổ cha mầy tao ở dị cho đàn bà nó thèm chơi đó mầy ơi không biết gì hết chơn kakaka….
Nói tới đây thằng Vẹn nhớ lại gì đó liền hỏi ông Tám.
– À mà ông Tám, ông biết nhà ông tư Càng ở Rạch Bà Đặng hông?
– Ờm….biết sương sương, cách đây cũng lâu tao không nhớ rõ hình như là thằng chả có lên đây coi tuổi cất nhà thì phải.
– Ừ đúng rồi ông Tám, nhà thằng chả vừa cất xong hai tháng nay mà gia đình chết 4 mạng rồi đó, trấn động nguyên cái Rạch Bà Đặng luôn mừ.
– Ái chà sao tao không nghe gì hết vậy cà? Rồi sao bây biết?
– Ui trời người ta đồn ầm ầm ngoài Vàm đó, con lên trễn mua thức ăn cho bầy vịt nên nghe bà chủ bã nói.
Nghe đâu là thằng con trai cả của ổng chạy xuồng đụng vô trụ cầu chết đầu tiên, xong tới thằng con thứ ba đi chăn trâu mà trâu nó đi vô bãi mìn nổ banh chành luôn, rồi tới nhỏ con gái thứ tư mới sanh thằng con trai cũng bị bịnh chết.
Người cuối cùng là ông già tía của ổng, bữa đi đâu ra vườn rồi té cấm đầu chết dưới mương.
Ông Tám nghe tới đây thì buông ly rượu xuống cau mày nhìn thằng Vẹn
– Có đúng là như dị không bây?
– Đúng mà, con đi mấy chổ luôn chổ nào cũng nghe người ta đồn y chang dị.
Mà chuyện này có liên quan gì tới tâm linh hông ông Tám, con nghe người ta nói nhà ổng bị yếm bùa gì đó nên mới dậy.
– Hâyzzz…kiểu này chắc chắn có liên quan tới vụ cất nhà rồi, nhưng tao nhớ không lằm là lúc tao coi tuổi thằng cha đó năm nay cất tốt lắm mà, thêm tao cũng chỉ dẫn sắp xếp phong thủy sao sao hết rồi, chuyện này thiệt lạ à nghen.
Phải đến nơi tận mắt xem xét cái nhà và cục đất đó tao mới biết chính xác được.
Nói rồi cũng cho qua chứ chuyện thiên hạ quản sao cho xiếc, hai người ngồi đó nhăm nhi tới nữa đêm, rượu thịt cũng đã cạn sạch. Ông Tám đi vô buồn lấy cây đàn Cò ra ngồi kéo vài bản Tổ, thằng Vẹn thì bước thấp bước cao lụi hụi xuống bếp pha ấm trà nóng lên uống cho dã rượu.
Tiếng Cò theo điệu bài Dạ Cổ Hoài Lang nghe thật não nề ai oán nhưng cái hồn quê vẫn đẫm chất nơi đó trong từng cung nhạc.
“Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a….”
Sáng hôm sau khi trời mới hừng đông, ông Tám Chánh do tuổi đã lớn nên tính người già hay dậy sớm, ông bước ra sân lượn mấy vòng cho dãn gân dãn cốt rồi vào nhà châm ấm trà ngồi nhâm nhi. Chợt nghe tiếng rẽ nước dưới bến sông rồi tiếng mũi ghe cập vào sàn lãng, ông Tám đưa cổ lên ngóng xuống nhìn nhưng do trời mới mờ sáng nên không thấy rõ.
– Ơ đứa nào mới sáng sớm mà đi đâu đó bây?
Từ dưới ghe có hai bóng người đàn ông bước lên, họ xách theo cái cần xé tiến về phía nhà ông Tám.
Tới nơi thì một ông chừng năm mấy tuổi mặc áo sơ mi cục tay, quần bò, chân mang dép ‘đốc tờ’ lịch sự thưa.
– Dạ chào chú Tám, chú Tám nhớ con hông?
Cầm ngọn đèn dầu lên soi cho rõ, ông Tám liền cười lên
– À tưởng ai chứ thằng Tư Càng đó hả bây? Chèn ơi tao đang chờ mày đây nè.
– Chú Tám ơi chú giúp dùm nhà con, sao mà nó kì cục quá chú Tám ơi, xưa giờ con mới gặp cảnh này.
Vừa nói tư Càng vừa ngồi xuống cầm tay ông Tám mà khóc mếu máo, ông Tám cũng biết sơ lược về chuyện này nên cũng không mấy bất ngờ, đưa tay vỗ vỗ lưng an ủi tư Càng.
– Thôi được rồi bây ngồi đàn hoàn lại uống miếng trà cho bình tĩnh rồi kể đầu đuôi tao nghe coi.
Còn chú em là ai? Thôi cũng ngồi xuống uống nước đi.
– Dạ con tên Ri là em út của ổng, mấy tháng nay lu bu quá đến bây giờ hai anh em mới lên đây tìm chú Tám được.
– Rồi sao bây không lên sớm một tí, để cho ra nông nỗi như bây giờ vậy hả.
– Chú Tám thông cảm, nhà thì đám ma liên tục, người này vừa mồ yên mả đặng thì tới lược người kia nằm xuống. Nhiêu đó quây anh em con chóng mặt luôn, giờ hồi hộp không biết đến lược ai, nay cúng tuần con út nhưng hai thằng kéo nhau đi đại chứ thấy tình hình này không được rồi.
– Sao mà kì cục dị, tụi bây có làm theo lời tao dặn không mà cất cái nhà xong tai ương dồn dập dậy?
Tư Càng lúc này mới bình tĩnh lại
– Có chứ chú Tám, con nào giờ tin thầy bà dữ lắm, nói đằng đông là con không dám cãi đằng tây, nhưng mà không hiểu tại sao nó lại ra như dậy.
Để con kể cho chú Tám nghe, chuyện bắt đầu là từ thằng con trai lớn của con, sáng đó như hằng ngày nó chất rau cá xuống xuồng chở ra ngoài Vàm (vị trí giao nhau giữa hai sông lớn) bán. Đi từ hừng đông tới xế trưa mà không thấy nó về, một hồi người ta chạy lại nhà báo mới hây nó chạy sao đâm vô trụ cầu rồi chết đuối ở dưới tới giờ chưa kiếm gặp xác.
Cả nhà nghe xong thì tá hỏa tam tinh, con mới kêu thằng út này nè lấy xe chở xuống dưới.
Đi tới đó thấy cái trụ cầu bể nát hết một bên, chiếc xuồng thì bà con kéo lên dùm rồi. Còn cái xác của nó người ta lặn kiếm mà hoài không thấy, nước chổ đó chảy cũng không có xiết mà hông hiểu tại sao, thằng út này nó củng phóng xuống mò nữa.
Tìm cho tới đâu gần 3 giờ chiều mà hông gặp, mấy ông đàn ông đuối sức bò lên bờ hết rồi, con không biết phải làm sao hết mới chạy đi mời ông thầy người Miên gần đó lại.
Ổng vừa tới nơi nhìn xuống trụ cầu thì lắc đầu, ổng nói bằng cái giọng lơ lớ
“Cái xác thằng này không phải nó trôi mất đâu mà là người ta giữ lại không cho lên đó.”
Bây giờ ông bắt con gà con vịt mần rồi luộc chín đem ra đây cho tui”.
Nghe ổng nói vậy con làm theo liền, chạy vòng vòng chổ đó kiếm hên sao gặp được chú em kia tốt bụng ổng thấy thằng nhỏ tội nghiệp nên cho không con gà con vịt luôn, còn kêu bà vợ mần sẵn rồi bắt nước luộc lên.
Đem ra tới chổ ông thầy Miên bày ra mâm rồi thấy ổng chặt cây chuối non đem lại. Thắp bốn cây nhang lên ổng khấn vái mấy câu gì đó xong rồi đợi tàng nữa nhang ổng mới lấy cây chuối non quăng thẳng xuống chân cầu chổ thằng nhỏ chết.
Mà ghê lắm nghen chú Tám, chú thấy hả nước đang chảy xuôi mà cây chuối tự nhiên nó trôi ngược lại y như có người nắm kéo đi vậy đó. Bà con ta nói thấy cảnh đó ai ai cũng nổi hết da gà, cây chuối trôi được một đoạn cách đó tầm 500 thước rồi dừng lại gần bờ dưới ngay gốc một cây Mắm lớn. Mọi người chạy theo coi, tới nơi thì thấy cây chuối nó từ từ dựng thẳng đứng đưa cái đọt chỉ thiên giống như nó mọc dưới nước vậy đó.
Ông thầy Miên nói nó nằm ngay dưới gốc cây chuối, ba bốn ông mới nhảy xuống mò ngay đó thì quơ tay chúng cái dò thằng cả, lôi được nó lên ta nói con vừa đau lòng mà cũng vừa mừng trong bụng.
Mà ngộ lắm chú Tám ơi cái x.ác thằng nhỏ vớt lên nó muốn xình luôn, bà con vừa thấy ta nói dạt ra một bên hết, cặp mắt nó trợn ngược lên nhìn con trầm trầm như muốn nói con chết oan ức lắm tía ơi vậy đó.
Vừa kể ông Tư Càng vừa khóc thảm thiết, ông Tám ngồi thẩn thờ ra đó nhẹ giọng nói
– Tội thằng nhỏ quá, bây có để ý coi trên người nó có gì bất thường không?
Ngồi yên một hồi để nhớ lại, chợt Tư
Càng vỗ bàn
– Đúng rồi, chú Tám nói con mới nhớ, lúc vớt xác nó lên con thấy rõ ràng hai cái cổ chân nó bầm tím hết, sờ vào thì nó miềm sụm luôn hình như xương cốt nát hết rồi.
Lúc đó cứ tưởng là bị cái xuồng nó đập vô nên hông ai để ý tới nữa.
Con kêu thằng ba chạy ghe ra chở xác anh hai nó về nhưng ông thầy Miên hổng cho, ổng nói tụi bây mà chở nó về bằng xuồng là kiểu nào cũng bị lật nên con đâu dám cãi.
Xong rồi con thấy ổng làm cái hình nộm bằng rơm cột dây nhợ quăn xuống sông, ổng đi bằng xuồng về vừa chạy vừa kéo cái hình đi dài dài trên mặt nước thẳng về hướng nhà con luôn.
Lúc đó nhỏ gái út của con đang mang bầu nó không biết, đi ra coi thử liền bị ông thầy ổng la làng lên không cho bước xuống, hỏi thì ổng nói đang trục cái hồn thằng cả về.
Trước khi lịm nó ông thầy còn bỏ vô miệng một gói gì đó trắng trắng con hông biết, thấy cũng hông dám hỏi gì tại lúc đó cái mặt thằng chả nhìn căn lắm. Lịm rồi ổng cho ngày giờ chôn xong cái dọt đi liền không lấy cắc bạt nào hết, nhìn coi bộ tướng ổng gấp lắm.
Nghe tới đây thì ông Tám cũng đã hiểu được phần nào, ông cầm ly trà lên nhấp môi.
– Chà…coi bộ kiểu này không phải cái chết do tai nạn rồi, ông thầy Miên đây chắc ổng biết rất rõ đó đa.
– Dạ chú, ổng biết hết chơn nhưng mà chuyện còn dài lắm.
– Ừ để bây kể hết đi rồi tao nói.
– Dạ sau đó thì con mướn chiếc xe ba gác chở nó về, thường thì nếu nhà còn cha mẹ mà con cái chết trước phải để cái hòm ngoài sân, không được đặt trong nhà, nhưng mà mùa này là mùa mưa bão, con thấy thương thằng nhỏ quá dí lại tuổi mình cũng đã cao rồi sợ gì nữa nên con đánh liều đặt cái hòm nó trong nhà luôn.
Nghe đoạn này ông Tám chừng mắt chưng hững
– Cái gì! Điên rồi sao bây? Ông bà ta nói có thờ có thiêng, có kiêng có lành, bây già đầu rồi mà sao còn khờ quá dậy?
– Chú Tám ơi chú Tám con cũng có ngờ là mọi chuyện nó không đơn giản vậy đâu. Lúc chuẩn bị lịm nó ông thầy Miên cũng có mặt, thấy ổng làm
cũng cứng nghề nên con nghĩ là hông sao. Ai mà ngờ đâu tối đêm đó chừng 1 giờ sáng, không biết đứa nào để đèn cầy sao mà nó cháy cái hình thờ của thằng nhỏ luôn, lúc cả nhà hây thì đã cháy hơn một nữa rồi.
Con mệt quá ngủ trên võng như chết, nữa đêm nghe tiếng chó sủa làm giật mình, dắt đó chỉ còn con dí chú út này ngồi canh nhang đèn cho nó.
Thấy vậy hai anh em mới pha ấm trà ra ngồi uống cho tỉnh táo, chú út nó vừa đi ra sau bếp thì trên này con nghe tiếng gõ cụp cụp không biết từ đâu, đi vòng vòng nhà kiếm mà không thấy, cái tự nhiên con chó phèn nó từ ngoài sân chạy vô sủa um xùm về hướng cái hòm.
Thấy cái gió này không xong rồi chắc có chuyện nên con mới kêu chú út nó chạy lên. Nó cũng lật đật đi ra, hai anh em đi vòng vòng quanh cái hòm rồi mới phát giác ra tiếng cụp cụp đó từ trong hòm của thằng cả.
Tụi con xanh mặt không biết phải làm sao, rõ ràng nó đã chết xình rồi thì làm sao có chuyện sống lại được.
Con mới đốt nhan vái lia vái lịa, mà càng vái cái tiếng cụp cụp đó càng lớn, rồi cái chuyện này con kể chú Tám nghe giật mình luôn, nắp hòm của thằng cả tự nhiên bung lên một khoản tè hẻ, nước vàng ở đâu trong đó chảy ra xối xả như ai đổ vậy đó.
Cả nhà thức dậy hết ra mà quỳ lạy xin không, làm chừng nữa tiếng đồng hồ nó mới chịu ngưng. Mấy người ở xóm thấy vậy sợ không dám ở bỏ về hết chơn.
Sáng lại người ta đồn ầm ầm không ai dám lại viếng thằng nhỏ luôn, tới giờ chôn con mắc bỏ tiền ra mướn mấy thằng bóc vác ngoài chợ vô khiêng.
Ông Tư Càng rót ly trà uống thấm giọng mới kể tiếp.
– Chôn cất nó xong cứ nghĩ là mọi chuyện đã ổn, ai dè đâu qua ba bữa mở cửa mã nó vừa xong cái đêm đó con mơ thấy nó về đứng ngay đầu giường khóc hông à.
Con hỏi mà nó không nói không rằng gì hết chỉ đưa ba ngón tay lên, làm như vậy cho ba bốn bữa liền con muốn tuột huyết áp luôn.
Ban đầu nhìn không có hiểu, cái nữa tháng sau thằng con thứ ba nó dắt bầy trâu cày nhà ra đồng chăn như thường bữa. Mà không biết trời xui đất khiến kiểu gì, sáng đó trong bụng con hông có muốn cho nó đi, con còn la nó nay trời ui ui chắc lát nữa mưa lớn lắm mầy ở nhà đi. Nó không chịu, nó còn nói trời ui ui mát mẻ chăn cho khoẻ nữa.
Đi được một tiếng đồng hồ sau con đang mần mấy con chuột đồng dưới mé sông thì nghe ở đâu nổ bùm một cái lớn lắm, ban đầu tính đâu là trời rầm không à, nào ngờ đâu tầm mười phút sau thằng con ông Ngọt kế ranh đất chạy xấc bấc san ban qua nhà kêu réo um xùm, con bực mình mới la nó mầy làm gì kêu dữ dị bộ thằng cha mày chết hả?
Nó nói là hổng phải, anh ba con chú bị mìn nổ banh xác rồi kìa.
Chú Tám ơi con nghe xong tá hoả tam tinh, tay chưng bủn rủn hết đi đứng được rồi. Con mới la lên kêu chú út nó chạy xuống đỡ dậy rồi kè ra ruộng.
Ra tới ngoài ngoải ta nói bà con bu đen kịnh, cái x.ác con trâu thì b.anh chành chỉ còn phần đầu dí đóng thịt văng tứ tung trên bờ, mấy con khác bị hoảng hồn chạy tứ tung, con thì b.ể bụng r.uột lòi ra dài dài trên đất, con thì rụn.g hết cái dò trước.
Còn thằng ba chẳng thấy đâu, con la làng lên bà con đi kiếm nó tiếp tui đi, coi coi nó còn sống không.
Mấy ông già đứng lắc đầu nói kiểu này nổ banh xác rồi chứ sống gì nổi nữa. Đi vòng vòng quanh cái đống b.ầy hầy đó một hồi có người lụm được cán.h tay dí cái bàn châ.n của thằng ba, con nhìn thấy rồi xỉu lên xỉu xuống, về nằm liệt giường luôn.
Đám ma của thằng ba nhờ có chú út còn khoẻ nên nó lo được chứ con thì lúc đó chỉ nằm một chổ.
Nghe mấy người ở đó kể là cái vũng này ngày xưa Mỹ nó dọi bơm xuống dữ lắm mà còn nhiều trái chưa nổ, người ta chặt tre cặm xung quanh hết rồi mà không biết kiểu gì nó lại lùa bầy trâu vào ngay chân chổ đó luôn.
Hazz…tội nó lắm Tám ơi chết mà không được toàn thây, cả nhà mắc ra hốt hết đóng bầ.y hầy đó đem vô thêu rồi lấy cốt chôn chứ giờ người với trâu lẫn lộn sao biết đường mà lựa ra.
– Hời…sao mà xui dữ vậy không biết.
– Thì bởi dậy, mà dị còn chưa xong nữa chú Tám, làm mồ mã cho thằng ba vừa xong thì tối đó có hai con bướm bự lắm, nó bay vô đậu lên bàn thờ của bà nhà con. Đêm đó con đang ngủ lại mơ thấy thằng hai dí thằng ba, hai thằng về một lược luôn, tụi nó đứng ngay đầu giường mà khóc đưa hai ngón tay lên.
Lúc này con mới ngờ ngợ ra có khi nào tụi nó muốn nói còn hai mạng nữa.
Tám ơi con sợ xanh mặt giật mình thức dậy tới sáng luôn, bữa đó con chạy đi mua con heo về cúng trong nhà xin, sợ còn thêm người chết nữa.
Qua bữa đó thì không thấy hai thằng về, đâu yên được tầm nữa tháng sau lại có chuyện.
Cái ngày đó con đi đám cúng cơm ở xóm dưới, lúc sáng chuẩn bị đi con gái út nó mới sanh được một tuần, mấy nay nó bị sốt li bì nên ăn uống hông được. Con mới vô buồng nói nó là ráng đi con đợi ba đi đám về xin đồ ngon cho ăn. Nó cũng cười cười dạ dạ nằm nghiên qua cho thằng nhỏ bú, con cũng yên tâm lội đi, tới trưa trưa con về đem theo nguyên bọc đồ ăn dí trái cây luôn, sợ nó cho con bú đói bụng nên gấp đi về coi nó. Ai ngờ đâu tới cửa con kêu út ơi, út à, tía về rồi con ơi.
Nó im re không trả lời gì hết, con tính đâu nó ngủ rồi, mà thằng nhỏ nó đang khóc dậy động. Con mới lật đật chạy vô buồng coi sao, vừa vô tới thấy con út nằm nhắm mắt, con còn nói chà chà nay mệt quá ngủ quên con quên cái luôn hả bây, làm mẹ gì kì cục.
Con ẩm đứa nhỏ lên vỗ vỗ, mà thấy cái mặt con út kì quá, nó tái mét hà, con mới đưa tay lay người nó dậy thì lạnh ngắt rồi, con tá hoả chạy ra sân kêu bà con lại, có bà dì kia đi chợ về ngan mượn bã chạy vô coi sao, bã vô tới vạch mí mắt nó lên thì bã nói nó chết veo rồi.
Con cũng suy sụp tinh thần luôn, nhà con thương nhất đứa gái út, chồng nó thì đi ghe lâu lâu mới về, con cái mới đẻ chửa chưa đầy tháng nữa mà mẹ mất rồi. Nghĩ tội thằng nhỏ rồi thương con gái mình, con như điên như dại luôn.
Nhờ cái được láng giềng cũng thương, mới qua giúp đỡ con lo đám cho sắp nhỏ.
Tội nghiệp thằng cháu ngoại của con, mẹ nó mất rồi có ai cho bú mớm gì đâu, mắc mua sữa bò về quậy đút cho nó uống, tối thiếu hơi mẹ nó khóc la cả đêm không chịu ngủ.
Mà kì lạ cái mỗi lần nó khóc con đốt nhang vái con út là nín liền, giống như có mẹ nó về vỗ vậy đó.
Qua cái đám con út không bao lâu thì tới tía con cũng mất, ổng năm nay tám mấy rồi, già bị lẫn nên hông còn minh mẫn như xưa, bữa đó tía con chống gậy đi ra thăm đồng không biết sao bị té rồi chết dưới vuông luôn hồi nào không hay, tới nhà thấy mất mới chạy đi kiếm khắp nơi ai ngờ đâu ra thấy ổng nằm ở đó.
Chú Tám thấy chưa đầy 2 tháng mà chết 4 mạng trong nhà, đến bữa nay con mới ổn định đầu óc rồi có sức lên đây tìm chú giúp nè.
Nghe hết đầu đuôi câu chuyện, ông Tám cau mày nhăn mặt, giọng nghiêm nghị
– Coi bộ kiểu này tao chắc ăn nhà tụi bây bị yếm khi mới cất rồi. Bây kêu thợ ở đâu dậy?
– Con kêu cái tụi ở Ông Đốc đó, tụi này dân thợ xây cũng chuyên nghiệp mà có cái nó làm chậm chạp quá nên con hay la.
Ông Tám vỗ đùi một cái
– Đúng rồi! Tao biết sao rồi.
– Hả! Chú tám biết gì?
– Tao dám chắc cái nhà của bây bị tụi thợ đó yếm Lỗ Ban rồi.
– Trời đất chú tám nói y chang như ông thầy Miên kia luôn.
– Rồi sao ổng biết mà bây không nhờ ổng gỡ yếm từ sớm đi?
– Chú Tám ơi con có nhờ đi thỉnh ổng về mà ổng không có chịu, ổng nói nhà bị yếm nặng quá ổng gỡ hông nổi, ổng không dám ở nhà con lâu luôn mà.
– Ây chà vụ này coi bộ căn à, tao nghe bây kể thì thấy ông thầy Miên này cũng cứng nghề đó đa mà còn không dám lãnh, điệu này không biết tao có kham nổi hay hông đây, thôi để tao xuống nhà bây coi sao đã rồi tính tiếp chứ ở đây cũng không được cái gì.
– Dạ dạ chú Tám thu sếp đi lẹ lẹ dí con, chứ con oải quá rồi, không biết đến lược ai đây nữa.
– Rồi rồi để đó tao lo, hazz…kì này tới công chuyện tao nữa rồi, mới đi trên Rạch Giá về hai ba bữa nay lại dọt đi nữa, riết rồi tổ ổng hết nhớ mặt tao luôn đó đa.
Vừa đi ông Tám vừa than thở ít tiếng cho bớt căn thẳng, khẩn trương đi vào nhà chuẩn bị ít đồ đạc, lại khấn vái trình tổ nghiệp mấy câu xong ông kéo dưới bàn thờ ra một cái hòm lớn lên nước bóng lưỡng, mở nắp ra toàn là những đồ thất bảo, dụng cụ hành nghề của ông cùng một ít kinh sách gì đó bằng chữ Tàu trông có vẻ cổ lắm rồi.
Khi cảm thấy đã đầy đủ những thứ cần thiết, ông tám đi vô buồng lấy vài bộ đồ xong chốt cửa lại thẳng tiến cùng anh em tư Càng xuôi về Rạch Bà Đặng tác nghiệp.
Hết tập 1
Xin lỗi các bạn vì mấy nay có công việc đột xuất nên ra truyện chậm hơn dự tính ak.
Do viết theo lối miền Tây nên có những từ ngữ địa phương phát âm sai chính tả mong quý vị thông cảm ak. Like và share giúp Đại Việt nhé!