Tiếng khua chèo xé nước, tiếng máy ‘cu le’ cũng tắt hẳn. Chiếc ghe trở ba người từ xóm Lá đã chạm vào bến nước của con Rạch Bà Đặng.
Vùng này trước đây vốn là vùng nước ngọt nhưng do nhà nước khuyến khích chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa nước sang nuôi tôm cua nên bây giờ dân ở đây chủ yếu sống bằng cái nghề làm vuông.
Thấy tía với chú út đã về, mấy đứa cháu cùng con dâu chạy ra đón. Ông Tám Chánh bước lên cái sàn lảng dưới mé sông xém tí bị té tại vì miếng ván nó đã mục, vừa bước lên liền gãy hụp xuống.
Vừa đến nơi mà đã thấy có điềm chẳng lành rồi, trong lòng ông già tám cũng có chút lo lắng.
Cả ba tiến về hướng căn nhà mới của ông tư Càng, lúc này đã độ giữa trưa.
Đưa mắt nhìn dảo xung quanh miếng đất của ông tư rồi nhìn về phía căn nhà, ông tám cau mày trề môi.
– Ra là dậy, chả trách.
Ông tư Càng cùng ông chú út ngơ ngác nhìn nhau rồi hỏi ông tám.
– Sao dậy chú tám?
– Hừm! Dô nhà rồi nói.
Bước vào cửa nhà ông tư đập vào mắt cảnh tượng đầu tiên là bốn cái bàn thờ khói hương đang nghi ngút, ông tám Chánh liền rùng mình như có một cục nước đá chạy dọc theo sóng lưng.
Thấy có gì đó không đúng nên ông tám liền bỏ túi đồ nghề xuống móc ra một cuộn thước lỗ ban.
Ngồi xuống ngay cửa chính ông Chánh bắt đầu đo từ mí cửa bên này sang bên kia, chợt ông trợn tròn mắt tặc lưỡi.
– Chà chà, cái quân thợ nào ác ôn dị.
Hỏi làm sao mà không ra nông nỗi này cho được.
Thấy thái độ của ông già tám, ông tư Càng cũng hoang mang
– Sao dậy chú tám?
– Hâyzzz…tổ bà bọn này, nó làm cái cửa chiều rộng ngay con số tử hỏi làm sao nhà không có người chết.
Nói xong ông Chánh lại lôi trong túi ra một cái la bàn rồi đặt giữa cửa ngắm nghía gì đó.
Xong ông mở một cuốn sách trông có vẻ cũng không thua tuổi của ổng bao nhiêu. Đọc đi đọc lại một hồi ông Chánh bắt đầu phán.
– Cái nhà này mặt tiền quay về hướng Tây Bắc, lẽ ra cửa chính phải mở vô mới khoá được tài lộc, còn mở ra chẳng những không giữ được tiền mà bổn mạng của những người trong nhà cũng suy theo.
Hazz độc thiệt chứ tụi này muốn cả nhà bây chết hết mới vừa lòng mà.
– Chú tám nói đúng rồi đó, từ lúc cất cái nhà lên xong con mần ăn không được, thiếu trước hụt sau, vuông tôm mới nuôi trúng lắm mà bây giờ thả bao nhiêu bầy là rụi hết bấy nhiêu không bắt lại được con nào hết.
Còn cá Bống Tượng nuôi hơn một năm rồi bữa đó gần lên hầm tự nhiên nước trong ao đổi màu đỏ gạch, nguyên ao cá lật bụng chết sạch. Vụ đó con lỗ nếu tính ra cũng mấy trăm giạ lúa.
Chú Tám coi coi giúp dùm con chứ khổ quá rồi tám ơi.
– Nó yếm cơ bản như dậy thì đơn giản thôi, chỉ cần chỉnh sửa lại cái cửa chính là được. Còn tao sợ là nó yếm vô cái nhà hay cục đất thì mệt à nghen.
– Dị tính sao chú tám?
– Đâu tụi bây coi dắt tao đi một vòng nhà xem sao.
Nói rồi cả ba đứng dậy đi xung quanh căn nhà từ trước ra sau, qua mấy cửa buồng và cầu tắm. Nhìn sơ lượt một hồi ông tám Chánh lắc đầu rồi đi lên phòng khách ngồi tính chuyện.
Ông tư Càng lo lắng hỏi
– Sao rồi chú tám?
– Hâyzzz…nó quất hết bốn cái gốc nhà của bây luôn rồi.
– Ý mèn đét ơi! Quân gì ác ôn dậy.
Nhấp miếng trà rồi ông Chánh nói tiếp.
– Cái loại này rất khó gỡ, nếu người gỡ thấp tay hơn người yếm thì kể như bị quật chết tươi.
– Mà mà sao nó lại yếm cái bùa độc đến như dậy hả chú tám, con cũng lo cơm nước nhậu nhẹt rồi tiền bạc cũng sòng phẳng mà.
– Bản chất cái nghề nó là dậy đó.
– Chú tám nói sao con chưa hiểu lắm.
– Thì đây nè, nếu kể ra thì phải nhắc lại nguồn gốc của nó, cái bùa lỗ ban này là do một ông thợ mộc ở bên Tàu tên là Ban, thời ở nước Lỗ có chinh chiến, nghe đâu ông ta chỉ đục một cái tượng gỗ rồi xoay cánh tay phải của bức tượng đó chỉ thẳng về phía quân giặc. Thời nước của chúng liền bị tai ương dồn dập, nào là mưa bão triền miên, dịch bệnh hoành hành đến nổi vua nước kia phải ra lệnh thu quân về và cho sứ giả sang cầu xin vị thợ mộc này nương tay mà thâu lại loại bùa độc này.
Kể từ đó danh tiếng vị này vang xa khắp nơi trong thiên hạ, người ta tôn sùng ông là thủy tổ của nghề thợ mộc hay là tổ sư của bùa Lỗ Ban.
Do đó trong giới thợ mộc và thợ xây thường lưu truyền loại bùa này, bản chất nó không tốt cũng không xấu, chỉ tùy cái tâm và mục đích của người sử dụng nó thôi.
Dùng mục đích tốt thì phú quý giàu sang ăn ba đời chẳng hết, người nhà khoẻ mạnh bình an. Còn dùng mục đích xấu thì trước mắt bây thấy rồi đó.
– Trời! mà tại sao họ phải yếm như vậy hả chú tám?
– Bởi vì nếu thờ tổ thì cứ xây mười cái nhà là phải yếm một cái, tổ mới linh.
Nên nhà nào mà đối đãi với thợ không được tốt thì tụi nó bằng mọi cách sẽ yếm cho tàng gia bại sản.
– Ủa nếu nói dậy lỡ như trong mười cái nhà đó đều đối xử tốt thì sao chú tám?
– Hời dễ ợt thôi, nó chỉ cần cất tạm một cái chòi lá rồi yếm vô đó, xong đốt cái chòi đi là được rồi.
– Vậy bây giờ chú có cách nào hoá giải được hông? Con thì bao nhiêu tiền cũng được hết, chỉ vái cho nhà cửa được an ổn trở lại chứ mất mát quá nhiều rồi tám ơi.
– Tao hiểu hết mà, để đó từ từ tao tìm cách.
– À sao chú hông phải thợ mộc mà biết rành về bùa lỗ ban quá dậy chú tám?
Ông tám Chánh mĩm cười, đưa tay vuốt hàm râu có vẻ tự tại
– Không giấu gì tụi bây, tao đây cũng là một thầy bùa Lỗ Ban.
– Hả!
Thấy ánh mắt nghi ngờ của ông tư Càng và ông chú út, ông tám liền lên tiếng.
– Tụi nây yên trí đi tao trước giờ chỉ có cứu người, không hề hại một ai cả.
Vốn Lỗ Ban có hai phái chính và 36 vị Tổ, tại vì nó lưu truyền trong nhân gian qua thời gian quá lâu rồi.
Mỗi một giáo phái với mục đích sử dụng khác nhau nên đã biến tấu loại bùa này, do đó đến bây giờ trong giới lỗ ban phân chia thành 36 nhánh và 36 tổ.
– Nhiều dị sao, đó giờ con cứ tưởng bùa lỗ ban nó đơn giản là yếm đối thôi chứ đâu biết nó phức tạp đến dậy.
Ông tám Chánh gật đầu, đưa tay móc trong túi ra một điếu thuốc Rê quấn sẵn châm lên hút rồi nói tiếp.
– Loại bùa này công năng rất là vi diệu, nó vừa có thể trị bá bệnh, cầm máu cứu người, vừa cầu tài lộc, vừa diệt trừ ma quỷ, khiến sai được âm binh, nhờ được thánh thần ủng hộ.
Bên yếm đối có thể giết sạch cả một làng hoặc hơn thế nữa, tàng gia bại sản, chết không toàn thây đó chứ đùa.
– Nghe tám nói mà con nổi hết da gà.
Mà hồi đó sao chú tám học cái loại bùa này dậy?
– Hâyzz là bất đắc dĩ thôi, kể cũng là do có cái duyên với nó nên gặp được thầy truyền dạy. Hồi đó sau ‘Tiếp Thu’ năm 75 tao đi lên miệt Nhà Bàng Tịnh Biên bán chổi rồi bị kéo vô cái vụ yếm đối như nhà tụi bây vậy nè nhưng nhà ông chủ buôn kia đi ghe lúa, bị bọn đóng ghe nó yếm vô chiếc ghe.
May sao gặp được ông già hiệp ẩn trên Thất Sơn xuống cứu rồi tao theo ổng về núi luôn.
Hâyzzz nhắc cái nhớ tới ổng, tao xuất sơn hơn 30 chục năm nay rồi chắc giờ nếu ổng còn sống cũng chín mấy đó đa.
– Sao chú tám không về thăm lại người xưa.
Ông tám lắc đầu
– Cái nguyên tắc của giáo phái là vậy, cả đời chỉ truyền lại cho duy nhất một người hữu duyên mà thôi và người đó kể như sống độc thân luôn, không vợ không con thì phép mới linh. Sau khi xuất sơn không được phép trở về gặp mặt sư phụ nữa và cũng không được nhắc tới tên tuổi người đó.
– Ờm ra là dậy, tính ra chú tám hành đạo cũng hơn ba mươi năm rồi còn gì.
– Bây giờ tuổi cao nên tao xin tổ cho ở yên một nơi để làm phước, ai cần thì tới. Chứ hồi mới xuất sơn tao phải lặn lội khắp Nam kì lục tỉnh mà hành đạo đó chớ.
– Nếu nói dậy chú tám đây cứu giúp không biết bao nhiêu gia đình rồi hen.
– Ôi tao cũng không có nhớ, mày nghĩ đi cứ vài ba bữa là có người kêu giúp, nếu tính đếm ra không biết kể bao lâu cho hết à.
– Xưa giờ có vụ nào khiến chú tám điêu đứng hông?
– Thiếu cha gì bây ơi, trừ ma diệt quỷ thì bình thường, có vụ gỡ yếm thì hơi cực nhất là gỡ ba cái bùa lỗ ban này nè, còn bùa khác tao chấp hết.
Nghe tới đây ông tư Càng kéo ghế lại sát bàn rồi hỏi nhỏ.
– Chú tám con không hiểu chổ này, mình dùng bùa lỗ ban để gỡ lỗ ban được luôn hả tám?
– Ừa, nếu không phải dùng nó thì chỉ có cao tăng đắc đạo hoạ may mới giải được.
– Độc đến dậy sao.
– Trong phái Lỗ Ban được chia làm hai giáo phái chính gồm Thần Ban và Sát Ban. Bên Thần Ban là bên cứu người còn Sát Ban là chuyên dùng để hại người đó.
Bên nào cũng nhờ sự trợ lực từ phía vô hình nhưng tùy vào đạo hạnh mà có thể nhờ vả được cấp độ nào thôi.
– Nếu như mình giải thì giải bằng cách nào tám?
Ông già tám khoanh tay lại ngồi tựa vào ghế
– Trên nguyên tắc là phá bỏ vật chủ bị yếm, thường thì trước khi yếm một căn nhà nào đó tụi thợ sẽ dùng một vật chủ bằng hình nhân hoặc là một cái hủ đựng tro cốt hay thường là một lá bùa nhét vào ống gạch, cũng có thể là nó vẽ bùa yếm trực tiếp lên cục gạch xây luôn.
– Dậy làm sao để biết tụi nó yếm bằng cách nào đây chú tám?
– Cái đó chuyên môn của tao, có nói bây cũng không hiểu. Giờ đi chuẩn bị mấy thứ tao cần để tối nay sẽ thi phép gỡ bùa.
– Phải ban đêm mới làm được hả chú?
– Ừm, ban đêm tụi nó lộ rõ dễ hành động hơn.
Nói rồi ông tám bắt đầu hướng dẫn ông tư Càng và ông chú út chuẩn bị các thứ.
– Giờ bây kiếm cho tao con gà trống tơ, phải là trống tơ nghen, kiếm loại gà Ô càng tốt. Rồi đi mua 9 cây đèn cầy, ít muối hột, tro bếp, 2 chục hột gà so, miếng ván hòm, chai rượu đế, nhang đèn và coi trong nhà mấy người thì mua nhiêu bộ đồ thế.
Ông tư Càng ngồi nhẩm nhẩm nhớ lại những thứ ông tám đã dặn
– Ờm gà ô, muối, rượu ờ ờ…..Ui thôi, tụi bây đâu có đứa nào ra cho tía sai việc coi.
Nhỏ con dâu lớn vợ thằng cả lật đật chạy ra
– Dạ có con tía.
– Ờm mà bây lấy tờ giấy với cây viết cho tía. À rồi kêu thằng Cu chạy qua nhà cha Bảy Đắc hỏi thằng chả coi nhà còn nuôi gà trống đá hông tí tía qua kiếm ổng.
– Dạ dạ…
Xong việc ông tư Càng dắt ông già tám đi vòng vòng thăm vườn rồi ra coi vuông.
Cha này cũng thuộc dạng có của ăn của để, đất đai thì trù phú, vừa đi ổng vừa khoe với ông tám.
– Chú tám coi đó con không phải khoe khoan, ta nói đất đai bạt ngàn mà giờ nhà có hai thằng con trai thì chết hết hai đứa, giờ vườn tược vuông bọng đồ con bỏ phế luôn chứ tuổi cũng cao rồi làm sao xể.
Ông tư chỉ tay vô mấy cái đầm lớn trước mặt rồi nói
– Đó đó chú nhìn kìa, ba cái hầm cá Bống Tượng sắp thu hoạch rồi mà nó quất chỉ một đêm thôi lật bụng hết luôn, kể như mất trắng.
– Chà coi bộ đợt này đuối dữ á bây.
– Chú tám con hỏi vụ này, khi mà gỡ bùa đồ xong con mần ăn có đở hơn hông?
– Ông bà ta nói có đức mặc sức mà ăn, nhà bây gặp chuyện như hôm nay là do nhân quả đời trước, ráng sống tử tế thì ông bà cũng vui vẻ mà hộ độ, Phật trời còn thương, lúc đó làm việc gì cũng sẽ thuận lợi hơn.
Bây giờ bây muốn biết tại sao cái ao cá lại chuyển màu nước đỏ gạch vậy không?
– Sao chú?
– Bây đi theo tao.
Nói rồi ông già tám tiến thẳng lại cái gốc ao, dùng một nhánh cây dài chọt chọt xuống một chổ nước. Tức thì bọt ở dưới đáy ao cuồn cuộn lên, sình đen cũng trồi lên theo, một lúc sau từ dưới đáy nổi lên một cái xác con dơi to như con chuột cống đang phân hủy bốc mùi kinh khủng.
Ông tư Càng nhìn thấy thì nhăn mặt
– Ý mèn đét ơi gì thấy gớm vậy, hông lẽ là do con dơi này sao chú tám?
– Ừ nó đó.
– Thiệt sao chú, mà con thấy chỉ là cái xác chết thôi đâu đến nổi nào mà sao nước trong cả cái ao đều bị ô nhiễm vậy được.
Ông tám quăng cái cây qua một bên phủi phủi tay rồi nói.
– Vấn đề ở đây con dơi này không phải dơi bình thường, nó là thuộc loại độc thú mang theo mầm bệnh trên người nên khi đến đâu thì rây hoạ bệnh dịch tới đó. Thường thì loại này chỉ sống ở các đảo hoang không có người ở, ban đêm chúng lặn xuống biển bắt cá tạp ăn hoặc chỉ ăn trái độc.
– Dậy sao nó tới được đây vậy chú tám?
– Loại này mấy cha luyện bùa mê lắm, tại vì dùng nó để hại người thì chỉ có trời mới biết.Tao nghĩ chính cái bùa độc này đã gọi nó đến.
Đi một vòng vườn rồi tư Càng dắt ông già tám thẳng qua nhà ông Bảy Đắc kế bên ranh đất để hỏi vụ mua gà.
Nhà ông này hơi sụp sệ dưới hàng cau nhưng bầy chiến kê của ổng thì hơi xịn, trên dưới cũng hơn 2 chục đầu gà, Chuối, Bông, Điều, Ó, Ô, Nhạn có đủ.
Thấy bóng hai người đang đi tới, ông bảy lụi hụi cất con gà vô bội rồi đứng lên tiếp khách.
– Anh tư qua chơi đó hả, chà nay dẫn khách tới coi gà phải hông?
– Ờm hông phải, tính dắt qua coi coi mầy có con gà trống tơ nào dỏm dỏm hông để lại cho anh một con làm công chuyện.
– Ôi gà thì thiếu mẹ gì, vô nhà uống nước chơi rồi tính.
Ông tám cũng là dân chơi gà nên gặp đồng đạo ở đây thì hớn hở.
– Chú em này cũng là dân đạo gà đó hả, chà chà coi bộ dàn chiến kê này cũng ngon à nghen.
– Hề hề hông giấu gì chú chứ mấy con này toàn gà nghề không đó, đá không thua gà Cao Lãnh đâu.
– Nhà tui cũng có trên chục đầu gà, tui nuôi cho bọn ở chợ lâu lâu vô bắt đá độ.
– Chèn ơi chú cũng là dân đạo gà nữa hen, vậy thì ra đây coi chơi chú ơi.
– Ờm chú em lấy con gà Nhạn đó lại tui xem được hông?
– Dạ được chứ, chà gặp anh hùng hào kiệt tới tận nhà thì quý quá.
Nói rồi ông bảy Đắc dỡ cái bội úp con Nhạn lên rồi đưa tay bợ lườn nó ra. Ông tám cầm lấy một cách nhẹ nhàng vuốt vuốt lưng con gà cho nó quen hơi người lạ, xong lại nâng nó lên cao để dòm cặp cáng.
– Chà con này tốt mã dữ đó đa, chân vuông lại thêm vảy khô như gà chết, lại có cặp cựa Hổ Chảo đúng là gà nghề chính hiệu.
Nghe ông già tám khen, ông bảy cười đắc ý
– Hề hề chèn ơi đúng là dân trong nghề nhìn cái biết liền. Con này ăn ba độ rồi đó chú, giờ con dưỡng dưỡng để đổ mái. Mới đổ được bầy 8 con, xuống ổ cũng được ba ngày rồi.
– Thường thì gà ăn ba độ người ta sẽ cho về vườn, tại vì kinh kê có nói gà đá ăn 3 độ nếu tiếp tục tới độ thứ tư chắc chắn sẽ bị phản.
Dù nó có còn phong độ đến mức nào cũng vậy, các cụ ngày xưa kinh nghiệm hơn mình nhiều.
– Chú nói phải, con học theo kinh kê rồi làm y chang vậy không dám cãi nữa câu.
Nhờ vậy mà nay danh gà nòi Bà Đặng cũng vang khắp xứ này đó chứ.
Hai ông chơi gà ngồi đàm đạo cả buổi trời quên luôn việc chính, tội cho ông tư Càng đứng chống đầu gối không hiểu hai cha nội này nói gì hết.
Một hồi chịu hết nổi nên ổng mới lên tiếng nhắc khéo.
– À mầy có con gà Ô nào tơ tơ không để lại cho tao đi.
– Mèn ơi nói chuyện nãy giờ quên, anh tư dí chú ngồi chơi để em ra chuồng bắt cho.
Nói rồi ông bảy chạy ra sau hè, vài phút sau nghe tiếng gà kêu éc éc, ổng xách ngược hai chân con gà ô lên lụi hụi đi vào.
– Con này chừng ký tám đó anh tư, hôm qua nó bị con chó chụp nên bại hết cái dò.
– Ừ bây coi nhiêu tiền tính anh luôn đi.
Ông bảy đứng tướng khum khum không được tự nhiên, thấy vậy ông tám Chánh mới hỏi.
– Chú bảy đây bị sao mà cái vai xệ hết một bên dậy?
– Hề hề hôm qua con leo chặt mấy nhánh xoài, xui trượt chân té mà còn hên chụp kịp cái nhánh cây, cái nó bị trẹo tới giờ luôn dỡ không lên, hông biết có bị gãy gì hông nữa.
– Đâu đâu để tui coi.
Nói rồi ông tám Chánh cầm lấy cánh tay của ông bảy dơ lên coi, bóp bóp mấy cái kiểm tra xong ông tám mĩm cười.
– Này chỉ bong gân thôi chứ không đến nỗi nào, nhà chú có rượu hông đem ra đây cho tui.
Ông bảy không hiểu chuyện gì nhưng nghe ông tám nói cũng đi vô lấy chai rượu ra.
Ông già tám cầm lấy ngậm một họng rồi cầm tay ông bảy lên phun một hơi từ bả vai dài xuống tới cù trỏ.
Tức thì cánh tay ông bảy tự nhiên bị kéo thẳng ra như có một ai đó cầm giật dậy. Ông bảy hét lên ui la thật lớn, một tiếng cụp gắt lên rồi cánh tay như được thả lỏng.
Lúc này ổng mới có thể cử động lại được, ngồi xịu xuống thở hổn hển.
Ông tám phủi tay rồi cười hỏi
– Sao? Có ướt quần chưa bây? Kakaka….
– Mèn ơi cái gì đau quá trời quá đất.
Ý mà ngộ nghen hình như nó hết trẹo rồi.
– Đâu chú coi cựa quậy thử còn đau hông?
Ông bảy đứng lên quơ quơ cánh tay không còn thấy đau nữa.
– Ông nội ơi sao hết đau rồi, chú tám vừa làm gì mà hây dị?
– Thì chữa cái tay cho chú đó.
Ông bảy hoang mang vẫn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra, ông tư Càng cười cười nói.
– Thôi bây tính tiền con gà cho anh đi.
– Ủa mà anh tư mua gà nhậu hay gì?
– Nhậu nhẹt gì tầm này bây, không giấu gì mầy chú này là thầy bùa đó, tao mới thỉnh ổng từ miệt xóm Lá về đây gỡ yếm cho nhà tao.
– Trời đất! hoá ra đây là thầy bùa hả, chèn ơi hồi nãy tới giờ con hông biết.
Hèn gì chữa trẹo hay quá xá, con đội ơn chú nhiều lắm nghen.
Nghe vậy ông tám Chánh đứng lên cười cười nói
– Thầy bà gì bây ui, tao cũng mê gà như điếu đổ. Mà mê gà thui nghen chứ đàn bà tao hổng dám rớ à kakaka…
Ba người đứng cười vui vẻ, xong ông bảy lên tiếng
– Thôi thôi dậy anh tư đem con gà này về đi, em không có lấy tiền đâu, sau này có nhậu nhẹt gì hú em tiếng là được rồi.
– Chà thằng này được bây, dị anh cảm ơn mầy nghen.
– Có gì đâu anh, anh em láng giềng với nhau, nhà anh gặp nạn em giúp được gì thì giúp.
Nói rồi hai người từ giã ông bảy ra về.
Thời gian thoáng cái đã tối, làm nhanh mâm cơm nhà ông tư Càng chuẩn bị, dân ở ruộng mà qua vùng vuông được đổi món ăn toàn hải sản, nào là tôm cua luộc rồi khô cá phi, ba khía muối lại thêm dĩa mắm tép chua trộn gỏi đu đủ ngay bài ông tám luôn nên ông đánh một hơi ba bốn chén.
Làm vài ly lai rai cho ấm người xong đợi đến 9 giờ tối thì bắt đầu làm phép.
Ông tám Chánh căn dặn người trong nhà tối nay phải dọn ra ngoài sân hết không được ở lại bên trong.
Để cái mâm giữa phòng khách bên trên đó có đặt đủ những đồ vật ông tám dặn chuẩn bị.
Con gà trống tơ được ông già tám cắt cổ lấy máu pha với mực để vẽ bùa.
Giờ đã đến, ông ra hiệu tắt hết đèn trong nhà, tư Càng và ông chú út cũng đứng đó quan sát.
Cái nhà lạnh lẽo một cách lạ thường, chính ngọn đèn cầy được thắp lên thành một vòng hình lục giác có ba cây ở giữa sắp theo hình tam giác.
Ông tám đưa tay hốt một nắm tro bếp đưa lên trán chấp lại đọc gì đó rồi vụt thẳng về phía chính ngọn đèn, tức thì một luồng lửa phực lên sáng rực trong nhà khiến ông tư càng và ông chú giật cả mình.
Ông già tám cầm lấy chai rượu tuôn một hơi đầy họng rồi phun thẳng ra tay chà chà, sau đó cầm lấy chiếc lông đuôi con gà ô thấm vào lọ mực đã pha rồi đặt lên giấy vàng bắt đầu vẽ bùa.
Cái nét đặc trưng của lỗ ban không lẫn vào đâu được, những chữ phù ngoằn ngoèo uốn lượn rất khó vẽ, thuyết nghĩ nếu muốn học chắc cũng phải luyện cả ngày trời.
Ông tám rất nhanh đã hoạ xong bốn lá phù lớn, ông cầm phù từ từ tiến về phía góc nhà bên phải rồi đưa cho ông tư Càng và nói.
– Bây đo từ dưới nền lên 2 thước rồi dán lá bùa này ngay đó cho tao.
Ông tư nuốt nước miếng, tay cầm lá bùa run rẩy đi về phía ông già tám chỉ, cảm giác lúc này như có một ai đó đang đứng ở góc tường nhìn trầm trầm về phía ba người với ánh mắt rất căm phẫn.
Ông tư Càng đo từ nền nhà lên chừng 2 thước rồi dùng tay ấn mạnh vào tường. Tức thì lá bùa như có một lực hút dính chặt vào vách tường, những chữ bùa trên lá phù trong màn đêm rực đỏ lên một màu sáng chói lúc toả lúc mờ, vài giây sau thì lá phù bị cháy xém đi, khi đó một tiếng la thất thanh không biết từ đâu vang lên nghe vô cùng man rợ.
Sau khi lá phù cháy hết thì tiếng la hét ấy cũng tắt hẳn, ông già tám dùng miếng ván hòm đã chuẩn bị tiến về chổ đó gõ vào tường ba cái.
“Cọc cọc cọc…”
Kì lạ thay tường chổ ấy liền bung ra để lộ một cái hốc nhỏ tầm bằng viên gạch ống. Ông tám đưa tay vào mò mò một hồi thì lôi ra được một vật gì đó, đem lại về phía 9 ngọn cầy đang cháy, ánh sánh loé lên hiện rõ ra là một cái hình nhân được khắc bằng gỗ, trên gương mặt hiện rõ vẻ gian ác cùng hai cây nanh nhọn hoắt.
Ông tư Càng và ông chú út thấy cảnh này nổi hết da gà, đưa mắt nhìn ông tám mà không dám nói lời nào hết.
Ông tám Chánh nhìn cái hình nhân chỉ biết lắc đầu.
– Hâyzzz…thiệt tình sao mà ác độc quá, điệu này là nó yểm cả Ngũ quỷ vào nhà luôn rầu.
Để bắt trọn bầy rồi tao tính luôn một thể.
Sau đó ông già tám bỏ cái hình nhân vào một chiếc túi đỏ rồi tiếp tục tiến về phía góc tường bên trái nhà.
Đến nơi ông tám cũng đưa cho tư Càng một lá phù và dặn làm y như hồi nãy. Lần này có vẻ như ông tư đã cứng tay hơn, ông ấy tiến về phía góc tường một cách tự tin, đưa tay cầm lá phù đập mạnh vào tường.
Mọi chuyện vẫn diễn ra tương tự, vẫn là một cái hình nhân mặt quỷ được lấy ra.
Khi đã giải quyết xong bốn cái góc nhà, ông tám đứng ngây người ra đưa tay vuốt vuốt chòm râu nghĩ ngợi gì đó.
Thấy vậy ông tư Càng liền hỏi.
– Còn một cái nữa ở đâu chú tám?
– Tao cũng đang phân vân đây, lẽ nào là giữa nền nhà.
Nói rồi cả ba người từ từ đưa mắt nhìn xuống dưới chân, ông chú út lắc đầu.
– Nếu như dị thì cực à nghen, cái nền nhà làm kiên cố lắm sao lấy nó nên được.
Ông tám đang đứng suy nghĩ thì bỗng như có một bàn tay vô hình đấm vào lưng ông khiến ổng ngã về phía trước cũng may là ông chú út đỡ lại kịp.
Lúc này từ phía dưới nền nhà, hàng chục cánh tay đưa lên ngoe nguẩy chụp lấy chân ba người khiến họ không thể nào bỏ chạy được.
Thấy mọi việc không đơn giản rồi, ông tám lẹ tay móc trong túi ra một nắm bột trắng rồi rải xuống xung quanh nền nhà.
Khi những hạt bột rơi xuống chạm vào mấy cánh tay, tức thì chúng buông ra run rẩy như bị bỏng rồi rụt trở lại xuống nền nhà.
Ông tám thấy liền nhận ra ngay
– Thì ra là dậy, nó dám yểm nguyên hủ cốt dưới cái nền này.
Ông tư Càng và ông chú út một phen hú vía, mặt mài xanh chành thở hổn hển hỏi ông tám.
– Dậy giờ phải làm sao đây chú?
– Được bọn mày dám tấn công cả tao thì đừng trách.
Nói rồi ông tám chạy lại chổ lọ mực pha ban nãy lấy đổ hết ra hai bàn tay, xong ông chạy ra giữa nền nhà mà dùng tay vẽ những chữ phù trực tiếp lên nền gạch. Vẽ tới đâu tiếng gầm rú vang lên tới đó, cảm giác như dưới nền nhà đang có cả một động quỷ muốn trào lên một lượt.
Ông tám vẻ xong thì đứng lên, đưa tay vẻ vào trong không khí như để đồ lại những chữ phù dưới nền gạch.
Xong ông dậm mạnh chân một cái rồi hét lớn.
– “Còn không mau chịu chết!”
Vừa dứt lời tức thì những chữ phù dưới nền bốc cháy tạo thành những đường lửa chạy dọc theo mấy nét vẽ.
Tiếng la hét thất thanh cũng vang lên, từ chổ những chữ phù máu đỏ trào ra sôi sùng sục một cách lạ kì, cảnh tượng thật là hãi hùng.
Ông già tám kêu ông tư cùng chú út dùng trứng gà so đã chuẩn bị quăng thẳng vào đóng lửa, kì lạ thay càng quăng vào thì lửa càng bùng lên.
Một lúc sau bất ngờ nền nhà phát nổ một tiếng thật lớn, gạch đá văng ra tung toé.
Ba ông già từ từ đi lại coi thì thấy có một cái hộc nhỏ hiện ra, bên trong là một cái hủ đen.
Ông tám liền cầm tay ông tư Càng lên miệng lầm bầm gì đó rồi thổi mạnh vô tay ổng một cái.
– Bây đi lại dùng cái tay này bốc hủ cốt đó lên cho tao, nhớ là chỉ dùng cái tay này thôi nghe.
Ông tư Càng đang rất sợ nhưng cũng lật đật làm theo, ổng tiến lại chổ hủ cốt đưa tay nhấc nó lên rồi đem lại đưa cho ông tám.
Ông tám cầm lấy đầu gật gù có vẻ hài lòng lắm.
– Tính đâu cũng dữ lắm mà ai dè chỉ có dị thôi sao, lần này tao cho tụi bây một bài học nhớ đời.
Nói rồi ông già tám kêu ông chú út đổ muối hột ra một cái chảo lớn và đốt cái lò củi đặt chảo muối lên.
Ngọn lửa bùng lên tiếng củi khô kêu tí tách, vài giây sau cái chảo nóng lên khiến muối trong nồi bắt đầu nổ bộp bộp.
Thấy chảo đã vừa đủ nóng, ông tám móc trong túi ra bốn cái hình nhân lúc nãy rồi quăng thẳng vào chảo muối lấy giá lấp lại.
Một lát sau khói đen bốc lên cuồn cuộn, cái chảo run lên, tiếng khóc ai oán vang dội khắp nhà.
Ông tư Càng cúi đầu nhìn kĩ thì thấy bốn cái hình nhân lúc này giống như đang cố trồi ra khỏi chảo muối nhưng không được, càng trồi lên nó càng bị lúng xuống và rồi biến mất.Từ chổ ấy bốn ngọn lửa màu xanh lam ma mị vụt lên chừng vài ba giây thì tắt hẳn.
Giải quyết xong bốn cái hình nhân, ông già tám đưa tay mở nắp hủ cốt rồi đổ vào chảo muối, tức thì một ngọn lửa bùn lên cao hơn đầu người rồi cũng biến mất nhanh chóng.
Ông tám phủi phủi tay rồi nói
– Xong rồi đó tụi bây coi đem hất cái chảo muối này xuống sông để xả xui rồi đốt mấy bộ đồ thế hồi nãy lên là xong, nhớ đốt luôn miếng ván hòm nghen bây.
Rồi nhớ chỉnh lại cái cửa theo lời tao là ổn.
Ông tư Càng vui mừng không xiết, vội vã chạy xuống sông hất luôn cái chảo muối. Xong ổng lật đật chạy lên vừa thở vừa nói.
– Trời phật ơi con cảm ơn chú tám nhiều dữ lắm nghen, cái ơn này con không biết phải trả làm sao cho hết nữa, phải con kiếm chú sớm hơn thì mọi chuyện đâu đến nỗi nào.
Ông tư Càng kéo tay áo vụi nước mắt, ông tám thấy vậy lại vỗ vỗ vai an ủi.
– Thôi! Dù sao chuyện cũng đã rồi, bây có hối tiếc cũng không có được cái gì. Nhớ là mọi chuyện đều do nhân quả mà ra, phần đời còn lại bây ráng sống cho tử tế đàng hoàng thì mới mong yên ổn được.
– Dạ con hiểu rồi, con xin chú tám nhận của con lạy này.
Nói rồi ông tư định quỳ hụp xuống nhưng ông tám đã kịp cản lại.
– Bây khùng quá, tao có chết đâu mà lạy, muốn lạy thì lạy trời lạy phật kìa, cũng may bây còn chút phước đức nên mới gặp được tao đó, nếu không cái nhà này nay mai còn chết nữa chứ chưa xong đâu.
Nghe tới đây ông chú út nhớ lại gì đó liền hỏi ông tám.
– Chú tám, nãy chú nói phen này tao cho tụi bây biết đời gì đó, nghĩa là sao?
– À! Hâyzzz…..ý của tao là cái bọn thợ yếm nhà tụi bây đó, nay mai bây ngóng nghe tung tích tụi nó nghen.
Như vậy là đã giải quyết xong dụ yếm đối của nhà ông tư Càng, ông già tám nán lại một đêm, sáng hôm sau thì ông tư và ông út lấy ghe đưa ổng về xóm Lá.
Vài ngày sau có người chạy lại nhà báo là mấy thằng thợ xây nhà ông tư Càng hồi đó hôm qua đang ngồi nhậu trong mâm tự nhiên 4 thằng bị trúng gió độc, miệng trào đờm ngã ngang chết sạch.
Ông tư nghe xong thì giật bắn người, ngồi tựa lưng vào ghế mà thở dài.
– Hazz…đâu cũng là quả báo. A Di Đà Phật.
Hết chơn!