Lưu Manh Bắt Ma
Chap 1:
___________
Sâu trong một vùng quê nào đó tại tỉnh Hậu Giang,nơi đây xung quanh chỉ toàn là cây trái cùng những con kênh nhỏ trải dài khắp nơi. Vài chú chim đang líu lo hớn hở khoe đôi cánh dưới ánh mai đầu ngày sau một đêm dài say giấc,chẳng tiếng còi xe cũng chẳng bóng người qua lại,nơi đây cứ như một bức tranh đồng quê an yên ảm đạm,khắp xung quanh hơn 10 cây số chỉ có vỏn vẹn có vài ba căn nhà tranh đơn sơ mộc mạc.
-Thằng Khanh chẳng phải hôm nay bây lên thành phố sao? Gần 8 giờ sáng rồi vẫn còn nằm dài ra đó à,nhất cái mông bây dậy ngay cho tao coi!!
Giọng một ông lão độ hơn 60 đang quát ầm lên trong căn nhà tranh nằm đơn côi giữa vườn cây bạt ngàn.
-Dậy đây…Dậy đây…Thật tình! Con đi chứ thầy có đi đâu mà thầy nôn dữ vậy?
Cậu thanh niên tên Khanh nằm trên giường lồm cồm ngồi dậy đáp với giọng còn mê ngủ. Ông lão thấy vậy thì lớn tiếng mắng:
– Đuổi được cái thằng ăn bám như mày đi thì sao lại không nôn? Nhanh dậy chuẩn bị đồ đạc đi,để lỡ chuyến xe đấy!
Khanh nghe thầy mình quát thì chậm rãi bước xuống giường,ngáp một hơi dài rồi thì thầm trong miệng
-Hmm…Ông già này đúng là cái miệng lớn hơn cái tuổi mà…
[Cốp!!!]
Nhanh như cắt ông Hai lao tới đánh mạnh vào đầu Khanh một cú đau nhối,khiến cậu thanh niên tỉnh hẳn khỏi cơn say ngủ,giọng ông lại chửi ầm lên:
-Tưởng tao không nghe hả mạy!! Lèm bèm nữa tao đánh chết cha mày luôn!
Khanh tay ôm đầu nhăn mặt vì đau đáp:
-Con có nói cái gì đâu!…Ui da…Lần nào cũng mạnh tay vậy thầy không sợ con chết à?
Ông Hai:
-Mày chết được thì tao đãi tiệc ăn mừng! Còn không đi nhanh lên,đứng đó nữa chày đâm tiêu vô đầu mày bây giờ!!
Sẽ thật buồn chán nếu như nơi đây không có tiếng chửi của ông Hai Nguyên văng vẳng lên mỗi ngày,thoạt nhìn ông Hai và Khanh cứ như là kẻ thù, nhưng thực chất thì ngược lại hoàn toàn. Ông Hai Nguyên vốn dĩ năm xưa là một tay giang hồ khét tiếng ở đất Sài Thành,nên bản tính của ông là ăn ngay nói lớn,lại là con nhà võ vậy nên cũng hay động tay động chân.
Mười mấy năm trước chẳng biết vì biến cố gì mà ông Hai quyết định rút chân ra khỏi chốn giang hồ rồi về cái xứ miệt thứ này ở ẩn. Một thời gian sau khi ông ra chợ tỉnh thì bắt gặp được Khanh,lúc đó Khanh chỉ mới vừa 7 tuổi,là một cậu nhóc mồ côi không nhà không cửa,sống tạm bợ gần ven mấy khu chợ nhỏ. Năm xưa ông Hai vốn dĩ cũng là trẻ mồ côi,nên thành ra khi thấy Khanh ông có chút đồng cảm và tội nghiệp nên đã cưu mang dưỡng dục cậu.
Cá nhân của Khanh cũng chẳng biết gì nhiều về bản thân mình,ký ức về gia đình còn sót lại trong đầu cậu bấy giờ vô cùng mơ hồ,cậu chỉ nhớ rằng năm xưa mình cũng từng sống cùng ba mẹ ở đất Sài Gòn,nhưng bỗng sau một đêm ngủ dậy thì đã trở thành đứa trẻ vô gia cư,bị mang đi bỏ rơi ở tận đất Hậu Giang xa xôi.
Thấp thoáng từ đó đến nay đã 15 năm ròng rã,Khanh được ông Hai Nguyên dạy cho mọi thứ và xem cậu như con ruột. Nhưng càng lớn thì Khanh lại càng tò mò về chuyện của bản thân,cậu luôn muốn một lần được được tìm hiểu về quá khứ của chính mình.
Biết Khanh như vậy nên ông Hai đã quyết định để cậu dọn lên Sài Gòn sinh sống,một mặt để cậu có thể học hỏi được nhiều thứ ở thế giới ngoài kia hơn,mặt khác cũng mong rằng ngày nào đó Khanh sẽ tìm ra được manh mối về gia đình của mình.
-Khanh à! Xong chưa ra đây thầy nói cái này.
Lúc này ông Hai Nguyên đang ngồi trên chiếc bàn cạnh hông nhà,nét mặt hiện lên chút lo lắng cất tiếng gọi Khanh. Bước ra từ nhà sau với bộ đồ vừa thay Khanh đáp:
-Sao đó thầy? Nhớ con nên không nỡ để con đi à?
Ông Hai đưa mắt nhìn thấy bộ dạng của Khanh với chiếc áo sơ mi quần tây cùng đôi dép kẹp thì cười phun cả trà ra thốt lớn:
-Ha ha ha! Thằng quỷ này mày ăn bận cái gì vậy,đi diễn hài hả??? Mèn đét ơi nó còn “hai lúa” hơn cả tao nữa! Ha ha.
Khanh thấy ông Hai cười phá lên vậy thì bình thản nhìn xuống vóc dáng của mình đáp:
-Ủa thì bận đồ như mỗi khi con đi chợ cho thầy thôi,không được à?
Ông Hai che miệng lại cười hi hỉ nói:
-À không không! Đẹp lắm đẹp lắm! Với cái bộ dạng đó lên Sài Gòn có khi con gái theo mày đếm không xuể luôn ấy chứ,để lát nữa thầy đưa mày thêm cái vỏ đệm cặp nách nữa là đẹp lộng lẫy luôn!
Khanh:
-Thôi thôi con đâu có khùng!…Mà thầy tính nói gì nói đi, nhanh con còn đi nữa.
Bỗng chốc nét mặt ông Hai hiện lên chúc nghiêm túc,ông nhìn Khanh rồi nói:
-Nè nghe tao dặn! Thầy biết là với sức và võ của mày thì hiếm có người nào địch lại được,nhưng lên trên đó thì cũng giảm bớt cái tính lưu manh của mình,Sài Gòn phức tạp xô bồ,gặp chuyện không liên quan thì tránh xa ra,đừng có mà lo việc bao đồng rồi rước họa vào thân đó biết chưa hả!
Nói thêm về Khanh một chút,tuy cậu bản tính có chút khù khờ,nhưng là người vô cùng nghĩa khí và tốt bụng,thêm việc bao năm qua được ông Hai Nguyên dạy võ nên mỗi lần gặp chuyện bất bình là Khanh chẳng thể nào ngồi im hay đứng nhìn. Có lần cậu cùng ông Hai ra chợ tỉnh thì gặp bọn đầu gấu thu tiền bảo kê trong khu chợ,đối tượng của bọn côn đồ lần đó là một bà lão già yếu ngồi bán rau tựa bên lệ đường. Cũng từng là người trong xã hội ngầm nên ông Hai biết rõ những chuyện như vậy luôn xảy ra ở mọi nơi,không thể phá chuyện làm ăn của người khác nên ông chỉ nhắm mắt làm ngơ. Còn Khanh thì ngược lại,cậu chẳng chần chờ hay nói năng gì,ngay lập tức một thân một mình lao vào tẩn cho 4 – 5 tên du côn kia một trận nhớ đời. Cũng chính vì bởi cái bản tính như vậy của Khanh nên phần nào cũng khiến ông Hai lo lắng khi để cậu rời khỏi sự giám sát của ông.
Đoạn Khanh ngồi xuống bàn rót ly trà rồi khuôn mặt bình thản đáp:
-Biết rồi…Thầy yên tâm,con không đánh chết ai đâu mà thầy lo!
Ông Hai:
-Tao sợ với tính đó của mày bị người khác hại chết thì có! Mà còn chuyện nữa…Cũng đừng để cho ai biết đôi mắt của bây…Nó kỳ dị,tránh rắc rối.
Khanh nghe ông Hai nói tới đôi mắt của mình thở dài đáp:
-Haz…Cái đó thì ông Tư có có dặn con rồi…Nhìn thấy được ma quỷ thôi mà…
Ông Hai cắt lời:
-Thôi đi mày!! Thời buổi này mà lên trên đó mở mồm ra mấy câu kỳ quặc như vậy thì người ta sẽ nói mày khùng điên đó! Ừ mà nói tới cha Tư “một mắt” tao mới nhớ,sáng ổng có qua đây lúc đó mày còn ngủ,ổng nói nào mày đi thì ghé sang nhà lão,ổng có gì cho mày đó!
Khanh:
-Con biết rồi,xong chưa? Vào chuẩn bị đồ à!
Ông Hai:
-Ngủ cho cố vô rồi thái gì đó mạy? Mà đây nè, cầm cái bức thư này,bên ngoài có ghi địa chỉ sẵn luôn rồi đó,tới đó đưa bức thư cho người tên Tám Khương,rồi nói tên cúng cơm của tao Phượng Thanh Nguyên là nó sẽ cho mày chỗ ở cả việc làm,xong rồi đó,đi đâu biến khuất mắt tao đi!
Nói đoạn Khanh dúi bức thư của ông Hai vào túi rồi đi vô trong chuẩn bị,một lát sau thì Khanh cũng quẩy balo ra khỏi căn nhà tranh mà bao năm qua cậu đã vô cùng thân thuộc,có đôi chút bồn chồn trong lòng,bởi Khanh cũng không đành tâm mấy khi bỏ thầy mình ở lại,nhưng cũng không thể không đi khỏi nơi này.
Là những người có tâm tính mạnh mẽ,nên việc tiễn nhau là chuyện không thể nào,ông Hai chỉ có thể ngồi bên hông nhà rồi dỗi mắt theo bóng lưng của thằng đệ tử mà ông xem như con ruột.
Nơi đây khắp xung quanh chỉ toàn là cây trái,hoàn toàn không có lối cho xe chạy vào nên Khanh chỉ có thể đi bộ ra đường lớn,cách nơi đây khoản 10 cây số. Đi được một lúc thì phía trước mặt cậu có một căn nhà tranh nhỏ cũng giống như nơi Khanh ở,đó là nhà của ông Tư “một mắt”.
Ông Tư này lớn hơn ông Hai Nguyên tới tận một giáp,đến xứ này ở cách xấp xỉ với ông Hai cũng cũng chỉ vài năm. Nghe đâu ông ta ngày xưa là một thầy pháp có tiếng,phiêu bạt khắp nơi để giải nghiệp chúng sinh,đến khi đã chẳng còn sức đi nữa thì ông chọn cái nơi thanh tịnh ảm đạm này mà làm chỗ an dưỡng cuối đời.
Là người có tính tình đối lập với ông Hai là hiền hòa điềm đạm,nhưng bọn họ lại rất thân nhau,cứ cách vài ngày là hai người lại tìm đến nhau trà rượu tâm sự,suốt nhiều năm qua thì ông Tư này cũng rất thân thiết với Khanh,nên thành ra cũng xem cậu như con như cháu.
-Ông Tư ơi!! Có nhà không ông?
Đi thẳng vào trong căn nhà tranh sụp xệ với điệu bộ thân thuộc Khanh gọi lớn. Bấy giờ từ nhà sau bước lên là một ông lão độ hơn 70,ông ta chỉ có một bên mắt,nhưng vóc dáng nhìn trong vô cùng khỏe mạnh,con mắt còn lại thì sắng hoắt như biết nói chuyện. Thấy Khanh thì ông Tư cười đáp:
-Tới đó hả…Ngồi đây,để ông Tư vô trong lấy cho bây cái này!
Nói dứt câu ông Tư quay vào trong một lúc rồi bước ra với trên tay là một cặp côn nhị khúc,được làm từ gỗ mới toát,đoạn ông ngồi xuống đưa cho Khanh rồi điềm đạm nói:
-Cầm múa vài đường coi có vừa tay không?
Nhận lấy cặp côn mà đôi mắt Khanh như muốn biết cười,Khanh đáp:
-Trời ơi…Đẹp hơn cây của thầy con cho gấp mấy lần luôn!
Ông Tư:
-Thứ này không phải để đánh người đâu mà ham à…
Ông Tư:
-Ủa? Chứ để làm gì ông Tư?
Ông Tư:
-Để đánh ma!
Nghe ông Tư nói thì Khanh đưa mắt nhìn đôi côn đáp:
-Đánh ma??? Không phải ông với thầy con điều dặn là khi gặp vong ma thì cố làm lơ như không thấy sao ? Vậy còn đưa con cặp côn đánh ma để làm gì chứ?
Ông Tư giải thích:
-Đó là khi bây ở đây,còn một khi đã ra ngoài kia thì kiểu gì mà không gặp rắc rối với đôi mắt đó chứ…
Khanh vốn dĩ từ nhỏ đã có bản năng cảm nhận âm khí xung quanh hơn người,càng lớn thì thì khả năng này lại càng phát huy mạnh mẽ,mấy năm gần đây cậu còn có thể thấy những vong linh vất vưởng đi bên đường,lúc đầu cậu cũng có chút e sợ,nhưng may mắn sống ở gần ông Tư từng là một thầy pháp,được ông giải thích cho thì bấy giờ Khanh cũng đã dần quen với điều đó.
Đoạn ông Tư lấy lại cây côn trên tay Khanh rồi nói:
-Thân được làm từ gỗ đào yểm thuật diệt ma,xích côn thì lại được lấy từ sợi xích tro phật của ông năm xưa,thấy bây thích dùng côn nên ông mới làm cho một cây như vậy phòng thân…Không thích thì thôi vậy,ta để trưng bên vách nhà….
Khanh vội lấy lại cây côn đáp:
-Thích chứ!!! Hi Hi,đồ tốt như vậy Sao con không nhận được…Con cảm ơn ông Tư nhiều lắm ấy chứ hi hi.
Ông Tư:
-Ha ha,thằng quỷ dẻo miệng này…Mà tiện đây ông nói luôn,người có mắt âm dương như con vô cùng hiếm,vậy nên những người như vậy luôn gặp sóng gió bất trắc,nói chính xác hơn là rắc rối sẽ luôn tự tìm tới con,vậy nên nhớ khi lên đó làm gì cũng phải cẩn thật đó biết chưa…
Khanh nhìn ông Tư mỉm cười cảm mến đáp:
-Dạ con biết rồi,lúc con không ở đây cũng nhờ ông Tư phụ chăm sóc thầy con…Không có con ở nhà để chửi chắc ổng buồn lắm…Ha ha. Thôi cũng trễ rồi,con đi nghen ông Tư!
Ông Tư:
-Ừm…Lên đường cẩn thận,có gì thì nhớ báo về cho ông với thầy bây biết đó.
Ông Tư dứt câu thì Khanh cũng vội đứng lên cất bước,bóng dáng của cậu thanh niên cứ vậy mà dần dần khuất dạng mất sau những bóng cây cạnh con đường đất nhấp nhô. Chẳng ai biết được có điều rắc rối gì đang đón đợi Khanh ở phía trước trong chuyến đi này.