Truyện Ma: Ma Cây Gạo, Cáo Cây Đề
Chap 3: Ám ảnh nhà lý Văn…
TG : Nhà Văn Bố Láo
Art: Ma Quỷ Dân Gian Ký
Đưa bé con cháu ông lý Văn con cậu Khiêm ra đời, trời nổi cơn giông. Mây đen từ đâu kéo về như chờ đợi sự xuất hiện của đứa bé đã lâu, bà đỡ bế nó ra ngoài đưa cho ông lý xem. Khi mới nhìn đứa cháu nội mặt lý Văn biến sắc. Một đứa bé gái, mặt nó một bên bị vết chàm đen, một bên thì trắng như phấn sáp. Sinh ra nhưng nó không khóc một tiếng nào, chỉ mở to cặp mắt nhìn khắp xung quanh. Đứa nhỏ có đôi mắt dị thường nó đen một màu đen duy nhất, khác xa với cặp mắt của chúng ta.
Mẹ nó bế nó vào lòng, tình mẫu tử vẫn là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời. Đứa nhỏ cứ như vậy nó chỉ biết mở mắt ra nhìn mọi người, ánh mắt ấy nhiều khi làm lý Văn sợ, vì một ánh nhìn của đứa trẻ mới sơ sinh, sao đa nghi sắc sảo như một người lớn. Nó sống như vậy đến tháng thứ 3, đứa nhỏ dần không chịu bú, mẹ nó bắt bú thì lại nôn ra hết. Đến một tuần thì nó chế.t, cả nhà lý Văn ai nấy mặt mũi hốc hác vì lo lắng.
Không biết cái tai hoạ nào còn giáng xuống nhà ông, lý Văn có đi xem bói chỗ lão Cẩm mù. Cẩm mù là lão thầy bói, trên mắt lúc nào cũng sẵn cặp kính đen, lão mua hai đồng mốt ở chợ tỉnh ngày mới vào nghề. Nghe đâu lão Cẩm trước đây ngày còn trai tráng, theo người ta đi đào vàng ở mãi trên Mường trên Mán, sau thì đi tìm trầm mãi trong rừng sâu.
Rồi có một hôm đoàn người đào vàng của Cẩm vừa chia nhau, nhét đống vàng cám vào trong cái chai sành Văn Điển, thì ở trên dốc chạy xuống một bọn mặt bịt khăn đen. Tay lăm lăm mã tấu, chúng ché.m ngay người thủ lĩnh rồi lột sạch cả đám chẳng chừa lại cho đứa nào một cắc bạc. Tên thủ lĩnh của bọn phỉ làm rơi khăn che mặt, một bên bị sẹo bỏng lộ một vệt dài nhăn nheo xấu xí, Cẩm đang nhìn chăm chăm vào vết sẹo thì bị lôi ra ngoài, kéo lê dưới đất thằng thủ lĩnh bọn cướp, lấy con dao moi ngay hai cặp mắt hắn ra ném xuống suối. Thế là từ ấy Cẩm hoá ra mù, và thành ông Thầy Cẩm xem bói dạo ở sân đình.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, ai ngờ đâu thầy Cẩm mất đi đôi mắt nhưng lại bù cho đôi tai nghe hết mọi thứ trên đời. Nghe tiếng người ấy là cố nhiên ai cũng nghe được, nhưng ông còn nghe được tiếng ma hờn quỷ khóc ấy mới ghê. Ngửi được mùi ma quỷ, đoán được mệnh ai còn, đoán được số ai suy. Tất thảy đều thông tuệ cả.
Nhưng phải cái vẫn nghèo, người ta chẳng có ăn thì y rằng là số khổ. Ngày ăn hai bữa còn chạy vạy không xong thì nghĩ sao đến việc cải số, xem mệnh. Vì mệnh vốn đã khổ lắm rồi còn xem làm gì cho mất thời giờ nữa.
Lý Văn ném sâu tiền vào cái đĩa, tiếng rơi của tiền là tiếng rơi mà ai cũng muốn nghe.
Bẩm cụ Lý, cụ Lý cho con nhiều quá. Con đội ơn cụ, cụ cho con nhiều thì giời bắt con chế.t !
mày không nhận thì chẳng cần đến giời, ông cũng cho mày chế.t ngay đấy !!!
Cẩm mù lấy trong túi ra hai đồng tiền đặt lên cái đĩa xin đài ba bốn lượt. Rồi quay sang nói với lý Văn:
bẩm cụ nếu hôm nay cụ bắt con chết. Thì con cũng phải nói, nhà cụ có số chết chùm. Chế.t không chừa một ai, quẻ này xấu lắm nó còn quay trở lại nhà cụ thêm lần nữa !
nó nào !? Nó là ai !??
Hai con ma ngoài cây gạo, hai con ma ngoài cây gạo. Nó đang ngồi ngoài cổng đình nó đang chờ ông đấy
Lão Cẩm nói đến đây thì lên cơn động kinh sùi bọt mép ngã ra đất, hai mắt trợn lên, nằm co giật. Lý Văn hoảng quá vội đứng dậy bỏ về.
Cô con dâu từ ngày đứa bé con mất thì càng hay mộng du, không chỉ cô con dâu mà cả cậu cả Khiêm cũng hay thấy có hai người đầu tóc rối, một người mặt đen một người mặt trắng đứng ngoài cửa sổ nhìn chân chân vào giường. Có những đêm sáng trăng rọi vào trong gian phong để sập gụ tủ chè, phản chiếu lên nền gạch xanh một bóng hình hai người đàn bà ngồi bó gối ở giữa gian thờ. Cậu Khiêm xem ra là tay ăn chơi phá phách cũng ra chiều biết sợ, từ ngày vợ đẻ ra đứa con dị thường. Lại hay mơ thấy ma quỷ ở bên ngoài ám ảnh.
Khiêm cũng bỏ tật rượu chè, ít ra ngoài đánh bạc thâu đêm tại sòng xóc đĩa. Hoạ hoằn lắm hắn mới đi cả đêm cho thoả nỗi máu mê cùng lũ bạn.Ngày chưa lấy vợ hắn còn đang bập bẹ học đánh tổ tôm ở nhà cụ Lang Thừa, hôm ấy cậu cả Khiêm, anh cu Xiên, và chú Tư Mục đều ở đấy cả. Sau khi chầu rượu được mấy tuần, ai cũng mắt đã hơi mờ, đầu hơi choáng váng. Và mồm đã nói với nhau như quát. Ai cũng tranh nhau nói cả. Hoá ra thành chẳng còn ai nghe được câu nào. Cụ Lang Thừa và ba ông khách cộng mới có 4 người thiếu một chân, cụ quát thằng đầy tớ sang mời ông Phó Cả. Nhưng ông Phó còn lên tỉnh chưa về, thiếu mất một chân thì không đánh được. Cụ Lang ngẫm nghĩ một tí rồi quay sang bảo,
– hay ta mời ngay chú Khì.
Chú Khì là người gốc tàu sang An Nam buôn thuốc bắc. Sau cùng chú ở lại đây luôn, không có vợ con thân thích gì cả. Chú Khì học đánh tổ tôm hay cùng chơi với các ông chức sắc có vai vế ở Hương Tảo, chú đánh mãi cuối cùng thành ra nghiện. Chỉ cần ở đâu kháo nhau có hội tổ tôm, là dù trời có bão chú cũng đội mưa mà đến.
Chơi mãi cho đến năm kia chú phải một trận ốm liệt giường đến non hai thang biết là đến số chết. Chú gửi tiền lại cho mấy ông bạn tổ tôm, để làm ma chay giúp, rồi khi chết nhớ chôn theo bộ bài tổ tôm để khi xuống âm chú còn chơi cho khỏi nhớ. Chú Khì chết rồi, các cụ làm y theo lời chú, ném vào quan tài một bộ tổ tôm.
Sau các ông trong làng học theo rồi dần dà người ta đặt ra cái lệ ném bài tổ tôm vào trong áo quan khi có người chế.t ở làng Hương Tảo.
Cụ Lang Thừa thắp một cái đèn Hoa Kỳ đặt lên nóc tủ chè, dải một cái chiếu hoa trên phản. Bốn người ngồi xếp bằng mang ra một bộ bài tổ tôm một cái đĩa nóc.
Rồi cụ Lang Thừa khấn rằng :
Chú Khi ở đâu về đây chơi với anh em tôi vài hội tổ tôm
Vừa dứt lời cái đèn Hoa Kỳ sáng lên ở một lúc 3 lần rồi tắt đi 3 lần, ấy báo hiệu chú đã về nhập hội, ở một chỗ đã chừa sẵn trên chiếu. Chỗ ấy bỗng nhiên tối hẳn lại, hơn các chỗ khác, cố nhìn vào nhưng cũng chỉ thấy một màu đen kịt.
Cụ Lang thưa bảo :
Chúng ta góp nhỏ hai đồng thôi, bạch định kim cố một đồng, cột 6 , lèo 8 mời các cụ
Thế rồi cậu cả Khiêm anh cu Xiên và chú Tư Mục ném tiền ra đĩa. Chỗ khoảng tối kia cũng từ đâu rơi ra hai đồng bạc.
Tối hôm ấy chú Khì đánh tổ tôm ở nhà cụ Lang đến hơn 3h sáng. Chú Khì đánh được ăn thua chịu tiền thật hẳn hoi, rất chi là sòng phẳng. Đó là lần đầu tiên cậu cả Khiêm được xem một con ma biết đánh tổ tôm.
Lần này hai con ma đàn bà tóc xoã ở cây gạo thì ma quái hơn trước nhiều. Chúng vào tận nhà lý Văn rủ con dâu gã ra ngoài, rồi hiện về đứng ngoài sân, ngồi trong phòng thờ. Thì thực là tác quái, hôm nay Khiêm vì lâu ngày không động đến bài bạc. Nay cái máu mê trong người thúc giục hắn đứng dậy ra khỏi nhà từ chập tối. Lúc đến sới bạc thì đã đánh được mấy canh rồi, hắn nhảy ngày vào thay chân một anh nào đó mặt đã nghệt ra vì thua trắng. Hôm nay Khiêm đỏ đánh tiếng nào được tiếng ấy, cuối cùng sòng phải giải tán lúc canh ba. Khiêm húp bát cháo, ăn xong cái đùi vịt, tu một chai rượu. Rồi quẳng ra bàn hai đồng bạc, hắn ra về xem ra đã say lắm rồi.
Ngoài đồng gió thổi vào mặt mát như quạt điện, hắn thèm gối đầu lên đùi vợ hắn mân mê cái cổ chân trắng nõn quá. Đi về đến gốc gạo từ đằng xa có hai người đàn bà đi cấy sớm đang rôm rả nói với nhau về một cái gì đó ở trên bờ, hai chân cho xuống dưới làn nước kênh đang chảy róc rách. Hắn lúc này rượu đã ngấm lắm rồi, mon men tiến lại phía hai người đàn bà ấy, miệng khề khà cười lên như một thằng điên đang lên cơn phải gió.
Hai người đàn bà vẫn nói cười to lắm, hình như họ không biết sau lưng họ có một thằng say !
( trích đoạn Chú Khì được lấy từ tác phẩm” Chú Khì người đánh tổ tôm vô hình” của nhà văn Nam Cao )