HỒI 11
Cậu Khanh sau khi nhập vào vùng ký ức của hai con quỷ nhi thì xuất hiện trong một không gian tối đen, chung thuỷ không biết đâu là trời đâu là đất. Cậu bước đi vô định, lát sau, bên tả hình như hắt lại thứ ánh sáng chói loà, Khanh liền đổi hướng, bước nhanh về phía đó. Càng tiến lại gần nơi phát ra ánh sáng, không gian càng chói loà hơn, Khanh vội đưa tay lên che mắt thì hụt một cái, ngã nhào xuống đám cỏ như khi người ta bước hụt chân xuống bậc cầu thang. Lúc phủi quần áo đứng dậy, đưa mắt nhìn xung quanh mới biết mình đã rơi vào một không gian khác.
Phía trước mặt Khanh là một con sông khá lớn. Xa xa là bãi bồi, có vài chiếc thuyền nhỏ bỏ không neo đậu ở gần đó. Cả bến sông im lìm, hoang vắng. Cách vài chục mét trên bãi đất cao gần bờ sông có một căn chòi nhỏ dựng lụp xụp. Khanh quay đầu nhìn về phía đằng sau lưng thì thấy một dãy tre cao trải dài không có điểm dừng. Đây chính là quang cảnh đơn sơ, cổ kính tại một làng quê bắc bộ Việt Nam, nhưng không rõ là thời nào.
Khanh đi dọc dãy tre, trông thấy có cánh đồng, bãi ngô nhưng tất thảy đều tiêu điều, xơ xác. Cậu bước đến nơi có cái chòi rách đơn xơ xem có người ở hay không thì nhác thấy bóng của hai đứa trẻ con đang lúi húi làm gì đó bên tấm liếp cũ nát cạnh cái chòi. Chúng đang phơi mấy con cá lên một bờ rào tre tạm bợ, chắc để làm cá khô. Bọn trẻ vừa làm vừa chuyện trò râm ran. Hai đứa bé ấy đều là con trai, đầu để chỏm tóc trái đào, trên thân chỉ mặc độc chiếc quần lửng cạp chun màu nâu rách ngang rách dọc, tay chân thì lấm lem vết bẩn. Ngoài hai đứa trẻ ra Khanh không trông thấy bóng người nào nữa. Có điều đặc biệt là, tướng mạo hai đứa bé này giống y như nhau, có lẽ là một cặp song sinh. Một đứa đang nhặt mấy con cá trong chiếc nong kẹp vào cái nan bằng hai thanh tre treo lên bờ rào rồi cất tiếng nói với đứa còn lại:
– Anh, không biết bao giờ ông mới về nhỉ?. Ông đi đã hai ngày rồi.
– Không biết, chắc nay hoặc mai ông về thôi.
– Không biết ông có bán được cá không. Chúng ta hết gạo mấy hôm nay rồi mà trong làng cũng thiếu lương thực, chả ai chịu đổi cá nữa.
– Thôi, phơi cá xong, anh dẫn sang bãi bồi ngoài kia đào sắn về luộc.
– Bãi ấy người ta đào xới nát hết rồi còn gì mà đào.
Đứa bé đang đứng cạnh bờ rào xị mặt nói.
– À, sáng nay em đem cá sang đổi cho lão phú hộ trong làng thì nghe người ta bàn tán là sắp sửa có người ngoại quốc về làng, chỉ nay mai thôi.
– Thật à?
– Vâng, nghe nói mấy người ngoại quốc ấy rất hung dữ, còn đem theo nhiều thứ lạ mắt nữa, không làm gì cũng có thể giết người nhanh như chớp!.
Đứa đang ngồi xếp cá dưới đất ngẩng mặt lên tròn mắt vẻ kinh ngạc nghe đứa em kể chuyện.
– Họ sẽ san bằng mấy bãi ngô, sắn ngoài kia!
Đứa đang đứng giơ tay chỉ về mấy bãi hoa màu tiêu điều ven con sông.
Hai đứa trẻ cùng dừng tay, hướng ánh mắt về phía bãi ngô, bãi sắn, vẻ mặt có chút ngờ nghệch. Khanh đứng nép sau bức phên của cái chòi quan sát, theo nhận định của anh, hai đứa trẻ này độ tầm mười một, mười hai tuổi. Dáng vẻ còn rất hồn nhiên và vô tư. Trong lòng anh chợt dấy lên cảm giác tiếc nuối khi nghĩ rằng, chúng chính là hai tên quỷ hài nhi mà mình đang đối phó.
– A!. Hình như là ông kìa, anh Tương!.
Chợt đứa đang đứng bên bờ rào tre nhảy nhót giơ tay chỉ chỉ về phía con sông, đứa còn lại cũng nháo nhác đứng dậy ngóng theo:
– Đâu, đâu?
– Kia kìa!
Phía giữa sông, thấp thoáng bóng một cái thuyền con đang chầm chậm tiến vào bờ. Trên thuyền, một ông cụ dáng vẻ khắc khổ, già nua đang mệt nhọc chèo thuyền. Chắc đó là ông của hai đứa trẻ. Chúng ba chân bốn cẳng chạy một mạch xuống bờ sông đón ông cụ. Lát sau, chiếc thuyền cập bến, ông cụ cột thuyền lại rồi nhảy xuống, đem theo mấy chiếc nơm, giỏ và thúng đựng nào là cá khô, tép khô.
– Ông, ông!. Sao nay ông đi lâu vậy?.
– Ừ, làng bên kia đang có quan lính mới người ngoại quốc về nên không họp chợ, ông phải đi bộ vào từng nhà bán nhưng nhà nào nhà nấy người ta đều đóng cửa nẻo im ỉm cả. May mà lúc về không đụng mặt lính tráng. Nhà còn gạo không mấy đứa?
– Dạ, hết hai hôm nay rồi ạ!. Bọn cháu đói lắm, mà, bãi sắn đằng kia, dân trong làng ra đào trộm, còn mấy, ông phú hộ cho người làm ra đào về hết rồi ạ!.
Đứa trẻ xị mặt buồn bã kể.
– Haizz. Hay vậy, bên kia sông còn một làng nữa, tuy hơi xa, nhưng cứ qua xem sao. Giờ ông chèo qua đó bán cho hết chỗ cá này mua gạo cho mấy đứa. Ở nhà ngoan!
– Thôi ạ!. Bọn cháu…cũng không đói lắm. Ông về nghỉ đi mai rồi hẵng đi.
– Không sao!. Mai kia có quan lại người Tây về làng còn khó khăn hơn nữa, giờ phải tranh thủ đi ngay kẻo không kịp. Làng ấy hơi xa một tí nên chắc độ tối mai hoặc ngày kia ông mới về. Hai đứa chịu khó bảo nhau đi tìm củ khoai, củ sắn mà bỏ bụng cho đỡ đói, ăn tạm mấy con cá cũng được. Ông đi đây!.
– Ông, ông!. Ông đi nhanh rồi về với bọn cháu nhé ông!
– Ừ, kiếm được gạo ông về ngay!
Nói xong ông cụ lại lật đật xách đống nơm, giỏ bước lên thuyền. Trên bờ, hai đứa trẻ bộ dạng nhếch nhác cứ đứng tần ngần trông theo bóng chiếc thuyền đi xa dần, lọt thỏm giữa dòng nước lạnh lẽo, mênh mông.
———————
Trong gian nhà ngói rộng lớn có tiếng guốc mộc lọc cọc vang lên đều đều. Một dáng người gầy và cao đang đi đi lại lại ở gian nhà giữa, áng chừng là một người đàn ông tuổi độ lục tuần. Đầu ông ta đội mấn, để râu kẽm, trên người mặc bộ áo dài màu vàng tơ óng ánh, quần ống sớ màu trắng. Trên cổ và tay đeo rất nhiều đồ trang sức bằng vàng khảm ngọc bích lấp lánh. Đó chính là phú hộ Lĩnh, lão phú hộ giàu có bậc nhất trong làng Hạnh Phúc thời bấy giờ.
Dòng họ nhà lão, ba đời đều là phú hộ của cái làng này. Dưới triều Nguyễn, đương thời, cụ cố nhà lão là quan chi huyện, cai quản rất nhiều tuần, phủ. Đến đời con cháu, tuy không còn ai làm quan nữa nhưng bổng lộc ông cụ để lại cùng với quyền lực cũng thừa giúp cho nhà họ Nguyễn của lão thảnh thơi đệm êm gối ấm, không phải lo nghĩ vấn đề tiền bạc. Về của cải của nhà lão Lĩnh thì phải nói là, nhiều không kể xiết, lão một tay thâu tóm hết ruộng đồng, đất đai trong làng, từ đó bắt bớ những người làng nghèo khó làm phu, dịch cho lão. Cả cái làng nhỏ bé Hạnh Phúc này chia làm bốn phần thì nhà cửa, đất đai họ Nguyễn đã chiếm mất ba phần. Người dân trong làng có sống thì cũng mang tiếng sống trên đất của phú hộ Lĩnh, chỉ là lão bắt nợ, cho mượn tạm đất để làm nơi sinh sống mà thôi. Mấy làng lân cận không ai là không biết đến danh đại phú hộ Nguyễn Lĩnh giới thượng lưu ở làng Hạnh Phúc. Cũng vì tiếng tăm như thế mà lão ta rất thân quen với giới quan lại triều Nguyễn, tuy không trực tiếp nắm quyền cai trị, nhưng thực chất là lão đã nắm quyền sinh quyền sát của dân làng Hạnh Phúc trong tay từ lâu rồi.
Không hiểu hôm nay có chuyện gì mà nom phú hộ Lĩnh có vẻ lo lắng, cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại ở gian nhà giữa. Trán lão chau lại khiến đôi lông mày vốn đã xếch nay lại càng xếch hơn. Lão đi lại mấy vòng rồi bất chợt thở dài một tiếng, ngồi sụp xuống bên bộ bàn ghế bằng gỗ trắc quý giá to tướng được đục đẽo khéo léo hình rồng phượng. Một tay lão tì trên mặt bàn, nghiêng người ngồi hướng ra cái sân to và rộng lát toàn bằng thứ gạch màu đỏ tươi đẹp đẽ, ánh mắt có vẻ xa xăm lắm.
Lại có tiếng guốc mộc gõ lọc cọc từ xa vọng tới, từ trong gian buồng ở tít đằng kia, một người phụ nữ đang vén tấm mành bằng lụa thượng hạng che ô cửa buồng bước ra, vừa đi vừa cất tiếng hỏi han:
– Mình định tính sao?. Nay mai là bọn quan Tây về làng mình rồi đấy. Quyết nhanh nhanh đi để còn làm. Không còn thì giờ nữa đâu!.
Bà ta vừa nói vừa nhăn trán lườm ông chồng vẻ hối thúc. Phú hộ Lĩnh nghe thế thì chép miệng đáp lại:
– Chậc!. Thì đang tính!. Giục cái gì!.
– Mình còn tính gì nữa!. Lửa đã đến chôn rồi!. Đến lúc đó có hối cũng không kịp!.
Người phụ nữ lúc này đã tới bên bàn nước, nhẹ nhàng ngồi xuống phía đối diện. Bà ta diện mạo trông còn khá trẻ so với ông chồng, có lẽ mới ngoại tam tuần. Mái tóc đen quấn gọn sau gáy, cổ đeo một chiếc kiềng vàng, tai đeo ngọc trai trắng sáng, gương mặt trắng trẻo, tuy nhiên đôi mắt xếch thì toát lên ánh nhìn sắc xảo, ghê gớm.
Bà ta tên huý là Đỗ Xoan – vợ của phú hộ Lĩnh. Nói qua về chuyện hôn nhân của vợ chồng phú hộ Lĩnh thì có lẽ ở làng được ví như ” vua phải lòng cô thôn nữ “. Hồi ấy, bà Xoan vốn xuất thân là con gái một gia đình bần nông nghèo khổ trong làng, không biết trời thương trời độ hay sao mà bù lại cho bà một nhan sắc phải nói là xinh đẹp nhất, nhì làng Hạnh Phúc, một vẻ đẹp sắc xảo, quyền quý mà vốn đám con gái nghèo khổ thời bấy giờ ít ai có được. Trong một lần phú hộ Lĩnh đến xiết nợ phụ mẫu bà, hai người đã gặp nhau và ngay lập tức lão bị nhan sắc của cô gái nghèo kia hớp hồn. Đám cưới rình rang được tổ chức ngay sau đó. Nhưng phúc do cô con gái mang lại hưởng chưa được bao nhiêu, không lâu sau, cha mẹ của bà Xoan đều mắc bệnh nặng mà lần lượt qua đời. Số đời là vậy!
Quay lại chuyện bàn tính của vợ chồng nhà lão phú hộ, sau khi nghe bà vợ hối thúc, lão Lĩnh đưa một tay lên xoa cằm nheo mắt thì thầm nói:
– Vậy bà kêu thằng Đinh đi tìm lão Độ đến đi!. Có làm thì đặng tối nay làm luôn!. Tôi lo là nội trong ngày mai bọn quan lính kéo về rồi!.
– Dạ, em đi bảo thằng Đinh ngay!.
Bà Xoan mừng rỡ, được sự đồng ý của ông chồng, vội vã đứng dậy, đi ra ngoài sân chống nạnh, cất tiếng gọi lớn:
– Thằng Đinh đâu, có ngoài vườn không?. Vào đây tao bảo!.
Một lúc sau, từ ngoài mé vườn rộng lớn, bóng một người thanh niên lực lưỡng lật đật chạy vào, đến trước mặt bà phú hộ liền cúi đầu kính cẩn:
– Dạ, bà cho gọi con!.
– Vào đây!.
Bà Xoan đưa tay vẫy tên nô dịch vào trong nhà. Đến bên bàn nước, bà ta ngồi xuống đưa mắt nhìn ông chồng. Lúc này, ông Lĩnh đang ngồi khệnh khạng ghế bên cạnh mới cất lời thì thầm nói:
– Mày chạy đi tìm lão thầy bói Độ ở cuối làng về đây ngay cho tao!. Nhớ là phải tìm bằng được lão, không thì chết với tao, nghe chưa?!
– Dạ…con…con biết rồi ạ!.
Tên thanh niên run run thưa. Lão Lĩnh lại dặn tiếp:
– À, nhớ be bé cái miệng thôi, hành tung phải bí mật. Chuyện này không được để ai trông thấy. Người ta có hỏi thì bảo mời thầy về cúng giải hạn nhớ chửa?.
– Vâng, con nhớ rồi ạ!.
– Đi đi, nhanh nhanh lên!.
– Vâng, con đi đây ạ!.
Lão Lĩnh khoát tay hối thúc tên gia nô. Tên thanh niên cúi người quay lưng tất tả đi ngay. Còn lại hai vợ chồng lão Lĩnh ngồi lại bên bàn nước, vẻ mặt nóng ruột ngóng theo bóng tên gia nô khuất dần sau cánh cổng cao lớn.
Lúc này, ở ô cửa buồng bên trái của ngôi nhà lớn, cậu Khanh đang đứng đó, theo dõi toàn bộ diễn biến trong nhà lão phú hộ từ nãy đến giờ. Vẻ mặt cậu băn khoăn, vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mắt mình.
———————-
Trời lúc này đã quá trưa, trong nhà, vợ chồng phú hộ Lĩnh mới dùng bữa cơm trưa xong, đám gia nhân đang tất tả, mỗi người mỗi việc lo dọn dẹp, phục vụ chủ nhân. Bà Xoan ngồi trên cái sập lớn, chân co chân duỗi vừa xỉa răng vừa ngóng ra phía cổng nhăn mặt thì thầm nói với chồng:
– Thằng Đinh đi lâu thế không biết!. Không biết cái ngữ nó có làm xong việc không nữa mà lâu thế chứ lị!.
Bà ta giọng đay nghiến, trán nhăn lại nom đã sốt ruột lắm rồi. Lão Lĩnh cất giọng lè nhè cắt ngang:
– Bà cứ vội cái gì, chỉ tổ hỏng chuyện!. Cái lão Độ ấy có phải hạng bình thường, cứ gàn dở kiểu gì ấy!. Giao việc lớn vào tay lão có khi, lại giao trứng cho ác cũng nên!.
Ông Lĩnh nhấn mạnh, hồ nghi về tay thầy bói của làng. Bà Xoan ngồi nghe xong thì liếc chồng, chép miệng nói:
– Ô hay mình buồn cười!. Em đây đã đích thân đi tìm hiểu, lão ấy tuy tính khí có phần cổ quái thật nhưng là tay cao siêu nhất trong giới thầy bà mấy làng xung quanh đây đấy. Mình chỉ cần đổ cho lão vài quan tiền là sai việc được ngay, đổi lại là đại sự của cả họ nhà mình.
– Hừm!.
Lão Lĩnh chỉ hừ nhẹ rồi cũng không lên tiếng nữa.
Đang ngồi chễm chễ xơi nước trên sập thì phía cổng có tiếng mở then cài lạch cạch. Hai ông bà lại ngóng cổ ra nhìn. Thằng Đinh mở cánh cổng sơn vàng bước vào, theo sau là bóng một người nhỏ thó, lưng hơi gù, đầu tóc tuy chưa có nhiều sợi bạc nhưng rối tung bới sơ xài thành củ hành sau gáy. Đó chính là lão Độ, tay thầy bói có tiếng, nhà ở cuối làng Hạnh Phúc, cạnh bãi tha ma.
Thằng Đinh dẫn lão thầy bói đến trước mặt vợ chồng phú hộ đang ngồi rồi cúi đầu kính cẩn thưa:
– Dạ bẩm ông bà, con mời thầy Độ đến rồi đây ạ!.
– Ừm, được!. Lui ra ngoài đi. Có gì ông lại gọi.
– Vâng, con xin phép ông bà con đi ạ!.
Nói xong nó khẽ khàng lui ra ngoài, trong nhà chỉ còn ba người là vợ chồng Lĩnh phú hộ và thầy bói Độ. Lão Lĩnh chống tay tụt xuống khỏi cái sập đứng dậy chắp tay sau lưng nhẹ nhàng vào thẳng vấn đề với người đối diện:
– Thầy Độ, chẳng hay thầy có đang bận đám ma chay, lễ lạt nào không?. Tôi có chuyện này muốn nhờ thầy giúp!.
– Lĩnh phú ông chắc cũng biết, thời buổi khó khăn, người chết còn không có tiền mua nổi cỗ hòm cho tử tế nói chi đến bỏ tiền mời thầy cúng dường, lễ lạt tốn kém thì lại càng không. Lão phu dạo này chả còn động đến cái nghề ấy nữa, chỉ kiếm miếng rau miếng cháo sống qua ngày thôi.
Thầy Độ khoát tay áo tỏ vẻ chán chường. Lĩnh phú hộ nghe xong thì nheo mắt nhếch mép cười khan một tiếng rồi tiếp lời:
– Thời buổi loạn lạc mà, ai cũng khó khăn cả. Thầy đừng tưởng chúng tôi trông thế mà sướng, không hẳn đâu, cũng đau đầu lắm mà nào mấy ai hiểu được. Rồi cứ ghét bỏ, thù hằn chúng tôi, cho chúng tôi là tầng lớp ích kỷ, chỉ biết bóc lột.
– Hừm, thế vậy, hôm nay Lĩnh phú ông kêu tôi tới đây phỏng có chuyện gì?.
Thầy bói Độ nghe một tràng giãi bày của phú hộ Lĩnh, trong bụng cảm thấy kệch cỡm vô cùng nhưng cũng bấm bụng, nhếch mép cười khẽ một tiếng xã giao hỏi thẳng lão ta ngay. Lão Lĩnh mới hơi cúi đầu, đi đi lại lại mấy bước, chưa vội trả lời ngay, hồi sau mới trở lại nói khẽ với thầy bói Độ:
– Ừm, ở đây e không tiện nói chuyện, chi bằng mời thầy qua thư phòng của tôi rồi chúng ta bàn bạc cụ thể.
– Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy Lĩnh phú ông?. Thôi được!.
Lão Độ ngạc nhiên hỏi, rồi cũng gật đầu đồng ý. Lúc này, bà Xoan đang ngồi trên sập im ắng nghe chuyện giữa ông chồng và tay thầy bói nãy giờ mới khẽ khàng tụt xuống xỏ guốc lọc cọc đi theo hai người. Phú hộ Lĩnh dẫn lão thầy bói bước ra khỏi gian nhà giữa đi theo bờ hè rẽ sang lối thư phòng của lão.
Sau khi ba người bước vào trong căn phòng, lão Lĩnh ngoắc tay gọi vợ lại dặn dò:
– Bà ra gọi thằng Đinh bảo nó đi canh chừng phía ngoài phòng, kẻo đám gia nhân chúng nó nghe thấy thì phiền phức!.
– Em biết rồi!.
Đoạn bà Xoan bước nhanh ra ngoài. Trong phòng còn lại hai người đàn ông, lão Lĩnh mời lão Độ tới bên bàn gỗ ngồi xuống rồi khẽ khàng trình bày:
– Thế này thầy Độ ạ!. Chắc không nói thầy cũng rõ tình hình chính trị xứ ta bây giờ đang kì loạn lạc. Triều đình tám, chín phần là thất thủ rồi, quyền lực thực ra nằm trong tay đám người ngoại quốc kia. Không biết rồi mai này sẽ xảy ra binh biến gì nữa, khổ nhất vẫn là đám con dân chúng ta. Phải tự mình tìm cách bảo vệ mình thôi thầy ạ!
– Giới thượng lưu như Lĩnh gia đây còn lo lắng đến vậy thì mấy bọn dân đen như chúng tôi biết phải làm sao?.
Lão Độ nhếch môi đá đểu tên phú hộ một câu. Phía đối diện, lão Lĩnh cũng thừa biết ý tứ trong câu nói ấy nhưng đại sự của lão quan trọng hơn bèn bào chữa:
– Thầy nói vậy tôi buồn đấy!. Nói thực, cũng chỉ có tôi mới có đủ khả năng bảo hộ cho cái làng này. Tôi yên ổn, thì cả làng yên ổn, tôi bết bát thì cả làng khốn đốn!. Thầy cũng là người trong làng, thầy tự hiểu.
– Tôi nào dám ý kiến gì, nói qua nói lại thì chuyện ngài nói tôi giúp rút cuộc là chuyện gì?. Ngài phải nói rõ ra lão phu mới giúp được chứ!.
– À thì, nay mai là đám quan tây kéo về làng ta tổ chức rà xoát, cải biên, xây dựng bộ máy quyền lực mới của chúng. Nhà họ Nguyễn chúng tôi, cụ cố đương thời là quan lại cho triều đình, hậu bối sau này cũng là do hưởng phúc đức ấy của cụ mà phất lên. Đời thầy tôi với tôi thì đều là đại phú hộ duy nhất trong làng, xuất thân có dính dáng đến triều đình, e là lần này sẽ bị đám quan Tây chú ý, điệu ra điều tra lai lịch và thu hồi của cải phục vụ cho lợi ích của chúng. Mà như tôi đã nói, tôi còn thì cái làng này còn, tôi mất thì cả làng đều rơi vào tay đám người ngoại quốc hung ác đó cả, còn khổ hơn bội phần. Nên mong là, thầy giúp tôi tìm cách bảo toàn số của cải của dòng họ Nguyễn, thoát khỏi con mắt dòm ngó của đám quan tây. Qua được cơn chính sự liên miên này rồi tuỳ cơ ứng biến, lúc đó, tôi may mắn mà ổn định được nhất định sẽ hậu tạ thầy hậu hĩnh.
Thầy bói Độ chăm chú nghe những lời lão phú hộ vừa trình bày, bấy giờ mới hiểu hoá ra lão ta muốn tìm cách giấu số của nả to tướng thoát khỏi đám người tây. Trong lòng đã thầm chán ghét, đúng là bản chất tham lam, ích kỷ rồi cũng lòi ra, còn bày đặt khoa trương, văn vẻ. Lão Độ tuy rất ghét nhưng bề ngoài lại không tỏ thái độ gì, chỉ nheo mắt, vẻ mặt thâm sâu đáp:
– Tôi hiểu rồi!. Nói thực, với số gia tài kếch xù của nhà ngài, không phải nói muốn giấu là giấu được đâu!.
Lão Lĩnh nghe thế thì chột dạ, tay thầy bói này xem ra không hề đơn giản, thôi thì chơi bài ngửa luôn, úp mở dài dòng chỉ tổ tốn thì giờ, việc cấp bách lắm rồi. Nghĩ thế, lão Lĩnh sốt sắng hỏi:
– Ấy, vậy thầy bảo phải làm thế nào?. Liệu nội trong nay mai đặng xong xuôi được không?.
– E là hơi khó!.
Lão Độ mắt lim dim tay vuốt vuốt chỏm râu lưa thưa, ra vẻ đang đắn đo lắm. Bỗng có tiếng mở cửa nhẹ nhàng, bà Xoan đang đẩy cửa thư phòng bước vào, tiếng guốc gõ lọc cọc. Bà ta đi tới chỗ bàn hai người đàn ông đang nói chuyện kéo ghế ngồi xuống, khẽ khàng cất lời:
– Chuyện, đã bàn tới đâu rồi?!.
– Đang nhờ thầy đây giúp.
Lão chồng lè nhè đáp.
Lão Độ nói tiếp:
– Giấu thì có nhiều cách, tuỳ vào lượng gia tài lớn hay nhỏ. Và cái chính, là giấu làm sao để không ai có thể tìm thấy được ngoài chủ nhân của nó, thì mới đúng nghĩa là ” giấu “!.
Lão vừa nói vừa đưa ngón tay trỏ gõ gõ lên mặt bàn nhấn mạnh. Vợ chồng phú hộ Lĩnh ngồi đối diện tròn mắt nghe, có vẻ đã bị thần thái bí hiểm, cao siêu của lão thầy bói thuyết phục hoàn toàn, vì những gì lão nói rất đúng điều ông bà Lĩnh muốn làm.
– Đúng vậy!. Ý tôi chính là như thầy nói. Vì tôi muốn cất giữ số của cải ấy phòng đặng lâu dài, còn lo cho con cháu những đời sau, chính sự nhũng nhiễu, không nói trước được điều gì, nên cứ phòng là hơn. Thầy xem, có cách nào không, khó mấy tôi đây lo được hết!. Thầy chỉ việc chỉ đạo thôi.
– Tất nhiên là có cách, tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, Lĩnh phú hộ à!. Tôi đây làm thầy đã mấy chục năm, nói là cao siêu thì cũng không dám nhưng cũng đủ để giúp cho ngài đạt được mong muốn. Để xem thế nào đã!.
Lão Độ nói đến đây, lại đưa tay vuốt râu, vẻ chờ đợi thái độ từ vợ chồng nhà phú hộ. Lão Lĩnh lúc này nghĩ thầm trong bụng:
“Tay thầy bói này quả là thông minh, rất biết cách dựa hơi kiếm chác!”.
Lão cười khan, đáp lời:
– Thầy đừng lo, chúng tôi sẽ không để thầy thiệt đâu. Nói gì thì nói, tôi đây là người ưa sòng phẳng. Việc lớn thì lại càng phải nghiêm túc. Thầy cứ yên tâm giúp cho nhà tôi. Họ Nguyễn không bao giờ quên công lao của thầy.
Lão Lĩnh buông lời ngọt nhạt thuyết phục lão thầy bói, thôi thì cứ rót vào tai lão gàn dở này vài câu đường mật cho lão xuôi lòng, mấy đồng tiền có là gì đối với Lĩnh phú gia. Bà vợ thêm vào:
– Phải đấy, mong thầy đây mau nghĩ cách nhanh chóng giúp cho, thời gian cấp bách, còn phải chuẩn bị các thứ nữa.
Ngồi đối diện, lão Độ trong lòng mừng thầm, họ Lĩnh giàu có là thế, nhân cơ hội này phải kiếm chác chút ít, bao lâu nay làm ăn thất bát quá. Lão tự tin vào pháp lực của lão, nếu không phải vì không tìm được ai cao siêu hơn thì đôi vợ chồng nhà phú hộ kia có đến mức hạ giọng khẩn cầu lão như thế này không?. Đã quá rõ ràng rồi. Lão Độ liền ung dung từ tốn đáp:
– Vợ chồng ngài đã hữu ý như vầy, tôi đây đâu dám từ chối!. Chỉ mong, xong chuyện lớn, ngài đừng quên lão phu. Tiền khoáng hậu vượng mà!.
– Được, được!. Thầy cứ yên tâm!.
Lúc này, lão Độ mới thong thả trình bày vào vấn đề:
– Cách của tôi, có lẽ vợ chồng ngài cũng đã nghe qua.
Lão khoát tay ra điều bảo hai người đối diện ghé sát tai sang, lão Độ liền thì thầm gì đó nom như sợ bên ngoài bị kẻ nào nghe thấy.
Nghe những gì lão Độ mới nói xong, hai vợ chồng lão phú hộ đều trợn mắt hơi ngả người ra đằng sau, ánh mắt phảng phất sự kinh ngạc đôi chút. Lão Lĩnh hỏi lại:
– Nhất định phải như thế mới nghiệm sao thầy?.
Phía bên ngoài cánh cửa, cậu Khanh đứng ở một góc cạnh gian thư phòng lắng nghe không sót một từ nào trong cuộc nói chuyện kia. Không hiểu ba người bọn họ đang có toan tính gì?.
———————-
Cậu Khanh trong ký ức của hai vong hài nhi hiện đang xuất hiện ở phía bên ngoài bức tường của căn thư phòng lão phú gia. Tay gia nô tên Đinh cũng đang đi đi lại lại xung quanh căn phòng canh chừng. Hắn đi xuyên qua người cậu Khanh. Trông cậu lúc này chẳng khác gì một ảo ảnh hư hư thực thực mà mắt người không thể nhìn thấy được. Trong khi đó, phía bên trong căn phòng, tiếng nói chuyện xì xào giữa vợ chồng lão phú hộ và tay thầy bói vẫn đều đều vang lên.
– Cách này tuyệt đối đảm bảo chứ thầy?.
– Lĩnh phú ông cứ yên tâm, trên đời này thì không thiếu gì cách nhưng trong số đó, tôi đã chọn cách hiệu quả nhất cho mong muốn của Nguyễn gia đây, đảm bảo ngài sẽ hài lòng.
– Ừm, vậy được!. Tôi đồng ý!.
Lão Lĩnh bặm môi gật đầu quả quyết. Rồi hỏi tiếp:
– Vậy, cụ thể như thế nào, thầy trình bày đi!.
– Trước tiên, xin ngài cho cử người đi dò xét, tìm kiếm về đây một đồng trinh nữ tuổi từ 16 đến 18. Sau đó đúng giờ Tý đêm nay cho một đội gia nô tầm hai, ba chục thanh niên trai tráng khoẻ mạnh đem theo dụng cụ theo tôi ra phía rìa làng, chỗ bờ đê, để tìm nơi thi lễ. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì nội ngày mai, tính giờ tốt chúng ta có thể tiến hành được!.
– Vậy, để tôi cho người đi tìm đồng trinh nữ ngay.
Dứt lời, lão phú hộ cất tiếng gọi tên gia nô thân tín:
– Đinh, thằng Đinh đâu, có ngoài đó không, vào đây ông bảo!.
– Dạ!.
Mấy giây sau, thằng Đinh lật đật mở cửa phòng đi vào.
– Dạ, ông cho gọi con!.
– Mày đi kêu thằng Ba, rồi hai đứa đi rà soát cả làng tìm cho tao một đồng trinh nữ tuổi từ 16 đến 18, tìm xong thì về đây báo lại rồi tao bảo tiếp!.
– Ơ, chuyện này…!
Thằng Đinh nghe xong thì hơi ngạc nhiên ngớ người ra chần chừ. Ông Lĩnh nhăn mặt quát:
– Sao?. Mày không làm được à?!.
– Dạ thưa!. Làng mình không lớn lắm, người trong làng thì con đều quen biết cả, chả có nhà ai còn con gái độ tuổi như ông nói đâu ạ!. Là thật đấy ạ!.
Thằng Đinh líu ríu giải bày, giọng nhấn mạnh như phụ hoạ, đưa mắt lấm lét nhìn vợ chồng lão phú.
– Cái gì?!. Mày nói lại tao xem nào!. Muốn thoái thác thì kiếm cái cớ nào nó hợp lý một tí!. Tao lại vả cho không trượt phát nào bây giờ chứ lị!. Bố láo bố toét!.
Lão Lĩnh trợn mắt lên cao giọng quát tháo, nghĩ rằng tên thanh niên nô dịch này vì lười nhác mà kiếm cớ thoái lui. Không để ý bà vợ đang ngồi bên cạnh mặt hơi gằm xuống ánh mắt lấm lét liếc nhìn chồng, cứ đảo qua đảo lại. Thằng Đinh khổ sở gãi đầu lập cập thưa:
– Dạ, dạ, con nào dám viện cớ!. Mà đó là sự thật đấy ạ!. Ngài bảo con sang làng khác tìm thì con đi ngay, chứ…làng mình, chắc chỉ còn con nít, phụ nữ và mấy bà già thôi ạ!. Con nói điêu ông cứ đánh chết con đi ạ!.
Thằng Đinh vội vã giơ hai tay lên trời thề thốt. Quả thực, cả cái làng Hạnh Phúc này có phải lớn lao gì đâu, ngót nghét trên năm mươi hộ dân, thằng Đinh thì theo hầu Lĩnh phú từ nhỏ, mười mấy năm trời theo ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong làng tìm người bắt nợ, chưa kể nó là tay người làm mà lão phú hay sai việc nhất, chạy ngược chạy xuôi khắp chốn, thì tình hình trong làng này ra sao nó là đứa nắm rõ nhất. Dường như lão Lĩnh cũng đã nghĩ ra điều đó, vẻ mặt cơ hồ dịu lại, gằn giọng hỏi:
– Cả cái làng mà không có nổi một đứa con gái như thế hay sao?. Mày bảo tao tin làm sao được!.
– Chuyện này….!.
Thằng Đinh cúi mặt, hai mắt ngước lên lấm lét liếc nhìn bà Xoan, không dám nói tiếp. Bà Xoan bắt gặp ánh mắt ấy từ tên người làm thì giật thót mình vội lảng đi nơi khác. Lão Lĩnh vốn rất tinh ý, đã để ý thấy biểu hiện khác lạ giữa tên nô dịch và người vợ của mình, bắt đầu hồ nghi trong bụng. Lão nheo mắt ” hừ ” một tiếng, cất giọng nói với bà vợ:
– Chuyện này là như thế nào, bà có thể kể cho tôi nghe được không?.
– Ơ, em…em có biết gì đâu!. Sao mình lại hỏi thế!.
Bà Xoan tái mặt lắp bắp chối bay chối biến. Bỗng lão Độ ngồi đối diện đằng hắng cắt ngang:
– Xin lỗi Lĩnh phú gia nhưng mạn phép cho lão phu được lên tiếng. Chuyện cấp bách ta nên làm trước, còn chuyện nội bộ vợ chồng ngài xin giải quyết sau phỏng có được hay không?.
Lĩnh phú nhếch mắt liếc tay thầy bói một cái, như chợt nhớ ra chuyện gì bèn gật đầu khe khẽ, kềm giọng nói với vợ:
– Bà liệu đấy!. Tạm gác lại vụ này, xong việc tôi tính sổ với bà!. Vợ với con!.
– Thôi…em xin mình!.
Bà vợ ngọt nhạt xuýt xoa.
– Thế bây giờ thầy xem còn cách nào không?. Thầy nghe thằng đầy tớ nhà tôi nó trình bày rồi đấy!.
– Ừm!. Để tôi nghĩ!.
Lão Độ băn khoăn trả lời, đưa một tay lên mặt bàn gõ gõ. Đặng mấy phút sau, lão mới cất tiếng:
– Thôi thì thế này vậy!.
Rồi lại ra dấu bảo vợ chồng lão phú ghé sát đầu lại thì thầm.
– Ừm…để xem…thôi được rồi, thầy bảo sao tôi làm vậy!.
Lão Lĩnh khoát tay thuận theo, nhăn trán nói. Phía bên này, lão Độ nheo mắt đưa tay vuốt chòm râu lưa thưa, ánh mắt lộ lên tia giảo hoạt!.