Sau khi toà án kết án thằng Thắng và thằng Toàn xong thì ngôi làng này đã trở về với khung cảnh bình yên mà nó vốn có. Cuộc sống lại bắt đầu đi vào cái quỹ đạo vốn có thường ngày, người dân đều lo làm lụng cho vụ mùa, không còn ai có thời gian để săm soi, hóng hớt chuyện nhà người khác cả.
Năm ấy là năm 2002, một ông chủ của khu công nghiệp đã mua lại mảnh đất phía cuối làng với giá rất cao để mở khu doanh nghiệp ở đây. Mảnh đất ấy rộng, nhưng lại có những chỗ nhấp nhô, gồ ghề. Điều khác lạ duy nhất ở mảnh đất đó là không hề có cây cỏ nào sinh sôi, nảy nở được ngoại trừ cây đa, cây đa này đã tồn tại từ hồi những năm 1945 đến nay, nó chính là một nhân chứng sống của nạn đói khủng khiếp năm 1945 của nước ta . Người duy tâm thì nói rằng cây đa ấy, mảnh đất ấy là nơi cư ngụ của những linh hồn người chết vì nạn đói đi vào lịch sử năm đó nên không có cây cỏ nào mọc nổi, người không duy tâm thì lại cho rằng đó là do chất phóng xạ do chiến tranh để lại nên cây cối không mọc được. Sự âm u và kì dị của mảnh đất ấy khiến cho ai đi qua đây vào ban đêm đều rựng tóc gáy, lạnh cả sống lưng, có vài người còn kể rằng khi họ đi qua đó thì gặp ma. Chính vì những điều ấy mà người dân làng này không ai có gan để mà dựng nhà dựng cửa ở đây cả.
Vài ngày sau khi làm thủ tục, giấy tờ mua bán đất xong xuôi, người ta cho máy móc đến để san bằng mảnh đất ấy để bắt đầu xây dựng. Ông chủ doanh nghiệp đang ngồi uống nước với trưởng thôn thì có một người công nhân tới nói:
-Thưa ông chủ, mảnh đất của ta có cây đa thì có chặt đi không ạ?
Ông ta nghe thấy anh công nhân kia hỏi một câu ngớ ngẩn thế thì nói:
-Ô hay cái thằng này! Có cây ở đấy không chặt đi thì làm ở đâu hả? Bố mày nữa chứ!
Anh công nhân kia nói:
-Nhưng mà…thưa ông…
Không đợi anh ta nói hết câu lão ta đã nạt:
-Nhưng cái gì mà nhưng, mày có tin ông đuổi việc mày không? Lo mà làm đi!
Anh công nhân kia lúc này mới lấy hết can đảm nói:
-Nhưng mà thưa ông, con nghe đồn cái cây đấy là chỗ có nhiều linh hồn người chết. Nếu mà chặt nó đi con e là…
Lão chủ kia nghe anh công nhân kia cứ lèo nhèo thì đỏ mặt tía tai mà quát:
-Thế bây giờ mày có đi làm hay không thì bảo? Ma cỏ cái gì, mày có tin tao cắt lương mày đi không? Cút ra ngoài kia làm việc đi, oánh bỏ mẹ mày bây giờ!
Anh công nhân kia thấy ông chủ của mình giận dữ như vậy thì không dám ho he nữa mà quay lại chỗ làm việc. Mặc dù rất sợ cây đa ấy nhưng cũng vì miếng cơm manh áo nên họ đành phải nghe theo lời ông chủ mà chặt cái cây đó đi. Sau một hồi đùn đẩy trách nhiệm thì một người công nhân cầm chiếc rìu đi đến trước cây đa lấy hết can đảm, vượt qua nỗi sợ vung rìu lên chặt mạnh vào thân cây một nhát. Sau cú chặt của anh công nhân kia, có một tiếng hét ở đâu vọng tới như đến từ cõi âm u, từ chỗ vết chặt kia rỉ ra một dòng nước dịch màu đỏ như máu. Người công nhân kia thấy hiện tượng như thế thì có thoáng chút sợ hãi nhưng rất nhanh anh ta đã lấy lại bình tĩnh vung rìu lên chặt tiếp. Nhưng lần này không hiểu sao anh ta lại vung rìu trượt khiến cơ thể mất thăng bằng mà ngã xuống đất, đầu đập vào cục đá nhọn làm cho máu chảy lênh láng mà chết tươi.
Một người công nhân khác đứng gần đó thấy thế thì la toáng lên:
-Ối giời ôi! Chết người rồi, chết người rồi!
Tất cả công nhân ở đó nghe thế thì tụm xúm lại chỗ người công nhân đang nằm sõng xoài, máu me lênh láng kia, một số người dân đang đứng ở đó thì cũng chạy lại hóng hớt xem để còn đi bán báo khắp làng trên xóm dưới. Họ bảo một người đi gọi ông chủ ra. Người công nhân kia đi tới chỗ lão chủ thầu mà nói:
-Dạ thưa ông…
Ông chủ thầu kia nói:
-Chứ lại làm sao hả?
Người công nhân kia lắp bắp, kể hết những gì anh ta thấy và cái chết bất ngờ của người công nhân xấu số kia. Lão chủ thầu nghe xong thì nói:
-Có cái việc cỏn con thế mà làm cũng không xong! Chúng bay đúng là một lũ vô dụng mà!
Nói xong lão bảo anh ta dẫn lão ra hiện trường xem như thế nào. Ra đến nơi, lão quay sang một người công nhân thân thích nói:
-Mày cho chúng nó đắp chiếu vào xác thằng kia rồi gọi người nhà đến nhận xác nó, xong qua chỗ tao nhận tiền đền bù.
Xuôi hết mọi việc, lão ta lại sai công nhân đi chặt cây đa đi nhưng sau khi chứng kiến cái chết của người công nhân kia thì ai cũng hãi và không dám đụng vào cái cây ấy. Lão chủ thầu thấy thế thì tức lắm, lão quát:
-Chúng mày đúng là một lũ vô dụng mà! Tiền công hôm nay của chúng mày ông cắt hết! Chúng mày không dám làm thì để ông làm!
Dứt lời, lão ta vớ lấy cái rìu đi về phía cây đa vung tay lên chặt nhưng không hiểu làm sao mà lão vừa vung tay định chặt thì lưỡi rìu lại văng ra khỏi cán đập vào đầu lão ra một cái đau điếng. Lão ta vứt cái cán gỗ sang một bên, ôm cái đầu đầy máu mà la oai oái. Mọi người thấy thế thì vội lại đỡ ông ta, mượn lấy cái xe đạp @ của người dân gần đó đèo lão ta ra trạm y tế xã, công việc ở đó cũng vì thế mà tạm hoãn lại. Lão chủ thầu ra ngoài trạm y tế được cầm máu, vì vết thương quá sâu nên lão ta phải khâu 12 mũi liền.
Tối hôm ấy, lão Minh- nổi tiếng là nát rượu nhất cái làng này đang đi về nhà sau khi uống rượu hết sạch tiền ngày hôm nay kiếm được ở nhà con mụ Nguyệt béo. Đường về nhà lão phải đi chỗ cây đa ấy, lúc đi ngang qua đó do uống nhiều nên lão buồn quá, lão lúc nay không nhịn được nữa nên liền tụt quần ra mà tiểu tiện hẳn vào chỗ gốc cây đa ấy luôn. Sau khi giải quyết xong xuôi, lão định bụng quay người đi tiếp thì bỗng ở đâu có giọng nói âm u cất lên:
-Lão già, lão cũng to gan thật, lão dám làm ô uê chỗ cư ngụ của bọn ta à?
Lão Minh trong cơn ngà ngà say lão nói:
-Ơ hay, bố mày thích làm cái gì thì kệ bố mày! Mày giỏi mày đánh bố mày đê!
Dường như những thứ bí ẩn cư ngụ trên cây đa kia đã bị thách thức đến đỉnh điểm liền thét lên:
-Mày dám thách thức? Mày phải trả giá, mày phải trả giá!
Dứt lời, lão Minh chỉ kịp nhìn thấy có hàng chục thân ảnh gớm ghiếc, gầy gò lao ra từ trong cây đa ra vồ lấy lão. Trong đêm tối, tiếng hét của lão Minh kêu lên đầy thảm thiết rồi im lịm hẳn đi.
Sáng ngày hôm sau, mấy người công nhân đi làm thấy có người chết thì liền đi báo với trưởng thôn. Rất nhanh trưởng thôn đã có mặt ở đó, vài người dân trong làng lại có mặt ở đấy để hóng hớt. Đập vào mắt họ là một hình ảnh mà có lẽ cuộc đời này họ khó có thể nào mà quên được, cơ thể của lão Minh bị dập nát, vài chỗ mất cả một mảng thịt, người gầy nhom đi. Mọi người nhìn thấy cảnh này thì thi nhau nôn thốc nôn tháo.
Vừa lúc đó, bà Hồng đi chợ ngang qua thấy nhiều người đang túm tụm lãi mà chỉ trỏ, xì xào thì bà cũng đi tới xem có việc gì . Khi nhìn thấy xác của lão Minh nằm ở đó thì bà dường như đã biết được thứ gì đã gây ra. Bà Hồng nói:
-Không ổn rồi! Lão Minh ngày hôm qua đã làm mồi ăn cho bọn nó.
Mọi người nghe thấy bà Hồng nói thể thì hỏi:
-Chúng nó nào ạ? Bà có thể nói rõ hơn không?
Bà Hồng từ tốn đáp:
-Là những linh hồn của người chết trong nạn đói năm 1945. Mà thôi, chuyện này tôi sẽ kể cho mọi người nghe sau, bây giờ mọi người mỗi người một tay đưa thi thể ông Minh về nhà mai táng đi.
Mọi người có mặt ở đó nghe thế thì cho là phải bởi ông Minh vợ mất sớm, không có con cái gì để nương tựa cả, lão sống bằng nghề đánh cá thuê. Sau khi đưa thi thể lão Minh về nhà, mọi người lại góp tiền mỗi người một ít, chung nhau mua cho lão cái quan tài, rồi ít đồ lễ cần thiết cho đám tang.
Tối hôm ấy, tại nhà lão Minh, mọi người ngồi túm tụm lại để nghe bà Hồng nói về cây đa. Bà Hồng bắt đầu kể với cái giọng của con người đã đi hơn nửa đời người:
-Câu chuyện này cũng là tôi được kể lại thôi. Thuở ấy, nạn đói hoành hành khắp đất nước, người chết như ngả rạ, ở khu đất trống kia chính là chỗ chôn tập thể của những người chết vì nạn đói năm đó. Lạ kì là ở chỗ đó chỉ mọc lên một cây đa, còn lại cây cỏ không thể mọc. Tôi còn nhớ năm là năm tôi 25, những linh hồn đó đã hoá thành quỷ, cây đa ấy cũng thành tinh. Tôi lúc ấy cũng đã trình đồng nhưng còn non nớt, sức yếu không chống lại được chúng. Trong khoảnh khắc tôi sắp bị chúng tiễn đi thì đã có một vị đạo sĩ đến giúp làng này, phong ấn chúng lại. Sau đó, ông ấy có đưa cho tôi một mảnh giấy bảo rằng ông ta có một người con trai trạc tuổi tôi, sau này hễ chúng phá được phong ấn thì cứ đến địa chỉ trong tờ giấy mà tìm, họ sẽ khắc giúp.
Nói xong bà Hồng lại thở dài:
-Bao nhiêu năm nay, tôi cứ quanh quẩn ở mảnh đất này là vì cây đa kia. Tôi cứ nghĩ rằng chúng không bao giờ phá được phong ấn nhưng không ngờ chính vết rìu của cậu công nhân kia đã phá đi phong ấn để chúng hại người. Mọi người biết rồi đấy, lão Minh chính là người xấu số đầu tiên.
Một người hỏi:
-Thế bây giờ phải làm như thế nào hả bà? Chúng cháu thì là thế hệ sau này, không biết được gì nhiều, phàm lại là người trần mắt thịt. Chỉ có bà mới cứu được cái làng này thôi.
Bà Hồng nói:
-Mọi người cứ yên tâm, sau khi đám tang ông Minh kết thúc thì tôi sẽ đi tìm người kia đến để giúp đỡ, phong ấn lại cây đa kia.
Mọi người nghe vậy cũng yên tâm, họ đặt niềm tin vào bà Hồng rất nhiều. Họ lại tiếp tục ngồi với nhau mà lo việc cho ông Minh trong màn đêm đen tĩnh lặng…