Về đến nhà cô gái, thấy mọi người đổ xô ra thăm hỏi, Mạnh mới thở phào nhẹ nhõm. Trên suốt quãng đường đi, anh cứ đăm đăm nhìn theo Hồng với một nỗi lo vô hình. Anh luôn thấp thỏm Hồng là một yêu nữ trong chuyện Liêu trai chí dị, sẽ bất ngờ biến mất hoặc hù doạ anh một phen khiến anh có thể sợ hãi mà ngất đi. Có vẻ như Hồng hiểu suy nghĩ của Mạnh nên cô luôn đi song hành cùng anh, hoặc cũng có thể cô sợ anh không đi theo kịp mình. Hồng khá kiệm lời nên cô không nói gì nhiều, ngoại trừ nhắc anh cẩn thận. Bước vào trong căn nhà tranh đơn sơ của Hồng, Mạnh không khỏi động lòng thương xót. Gia cảnh nghèo khó khiến cô không được đi học như những người khác, đã vậy còn phải chăm sóc cho người mẹ quanh năm đau ốm của mình nữa. Nhìn di ảnh trên ban thờ và qua lời kể của mẹ Hồng, anh mới biết ông ngoại cô vừa mất vì bị bệnh lâu ngày và cũng do không có tiền chữa bệnh. Trong lúc chiếc xe của anh được ông Hải hàng xóm sửa chữa, anh liên tục gọi cho Lực nhưng không thấy bạn bắt máy. Hồng quan tâm:
– Anh gọi cho bạn anh à?
– Ừ, tôi lo lắm, không thể nào liên lạc được với cậu ấy. Chẳng lẽ cậu ấy đã gặp chuyện rồi sao? Mạnh bỗng cảm thấy mất hết bình tĩnh. Không tôi phải đi tìm cậu ấy.
– Để tôi đi cùng anh. Anh không quen đường xá ở đây khéo lại bị lạc.
Hai người dành cả buổi đi tìm Lực nhưng vô hiệu, người bạn thân của Mạnh như tan biến hoàn toàn vào hư vô. Mạnh rơi nước mắt lần đầu tiên trong cuộc đời, tự trách mình không quan tâm đến bạn để rồi xảy ra chuyện. Hồng an ủi:
– Anh đừng tự trách mình như vậy. Biết đâu anh ấy cũng đang đi tìm anh? Anh nên về nhà tôi nghỉ ngơi, nếu hết đêm nay vẫn không liên lạc được với anh ấy thì sáng mai tôi sẽ nhờ người đưa anh đến đồn công an.
– Cảm ơn cô. Mạnh run run đáp lại cô gái.
Suốt cả ngày hôm đó, Mạnh như ngồi trên đống lửa, anh không rời điện thoại một giây phút nào. Anh gần như cũng không dám chợp mắt vì sợ có thể bỏ lỡ bất cứ cuộc gọi nào của Lực. Anh cũng không dám gọi điện cho Hạnh hoặc bố mẹ của Lực để thông báo cho họ biết tin dữ. Trong thâm tâm Mạnh vẫn tin Lực vẫn được an toàn ở một nơi nào đó và cũng đang đi tìm anh. Mỗi lần nghĩ vậy, Mạnh lại đi ra cửa ngóng trông, cứ mỗi bóng người đi qua anh lại cảm thấy như đó là Lực đang đi tới, nhưng rồi lại thất vọng vì đó là người khác. Hồng đi tới sau lưng, nhẹ nhàng đặt tay lên vai Mạnh, an ủi anh:
– Thôi anh vào nhà nghỉ ngơi đi, chứ đứng ngoài này trời đêm sương xuống lạnh lắm.
– Cảm ơn cô. Nhưng tôi không thể không lo cho bạn của tôi được, cậu ấy mà gặp chuyện gì thì tôi biết ăn nói sao với người thân của cậu ấy đây? Cô cứ vào nhà nghỉ ngơi trước và chăm sóc cho bác, kệ tôi.
Hồng không nói gì thêm nữa. Cô đứng yên nhìn Mạnh và nhìn ra ngoài đường. Đêm nay trăng sáng chiếu xuống soi rõ mọi cảnh vật trong đêm tối. Loẹt quẹt, loẹt quẹt, tiếng dép từ xa vọng lại khiến cả hai người giật mình. Hồng vội chạy ra đường, gọi:
– Bà ơi, bà đến đấy ạ?
– Ừ… sao giờ này cháu còn ở ngoài này? Sao chưa đi ngủ?
– Có người từ xa đến đang gặp khó khăn nên cháu muốn giúp đỡ anh ấy bà ạ.
– Vậy à?
Hồng dìu bà nội đi từng bước về cửa nhà mình. Đúng lúc ấy Mạnh cũng đi tới chỗ họ, anh cúi đầu chào bà cụ mà chưa cần Hồng giới thiệu. Bà cụ nhìn Mạnh, nói một câu khiến anh sững sờ:
– Người bạn đi cùng cháu mất tích rồi phải không?
– Sao bà biết ạ? Mạnh kinh ngạc hỏi. Chẳng lẽ đêm qua bà là người chúng cháu nhìn thấy?
– Phải. Bà cụ khẳng định trước ánh mắt kinh ngạc của Mạnh và Hồng. Lúc đó ta đã nói các cháu nên đi ngay khỏi đây tại sao lại không nghe?
– Thật sự bọn cháu đã thu xếp hành lý để đi ngay sau khi đi tìm bà để hỏi về hủ tục ma trùng mà bà nói nhưng không tìm thấy bà đâu. Sáng nay không may xe cháy bị hỏng, không tìm được chỗ sửa nên cháu phải dắt bộ một quãng dài. Trong lúc đó thì Lực mất tích. May mắn cháu gặp được Hồng nên cô ấy đã đưa cháu về đây. Bác Hải và mọi người đã cố gắng giúp đỡ nhưng không thể sửa được chiếc xe cho cháu nên sáng mai bác Hải sẽ thuê giúp cháu một chuyến xe để lên thị trấn rồi đến đồn công an trình báo việc của bạn cháu. Mạnh tóm tắt lại toàn bộ sự việc từ đêm qua cho bà cụ nghe. Anh hỏi tiếp: Ma trùng là gì thế bà?
– Chuyện đó thì hãy để Hồng giải thích cho cháu. Bây giờ ta phải ra mộ ông ấy, không thì muộn mất. Đêm qua các cháu không đuổi theo bà được là vì bà đi lối đi tắt.
– Đêm qua bà đã nói có người đào mộ ông ấy lên để đốt xác phải không ạ? Họ là ai? Tại sao họ lại làm như thế ạ?
– Chính là do sự mê tín và mù quáng của những người ở đây nên họ mới hành động như vậy. Cháu tưởng bà sung sướng lắm hay sao khi đêm hôm phải ra ngoài nghĩa địa một thân một mình ngồi giữa hàng hàng lớp lớp bia mộ?
– Bà để cháu đi cùng bà được không ạ? Bà đi một mình sẽ rất nguy hiểm. Mạnh cương quyết.
– Không sao, nếu cháu muốn ra đó thì sáng mai hãy đi cùng cái Hồng. Giờ bà đi đây, hai cháu vào trong nhà đi. Nhưng trong cái rủi có cái may, nếu bạn cháu không mất tích thì cháu sẽ là người gặp hoạ. Nói rồi bà cụ đi từng bước chậm rãi hướng về phía nghĩa địa. Vừa đi bà cụ vừa nói: trăng sáng quá, nó gợi lại cho ta tuổi thanh xuân năm nào đi bên ông ấy êm đềm hạnh phúc, thế mà giờ đây ta phải một mình đi trông giữ mộ phần cho người chồng đã khuất. Thật đáng thương làm sao.
Mạnh nhìn theo bà cụ không khỏi thương xót và có thêm phần bàng hoàng. Bà cụ đáng tuổi bà anh mà giờ này vẫn phải ra nghĩa địa trông coi mộ phần của người chồng đã mất. Anh quay sang Hồng, ái ngại nhìn cô rồi lên tiếng:
– Vậy sáng nay lúc tôi gặp cô có phải cô cũng từ nghĩa địa trở về không?
– Vâng, lúc đó tôi không muốn anh lo sợ nên không kể. Bà tôi trông mộ ông vào ban đêm, đến 5h sáng thì về, còn tôi trông ban ngày đến 12h trưa. Chúng tôi cứ luân phiên như vậy ngày này qua ngày khác, khi nào tròn một năm thì thôi.
– Trời! Nghe Hồng kể mà toàn thân Mạnh sởn gai ốc. Tại sao lại phải làm như vậy? Bà cô đã từng nói có người đào mộ lên để đốt xác ông cô, ai mà thất đức quá vậy?
– Những chú bác trong gia đình tôi. Họ cho rằng nếu không làm thế thì sẽ có những người khác trong gia đình sẽ bị mắc bệnh nặng rồi chết.
– Ý cô là trùng tang phải không?
– Không, mà là ma trùng. Hủ tục này đã tồn tại từ thời xa xưa ở làng tôi rồi. Không hiểu sao trong nhiều gia đình có người mới mất được một thời gian ngắn lại xuất hiện những trường hợp mắc bệnh nặng. Thầy bói đã phán rằng đó là do bị âm hồn của người đã khuất “ám” và muốn bắt đi cùng nên những người trong gia đình rất sợ hãi. Họ đổ dệt nguyên nhân cho người mới mất nên luôn chực chờ tìm cơ hội quật mộ người chết để yếm bùa hoặc thiêu xác. Hồng vừa kể vừa nghẹn ngào. Còn Mạnh thì không tin nổi vào tai mình nữa, giữa thế kỉ 21 rồi mà vẫn còn những chuyện mê tín dị đoan đáng sợ như vậy ư? Im lặng một giây, anh hỏi tiếp: Thế gần đây trong gia đình cô có ai mắc bệnh gì không?
– Cũng may là không anh ạ. Nhưng bà tôi không yên tâm nên hàng đêm phải ra canh chừng mộ của ông ngoại tôi. Tôi xin bà cho tôi đi vào buổi đêm nhưng bà không đồng ý vì lo cho sự an toàn của tôi.
– Vậy trong làng có nhiều trường hợp như vậy không?
– Cũng không nhiều anh ạ. Đôi khi cũng là vì người ta sợ hài cốt của người thân bị kẻ xấu đào lên rồi mang đi làm những chuyện xấu nên họ đành phải ra canh mộ. Hồng thở dài. Bố tôi ngày trước cũng bị những người anh em trong họ đào mộ lên rồi đốt xác. Mẹ tôi thì một năm sau cũng đau ốm liên miên. Tôi và bà ngoại tôi ngăn cản nhưng không ai nghe.
– Sáng mai tôi đi ra nghĩa địa với cô nhé, Mạnh đề nghị. Trong thâm tâm, anh linh cảm việc mất tích của Lực có liên quan đến hủ tục này. Điện thoại của Mạnh bỗng kêu vang. Là Hạnh đang gọi.