Lúc này, tại nhà trưởng thôn, hai vợ chồng gã hương chức đang nói chuyện:
– Tại sao ông lại cho người bắt cóc người thanh niên đó về nhà mình?
– Tôi có chuyện của tôi, bà đừng xen vào.
– Ông định làm gì cậu ta?
– Tôi đã nói bà đừng có xen vào. Cứ mặc kệ tôi.
– Bác sĩ bảo thằng Hoà nhà mình yếu lắm rồi, không qua được hết năm nay đâu ông ạ. Tôi e là… nói đến đây bà Thuỷ dừng lại, sụt sịt khóc.
– Haiz, ông Định thở dài, chẳng lẽ tôi phải chịu tội bất hiếu với tổ tiên hay sao? Chúng ta chỉ có 2 đứa con, con gái thì hạnh phúc nhưng con trai thì lại đau ốm sắp chết. Tôi phải làm gì đây?
– Tôi thật chẳng muốn nói ra nhưng… người ta vẫn nói nhà ta hết phúc… do thế hệ trước đã làm nhiều việc thất đức nên dòng họ mới tuyệt tự…
– Đứa nào dám nói như thế? Tôi mà biết đứa nào nói tôi sẽ tìm cách bắt phạt nó. Ông Định quát lớn. Dám ăn nói bố láo bố lếu. Nhà tôi đã mấy đời làm quan lớn trong triều đình rồi ở làng xã, của cải đến lúc nào cũng dư thừa.
– Thì chính vì thế đấy… bà Thuỷ ngập ngừng… người ta vẫn hay nói… nhà mình càng lúc càng hết phúc, đời ông làm quan lớn, đời bố làm quan nhỏ, đời chúng ta lại càng nhỏ hơn, lại thêm với việc thằng Hoà sắp chết… như vậy chẳng phải là tuyệt tự hay sao?
– Bà… bà… im đi… ông Định tái mặt… những điều vợ ông vừa nói chẳng phải rất đúng hay sao? Nó ám ảnh tâm trí ông bao lâu nay, nhưng không bao giờ ông dám thừa nhận với chính bản thân mình chứ đừng nói là người khác. Tại sao… bà dám… hả? Ông Định quát lớn.
– Nào tôi có dám… đấy là người ta nói về nhà mình…
– Bà chỉ mặt cho tôi đứa nào dám nói về nhà mình như thế, tôi đảm bảo sẽ bắt nó im miệng. Ông Định vẫn hung hăng.
– Thôi tôi xin can ông, ông đừng làm gì cho thêm phần rắc rối. Kệ người ta, ai nói gì không tốt thì nghiệp vận vào thân. Thôi tôi đi chăm sóc thằng Hoà đây.
– Ừ, bà đi đi. Hỏi xem con nó muốn ăn gì thì bảo con bé Sen đi mua nhé. Tôi ra uỷ ban đây.
Ông Định bệ vệ đỡ chiếc bụng bia của mình ngồi lên chiếc xe máy SH màu đen láng cóng phóng ra cửa, không để tâm gì đến vẻ mặt trầm trồ vì của những người dân làng. Trong đầu ông tuy vẫn đầy sự đau lòng vì cái chết không tránh khỏi của Hoà, nhưng trong lòng ông đã có sự vui mừng vì Hoà sẽ tránh được sự xúc phạm mồ mả của những người gọi là họ hàng. Nhất là gần đây ông cũng nghe râm ran mấy người trong gia đình bên vợ nói con cái họ cũng có người bị ốm đau bệnh tật. Ông không thể để cho họ đốt xác của Hoà, sau bao ngày trăn trở thì cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp: tìm người thế mạng. Cậu thanh niên trẻ từ nơi xa sẽ là thứ hoàn hảo để thay thế con trai ông, còn Hoà sẽ được đưa đi mai táng ở một nơi khác, không ai có thể tìm ra để quấy nhiễu nữa.
Bác Hải và Mạnh đang ở cơ quan công an trình báo về việc mất tích của Lực. Mạnh càng lo lắng hơn khi công an nói không có bất cứ ai lạ mặt đến đây cả. Tiếp nhận xong vụ mất tích, phía công an chỉ nói hai người nên đi về, nếu có kết quả gì họ sẽ thông báo. Đúng lúc ấy, trưởng thôn từ phòng trong đi ra, tay cầm một xấp báo cáo. Bác Hải thấy vậy thì vội đứng lên chào:
– Xin chào ông trưởng thôn ạ.
– Ừ, chào ông Hải. Ông đang có chuyện gì vậy? Cậu thanh niên này là ai?
– Dạ, cậu ấy là một người từ Hà Nội tới đây du lịch thôi ạ. Cậu ấy đi cùng một người bạn nhưng không may bạn cậu ấy mất tích nên tôi dẫn cậu ấy lên đây trình báo.
– À, thế à? Ông Định trầm ngâm, tội nghiệp các cậu. Vùng này nhiều rừng núi, không cẩn thận là dễ lạc lắm.
Nghe bác Hải nói chuyện với ông Định, Mạnh chỉ nói mấy câu xã giao. Anh để ý thấy người đàn ông này có đôi mắt rất sắc lạnh, có thể nhìn xuyên thấu cả tâm can người đối diện. Bất giác Mạnh suy nghĩ, có khi nào người đàn ông này biết chuyện gì không? Hôm qua Hạnh gọi điện, anh đã không dám nghe vì sợ cô sẽ lo lắng. Nhưng đâu thể giấu mãi được, nhất là nếu bố mẹ Lực bỗng nhiên liên lạc với con mình. Mạnh thất thểu trở về cùng bác Hải, điện thoại của anh báo có 5 cuộc gọi nhỡ của Hạnh. Bác Hải hiểu chuyện, vỗ vào vai cậu, nói:
– Thôi chuyện này sớm muộn không thể giấu được mãi, cháu nên nói cho bạn gái cậu ta sự thật.
– Nhưng nếu thế thì cô ấy sẽ lo lắng và tìm lên đây bác ạ. Như thế sẽ rất nguy hiểm.
– Theo bác thì cháu nên trở về đó sau khi xe được sửa xong, rồi thông báo cho những người thân của cậu ấy, từ đó tuỳ họ sẽ định liệu. Chứ cháu có ở lại đây cũng không thể làm gì được, chưa biết chừng còn gặp nguy hiểm.
– Nhưng… cháu…
– Cháu cứ nghe lời bác, bây giờ chúng ta đi sửa xe rồi sau đó cháu nên rời khỏi đây. Ghi lại số điện thoại của bác, khi về thì gọi, nếu công an đã tìm được cậu ấy thì bác sẽ báo cho.
– Vâng cháu cảm ơn bác.
Hai người rời khỏi cơ quan công an khi trời đổ xuống đầy nắng. Sau lưng Mạnh vẫn nặng ánh nhìn của ông trưởng thôn. Mất 2 giờ đồng hồ, xe của Mạnh cũng được một người thợ sửa xe lành nghề dưới thành phố sửa xong. Cậu giã từ bác Hải và nhờ bác chuyển lời chào đến Hồng, mẹ và bà ngoại của cô ấy. Nhưng Mạnh không về ngay như lời đã hứa với bác Hải mà còn quay trở lại chỗ Lực đã mất tích để níu kéo chút hi vọng tìm kiếm được người bạn thân thiết. Đúng lúc này, Hạnh lại gọi cho anh. Từng hồi chuông reo lên như giục giã, kêu gọi Mạnh nghe điện. Sau mấy phút ngần ngừ, Mạnh nghe điện và thông báo cho Hạnh biết tin dữ. Chỉ vừa nói được một câu, Hạnh đã lăn ra ngất, không thể trả lời lại Mạnh được nữa. Đưa mắt nhìn lại vùng đồi núi mênh mông nơi bạn mình mất tích thêm một lần nữa, Mạnh nổ máy nhắm thẳng hướng Hà Nội để đi. Một cảm giác nặng nề mệt mỏi đè lên tâm can, Mạnh sẽ đối mặt với Hạnh và bố mẹ của Lực như thế nào đây?
Đi liên tục cả mấy trăm km không nghỉ, càng về đến gần Hà Nội, Mạnh càng cảm thấy lo lắng. Anh không nhận được thêm bất cứ cuộc gọi nào của Hạnh, anh cũng không thấy số điện thoại của bố mẹ Lực gọi cho mình. Mặc dù Mạnh đã kịp nhắn tin cho Hạnh “đừng đi tìm Lực hay làm điều gì dại dột, đợi anh về rồi chúng ta cùng bàn chuyện.” Không thấy Hạnh trả lời, Mạnh lo lắng đã có chuyện gì đó xảy ra với cô, nhưng anh không biết được rằng Hạnh vì quá shock mà bất tỉnh rồi được đưa vào bệnh viện. Anh cũng không biết được rằng, đêm nay khi anh về đến Hà Nội cũng là lúc Lực vĩnh viễn rời khỏi cõi đời vì âm mưu đê hèn của trưởng thôn nơi anh đã được tiếp đón trọng hậu.
12h đêm, tại nhà của trưởng thôn, tiếng khóc não nề của bà Thuỷ, cô Liên và con Sen vang lên ai oán. Hoà đã trút hơi thở cuối cùng sau sự cố gắng cứu chữa của bác sĩ. Ông Định cố gắng kìm nén để không bật ra tiếng khóc dù trong lòng ông đau xót vô cùng. Đứa con trai ông yêu thương tự hào đã mãi mãi ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Ông bảo con Sen đi liên hệ với thầy cúng và dịch vụ tang lễ để mai táng cho Hoà một cách chu đáo nhất. Ông bảo vợ:
– Bà mang nước lên đây lau người cho con đi. Liên, đi tìm một bộ quần áo mới cho em.
Vợ và con gái đi khỏi, ông Định mới ngồi xuống bên con trai, nắm lấy bàn tay xanh xao, ngắm nhìn con mình một lần cuối cùng, nước mắt tuôn rơi:
– Bố con mình âm dương cách biệt thật rồi con ơi, bố phải mang tội bất hiếu với tổ tiên, còn con thì chết trẻ mà chưa có con nối dõi, đã vậy lại còn đối mặt với nguy cơ bị đốt xác hoặc yểm bùa. Nhưng đừng lo, bố sẽ không để ai làm hại đến thân xác của con đâu.
Trong lúc vợ và con gái lau rửa cơ thể cho Hoà, ông Định lặng lẽ đi tới nơi Lực bị nhốt. Lúc này, Lực đã suy nhược cơ thể đi mấy phần vì bị bỏ đói hơn một ngày trời, lại bị tiêm thuốc mê liên tục. Ông Định đi đi lại lại quan sát người thay thế con trai mình, ngoại trừ những đường nét trên khuôn mặt, vóc dáng của Lực bây giờ cũng gầy như Hoà. Ông ra hiệu cho người canh chừng Lực đánh thức anh dậy. Một xô nước tạt thẳng vào mặt khiến Lực choàng tỉnh. Anh ngơ ngác nhìn hai người lạ mặt, nhìn khung cảnh lạ lẫm trước mắt. Cổ họng nóng ran và khô rát, Lực muốn cất tiếng nói nhưng không thể vì miệng anh đã bị dán một miếng băng dính đen dày.