Bà Ngạc kéo cao vành nón lá. Nhìn theo hướng ông lão chỉ. Nhận ra khoảng cách từ đây đến đó khá xa. Lại gặp đêm mưa gió tối trời bảo sao đám lang y kia nhất định không chịu cứu chữa. Tuy vậy chút khó khăn này bà Ngạc chẳng để trong mắt, bà nhanh chóng dẹp lại nỗi lo trong lòng, xốc lại cái gùi thuốc sau lưng và chầm chậm theo sau ông lão, nhắm hướng ngọn núi mà bước tới.
Ông lão vui mừng dẫn đường. Bước chân có phần mau lẹ hơn. Ra khỏi ngôi làng, cả hai đi một đoạn thì bắt gặp một con đường nhỏ. Hai bên rậm rạp cây cối cao ngang hông người, bà Ngạc căng mắt nhìn vào con đường tối om, sâu như không thấy điểm dừng. Hai bên đường ẩm ướt, xộc lên thứ mùi mốc meo như quanh năm chẳng có ai qua lại.
Những tấm bia nhấp nhô san sát nhau như một rừng bia mộ tại một khu nghĩa địa, vài cái đã nứt toác hoặc đổ ụp xuống nền đất ẩm thấp, nhơ nhớp bùn lầy. Chân hương của những cái bát nhang đã rụng rời vì từ lâu không có người thắp nhang, và cũng là vì mưa gió ảnh hưởng khiến cho cái bát nhang trông càng ẩm ướt bẩn thỉu thiếu trang nghiêm. Vài tấm di ảnh đã bị rêu bám chỉ lộ ra được nửa khuôn mặt của người quá cố.
Đi sâu vào trong, con đường càng chật hẹp. Bà Ngạc đánh ánh mắt nhìn quanh, những cái miếu nhỏ được người dân địa phương tạm thời lập nên để thờ cúng cho những người xấu số đã chết vì con đường rừng đầy nguy hiểm này… Chả biết là do cái sợ lấn át tinh thần hay sao mà cảm giác cơn gió ở nơi đây lạnh lẽo, chết chóc, u ám hơn bao giờ hết. Nó thổi ngang qua mái tóc, dọc xuống lưng, rồi thoắt nhanh qua vai, như thể…có một bàn tay vô hình đang chạm vào bà vậy.
Đi sâu vào phía trong con đường, dấu hiệu đường đất ngày càng nhỏ dần.Thay vào đó là những cây bụi cứ liên tục chắn ngang đường khiến chiều rộng của con đường ngày càng nhỏ. Tuy vậy, con đường dù nhỏ đến thế nào thì cũng vẫn vừa đủ cho hai người đi vào. Hai người cứ lầm lũi, cắm đầu đi theo con đường ấy, quanh co đến mấy khúc thì cuối cùng cũng đã có thể thấy một con đường rộng rãi nhưng có phần gồ ghề hơn hẳn.
Bà Ngạc nhẩm tính đã một canh giờ trôi qua. Với sức vóc trẻ trung của bà thì việc đó chẳng làm bà mệt mỏi mấy, có điều với ông lão kia lại là cả một cực hình. Một ngày vượt qua quãng đường xa như vậy với sức vóc của ông chẳng khác gì tra tấn, dù rằng cơn mưa đã tắt lịm từ lâu. Ông lão ngồi bệt xuống tảng đá ẩm mốc, móc cái bình nước bên hông ra mà đưa cho bà Ngạc, giọng khẩn khoản:
– Đường lên nhà còn xa lắm, thầy uống ngụm nước cho lại sức ạ!
Bà Ngạc lắc đầu rồi thúc giục ông lão uống. Ông lão có lẽ khát lắm nên chẳng nề hà, ngửa cổ tu cạn sạch. Ông lão uống nước xong thì lại lên tiếng cảm tạ bà Ngạc:
– Đội ơn thầy, không có thầy thì tôi chẳng biết cớ sự sẽ ra sao nữa!
Bà Ngạc gật đầu, đoạn đánh ánh nhìn lên con đường dẫn lên núi lúc này ẩm thấp và tối om như mực. Bà đặt chiếc gùi xuống đất, vạch đám lá cọ trong gùi rồi lấy ra một cái bùi nhùi có tẩm nhựa thông và một khúc gỗ thông khô ráo. Đoạn nhanh tay quấn thành một bó đuốc rồi nhanh chóng đánh lửa. Bó đuốc cháy sáng rực, soi sáng một khoảng không gian khá rộng
Sau khi chuẩn bị xong xuôi, hai người lại tiếp tục dò dẫm lên đường. Ông lão cả đời không có con cái, lần đầu tiên được người lạ như bà Ngạc hết mực tận tình thì trong lòng cảm tạ lắm. Hai người đi bên nhau không nói thêm lời nào khác, chỉ biết chăm chăm trở về nhà để cứu chữa cho bà cụ ốm liệt giường.
Cả hai đi hơn nửa canh giờ mới tới con dốc thoai thoải dẫn vào nhà ông lão. Qua ánh sáng nhá nhem của ánh đèn hắt ra từ trong nhà, bà Ngạc có thể dễ dàng nom thấy cách đấy không xa, giữa một đám cây bụi um tùm có một căn nhà lụp xụp, cũ kĩ đang ẩn mình trong màn đêm âm u. Căn nhà ấy ẩn nấp sau đám cây dại, rất khó mà nhìn thấy. Nếu không nói thì cũng chẳng ai biết rằng ở đấy có người ở
Căn nhà cao độ đống rơm sau nhà bà Ngạc, sàn cách mặt đất chỉ độ chưa đầy nửa mét . Độ cao như thế chỉ để gia chủ tránh những loại dã thú nhỏ. Bà Ngạc bặm môi, xốc cái gùi lên vai, tay trái cầm bó đuốc rồi chậm rãi tiến theo ông lão. Nét mặt ông lão không giấu được vẻ sượng sùng, nhìn bà và bảo:
– Nhà tôi nghèo lắm, mong thầy đừng chê! Mời thầy vào! Bà nhà tôi đang đợi ở trong!
Căn nhà gỗ cũ kĩ dần lộ ra trước mắt bà. Gỗ đã chuyển màu đen khi bà soi ánh đuốc lại gần , trong nhà sực nức lên mùi nấm mốc và nhơ nhớp rất khó chịu. Xung quanh căn nhà chỉ có cái giếng đá, một khoảng đất rộng bằng hai cái chiếu trồng mấy thứ rau củ và ruộng ngô bên mạn phải. Còn lại bao quanh địa thế này toàn là cỏ dại cao ngang thân người.
Giữa màn đêm tối như hũ nút ở chốn rừng thiêng nước độc này, lại có một căn nhà nghiễm nhiên đứng sừng sững, khiến cho bà Ngạc có cảm giác hơi cô quạnh. Cái màu đỏ phần phật của ngọn đuốc gặp gió với cái sắc tối đen của không gian khiến người ta nhìn vào mà chỉ như muốn ngộp thở bởi những khung cảnh quá đỗi bí bách, lại kèm theo mùi ẩm mốc làm bà Ngạc cũng có chút đắn đo .
Tuy nhiên sau khi suy nghĩ một hồi, tính qua tính lại thế nào, bà Ngạc nén tiếng thở dài rồi bước hẳn vào khuôn viên sân nhà. Ông lão khẩn khoản, mau lẹ mở cánh cửa gỗ. Tiếng bản lề lâu ngày vang lên tràng thanh âm dài, trong không gian âm u và im ắng đó thì cực kì chói tai
– Kẹtttt … Kẹttt …. Rầmmmmmm !!!!
Bà Ngạc giơ tay bịt mũi rồi hắt hơi liền mấy cái vì bụi bặm mới xộc ra, cầm chắc ngọn đuốc và cái gùi tre rồi bước hẳn vào trong nhà.
Ông lão vặn lớn ngọn đèn dầu, mặc kệ quần áo đang dính bết nước mưa, bùn lầy mà nhanh chóng bước lại cửa phòng miệng gọi lớn:
– Bà nó ơi! Tôi mời thầy lang về xem bệnh cho bà đây này!
Bà Ngạc cởi bỏ cái áo mưa đặt lên trên chiếc bàn tre ọp ẹp rồi lục tục tiến vào buồng. Lòng bà chợt thắt lại trước khung cảnh nghèo nàn trước mặt. Trong căn buồng ẩm thấp, lờ mờ ánh đèn cầy, đến cả một vật dụng ra hồn cũng không có. Bên phải căn buồng là cái chạn bát xiêu vẹo. Mấy cái lu sứt mẻ chất đống nơi góc buồng. Đám quần áo cũ nát máng trên cây sào, một chiếc tủ quần áo chỉ còn một bên cánh cửa.
Nền nhà ẩm mốc, dường như ánh sáng mặt trời ban ngày chẳng thể chiếu rọi nên không khí trong buồng ngột ngạt lắm. Bà Ngạc nén tiếng thở dài rồi đánh ánh mắt vào chiếc giường kê sát vách, cạnh ô cửa sổ đang đóng cửa im ỉm. Trên giường là một bà lão ngoại bát tuần đang nằm khò khè thở, ngọn đèn cầy trên bàn hắt ánh sáng leo lắt đủ để soi rọi khuôn mặt sạm gầy, hốc hác như ma đói.
Người đàn bà ngước mắt nhìn bà Ngạc như cầu xin, mồm bà há ra, ngáp ngáp như người sắp chết chuẩn bị đem vào quan tài chôn. Ông lão tiến hẳn lại bên giường, cầm tay vợ mình rồi quay sang bà Ngạc nhỏ giọng:
– Vợ tôi đổ bệnh đã ba ngày nay không ăn uống được gì! Nói chuyện cũng không thành hơi nữa thầy ạ! Sức khoẻ bà nhà tôi vốn đã yếu, nay đổ bệnh lại càng thêm trầm trọng. Xin thầy thương tình cứu giúp!