Bà Ngạc gật đầu rồi tiến lại bên giường xem xét sự tình. Chỉ thấy thần sắc bà lão tái nhợt, sinh khí đã vơi đi quá nửa. Hai hốc mắt sâu trũng, đôi môi khô ran như thiếu nước, nhịp thở khò khè yếu ớt lắm. Ông lão đứng bên thấy lông mày bà Ngạc khẽ chau lại, tưởng vợ mình sắp không qua khỏi thì nức nở hỏi:
– Thưa thầy! Có phải bà nhà tôi không thể cứu chữa được không?
Bà Ngạc ấn tay lên yết hầu bà cụ mấy giây rồi thở phào bảo:
– Không có gì nặng đâu, ông lão đừng lo! Nhà ông lão có lông gà không? Lấy cho tôi một chiếc!
Ông lão nghe thấy vậy thì nét mặt có chút nghi hoặc, nhưng chẳng giám hỏi thêm bè gật đầu đáp liền:
– Có… có!
Đoạn nhanh chân trở ra nhà ngoài, lát sau mang vào một chiếc lông gà trống đưa cho bà Ngạc. Bà Ngạc đón lấy lông gà, một tay tách miệng bà cụ, một tay đút luôn cái lông gà vào ngoáy mạnh. Mấy giây sau, bà lão chợt trợn mặt, nhoài người ra giường rồi ho sặc sụa. Liền sau đó từ cổ họng bà lão nôn ra một đống đờm đen đặc. Mùi tanh tưởi, hôi thối xộc ra làm ông lão đang đứng chết trân nãy giờ khẽ nhăn mặt, bịt mũi. Trong không gian chật hẹp, ẩm mốc đó, cái mùi tanh nồng bốc lên thật lợm giọng.
Ông lão thấy vợ mình nôn ra bãi đờm to tướng thì hoảng hồn lao lại vuốt lưng, giọng run rẩy:
– Bà nó ơi! Bà nó không sao chứ?
Bà Ngạc nhìn ông lão rồi cười xoà bảo:
– Không sao đâu ông lão ơi! Bà nhà bị đờm dồn nén ở yết hầu không thở được. Nôn ra rồi là không có vấn đề gì hết!
Quả nhiên lời bà Ngạc nói chẳng sai, bà lão sau khi nôn ra đống đờm hôi tanh đó thì thần sắc cũng tốt hơn nhiều. Bà nắm tay chồng mình rồi khò khè bảo:
– Không sao! Tôi thấy đỡ hơn nhiều lắm rồi!
Không bao lâu, bà lão đã hoàn toàn khôi phục sức khoẻ. Ông lão đỡ vợ mình dậy rồi chắp tay hành lễ, bà lão mỉm cười lên tiếng, nghe ngữ điệu thì không phải dân cùng đinh mà là người ăn học đàng hoàng lắm:
– Hôm nay may nhờ hồng ơn tổ tiên phù hộ cho gặp được thầy. Cảm tạ thầy đã cứu lão bà đây một mạng. Xin thứ cho thân già này còn ốm yếu không thể hành lễ được!
Bà Ngạc vốn là người tinh tường, bản thân đã biết người đàn bà này có gì đó khác thường nhưng chỉ biết chắp tay đáp lễ, tuyệt không để lộ chút cảm xúc gì:
– Bà lão quá lời rồi! Chữa bệnh cứu người là bổn phận của người làm nghề y chúng tôi!
Ba người ngồi lại trò chuyện khá tâm đầu ý hợp, bà Ngạc cũng tiện tay bắt mạch chuẩn bệnh cho ông lão. Loáng cái thời gian đã đổ về nửa đêm lúc nào bà cũng chẳng hay.
Nghe qua lời hai ông bà tâm sự, bà Ngạc biết được hai vợ chồng này họ Lưu. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu và không có con cái. Lại làm nghề săn bắt ở khu rừng này từ lâu. Thời gian gần đây sức khoẻ của bà lão đổ nặng nên đồ đạc trong nhà đều bán đi cả nên mới trở thành bộ dạng nghèo nàn thế này. Đang miên man trong dòng suy nghĩ thì tiếng ông lão cất lên dò hỏi:
– Thưa thầy! Chẳng hay vợ chồng tôi có làm thầy phật lòng gì không? Nhìn thần sắc thầy có vẻ không vui!
Bà Ngạc nhìn ông lão rồi thở dài bảo:
– Tôi cũng chẳng giấu gì lão, lúc bắt mạch cho lão tôi thấy mạch tượng đã bị khí âm độc xâm nhập cơ thể. Xin hỏi có phải lão đây còn làm việc gì liên quan tới đất cát thường xuyên không?
Ông bà lão quay sang nhìn nhau rồi cùng cười phá lên. Đoạn gật đầu bảo:
– Thầy không chỉ có y thuật cao thâm, tấm lòng rộng lượng mà còn có con mắt tinh đời. Hai già này xin cúi đầu kính phục.
Bà lão lúc này sắc mặt hồng hào thấy rõ, gật đầu với chồng rồi quay sang bà Ngạc bảo:
– Thời buổi này gặp được người như thầy quả thực hiếm có lắm. Nhà chúng tôi thì nghèo, có lẽ chỉ có thể báo đáp thầy bằng sự giàu có mà thôi!
Bà Ngạc nghe thấy vậy thì bật cười. Hai ông bà lão sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, nghèo nàn hơn cả bà thì lấy đâu ra sự giàu có mà báo đáp. Nên khi nghe bà lão nói vậy, bà Ngạc thấy mâu thuẫn lắm. Dường như hiểu được bà nghĩ gì, ông lão quay sang vợ mình rồi ngầm gật đầu. Bà lão đẩy cửa bước ra ngoài, lục tục xuống bếp làm gì đó hồi lâu.
Ông lão kéo bà Ngạc ra ngoài nhà, chỉ tay ra hướng tảng đá rồi bảo:
– Xin thầy hãy xem sự kia!
Bà Ngạc chẳng hiểu gì nhưng vẫn nhìn theo hướng tay ông lão chỉ. Chỉ thấy bà lão trên tay cầm một ngọn đèn dầu tiến về tảng đá xanh trơn nhẵn. Trên đó bà bày ra bảy cái bánh bao, bảy bát nước và bảy cái trống cầm tay, thứ thường cho con nít chơi rồi đặt ngọn đèn cạnh đó và nhanh chân trở vào khép cửa. Cả ba ngồi im, nín thở chờ đợi. Chưa đầy nửa khắc sau bất chợt nơi lùm cây rậm rạp cạnh tảng đá rung lên giữ dội. Liền sau đó có 7 thân ảnh da dẻ trắng toát từ bụi cây nối đuôi nhau chui tọt ra ngoài.
Bà Ngạc suýt chút nữa kêu thốt lên nhưng nhanh tay nén tiếng kêu xuống cổ họng. Đập vào mắt bà, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu hắt ra là bẩy đứa trẻ con hình thù kì dị. Làn da trắng bệch như xác chết đuối, da dẻ căng ra nung núc thịt. Trên đầu 7 đứa trẻ buộc một mảnh vải đỏ rực, và 7 đứa trẻ đó nhanh chóng châu đầu bốc bánh bao nhai nhồm nhoàm như ma đói.
Bà Ngạc không ngờ trong nơi hoang vu này lại có bảo vật. Dù trong lòng đã biết rõ thứ này là gì nhưng vẫn nhìn ông lão để dò xem ý tứ. Ông lão gật đầu thủ thỉ:
– Không sai! Đây chính là nhân sâm núi! Tôi và vợ mình suốt ba năm nay đã dẫn dụ chúng bằng đồ ăn thức uống, định bụng khi khoẻ mạnh sẽ đi nhổ. Nhưng sức khoẻ hai vợ chồng tôi không khoẻ nên nấn ná mãi không đi được. Nay gặp thầy đúng là cơ duyên, xin tặng thầy thay cho lời cảm ơn vậy!
Bà lão lúc này cũng trở ra từ buồng, trên tay là một bọc vải cũ nát màu đen. Bà trao cho bà Ngạc rồi dặn dò:
– Đám nhân sâm thành tinh này khôn khéo lắm, lúc nãy tôi đã đặt ở đó 7 cái trống. Đám nhân sâm ăn xong chắc chắn sẽ cầm trống mà bỏ vào rừng. Thầy cứ đi theo tiếng trống đó rồi dùng vật dụng trong bọc này mà đào lên, chắc chắn sự sẽ thành! Thầy đi mau lên, chúng nó bắt đầu bỏ đi rồi kìa!
Bà Ngạc quay mặt nhìn qua khe cửa, quả thật sau khi ăn uống xong, 7 thân ảnh đó lại nối đuôi nhau chui vào lùm cây. Tiếng trống trên tay chúng khua lên những tiếng nhỏ và xa dần trong cánh rừng rậm rạp. Bà tính tiến theo tiếng trống thì ông lão chợt kéo tay bà lại và căn dặn:
– Nhất định nơi trú ngụ của đám nhân sâm này còn nhiều lắm. Nhưng hãy nhớ chỉ được lấy đúng 7 gốc. Số còn lại thầy phải chừa cho người khác. Thầy hãy nhớ 7 gốc là đủ rồi, tuyệt đối không được sinh lòng tham.