Bà lão thúc giục:
– Chuyến đi này rất khó khăn, thầy đi mau kẻo lỡ việc.
Bà Ngạc gật đầu rồi đẩy cửa đi luôn. Giữa không gian tối om như hũ nút và hơi ẩm xộc lên. Bảy thân ảnh trẻ con đó trắng dã thoát tục đang lầm lũi tiến sâu vào trong rừng, tiếng trống bổi cất lên váng óc. Bà Ngạc im lặng bám theo sát nút. Một người và 7 tinh cứ thế chầm chậm bước. Cho đến một khoảng đất bằng phẳng, 7 con tinh đó đứng lại im lìm như tượng đá. Bà Ngạc chắc mẩm đây đúng là nơi chúng nó trú ngụ nhưng chưa giám làm gì thêm. Chỉ biết nín thở lắng nghe động tĩnh
Quả nhiên 7 con tinh đó vất đám trống đi rồi từ từ lún sâu thân người vào nền đất. Đợi đến khi đứa thứ 7 mất dạng dưới đất, bà Ngạc mới lục tục chui ra từ gốc cây cổ thụ gần đó mà xem xét sự tình. Quả nhiên không phụ công bà, dưới nền đất lúc này chi chít hơn hai chục gốc nhân sâm. Có cây năm lá, có cây bảy lá. Ngay cả người học y thuật bao nhiêu năm như bà cũng không thể nén nổi cảm xúc vui mừng.
Bà Ngạc mau chóng tìm một tảng đá rồi mở cái bọc ban nãy mà bà lão cẩn thận trao cho ra. Ngạc trong là một cuộn len đỏ, một bó cam thảo, ba nén nhang, một mảnh vải lụa màu đỏ, một cái cào ba răng ngắn cỡ gang tay, và một con dao bằng gỗ có cán màu đen. Bà Ngạc vốn được nghe ông cụ thân sinh kể nhiều về cách đào nhân sâm nên rành lắm. Bà cẩn thận lấy ra cuộn chỉ đỏ, rồi kết thành vòng tròn, tròng qua mấy gốc nhân sâm 7 lá. Dân đi rừng vẫn đồn nhau đó là cách để nhân sâm không chạy trốn
Sau khi bố trí xong xuôi, bà Ngạc kiếm một tảng đá sạch sẽ rồi ngồi xếp bằng chờ đợi. Mấy canh giờ nhanh chóng trôi qua, đến khi sáng hẳn bà Ngạc mới mau mải bật dậy. Đoạn lấy ba nén nhang trong cái bọc vải đêm qua mà thắp lên, nhắm hướng bãi Sâm quý mà lầm rầm khấn vái. Tuy bà không phải dân đi rừng nhưng quy tắc cúng kiếng coi như cảm tạ thần rừng ban cho đồ quý thì bà rành lắm.
Ba nén nhang cắm xuống nền đất ẩm cũng là lúc bà Ngạc lấy ra cây bồ cào ba răng nhỏ và con dao gỗ. Rồi cứ thế nhẹ nhàng mà đào 7 gốc Sâm đã đánh dấu. Xong xuôi cũng tốn gần ba canh giờ. 7 gốc sâm quý đào lên to cỡ bắp tay người lớn làm bà mừng lắm. Dù ở bãi đất này hơn hai chục gốc nhưng lời ông lão đêm qua căn dặn làm bà không dám nảy lòng tham vì biết rằng trong đó tất có nguyên do của nó.
Bà Ngạc nhanh chóng lấy mảnh vải lụa màu đỏ, gói lại rồi nhanh chân trở về căn nhà hai ông bà lão đặng cảm tạ. Nhưng đập vào mắt bà khi tới nơi, căn nhà dột nát đã biến mất tự bao giờ. Bóng dáng ông bà cụ cũng như bốc hơi. Bà Ngạc biết mình gặp được thần linh nên quỳ rạp xuống mà bái tạ không nguôi. Sau đó nhanh chân trở về nhà. Con đường xuống núi cũng dễ đi hơn hẳn
Bà tìm đến một cửa tiệm thuốc đông y lớn nhất ở trấn Quan Tây, cách làng năm dặm đường mà gõ cửa. Chủ tiệm đó là một danh y có tiếng ở cả cái tổng này. Nhận thấy 7 gốc nhân sâm đó cực kì quý giá nên vui lòng mua lại với giá là bảy nén vàng. Bà Ngạc sung sướng lắm, đem số tiền đó cúng dường lên chùa một phần. Một phần chia cho dân làng. Số còn lại bà phục hưng lại tiệm thuốc gia truyền của nhà mình
Cũng sau dạo ấy, công việc làm ăn của bà khấm khá lắm. Sau mấy năm, sản nghiệp nhà bà đã lớn nhất nhì tổng này.
Dù giàu sang hơn người. Tiền bạc ức vạn nhưng bản tính thiện lương dường như đã ăn sâu vào máu nên bà Ngạc được bà con trong xóm ngoài làng nể phục lắm. Người ta kháo nhau rằng, phàm không có tiền để chữa bệnh, qua tiệm thuốc nhà bà Ngạc đều được bà chữa bệnh mà chẳng lấy xu nào. Hoặc phàm là người làng có công to việc lớn mà không có tiền thì bà đều sẵn lòng cứu giúp, bao giờ có thì trả. Còn gia đình nào nghèo túng quá thì bà cho không, tuyệt không lấy một đồng một cắc nào
Tiếng lành đồn xa nên người ta coi bà như là phật sống. Nhưng số trời không cho ai được vẹn toàn. Con trai lớn của bà trong một lần đi đánh chuyến hàng thuốc ở kinh thành. Dọc đường gặp một cơn bạo bệnh, đã bỏ bà đi trong một đêm mưa gió tối trời. Thành thử bà chỉ còn duy nhất một người con trai tên là Hoàn là người kế thừa gia sản và hương hoả cho dòng họ Hoàng về sau.
Bẵng đi hai mươi năm sau
Hoàn lúc này đã là một phú hộ có tiếng trong vùng, lại nhờ của cải của mẹ mình để lại nên lớn lên đã ngậm thìa vàng, bát bạc. Hoàn lấy một người vợ tên Hoa, cũng là con gái của một gia đình danh gia vọng tộc có tiếng ở làng bên. Trong mắt dân làng, người ta tỏ ra ngưỡng mộ và nể phục gia đình bà Ngạc lắm. Nhưng dân gian đã có câu ” Ở trong chăn mới biết chăn có rận” quả không sai.
Nếu như bà Ngạc có lòng thương người thì thằng con trai bà hoàn toàn ngược lại. Thằng Hoàn có tính ác bẩm sinh, lại thêm cái thói thích đánh đập gia nhân trong nhà . Phàm mỗi khi ai đó làm không đúng ý gã là lập tức gã chửi rủa. Sau mỗi lần đó là một trận đòn roi giáng xuống đầu tên gia nhân đen đủi đó .
Thủa ấy là thời vua quan trị vì, nhà nào giàu, có quyền bỏ tiền ra mua những người khác về nhà làm người hầu, giúp việc trong nhà. Nhà bà Ngạc tất nhiên không ngoại lệ, vì số tài sản bà tích cóp từ việc kinh doanh, buôn bán suốt mấy chục năm lên tới cả trăm mẫu ruộng, kho thóc tới cả chục, nên trong nhà bà Ngạc gia nhân già trẻ, nam nữ rất đông, nhất nhất theo lệnh chủ phục tùng. Vì vốn dĩ bà Ngạc có lòng từ bi nên gia nhân trong nhà đều tôn trọng lắm .
Sau khi người con trưởng mất vì bạo bệnh, bao nhiêu tình cảm bà dồn vào khúc ruột còn lại của mình là thằng Hoàn. Được mẹ nuông chiều từ nhỏ, gia nhân hầu hạ, ra bẩm vào thưa, nên Hoàn tính tình từ nhỏ đã ngạo mạn khinh người. Lớn lên thì cái tính hách dịch, ngạo mạn ấy được tôi luyện trở thành sự hung dữ. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi kẻ hầu người hạ trong nhà sẽ là những tấm bia hứng chịu những cơn thịnh nộ của Hoàn nhiều nhất.
Thấy ai không vừa mắt là Hoàn lập tức chửi bới. Mà lẽ thường, sau vài câu chửi thì sẽ là những đòn roi giáng xuống xối xả, vơ được cây roi, thanh gậy gì gần đó là gã đánh đập gia nhân không thương tiếc. Lũ gia nhân trong nhà phẫn uất lắm, nhưng vì miếng cơm mà cắn răng chịu đựng. Phận con sâu cái kiến nào dám phản kháng nửa lời .
Nếu như Hoàn độc ác một, thì mụ Hoa vợ gã lại độc ác mười. Bớt xén tiền công kẻ ăn người ở đã đành, mụ còn bắt nhịn cơm nếu trong ngày củi không đủ dùng, nước tắm không đủ nóng, hay bạc bẽo đến mức tống cổ cả gia nhân già nua ra khỏi nhà nếu mụ thấy không được việc. Bà Ngạc đã bao lần vào can, ra cản nhưng theo thời gian, sức khoẻ của bà đã đi xuống lắm. Thành thử việc kinh doanh và sản nghiệp nhà này đành giao phó cho vợ chồng con Hoa.
Từ khi trở thành gia chủ nhà này, hai vợ chồng con Hoa càng được thể làm càn. Vốn dĩ trước khi vào làm dâu nhà bà, gia đình con Hoa cũng thuộc dạng giàu có lắm. Quen thói sách nhiễu từ nhỏ, ả một tay nắm đầu chồng. Nên phàm việc hệ trọng trong nhà đều phải hỏi ý ả mới được hành sự.
Bà Ngạc vốn là người nhân đức, lại nghe bà con trong làng nói đến tai những việc làm xấu xa của con trai, con dâu bà. Nên bà thường lén chúng mà giúp đỡ dân làng, giúp đỡ những ai bị vợ chồng gã đè đầu cưỡi cổ.
Bà lén lút làm việc đó phần vì cái tâm tính thiện lương bẩm sinh, phần vì bà sợ cái cảnh nhân quả báo ứng mà tiền nhân đã dặn. Nhưng cứ mỗi lần bà Ngạc thủ thỉ nhỏ to là y như rằng con dâu bà làm ầm cả lên . Những câu đại để như :
– Bà già rồi sao còn chưa chết đi mà đi giảng đạo lí ? Sống làm gì khổ tôi ra!
– Thân bà lo còn chưa xong nói gì đến khuyên bảo người khác ! Lo mà cút vào phòng đi
…