Tiếng răng đập vào nhau lạch cạch của Páo là âm thanh duy nhất trong căn phòng này, cái lạnh của đêm đông không làm người con trai miền núi ấy run rẩy, mà là đôi mắt và nét mặt kia làm anh sợ hãi. Nếu không vì là người đã trực tiếp báo tin, anh sẽ tông cửa bỏ chạy ngay lập tức. Ánh mắt ấy rời khỏi tập hồ sơ, liếc một cái sắc ngọt như dao quắm lên mặt Páo.
– Trừ con gái tôi và cậu Tín kia, trong hồ sơ không đưa thông tin cụ thể của bất cứ ai trong số 9 người, cậu có biết đấy là những ai không?
– Dạ có ạ! Bốn chiến sỹ biên phòng gồm có:
– Trung úy Trọng
– Thiếu úy Nhất
– Thượng sỹ Dính
– Hạ sỹ Tín
Hai kĩ thuật viên là anh Lâm và chị Tuyết, cả hai là kỹ sư chuyên nghiên cứu địa chất. Hai người dẫn đường là chú Vừ với anh Váo, hai người này là hai bố con, trước đây làm thợ săn. Sau ngày lâm trường chuyển về rồi du lịch bắt đầu phát triển thì nhận quản lí một ít rừng với dẫn khách du lịch leo núi Fansipan chú ạ!
Long ậm ừ chốc lát, tay liên tục giở hồ sơ. Bỗng như nhớ ra điều gì đó, gã đột ngột ngẩng mặt và giương đôi mắt sắc lẹm lên hỏi Páo:
– Mục đích của cuộc khảo sát là gì? Tại sao khảo sát địa chất phải mang theo tiểu liên AK 47?
Đôi đồng tử sáng ngời điện tuyến như thôi miên người đối diện, cậu thanh niên tuổi đời còn trẻ, chưa kinh qua nhiều trải nghiệm này không trốn tránh được cặp mắt ấy. Páo ấp úng trả lời:
– Cháu chỉ nhận được lệnh đón tiếp và sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho đoàn thôi ạ! Cháu… cháu không rõ chi tiết cuộc khảo sát nhưng… nhưng chú thấy đấy, tọa độ đánh dấu trên bản đồ là thuộc vườn Quốc Gia Hoàng Liên, chỗ này, chưa từng có ai đặt chân đến!
Chi tiết này thì Long tin là Páo nói thật, trước khi đi, Long cũng đã tìm hiểu thông tin từ một số anh em trong ngành. Tất cả họ đều không nắm được gì về nội dung hay thậm chí là thông báo về cuộc khảo sát này. Khảo sát địa chất dù tổ chức bởi tư nhân hay nhà nước thì đều phải được thông qua bởi chính quyền. Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu gã:
– Khảo sát địa chất tại sao phải mang theo tiểu liên AK?
– Không những thế, thay vì sử dụng 1 – 2 hạ sĩ quan dẫn đường bảo vệ, lần khảo sát này lại lôi theo 4 chiến sỹ biên phòng, trang bị Long khí hiện đại?
– Tại sao lần khảo sát này lại tiến về tả ngạn dãy Hoàng Liên nơi đúng ra thuộc địa phận tỉnh Lai Châu?
– Người chiến sỹ kia tại sao lại cãi nhau với con bé Phương trước khi khởi hành? Và giờ lại hóa điên?
Cuối cùng, chi tiết làm Long thắc mắc nhất:
– Bàn tay khỉ? Nó ở đâu?
Tưởng rằng mình nói quá nhỏ, Long ngước mặt lên toan hỏi lại lần nữa nhưng ánh mắt sợ hãi và cử chỉ thất thần của Páo đã chứng minh rằng cậu ta nghe rất rõ ràng
– Người ta đã mang nó đi rồi ạ! Đấy là tay trái của một con khỉ lớn, đã bị phơi khô đét. Cháu có một bức ảnh của nhân viên cứu hộ chụp lại đây ạ!
Tay run run, Páo rút chiếc điện thoại Samsung ra và đưa cho Long, ngừng lại trong giây lát cậu tiếp:
– Người ta nói đấy là tay khỉ, nhưng cháu khẳng định không phải chú ạ!
Ngạc nhiên trước câu nói ấy, Long nhanh chóng giật lấy chiếc điện thoại và đưa lên quan sát.
Bức ảnh chụp bằng một chiếc điện thoại đời cũ, lại có vẻ người chụp rất vội vàng, có thể vì tò mò, có thể vì lén lút. Bức ảnh dung lượng không cao, bị vỡ nét và nhòe đi khi phóng to. Hình ảnh không thể hiện rõ nét phần cổ tay nhưng dường như, người ta đã không bình tĩnh khi hành quyết hoặc có thể con khỉ xấu số đã giãy giụa quá nhiều, vết cắt không sắc mà nham nhở, xương cẳng tay không đứt mà gãy vụn. Phần bàn tay đã khô quắt lại như thể bị rút hết máu, năm ngón duỗi thẳng, những gân khớp lồi to như sắp chọc thủng lớp da tím tái.
Thoáng một nét run sợ hiện lên trên đôi mắt tưởng chừng lạnh giá hơn băng tuyết, gã đã phát hiện ra điểm dị thường. Trên ngón tay số bốn, lờ mờ xuất hiện một đường kẻ với sắc màu khác biệt.
– Một con khỉ đeo nhẫn ở ngón tay áp út?