Sapa – 0h45 – 18/12/2008
– Đội hình di chuyển của đoàn khảo sát sẽ làm đúng theo hướng dẫn ban đầu! Chú Vừ, tôi và đồng chí Dính đi trước mở đường, tiếp theo là đồng chí Phương và hai bạn kĩ thuật viên. Cuối cùng là anh Váo, đồng chí Tín và đồng chí Nhất bọc hậu. Tất cả đã rõ chưa nào?
– Tôi nhắc lại lần hành động này, chúng ta sẽ đi vào tả ngạn dãy Hoàng Liên – một khu vực có thể nói rằng chưa có dấu chân người. Lần hành động này mang tính chất đặc biệt tối mật, quan trọng trong nhiều mặt, các đồng chí cần đảm bảo tâm lí vững vàng, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy, thách thức. Không loại trừ trường hợp xuất hiện thú dữ như hổ, báo gấm, gấu người,… Tất cả các đồng chí đã quán triệt cả chưa?
– Rõ!
Trung úy Trọng kết thúc buổi họp đột xuất ngay trước đêm khởi hành bằng việc nhắc lại kế hoạch và vị trí di chuyển của từng thành viên trong đoàn.
Mặc dù không ai nói ra nhưng tất cả đều cảm nhận rõ trọng trách nặng nề cũng như tính chất đặc biệt của lần khảo sát địa chất này. Phương được giữ trọng trách bí thư – người nắm bắt về mặt tư tưởng thành viên cho lần công tác này, dù vậy, cô cũng không được phổ biến rõ ràng về mục đích mà chỉ được đột xuất yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Có lẽ, người hiểu rõ nhất về lần khảo sát này là anh Trọng. Trung úy biên phòng – từng nhiều lần truy bắt tội phạm xuyên quốc gia, có kinh nghiệm về khảo sát bản đồ, địa hình, địa mạo. Dáng người tầm thước nhưng có khả năng chỉ huy và thu hút người khác bằng đôi mắt cương nghị và cử chỉ dứt khoát. Tuy nhiên, khi Phương trực tiếp hỏi anh về mục đích của chuyến đi, Trọng đã nhanh chóng gạt đi và từ chối trả lời.
Hoàng Liên Sơn 6h00 – 18/12/2008
Ba chiếc xe UAZ đỗ lại ngay tại bìa rừng, thả 9 người trong đoàn cùng trang thiết bị xuống. Tới đây, xe không thể đi sâu hơn nữa vì địa hình đồi núi phức tạp, nhiều cây lớn, kẽ đá,… 9 người bắt đầu đi theo đội hình đã định, ông Vừ và đồng chí Dính thay nhau lấy dao quắm phạt bớt những cành cây để lấy lối đi. Sáng sớm mùa đông, lại ở giữa rừng nguyên sinh, ánh nắng không xuyên qua được những tán cây nên cảm giác ẩm ướt, lạnh lẽo, âm u cứ mãi quẩn quanh đoàn lữ hành.
Ông Vừ – tấm bản đồ sống của núi rừng Hoàng Liên nói:
– Chúng mày đi phải cẩn thận, cái con vắt rừng nó ưng cái mùi người thành phố lắm! Cái mùa đông thì lạnh mà con vắt rừng thì đói, cẩn thận, cẩn thận!
Ông lão đã hơn 60 mà bước đi trong rừng thoăn thoắt, tay vít cành, tay phạt dao như múa. Ông đã săn bắn trong khu rừng này từ lúc lên 5, người ta kể mẹ ông đẻ ông ngay dưới một gốc cây đại thụ trong rừng, sau đó tự tay dùng thanh nứa cật mà cắt dây rốn cho đứa bé mới lọt lòng. Có thể nói người ta ở đâu quen đó, người Mông sống trên dãy Hoàng Liên, săn thú rừng, uống nước suối khe nên vốn đã trở thành một phần không thể thiếu của dãy Hoàng Liên. Người Mông lại tháo vát, từ cây dao quắm giắt trên lưng đến cái nồi để trên bếp lửa đều có thể tự tay làm ra cả. Vì thế mà hơn mấy trăm năm nay, dù chiến tranh, dù bệnh tật, dù thiên tai, dù sướng khổ, người Mông vẫn ở đấy, bám trụ mãi trên những mảnh rừng Hoàng Liên hùng vĩ thâm u.
Đoàn khảo sát đi được chừng 1 giờ thì Tuyết cô kĩ thuật viên địa chất đến từ Hà Nội đã kiệt sức. Thể chất người Kinh không phù hợp với công việc này, người Kinh ưa hiện đại, sống ở đồng bằng nên từ khả năng trèo đèo lội suối đến sức đề kháng đều kém. Trước đây, rất nhiều bộ đội người Kinh thường mắc chứng sốt rét là vì thế. Sốt đến tím môi, sốt đến trọc đầu, sốt đến cả hơi thở cũng không còn giữ lại được nữa. Kĩ thuật viên Tuyết ngồi bệt xuống một thân cây đổ, liên tục thở dốc. Ông già người Mông dẫn đường và hai chiến sỹ biên phòng đi tiên phong thấy vậy nhưng không tỏ thái độ bực dọc. Những người đã sống một thời gian gần núi, đều hiểu rằng Hoàng Liên tuy hùng vĩ, tráng tuyệt nhưng cũng là nơi thâm u nguy hiểm, sơn lam chướng khí trùng trùng. Đi rừng liên tục không nghỉ không phải là dễ, huống chi là với một cô gái miền xuôi nhỏ bé. Từ đằng sau, nhóm 3 người bọc hậu dần tiến tới. Con trai ông Vừ – Giàng A Váo vừa đặt chiếc gùi xuống đất, liền ngưng lại nhìn Tuyết. Ánh mắt Váo bỗng rực lên tia máu đỏ, đôi đồng tử thu nhỏ lại, đen láy như hạt vừng, lòng trắng nơi mắt Váo trợn lên. Trong suốt cặp mắt gã, tia sáng chết chóc, khát khao đoạt mạng bừng lên như ngọn lửa bị tưới xăng. Khuôn mặt Váo nhăn lại, mũi chun lên, khóe môi nhếch lên, khoe ra hàm răng vàng ởn vì khói thuốc, nghiến chặt như điên dại. Ngay sau đó, gã hét ầm lên, tay cầm dao quắm, lao bổ đến chỗ cô kĩ thuật viên.
Nói thì chậm nhưng diễn biến quá nhanh, 4 chiến sỹ biên phòng như chết đứng, ngay cả đồng chí Trọng, đã được tôi luyện nhiều lần trong đấu tranh gian khổ cũng không ngờ lại có chuyện này xảy ra. Khẩu tiểu liên AK vừa mới mở khóa an toàn, đạn chưa kịp lên nòng thì con dao quắm rèn từ thép nhíp của xe quân dụng đã chém phật xuống. Một vệt máu đỏ tươi, bắn tóe thành một đường dài kéo từ trán xuống tận khóe miệng Giàng A Váo. Trên lưỡi dao vẫn đang ròng ròng chảy xuống nào máu nào bầy nhầy thịt da. Tất cả sững người! Tiếng lên nòng sắc lạnh của 4 khẩu AK phá tan bầu không khí im lặng, điên dại, chết chóc.