Ngay lúc đó, Giàng A Váo và trung úy Trọng đồng thanh hô lên:
– Khoan đã! Không được bắn!
Tiếng hô dõng dạc đó đã đánh thức tất cả thành viên khỏi sự hoảng hốt ban đầu. Bên dưới lưỡi dao quắm là một đống máu thịt bầy nhầy, cái xác vẫn còn đang có những biểu hiện thần kinh thực vật cuối cùng, nó liên tục co giật từng hồi rồi ngưng hẳn. Tấm thân tròn như một cây gỗ, to chừng bắp đùi người lớn, phủ đầy rêu mốc nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra bên dưới lớp vỏ xù xì ấy, một lớp vảy đang lấp lánh ánh kim. Nhát dao đã chặt con vật ra làm hai, Váo khi đặt chiếc gùi xuống đã kịp nhận ra khúc cây mà Tuyết ngồi lên thực chất là một con trăn đất. Kiến thức bài vở được dạy trong trường lớp không thể sánh bằng với con mắt lão luyện của những thợ săn tài ba, ngay trong khoảnh khắc con trăn chuẩn bị cuộn lại để cắn một nhát chí mạng lên đầu và sau đó là xiết nạn nhân đến chết, Váo đã lao lên, chặt mạnh vào giữa thân con quái vật. Phút kinh hoảng qua đi mà mặt Tuyết vẫn còn biến sắc, dường như 3 hồn 7 vía cô đã bay đi hết sạch, làm anh Dính phải cúi xuống vực cô đứng dậy.
Ông Vừ không còn trẻ để nhận ra những chuyển động nhỏ cũng như khả năng ngụy trang của con trăn kia nhưng ông gần như á khẩu khi quan sát kích thước của nó. Dài hơn 10 sải chân, đầu có mũi mác nhưng vảy trên thân lại đóng đầy rêu mốc. Suýt soát 45 năm săn bắn, đây là lần đầu ông Vừ thấy một con trăn kì dị mà to lớn đến vậy. Cơ thể chỉ to hơn bắp đùi người lớn nhưng một con trăn bình thường với kích thước như vậy vẫn có thể nuốt trọn một con bê chứ đừng nói đến con quái vật đang nằm kia. Trong cái mồm đỏ lòm còn đang nhiễu máu, thay vì hai hàm răng móc như trăn thường, con quái vật này có đến 4 hàm răng, chia hai bên trên dưới. Vạch sâu hơn, hai chiếc nanh độc to cỡ ngón cái, dài chừng 10 phân quắp lại vào trong. Điều này càng chứng tỏ nhận xét ban đầu của ông Vừ. Chắc chắn đây không phải một con trăn đất bình thường. Xem xét thêm một chút, ông Vừ thở mạnh một tiếng rồi khoát tay ra hiệu tiếp tục tiến lên. Anh Trọng đồng ý, liền ra lệnh cho đồng chí Tín và Nhất chia nhau trang bị của Tuyết nhằm giảm bớt gánh nặng cho cô gái miền xuôi.
Từ trên những tán cây cao, chim rừng kêu từng tiếng thất thanh khiến những kẻ đang dấn bước thêm phần lo lắng. Đối với họ, chúng là những tiếng chuông cầu hồn, tiếng khóc của ma rừng, táo tợn nhắc nhở rằng chuyến đi trước mắt lành ít dữ nhiều. Rừng Hoàng Liên này đã từng chu cấp cho bao đời người Mông, người Dao nhưng cũng tàn nhẫn cướp đi từ họ cả đàn ông và cả đàn bà. Rừng thiêng không biết nói, cái hùng vĩ oai nghiêm nhờ sự lặng im kia mà thêm phần bí ẩn. Thần thánh chốn này sẵn sàng bóp chết những ai dám cả gan vượt oai của núi, biến chúng thành những mảnh hồn oan tức tưởi, mãi mãi không thể siêu thăng, cứ vĩnh viễn quẩn quanh dưới tán cây thâm u chết chóc chờ đợi những kẻ vắn số dại khờ đến đây thế mạng.
Đoàn khảo sát tiếp tục lầm lũi đi thêm 2 giờ, vừa đi vừa nghỉ. Lần khảo sát này không được hỗ trợ bởi ngựa thồ mà dù có muốn cũng không thể, đường núi rất trắc trở, nền rừng rụng lá lâu năm, ẩm mục khó lường. Chẳng may sảy chân một cái, rất có thể sẽ rơi xuống đầm lầy hút xác, tích tắc sẽ nuốt trọn nạn nhân. Vì vậy, việc kéo theo la hay ngựa chỉ làm cho chuyến đi thêm phần phức tạp. Cả đoàn cứ lầm lũi bước đi, không ai nói gì với ai, tất cả đều tập trung quan sát tránh những hiểm họa mà Hoàng Liên Sơn âm thầm đặt bên dưới chân những kẻ không sợ chết.
Hành trang cá nhân của mỗi người, trừ trang thiết bị, còn kèm theo 3 lít nước, lương khô quân dụng và thịt hộp ăn lót dạ. Thịt hộp và nước đều là nhu yếu phẩm mua từ của hàng tạp hóa dưới thị trấn, còn lương khô là sản phẩm của Tổng cục Hậu Cần. Thứ lương khô này không ngon không dở, ngọt ngọt mặn mặn, lại cứng như xà phòng. Thế nhưng nếu ăn kèm rồi uống thêm nước, lương khô chui vào dạ dày liền nở ra, tuy khó ăn một chút nhưng đảm bảo dinh dưỡng cả cho những cuộc hành quân dã chiến dài ngày. Người chiến sỹ chỉ cần mang theo vài bánh lương khô, có thể chắc chắn không thiếu năng lượng. Có thể nói, những sản phẩm của Tổng cục Hậu Cần từ nhu yếu phẩm, cho đến thuốc men, trang phục đều không kém những sản phẩm từ các quốc gia phát triển. Thậm chí, còn nhiều mặt tiên tiến hơn, nhất là sự phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
Lại nói qua về Long khí quân trang, 4 khẩu tiểu liên AK đều là hàng chất lượng của Bộ Quốc Phòng phân bổ cho các đơn vị đặc chủng. Mặc dù là bản copy của Liên Xô nhưng từ chất thép bên ngoài, cho đến tay cầm gỗ đều được chế tạo hết sức tỉ mỉ, chất lượng gia công cực tốt. Nòng súng đều được mạ hóa chất chống gỉ, chưa kể đến thiết kế đơn giản của cơ cấu trích khí, giúp người chiến sỹ có thể tiến hành tháo lắp, vệ sinh bất kì lúc nào với những thao tác rất đơn giản. Súng tiểu liên AK có thể nói là một trong những Long khí bộ binh nổi tiếng nhất về độ bền, tính cơ động cũng như sự phổ biến. Tính từ thời điểm lần đầu sản xuất, cho đến khi Liên Xô sụp đổ đã có hàng triệu khẩu được đưa vào sử dụng. Từ các lực lượng quân sự chính quy, cho đến dân quân tự vệ địa phương, thậm chí là cả những đội phiến quân cũng được trang bị loại súng này. Giới truyền thông phương Tây, nhất là Hoa Kì thường quy chụp một cách vô căn cứ những lực lượng sử dụng tiểu liên AK là biểu tượng của độc tài, như một hình ảnh phản chiếu với khẩu tiểu liên AR do Hoa Kì sản xuất. Một chiêu bài tâm lí chiến mà nhiều chuyên gia và những người am hiểu đánh giá là hèn hạ.
Ngoài súng ống, các chiến sỹ mang theo mình 4 con dao lính dù. Trên cán dao còn khắc dòng chữ CCCP – dãy kí hiệu viết tắt cho đất nước đồng chí Liên Xô.