1.
Cồ Vé Số, một cái tên đậm chất trẻ trâu, tuy nhiên hung hăng và máu liều vốn không phải bản tính tự nhiên của nó. Thật sự thì từ đầu nó cũng như bao đứa trẻ khác, không phải là một đứa xấu tính, thậm chí nó còn rất tốt tính và biết điều, chỉ vì cái xã hội, đưa đẩy ép nó đến đường cùng, mới phẫn uất mà đi ăn xin vạ vật của người ta. Cũng phải thôi, không thế thì nó cũng không chết bờ chết bụi vì đói, thì cũng chẳng biết trông cậy vào ai mà sống đến tận hôm nay.
Từ nhỏ nó đã mất đi cả cha lẫn mẹ, lại chẳng có họ hàng thân thích nào, nó lớn nên trong một khu phố tồi tàn giữa lòng thủ đô bao năm qua, ấy vậy mà nó lại chưa biết ăn cắp, ăn trộm của ai cái gì. Có thì ăn không có thì thôi, thà chết cũng không chịu làm mấy cái việc bất lương, thế nên mọi người xung quanh cũng thương, mà thi thoảng cho ổ bánh mì, hay tô cháo loãng húp cho ấm lòng.
Hàng ngày công việc của nó, chỉ đơn giản là đi bán mấy tờ vé số, kiếm vài đồng lẻ mua lấy ổ bánh mì, ngày có ngày không nhưng cũng chưa đến nỗi chết đói. Ấy thế nhưng công việc bán vé số của nó kể ra tưởng chừng là đơn giản, nhưng lại chẳng hề đơn giản chút nào, chỉ có con dân trong nghề này, mới hiểu được công việc đó nó cực nhọc đến chừng nào.
Cồ cũng không phải ngoại lệ, nó đã lớn lên ở cái khu này, ngót cũng phải mười mấy năm, chính xác từ bao giờ thì chỉ có ông trời mới biết, gây dựng được cái danh tiếng Cồ Vé Số nổi cả một cái góc phố, chẳng phải chuyện tầm thường. Dưới chướng nó còn có hai thằng nữa, là thằng Tú Đơ chuyên gia đồng nát, và Chiến Cá Chép trùm đánh giày. Cả ba thằng đều chẳng có người thân, sống lang bạt từ bé ở đây, nên từ sớm 3 đứa đã coi nhau như huynh đệ, ấy thế nhưng mà là huynh đệ cọc chèo, thằng nào có thì thằng đấy ăn, nhưng hoạn nạn thì lúc nào cũng đem ra tính toán mà sẻ chia.
Hồi trước, cả ba thằng đều ở chung cái công viên này mà lương tựa vào nhau. Thế nhưng dạo gần đây thì tản ra, vì mỗi đứa bận một nghề khác nhau, nên chuyển qua các khu khác làm ăn cho tiện. Có riêng thằng Cồ là vẫn ở đây, tuy nhiên mấy bữa nay nó cũng đang rất khốn đốn. Kinh tế thời buổi khó khăn quá, chẳng có ai chịu mua vé số cả, nói chung công việc làm ăn của thằng Cồ gần đây, đang không được thuận lợi cho lắm.
…
Thế rồi chuyện bắt đầu trong một lần nọ. Hôm đó như bao ngày khác thằng Cồ thức dậy ở công viên, cũng bởi từ lâu rồi nó đã coi ở đây như là nhà của nó, nên chẳng muốn rời đi đâu cả. Bình thường lúc trời nắng, thì nó nằm ở ghế đá có cây che, lúc trời mưa, thì chạy nép vào mấy cái hè có mái che lụp xụp, ở cái chỗ gửi xe. Cuộc sống tuy có khó khăn, vất vả nhưng nó vẫn luôn vui vẻ, như chẳng điều gì có thể làm nó mảy may. Sáng sớm hôm đấy nó thức dậy như mọi ngày, sau khi vươn vai mấy cái, thì mới toan đi ra chỗ con mụ Tình ở đầu đường, để lấy ít vé số về bán cho kịp giờ, chứ không đến muộn nó lại tăng giá thì bỏ mẹ, nhưng lúc bấy giờ nó đếm lại trong người chỉ còn lại chưa đến 30 nghìn tiền lẻ. Nó cầm nắm tiền trên tay mà tặc lưỡi ngao ngán lắm, nhưng vẫn cố an ủi bản thân :
-Hôm nay lại ăn cám rồi, thôi đành cố vậy, biết đâu ông trời lại thương mà cho ăn một vố lớn. Chứ chẳng nhẽ ngồi không mà chịu thua số phận.
Cứ thế nó chân nọ xọ chân kia, vui vẻ vừa đi vừa nhảy cà nhắc, mà huýt sáo. Ấy thế nhưng đường đời vốn đã nhiều sỏi đá, lại gặp thêm những thằng rảnh rỗi đi ngang qua ngáng đường.
Cồ chưa đi được bao xa, thì đã bị một bàn tay gầy gò túm lấy vai giật ngược, làm nó té ngửa cả ra sau. Nó bực bội nằm quay cu đơ luôn dưới đất ngửa mặt lên, nhắm tịt mắt, mà gân cổ lên chửi xa xả cái thằng khốn nạn vừa làm nó ngã :
-Con mẹ mày, không có mắt à. Không biết bố mày là ai hay sao mà manh động thế, định làm gì hả con chó.
Nó cứ thế giãy đành đạch nên mà ăn vạ, mãi đến một hồi thì mới nhận ra, hình bóng cái thằng này nhìn quen quen, lúc đấy trời còn tối mà cái thằng kia nó lại đen nhẻm, làm Cồ nghĩ mãi mà không tài nào nhận ra là đứa nào. Mãi đến khi thằng kia nó nói một câu thì Cồ mới nhận ra là thằng Tú Đơ , Thằng Cồ điên tiết, khi nhận ra thằng chiến hữu mà đưa tay lên vả cho thằng kia một phát mà bị hụt, nó lại càng nổi máu cùn, mà gồng cổ lên chửi tiếp :
-Mẹ thằng Tú Đơ, sáng ra đã định ám sát bố mày hay sao, hả con chó. Kéo bố mày ngã rõ là đau, dập mẹ nó cả xương chậu rồi đây này.
Thằng Tú Đơ đứng đằng sau chẳng thèm đếm xỉa đến mấy lời của thằng Cồ. Hai tay vẫn chống vào đầu gối mà thở hồng hộc, như người vừa đi cày về , mồ hôi mồ kê nhễ nhại ướt cả hai vạt áo. Nó cứ đứng đó mãi một lúc sau, mới lấy lại được hơi mà lắp bắp nói :
-Thằng… Chiến Cá Chép, bị… bọn anh em thằng Hùng đánh ở bên đầu cầu kia kìa, mày… mau… qua mà cứu nó, mình… tao… không đánh lại được tụi nó đâu.
Đùa chứ, bình thường bản tính thằng Cồ vui vẻ, hoạt bát thích giúp đỡ mọi người. Nhưng lại có một cái tật xấu là rất dễ nóng nảy. Vừa nghe tin thằng anh em vào sinh ra tử bị bắt nạt, cộng thêm cục tức vừa rồi thì sôi máu, mặt đỏ gay mắt trợn lên trừng trừng. Không để cho thằng Tú Đơ nghỉ mệt, đã vội đứng dậy mà lôi xệch thằng Tú đi ra đầu cầu.
Vừa đến nơi, thì trùng hợp thay là bọn kia vẫn chưa rời đi, thằng Cồ tiện tay, vớ ngay cái gậy ở bên đống phế liệu xây dựng gần đây, cùng với thằng Tú Đơ, xông vào ăn một trận sống mãi với bọn anh em thằng Hùng. Bọn anh em thằng Hùng, vốn Cồ cũng ghét từ lâu mà chưa có lý do gì để xử, hôm nay bọn nó dám liều mạng động vào người anh em của nó, nó quyết phải một mất một còn với bọn này. Với lại mặc dù anh em thằng kia tuy to đô, nhưng chỉ bắt nạt được thằng Chiến Cá Chép với thằng Tú Đơ thôi, chứ gặp thằng Cồ thì không nhờn được.
Thấy thằng Cồ hừng hực khí thế xông, vào hai anh em thằng Hùng cũng nản, tính bỏ chạy lấy người nhưng không kịp, đành quay lại trống đỡ, giằng co thế nào mà trong lúc ẩu đả, thằng Cồ vụt một phát vào trúng đầu thằng Hùng anh, làm nó năn quay ra bất tỉnh nhân sự. Thằng Tú Đơ thấy thế thì đứng như trời trồng, mặt xanh lét, nó lắp bắp :
-Chếtttt…. mẹe… rồiiii… Cồ ơi, saooo… mày lạiiii…. đánh chết nó, giờ phải làm sao đây.
Thấy thằng anh nằm im bất động, thằng Hùng em sợ hãi bỏ chạy. Thằng Cồ thấy vậy định đuổi theo thanh lý môn hộ luôn thằng em, vì sợ nó sẽ đi báo công an nhưng lúc bấy giờ chân nó đã mềm ra như sợi bún, với lại cũng làm gì còn sức mà đuổi thằng kia. Mặt nó cũng tái đi, mồ hôi mồ kê lại vã ra vì sợ, đang loay hoay chưa biết làm thế nào, thì may thay có thằng Chiến Cá Chép, nãy giờ vẫn nằm ở bên ngoài là còn giữ được bình tĩnh. Thằng Chiến nết cái thân xác bị đánh tơi tả đến chỗ thằng Cồ rồi bảo :
-Ném tạm nó vào góc kia đi mày, tao nghĩ nó chưa chết được đâu, thằng đấy trước giờ vốn lỳ đòn, làm sao chết dễ dàng thế được. Thôi kệ mẹ nó rồi tản ra đi mà tìm thằng Hùng em, không là lại nên phường cả lũ bây giờ.
Đúng vậy thằng Hùng anh vẫn chưa chết, nó vẫn còn thở nhưng lúc bấy giờ thằng Hùng em đã nhanh hơn một bước. Chỉ chưa đầy 30 phút sau người đi tìm nó không phải là bọn thằng Cồ, mà là ngược lại, chính nó mới là người đi tìm bọn thằng Cồ, phía sau còn có thêm mấy chú công an phường, khí thế nhìn còn hừng hực hơn lúc bọn thằng Cồ đến.
Và rồi tất nhiên là lưới trời lồng lộng, chưa đến nửa buổi sáng thì cả lũ thằng Cồ bị tóm gọn một mẻ, rồi bị ẵm lên phường uống nước, lấy lời khai, rồi chỉ mấy ngày sau thì cả lũ được đưa ra hầu tòa.
Tuy nhiên trong cái rủi có cái may, cũng thật hên làm sao cho cả đám là thằng Hùng anh vẫn còn sống nhăn răng, chỉ bị mất có 30% sức khỏe, chứ nó mà có mệnh hệ gì, thì tụi nó cứ xác định là đi bóc lịch đến già. Càng hên hơn là cả bọn bấy giờ cũng chưa đủ 18 tuổi, nên chỉ bị cưỡng chế đi cải tạo 24 tháng. Có riêng thằng Cồ do đích thân đánh thằng Hùng anh gây thương tích nên chịu nặng hơn là đi đếm số đến tận 48 tháng. Từ sau hôm đấy thì cả 3 thằng bị tách nhau, và mất liên lạc đến tận sau này cũng chẳng còn gặp lại nữa…
4 năm sau…
Thằng Cồ lúc giờ cũng đã tròn 20 tuổi, hơn 4 năm ăn cơm nhà nước, được nhà nước cho học hành tử tế, nhồi nhét đủ các loại tư tưởng đạo đức vào đầu, thì cuối cùng nó cũng chịu thành người lớn.
Hôm đấy được thả về hòa nhập với cộng đồng, nó còn bỡ ngỡ lắm, nó định đi tìm 2 thằng bạn cũ nhưng lại chẳng biết tìm ở đâu. Cũng 4 năm rồi chứ ít gì, bọn kia lại ra trước nó tận 2 năm, nên đành thôi chứ biết bọn nó ở đâu mà tìm.
Lại đang trong cơn đói, cho nên nó mới tính đi tìm lấy cái gì ăn trước đã, rồi mới tính tiếp. Mà kể ra nghĩ cũng chán, hoàn cảnh lúc bấy giờ của Cồ éo le vô cùng. Trên người nó lúc đó, ngoài mỗi bộ quần áo dân sự rộng thùng thình mà nhà nước chu cấp, thì chỉ còn lại 30 nghìn tiền lẻ năm ấy bị thu, thì nay nhà nước lại trả lại, nó chẳng biết nói gì trước hoàn cảnh lúc đấy, chỉ biết lặng lặng mà bật cười :
-Mẹ chúng nó, tầm giờ này có 30 nghìn thì chẳng ăn nổi đến 2 bát mì. Chúng mày định bắt bố mày đi ăn cướp để rồi lại vào làm không công cho chúng mày à. Đã thế bố mày quyết làm người tốt một phen cho bõ cái cục tức này.
Nghĩ rồi nó đi thẳng đến một tiệm mì mà gọi một tô mì ăn cho đỡ đói. Nhìn ngoài trời thì tầm này chắc cũng đã quá trưa rồi, ngồi ăn ngồm ngoàm vội bát mì, xong xuôi toan đứng dậy mà trả tiền bà chủ tiệm, rồi lân la tới bắt bắt chuyện với bả, vì giờ này cũng chẳng biết đi đâu. Thế là nó mới nên tiếng hỏi bà chủ với cái giọng dò xét :
-Có biết chỗ nào tuyển người làm không bà chị, chỉ cho thằng em này với. Nói thật bà chị đừng có cười, thằng em vừa mới ra tù, mong muốn được làm người tốt một phen, bà chị không chê thì giúp thằng em với.
Bà chủ chẳng nói chẳng rằng, vênh mặt lên nhìn từ chân lên đến tận đầu thằng Cồ, rồi ném cho nó một ánh mắt khinh bỉ, khua khua tay đuổi nó ra ngoài. Nó bực lắm chẳng thèm nói nữa mà rời đi luôn, vừa ra đến cửa quán tình cờ làm sao, nó lại thấy ngay cái bảng tin vặt ở bên kia đường. Nó thủng thẳng đi sang đường, đứng chỉ chỉ trỏ trỏ một lúc lâu thì nó mới chọn được mấy tờ ưng ý.
Hồi đi cải tạo nó cũng có được dạy cho ít chữ, chỉ tiếc là còn hơi non nên đọc mãi mới được một phần. Nó hớn hở cầm nắm giấy tuyển việc mà đi xin việc làm ngay, vừa đi vừa nghĩ thầm :
-Thôi thì đằng nào cũng chẳng có chỗ nào để đi cả, đang vô công dồi nghề đành đi xin việc cái rồi tính tiếp.
Ấy thế nhưng đời chẳng như mơ, muốn làm người tốt cũng chẳng phải việc dễ dàng. Đi hết cả ngày hôm đấy đến tận tối muộn, đi khắp các chỗ, trình bày đủ các loại lý do. Ấy thế mà chẳng có ma nào thèm nhận nó cả, chỉ vì nó có cái lý lịch không mấy đẹp đẽ. Thật ra thì nó cũng tính nói dối rồi, nhưng lại nhớ đến chuyện phải làm người tốt nên lương tâm day dứt, đành thật thà mà ngậm ngùi ra về.
Tối đó vừa mệt vừa chán, nó đành mò ra cái công viên, mà trước đây nó thường hay trú ngụ, tính kiếm lấy một chỗ ngủ đêm nay. Nó nằm ườn ra cái ghế đá công viên, lâu lâu lại có cái lá khô rơi xuống mặt làm nó ngứa ngáy khó chịu, với lại nằm kiểu này, lâu ngày không nằm, nên cũng chẳng quen nữa, chẳng tài nào ngủ được nó cứ trằn trọc mãi, cuối cùng đành ngồi dậy, mà thở dài đườn đượt. Bỗng nhiên ánh mắt nó chuyển từ lừ đừ thành tinh anh, sáng quắc, lóe lên những tia hy vọng, khi trước mặc nó ngay chỗ cái cây cột điện gần đó, có dán một tờ thông báo tuyển nhân viên rất đặc biệt. Nó vội bật dậy, chụp ngay lấy tờ giấy kia mà đọc.
“Tuyển nhân viên coi nhà xác và trang điểm cho xác chết, làm tại bệnh viện X không cần sơ yếu lý lịch, trình độ kỹ thuật, không cần bằng cấp, chỉ cần có thể làm được qua thời gian thử việc thì đều nhận. 1 tháng đầu thử việc nuôi cơm và chỗ ở, vui lòng liên hệ ông Độ, SĐT 0977.7749.53, bệnh viện X “.
Thằng Cồ mừng rơn, như vừa bắt được vàng. Một công việc vừa có chỗ ăn, vừa có chỗ ở lúc này đối với nó mà nói, thì chẳng có ai phụ hợp hơn. Tuy vẫn lơ tơ mơ, chưa hiểu lắm về công việc này, nhưng nó cũng tặc lưỡi mà mặc kệ. Trông nhà xác thì đã làm sao trước giờ lăn lộn giang hồ, chuyện ma quỷ nó gặp không phải là ít, tuy vẫn có phần sợ sợ nhưng mà vẫn sống nhăn đến tận bây giờ đấy thôi, mà đây mấy cái xác khô thì làm gì được nó, chả sao cả.
Nghĩ là làm, ngay đêm đấy Cồ đã mò ngay đến địa chỉ bệnh viện X, ghi trên tờ giấy mà tìm gặp ông Độ nào đấy. Đứng trước cổng bệnh viện mà nhìn ngắm một hồi, nó ngó thấy cái bệnh viện này sao mà cũ quá, lại còn âm u kiểu gì. Kỳ lạ hơn là chẳng thấy có người mấy, càng nhìn càng thấy giống cái nhà thương điên hơn là một cái bệnh viện. Cứ thế nó đứng ở cổng, mà dòm dòm ngó ngó làm cho lão bảo vệ phải bực dọc đi ra, lão cầm cái gậy đập côm cốp vào cái cổng sắt, mà quát :
-Trộm cắp gì đấy thằng ranh kia, nhòm ngó gì giờ này, có biến ngay không ông cho mày một gậy bây giờ.
Thấy có người vừa bảo mình là trộm cắp, thì Cồ tức lắm định nhảy bổ vào mà cãi lại, nhưng cuối cùng vẫn cố nhịn, bước tới giả bộ cười cười, mà nhẹ nhàng trả lời :
-Cho tôi gặp ông giám đốc bệnh viện với, ông Độ gì đấy. Tôi đến để đăng kí xin việc làm.
Ông bảo vệ thấy thằng Cồ nói thế, thì mới chịu nguôi ngoai, mà mở cổng cho vào. Nhưng nó vẫn phải đợi đến tận cuối buổi sáng hôm đấy thì mới gặp được ông Độ kia. Thật ra ông Độ cũng chỉ là nhân viên nhà xác thôi, chứ chẳng phải giám đốc gì cả, thế mà từ tối qua đến bây giờ Cồ cứ nghĩ là giám đốc, buồn cười thật.
Nói về ông Độ, qua cái nhìn của thằng Cồ, thì đây là một ông già khá cao to, tóc muối tiêu, da nhăn nheo, nhưng ánh mắt lại sâu hoắm như nhìn thấu tim gan người khác. Nó phải cố tình lảng tránh, không nhìn thẳng vào mắt ông Độ, vì sợ nếu chẳng may chạm phải, sẽ bị ông già này hút mất hồn.
Cứ thế ngồi cúi mặt mà nghe ông Độ hỏi gì thì thưa đấy như lấy khẩu cung, sau cùng khi nó đã thành thật khai ra toàn bộ lý lịch, thì ông Độ cũng thông cảm mà gật đầu, mà chẳng hỏi thêm gì nữa. Chỉ có riêng Cồ, tuy vẫn tò mò nhiều về ông Độ kia và công việc sắp làm, nhưng cũng ngại hay sao mà không dám hỏi gì, cứ thế đi theo ông ấy đến một chỗ mà có lẽ sẽ thay đổi cuộc đời của nó sau này.