16.
Đạo sĩ Huyền n đưa Hạ về tới tận nhà. Mẹ Hạ nghe xong chuyện nhất định cứ đòi lấy lễ ra hậu tạ nhưng ông không nhận bắt cứ gì, gia đình tha thiết mời lại nghỉ một đêm sáng mai rồi đi ông cũng nhất định từ chối, chỉ xin nấu hộ cho bát cháo trắng ăn cầm hơi vì đi một mạch từ sáng tới tối chưa có gì lót dạ, nãy lại bơi dưới sông nên đã đói lả, bảo ông vào nhà tắm thay đồ ông cũng không nghe, cứ chỉ đứng ngoài ngõ.
Đã một giờ sáng, trong lúc mẹ vào nấu cháo thì em gái Hạ đi lấy ít hoa quả cho thầy đạo sĩ ăn tạm, Hạ đi tắm thay đồ.
Đạo sĩ không ăn hoa quả mà đi loanh quanh cổng nhà, thấy phong thủy nhà không tốt thì cứ tần ngần mãi. Nhà đó mặt nhìn hướng Tây Bắc, lưng quay hướng Đông Nam, hướng Đông có ngôi nhà khác rất cao che phủ, hướng Tây thì khuất trong cây, bên đó bụi phủ rậm rạp, không có nhà xây, ông men theo lối ấy mà đi thì vòng ra sau nhà, thấy một chuồng lợn, mùi phân lợn bốc lên hôi hám, bên trái chuồng lợn là mấy bụi chuối trồng để lấy thân băm làm cám cho lợn, những bụi cây nhỏ sát dưới thân chuối mọc um tùm, làm nơi cư ngụ của rắn rết tà khí, lại lần đi theo ra bốn góc nhà thì thấy góc nhà nam có âm khí bốc lên sặc sụa, rất thịnh, có thể dưới này có mồ mả, chẳng biết khi xây cất có làm động mả không, nếu có thì cúng bái gì chưa. Lại quan sát kĩ các chân tường, rêu mọc dày đặc đen kịt, mà gia đình bận quá không đánh rửa dọn dẹp, các dây hoa giấy, dây thân cây trầu không bám mà leo phủ đến cả nóc, xanh mà lại thoảng đen. Tựu chung lại nhà này có luồng ám khí rất nặng trùm phủ, nhưng chẳng phải do các điểm phong thủy kia gây nên, mà do sự phát ra từ trong nhà, chướng khí đó rất mạnh, lại có phần giống chướng khi nơi gốc dừa và nơi bến sông kia.
Nghĩ đoạn lại ngước lên nhìn nóc nhà, thấy màu âm u trong đêm, trăng khi tỏ khi mờ, mây khi hiện khi ẩn, lại thấy các bóng Tam quỷ lảng vảng bay lượn, ông thất sắc kinh hãi.
…Thôi hỏng rồi, ma chướng dưới lòng sông ám vào theo thằng bé về nhà rồi, lại hợp với khí xấu trong nhà mà phát ra, chắc là rất xấu rồi, đây là khí tuyệt sát, chắc chỉ đêm nay đến mai là nhà có người chết.
Ông lắc đầu thở dài, lẳng lặng sắp lại túi nải, rút giấy bút ra vẽ vội một đạo bùa, thì vừa hay lúc ba mẹ con Hạ mang nồi cháo ra, ông ngồi lại ăn một mạch bốn bát cháo hết cả nồi như người chết đói, ăn no rồi bấy giờ mới nhìn kĩ lại Hạ.
Người này có tướng tươi sáng, nhưng lại bị bao phủ bởi màn chướng khí màu đen, trên đầu người ấy lại thấy có ba bóng quỷ bay lượn, chắc chắn là tướng Huyền nhân*, lúc Hạ ngồi múc cháo lại toát ra tướng quỷ tọa*, ông nhìn chăm chú Hạ hồi lâu, người này có tướng mệnh Huyền nhân rất lớn, tuy số đến lúc chết nhưng chết đi rồi thì lại đáng tiếc.
(*Huyền nhân: còn gọi là âm dương nhân, là danh từ chung chỉ người theo huyền môn, học huyền thuật, là những thuật kì bí nói chung, thường là các Đại sư, Thượng tọa, Đại đức, Thầy phong thủy, Thầy phù thủy, Thầy mo, Thầy cúng, Đạo sĩ…là những người rèn luyện những pháp môn bí hiểm.)
Đoạn lấy tay nắm lấy cổ áo Hạ, rồi lột phăng áo ra trước sự ngỡ ngàng của cả nhà. Lúc này mọi người thất kinh, lưng Hạ nổi lốm đốm những mụn đỏ rất to, sưng lên thành bọng nước, lại có những đoạn thịt thâm lồi ra thành cục, thành hình ngoằn ngoèo rất lạ.
Huyền n hỏi:
“Có đau không?”
Lúc này Hạ mới gật đầu.
Bất giác ông trào nước mắt thương cảm. Đứa trẻ này chắc đau thấu tới gan tủy mà vẫn nghiến răng chịu đựng chẳng kêu tiếng nào, chẳng cho người nhà biết.
Người nhà nhìn thấy lưng Hạ như thế đều hoảng hốt lo lắng.
Huyền n lầm rầm niệm chú để dùng phép Thiên lý nhãn* nhìn vào lưng Hạ, lập tức thấy nổi lên yêu phép, ngày giờ tử.
(*Thiên lý nhãn: Hành giả luyện phép này có cặp mắt âm dương, gọi là âm dương nhãn, cho phép nhìn được nhiều điều lạ.)
Đứa trẻ này rơi xuống dòng sông có đầy ma chướng, đã bị ma quỷ dùng phép mà yểm bùa Tử* lên lưng, có hiện cả giờ tử là cuối giờ Sửu, đầu giờ Dần*.
(*Bùa Tử: bùa này khi đến giờ thì niệm lên, người trúng bùa sẽ chết hoặc người niệm bùa sẽ tới bằng nhiều phương thức. *giờ Dần: ba đến năm giờ sáng.)
Nghĩ rồi chẳng nói năng gì, đoạn nhét đạo bùa mới vẽ vào tay Hạ mà dặn dò đêm nay không được ngủ, mang bùa này đi thắp hương mà lạy, cứ cắm hương ở khoảng đất sau nhà, đặt bùa trước mặt, quay mặt về bắc mà lạy, vừa lạy vừa niệm câu thần chú Á-rá-di Hạ nị tân minh*, lạy cho đủ một canh giờ, đến hết giờ Tý mới được nghỉ, hương nhang phải châm liên tục, nhà nghe thế lo lắm, cứ nằng nặc xin ở lại mà làm lễ giải hạn giúp cho nhưng đạo sĩ không nghe, nói hạn này do thần làm ra, trừ khi tự giải, ai giúp cũng không xong, rồi tất tả khăn gói đi ngay, giữ thế nào cũng không được.
(*Hạ nị tân minh: một thần chú gọi âm binh.)
…
Lại nói tới Hạ, đạo sĩ đi rồi thì bán tín bán nghi, nhìn lá bùa đăm chiêu một hồi, nhưng cũng miễn cưỡng làm theo. Cứ lạy mà khấn được hơn một tiếng, khoảng đến hai giờ sáng thì mệt lử cả người đi, chỗ mụn nước nơi lưng bắt đầu vỡ ra đau rát thấu xương, mắt hoa lên, thiếu ngủ lại bị nước ngấm lạnh, tự nhiên thấy trán người nóng cả, mặt bốc hơi phừng phừng, xương cốt đau nhức ê ẩm nên xin mẹ cho nghỉ, mẹ Hạ khi đấy cũng mệt lắm rồi, chẳng biết làm sao nhưng thấy con sắp xỉu đến nơi thì cũng thương, mà lại cũng sợ nên chẳng dám cho con thôi, cứ lấy lời ngọt ngào mà an ủi, động viên con cố gắng, nhưng chỉ được thêm mười phút thì Hạ quá mệt không chịu được nữa, vứt cả nhang mà nằm bệt ra đất ngủ, tay vẫn nắm chắc đạo bùa đạo sĩ cho. Mẹ đành bế đưa lên phòng. Từ lúc đó tới ba giờ sáng, Hạ bị lên cơn sốt cảm lạnh, người lúc nóng lúc lạnh, các cơ cứ co giật.
Thế rồi cứ nằm thiếp đi miên man chẳng còn cảm biết được gì, trong cơn mơ hồ Hạ thấy mình đang đứng trong vùng thinh không bóng tối, rồi bỗng nhiên ánh sáng hào quang tỏa khắp không gian, có một con rồng từ tên cao đột nhiên bay xuống uốn lượn rồi dừng trước mặt Hạ.
Thân rồng vảy xếp san sát như mái ngói, cả người màu xanh lá, Rồng có sáu chân, mỗi chân vuốt sắc lẻm, cẳng rồng lại có cựa trông như dao quắm, màu trắng sáng trông rất sắc. Cổ rồng có bờm lông như bờm sư tử, lưng lại có bờm như bờm ngựa, cùng có màu xanh. Đầu rồng mọc ra hai sừng như sừng hươu màu bạc, tròng mắt rồng màu đen, con ngươi màu vàng dựng đứng như kim, miệng rồng như miệng chó sói, răng nanh rất dài.
Thật là,
Vua một cõi sông nước
Phép vô lượng cao minh
Hiệu thủy vi Đạo kính
Giữ thủy thổ yên bình.
Rồng uốn lượn mấy vòng rồi sà xuống trước Hạ, mặt đối mặt Hạ mà rằng:
“Tao là thần cai quản sông Hạc, hiệu là Đạo kính, tao với mày không thù không oán, phận ai nấy làm, mấy năm qua mày đi qua đất tao cả trăm ngàn lần tao đều tha cho không bắt đi, vì nhìn mày có tướng tốt nên tao chẳng nỡ hại. Nhưng vì cớ gì mà mày đập phá miếu tao? Đã phá nhà tao còn giết con tao, lại còn sỉ vả tao. Mày dám khinh nhờn thần linh như thế tao không giết mày đi thì sao còn mặt mũi với đám con cháu tao, mặt mũi nào mà nhìn chư thần trên cõi này…”
Hạ chẳng hề run sợ, trỏ tay giữa mặt rồng mà chửi:
“Thứ yêu ma giun rắn như mày tao nào có sợ? Chẳng những phá miếu tao còn muốn rút sạch cả sông mà giết hết đám yêu ma chúng mày đi.”
Rồng chẳng nói năng gì, gầm lên tức giận, quẫy đuôi bay vút lên không, dựng râu phù mỏ, nhe răng trợn mắt, phun mây nhả mù, tức thì phong ba nổi lên ầm ầm, cát bay đá chạy, cảnh tượng kinh hãi chẳng thể nào tả xiết.
Thật là,
Rồng xanh trổ oai thần
Vượt xa khỏi trầm luân
Càn khôn đều biến đổi
Khuấy đảo chốn phàm trần.
Hạ kinh hãi rụng rời, bị gió lốc thổi cho đứng không vững chân, ngã ngửa về sau bệt xuống đất, rồng há miệng ra, nước từ miệng rồng hướng thẳng đến Hạ phun ra như thác lũ, bất chợt Hạ thấy tay nóng ran, nhìn lại thì là đạo bùa chú mà đạo sĩ kia viết cho, Hạ cầm lấy ném ngay xuống đất hét lớn câu thần chú đạo sĩ dạy…tức thì lá bùa phát ánh sáng vàng, bốc lên làn khói xanh, tụ lại thành hình một con quỷ dung mạo rất kì dị. Quỷ đó trông rất lùn, làn da xanh như mạ, tay chân cơ bắp nổi đẩy, tay phải quỷ cầm chùy, tay trái cầm một lưỡi liềm, quỷ quấn một cái khố trắng quanh mình, đầu quỷ trọc lốc, có hai sừng màu đen nhô lên, mắt ốc trợn to, mũi tẹt, hai nanh hàm dưới đâm ngược lên, trông kinh dị bội phần.
Quỷ ném chiếc lưỡi liềm ra, lập tức liềm ấy hóa thành bức tường cao, nước phun từ miệng rồng chạm vào dội ngược ra hết, tràn ra lênh láng cả.
Lúc này quỷ quay sang Hạ mà quát rằng:
“Tao tên Á-rá-di, sống ở núi Vu, bộ tướng âm* của Bát Tổ Huyền n, nay theo lệnh đến giờ mà lên làm việc, cớ sao mày cúng tao chẳng đủ giờ đủ khắc, để tao phải dậy non?”
(*Bộ tướng âm: Một dạng âm binh.)
Lạ thay Hạ chẳng hề sợ mà đứng bật dậy hét lớn lệnh nó:
“Giết rồng kia đi rồi có gì thì nói sau.”
Rồng gầm lên một tiếng nhìn xuống mà phát ra lời nguyện lớn:
“Hóa ra mày là Huyền nhân, thảo nào chẳng sợ chư thần, hôm nay tao cho chúng mày ra ma cả, nếu không tao thề chẳng làm thần chốn này.”
Nói đoạn thân Rồng biến sắc…
Thật là,
Thương hiếu tử, chân nhân ban bùa chú
Chống thủy quái, âm binh giở phép màu.