18.
Nhìn lại thì ra Hạ đã lả đi mê man không còn biết gì, trông cảnh ấy ai cũng xót xa bùi ngùi.
Phương và thầy Đại Trí bước ra khỏi buồng, kéo rèm che lại. Mẹ Hạ và mọi người vừa thấy thầy ra thì chạy vội đến hỏi ngay:
“Thầy ơi thằng bé thế nào rồi? Có sống được không thầy? Đàn tràng thầy dặn dò lập từ sáng nay nhà đã chuẩn bị xong cả.”
Thầy lặng im không đáp, chỉ nắm lấy tay Phương mà dắt đi. Không ai dám hỏi han gì, người nhà và bạn bè cứ thế lẳng lặng đi theo sau thầy, tất cả kéo hết ra cầu Đen, chỉ còn cái Thu ở nhà trông anh trai.
Thầy ra hiệu người đi phía sau cách ra một đoạn, chỉ còn thầy và Phương cùng sánh đôi đi, thì lúc này mới quay sang Phương, vừa đi vừa hỏi nhỏ, chỉ đủ hai người nghe:
“Đêm qua ngươi còn mơ thấy cô Hương nữa không?”
Phương lắc đầu đáp:
“Chỉ trừ đêm đó ra, còn không thấy về lần nào nữa.”
Thầy lại hỏi:
“Con theo ta học đạo đã lâu, chắc phải có chủ kiến gì chăng? Nói thử để thầy luận…”
Phương trả lời rành mạch:
“Tột Khốc kia rõ ràng chẳng bắt hồn chị đi nên mới có thể về mộng ngay khi mới chết.”
Thầy nói:
“Đúng thế chẳng sai, trong bảy ngày từ khi mất phải theo Tột Khốc đi tới nơi địa phủ, rồi có về thì bảy ngày sau mới được cho về thăm. Nếu thoát khỏi được Tột Khốc thì chỉ có một nguyên nhân, là trong giây phút cận tử khi cô ấy chết đi đã nảy sinh một niệm hận, hoặc một niệm yêu mạnh mẽ mà giật được dây xích của quỷ đó ra. Con có biết niệm như thế gọi là gì không?”
Phương đáp:
“Ý thầy là Cận tử nghiệp*.”
(*Cận tử nghiệp: nghiệp hiện lên do một luồng suy nghĩ sinh ra trong lúc sắp chết, việc này dẫn tới hồn chẳng thể thanh thản mà đi.)
Vậy mới biết rằng,
Ngay khi hồn lìa xác
Một niệm luyến khởi lên
Liền chẳng được giải thoát
Phải chịu khổ lâu bền.
Chỉ thời gian ngắn học đạo, Phương nay đã thấu đạo, nhìn việc là biết nguyên do sâu xa, phép thiền học nhanh tột bậc, có thể khống chế suy nghĩ vọng tưởng, tìm được nguyên nhân đau đầu là do quỷ nương vào vọng tưởng, lại tự mình át được nên quỷ chẳng thể làm nó đau đầu, là công phu tột bực của thiền mà nhiều người theo học lâu năm cũng chưa đạt tới, vậy là còn vượt xa những người tu hành lâu năm, đúng là có căn lớn lắm, Phương lại còn hiểu biết về luân hồi đạo tử nghiệp, thật là người trí.
(*Vọng tưởng: Con người chấp mê không tỉnh, hay mơ mộng ước ao, suy tính mưu lợi, quỷ trong tâm mỗi người nương vào đó mà hiện ra, được gốc tham, sân si trong người vun đắp nên biến thành đau đầu đau não, lúc nào cũng lo buồn chẳng yên.)
Thầy liếc sang Phương khen Phương hiểu đạo.
Vậy là sư thử tài như thế mới biết là Phương,
Nhập môn tuy non trẻ
Kiến thức như kho tàng
Do căn cơ bền chắc
Từ nghìn kiếp chuyển sang.
Nghe thầy khen, Phương chợt thở dài, cúi mặt xuống mà nói:
“Có một người còn hiểu đạo nhanh hơn con…”
Sư biết Phương đang nhắc tới Hạ, liền chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ bùi ngùi, nghĩ đến trong lòng xót xa lắm, hai trò yêu chẳng ai làm thầy thất vọng, chúng đều học một luận mười, hiểu đạo sâu sắc nhanh nhạy, cùng là hàng nếu tu dưỡng rèn luyện đúng pháp thì đứng trên muôn người mà làm việc đạo, chúng lại được cả đôi, lại là bạn đồng tu, đồng cảnh.
Thật là,
Trời sinh khéo được cặp huyền nhân
Can đảm vô ưu giữa hồng trần
Cớ sao một người chịu đau khổ
Người kia cũng gặp họa sát thân.
Nghĩ đến đây, nhìn sang đứa này, chợt thấy thương cảm cho đứa kia đang nằm chờ chết, lòng người xuất gia đắc đạo tưởng đã vô cảm trước lục trần, nay lại chợt đau quặn lên, đoạn nước mắt nhòe mi, lại chắp tay lên mà niệm Phật.
…
Thoáng cái thầy trò đã cùng đi đã tới bờ sông Hạc, mọi người đã tụ tập rất đông, ai cũng hiếu kì việc khúc sông này trong chưa đầy mười ngày đã có hai người chết đuối và một người ngã xuống sông rồi về bệnh nặng.
Lúc này đàn tràng đều đã được thầy Nhất Nguyên chỉ đạo cho các sư chùa thanh hà và người dân địa phương dựng lên, đàn đó cũng đơn sơ, gồm một bàn rộng, cao, trên bàn trải bằng khăn đỏ, có lư hương sứ và ba chén rượu, hoa cúc vàng, ngũ quả năm loại, giấy tiền vàng phủ kín mặt bàn, trên mặt bàn cắm một lá cờ ngũ sắc*, lại có hoa quả đủ đầy, góc trái bàn đặt một lá bùa.
(*Cờ ngũ sắc: cờ Phật giáo.)
Mọi người thấy thầy Đại Trí tới liền dạt sang hết hai bên. Riêng mẹ Hạ cứ bồn chồn không yên, hết đứng lại ngồi, cứ dợm định hỏi lại bị các thầy đẩy ra không cho lại. Rồi các sư ngồi thành vòng tròn quanh đàn, người dân hiếu kì đứng xem ngoài vòng tròn đó, thầy Đại Trí lúc này ngồi ngay giữa đàn, ngay ngắn xếp thành kiết già, chắp tay quay về hướng sông mà khấn bái gì đó, rồi chợt toàn thân bất động, chẳng còn thấy cựa quậy gì.
Thì ra thầy dùng Thần túc thông mà di chuyển linh hoạt giữa âm dương, lại có phép Xuất hồn*, thần thức thầy khẽ động, rồi bóng lìa ngay khỏi người, bổng lên trên không, cứ thế chầm chậm mà hạ xuống mặt sông.
(*Xuất hồn: phép giúp tách tám thức ra khỏi thân, hành giả luyện được phép này tách hồn ra khỏi thân thể trong thời gian nhất định, trong pham vi nhất định tùy vào công phu tu hành, đây được xem là phép khó tập nhất, mạnh nhất của người Huyền nhân.)
Phương rút lá bùa Phổ hiền Đại minh chú, đeo nó lên cổ, liền thấy rõ thần thức thầy như thế, trừ Phương ra chẳng ai hay biết gì. Phương lại thấy nào cơ man bóng đen đang là là nơi mặt sông, chính là bóng của những vong ma ngạ quỷ dưới lòng sông độc này.
…
Lại nói tới thầy Đại Trí, khi thần thức bay tới bờ sông, liền chắp tay lẩm nhẩm, niệm chú Bức thủy rồi khẽ khàng lặn xuống. Thầy xuống dưới lòng nước thì các bóng đen đó quây kín lại quanh thân, thầy lại niệm chú Án ma ni bát minh hồng*, tức thì lá bùa đang trên đàn tràng cảm ứng, phát ra sáng mờ mờ ai cũng nhìn thì, mọi người lập tức xôn xao bàn tán, các sư thấy cảm ứng như thế thì theo lời dặn, nhanh tay lấy bùa đó mà đeo lên cổ cho thân xác thầy, thầy vẫn ngồi im không động đậy.
(*Án ma ni bát minh hồng: thần chú do Quan âm Bồ tát viết ra.)
Lại nói thần thức dưới lòng sông, ở cổ liền hiện ra bùa đó tỏa sáng rực rỡ, yêu ma thấy thế liền tản ra, nói đoạn thầy chắp tay niệm tiếp chú Xa liệt*, nước lòng sông liền rẽ ra, thầy cứ vậy chầm chậm mà hạ sâu xuống lòng sông, yêu ma tan ra giữ khoảng cách nhưng vẫn tụ kín quanh thầy.
(*Xa liệt: thần chú rẽ nước.)
Thầy hạ xuống sâu mãi thì chợt thấy tức ngực khó thở, ánh sáng từ bùa cứ thế yếu dân lòng sông đen kịt, vong ma ngạ quỷ bùa quanh dày đặc nhiều không kể xiết.
Rồi bỗng hiện trước mặt thầy ra một con rắn nước rất to, dễ đến cổ tay. Rắn nhìn thầy mà nói rằng:
“Ông này xuống đây có việc gì chăng?”
Thầy đáp:
“Bần tăng đến xin gặp người cai quản nơi đây.”
Rắn nói:
“Vậy mời theo.”
Thần thức thầy cứ vậy mà trôi đi theo con rắn, lại hạ xuống sâu hơn nữa thì chợt thấy ánh sáng màu xanh leo lét cả khoảng nước rộng. Lúc này chân thầy chạm đất, biết là đã đến nơi tận cùng, thầy bước thêm vài bước thì con rắn nước đen kia biến mất, thầy nhìn quanh thấy nào rắn là rắn, rồi chợt đập vào mắt là một con rồng đang nằm cuộn tròn trên một cái ngai lớn.
Thầy bất giác hãi hùng, phải chăng đây là con rồng xanh đã bay quanh chùa trong giấc mơ của Nhất Nguyên?
Rồng quay mặt hướng thầy mà rằng:
“Chào thầy, thứ lỗi tôi mang bệnh, biết thầy xuống chẳng ra đón được.”
Thầy chắp tay xá chào rồng rồi nói:
“A di đà Phật, bần tăng hiệu là Đại Trí, nay vì có việc muốn xuống đây thưa với ngài, nhưng cho hỏi chẳng hay ngài là ai? Bị bệnh gì?”
Rồng liền cúi đầu chào lại sư rồi nói:
“Tôi đây là thủy thần giữ sông Hạc, hiệu là Đạo kính, nhận lệnh trên mà gìn giữ, những bóng ma Da kia đều là những người những thú chết ở sông này hai trăm năm qua, đều theo hiệu lệnh tôi làm con cháu tôi cả. Tôi nay gặp việc dữ đã mù mắt, nhưng vẫn biết linh khí Phật môn, nên nhận ra thầy. Người phàm chưa từng ai bước chân được xuống chốn này, chẳng hay thầy tới có lời gì muốn dạy tôi?”
Sư đáp:
“Xin thần thứ lỗi cho tôi hỏi thẳng, vì điều gì mà lại đến chùa tôi mộng cho trò tôi?”
Rồng đăm chiêu suy nghĩ, rồi trả lời thầy:
“Lệ là phải vậy, vì chùa thầy có đứa vô đạo, nhưng nó lại có thiên căn, lại đệ tử của Như Lai, nên tôi phải báo cho các ông tránh làm thất trách về sau.”
Thầy chẳng vòng vo mà nói thẳng luôn, giọng rất nghiêm nghị:
“Chắc đang nói tới trò Diệu m tôi chăng? Chẳng hay nó phạm lỗi gì?”
Thủy thần thấy thầy đổi giọng thì cũng biến sắc, uốn người nhỏm đầu, phùng mang trợn mỏ nhìn thầy:
“Lỗi nó thì đôi lời tôi chẳng giải thích được. Tôi biết thầy đến xin cho nó, nhưng tôi cho thầy hay, nó đã phạm oai thần, tôi đây lại có lệnh trên phải giết nó, nên thầy đi về đi thứ lỗi cho tôi chẳng thể theo ý thầy.”
Đoạn sư lại đổi sang giọng nhẹ nhàng mà hỏi rồng:
“Tôi biết ý thần, nhưng xin hỏi một câu thôi, lệnh trên là trên đâu xui giết nó?”
Thần cũng liền hạ giọng mà giải đáp:
“Thằng bé này chẳng hiểu là giống gì nòi gì… đợt trước có vị thần tới đây ra lệnh tôi phải giết nó đi, nếu không sẽ san bằng nơi chốn của tôi, thần đó trông mỏng manh như cô thiếu nữ, nhưng lại có oai khí kinh hồn, hôm trước tôi theo lệnh giết nó thì lại bị nó đánh cho mù cả mắt, người thường mà được thế chẳng phải dị nhân sao?”
Thầy Đại Trí kinh ngạc kêu lên:
“Trò tôi làm thần mù sao?”
Rồng đáp:
“Chính vậy, vua chẳng nói chơi, nó còn biết cả phép nuôi âm binh, lại gọi được tướng âm binh rất mạnh.”
Thầy Đại Trí kinh ngạc băn khoăn, hồ nghi trong lòng, Hạ biết phép luyện nuôi âm binh từ khi nào?
Thật là,
Mệnh ở trời, hiền nhân theo tu đạo
Xuống đáy sông, sư đối diện thủy thần.