23.
Hạ mở mắt ra đã thấy mình ở trong một phòng lớn, khảm điện ngọc trân châu, xung quanh tường lát bằng đá hoa màu nâu sẫm, vẻ ghê tối rùng rợn, đá đó không bằng phẳng mà gồ ghề lồi lõm, phòng có bốn cột rất to ở bốn góc, mỗi cột đều có tạc hình rồng quấn quanh, phía trên đỉnh là màu tối đen bao trùm.
Thẳng ngay phòng giữa lối vào là một chiếc bàn lớn, ngồi trệ là một vị Diêm Vương, mắt trợn trừng trừng, râu ria đâm tua tủa, khuôn mặt to tròn hùng vĩ, hàm bạnh ra, lông mày xếch ngược rất đậm, các râu cứng đơ ra, ria mép rẽ sang hai bên, đôi dái tai rất dài có tới ngang mặt, Diêm Vương đó có da đỏ phừng phừng như gà chọi, đầu đội mũ miện khảm ngọc tía, mặc chiếc áo quan có thêu hình rồng lớn uốn quanh, tay áo phủ dài tới cổ tay, đôi tay để trần thấy làn da đỏ lựng lên, cũng đủ mười ngón như người thường nhưng ngón nào ngón nấy móng tay nhọn hoắt.
Diêm Vương ngồi giữa hương án, đứng bên là một Phán quan mặc áo lụa xanh, chống cây gậy, một tay cầm cuốn sổ sinh tử, Phán quan này mặt choắt như mặt dơi, cũng đội mũ miện bằng vải, đai lưng màu ngà, chân đi giày cao mặc quần thụng lụa, bên còn lại là hai quỷ mặc áo đỏ, tay cầm chùy đứng gác trang nghiêm.
Lúc này Vô Tận Ý đã tan đi, chỉ còn mình Hạ đứng trơ giữa sàn điện lạnh giá.
Phán quan quát lên:
“Quỳ xuống!”
Hạ lập tức thấy hai chân bủn rủn, đầu gối chùng xuống, rồi quỳ phục xuống trước Diêm Vương.
Phán quan lúc này nói lớn:
“Đây là Tần quảng Vương Diêm Vương*, sẽ phán xét người ngay bây giờ.”
(*Tần quảng Vương Diêm Vương: Một trong mười Diêm Vương.)
Nói đoạn đưa cuốn sổ cầm trên tay cho Tần quảng Vương. Vương xem qua một hồi rồi nhìn xuống Hạ mà nói:
“Chết do bị nạn chống lại thủy thần.”
Lúc này một trong hai quỷ áo xanh đứng cạnh Diêm Vương quỳ xuống mà nói theo lệ:
“Đại Vương nên biết, đây là tội nhân do các quỷ sứ giải về, xin tra xét nó cho rõ ra để chúng tôi còn đưa đi thọ khổ.”
Diêm Vương lúc này mới tra hỏi Hạ gồm có năm điều*, hỏi cung về sinh, hỏi cung về già, hỏi cung về bệnh, hỏi cung về chết, hỏi cung về ác, hỏi xong Diêm Vương liền thuyết cho Hạ nghe về khổ Diêm Vương*…
(*Năm điều: gọi là ngũ cung, là bài hỏi theo thông lệ về ý thức của phạm nhân về các điều khổ; *khổ Diêm Vương: bài thuyết chỉ ra những điều khổ mà Diêm Vương phải chịu, thể hiện rằng dưới chốn âm phủ ai cũng phải chịu khổ kể cả Diêm Vương, nhằm làm thông tư tưởng của phạm nhân.)
Bài khổ Diêm Vương đó như sau:
“Nay ta thân Diêm Vương cũng không hề sung sướng, ở nơi cung điện của ta có ba vạc dầu lớn, vạc dầu đó ta rất sợ, nếu nó bay ra ngoài thì ta đi vào trong, nếu nó bay vào trong thì ta đi ra ngoài, nếu ta và nó đồng thời cùng hiện thì quỷ Quản Vương* bắt ta mà ném vào đó, nhưng phép lực ta cao không chết chỉ đau đớn vô cùng, cứ thân ta vào chừng độ một canh giờ thì dầu đó nguội hết biến thành nước mát lại làm liền vết bỏng, rồi ta thoát ra vào cung ta vui thú các mĩ nữ, sau khi hưởng lạc xong thì lại phải lẩn trốn, rồi lại bị ném vạc dầu, cứ thế sướng khổ lẫn lộn… nay ta nói ngươi hay, ta là vua cõi này còn bị thế, để cho người biết “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nếu được làm người ta sẽ siêng năm học theo Phật pháp để khi chết đi thì được Phật tiếp dẫn về nơi cõi cực lạc chẳng phải chịu khổ Diêm Vương. Nay ta lại nói ngươi hay, “việc thiện nhỏ khó làm, việc ác lớn dễ làm”, Diêm Vương cũng chịu khổ như thường nên hầu như người tới chốn này đều phải vào địa ngục thọ khổ.
(*Quỷ quản Vương: là quỷ mạnh nhất cõi âm, có thể khống chế được Diêm Vương, chỉ làm một việc duy nhất là theo dõi bắt Diêm Vương chịu khổ, ngoài ra không làm gì khác.)
Thật là,
Cõi âm chịu thống khổ
Nghiệp lực chẳng trừ ai
Lục đạo trong tam giới
Đều chịu khổ lâu dài.
Rồi Tần quảng Vương nhìn vào Hạ mà phán:
“Ta đã xem hình tướng ngươi qua Nghiệt kính đài*, lại biết hết tiền kiếp ngươi, hành động ngươi, nhân cách ngươi, xét thấy thiện nhiều hơn ác, lại có căn cơ Phật sâu, nay xét xử ngươi ta phạt ngươi vào địa ngục Đá ép*, nằm trong đại địa ngục Tưởng, phải chịu hình phạt sau đây: Tội nhân vừa bước vào cửa, ngục tốt trông thấy liền nổi thịnh nộ, bắt tội nhân quăng lên tảng đá lớn bằng phẳng, rồi lấy tảng đá bằng phẳng to lớn khác đè lên, xong xoay tảng đá ở trên, xoay tới xoay lui như cối xay, khiến tay chân đầu mình, máu me xương thịt tội nhân bị nghiền nát. Thật là khủng khiếp vô cùng! Như thế mà vẫn chưa chết, vì tội xưa chưa hết, chỉ ngưng xay là thân tội nhân trở lại bình thường. Thọ khổ qua thời gian lâu dài như thế, tội nhân được ra khỏi đó, hoảng hốt chạy càn mong thoát nạn, cho ngươi chịu khổ mười chín ngày là trả xong nghiệp, rồi tiếp tục để ngươi vào Lục đạo*, nhưng ở cảnh giới cao, cho lên chờ đầu thai, kiếp sau tọa trên cõi trời Dục giới*, cung trời Đâu xuất*, ban Nội đâu xuất*, làm việc cho Di lặc Bồ tát*, làm thần giữ phủ, hưởng phước báo, hưởng thọ bốn trăm năm dương lịch.”
(*Nghiệt kính đài: nhìn vào gương này thấy được hết hành vi thiện ác của người đó; *địa ngục Đá ép: là một trong mười sáu địa ngục của đại địa ngục Tưởng. Gồm: 1– Địa ngục Cát Đen, 2 – Địa ngục Phân Dãi, 3 – Địa ngục 500 Cái Đinh, 4 – Địa ngục Đói, 5 – Địa ngục Khát, 6 – Địa ngục Vạc Đồng Sôi, 7 – Địa ngục Nhiều Vạc Đồng Sôi, 8 – Địa ngục Đá Ép, 9 – Địa ngục Máu Mủ, 10 – Địa ngục Đong Lửa, 11 – Địa ngục Sông Tro, 12 – Địa ngục Rừng Đao Kiếm, 13 – Địa ngục Búa Rìu, 14 – Địa ngục Sài Lang, 15 – Địa ngục Cây Lá Kiếm, 16 – Địa ngục Lạnh Giá; *Đại địa ngục Tưởng: là một trong tám đại địa ngục lớn gồm: 1-Đại địa ngục Tưởng, 2-Đại địa ngục Dây Đen, 3 – Đại địa ngục Đá Ép, 4 – Đại địa ngục Kêu La, 5 – Đại địa ngục Kêu La Lớn, 6 – Đại địa ngục Thiêu Nướng, 7 – Đại địa ngục Thiêu Nướng Lớn, 8 – Đại địa ngục Vô gián; *Lục đạo luân hồi: sáu cảnh giới mà người rơi vào khi đầu thai gồm trời, người, A-tu-la là ba cảnh giới trên, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục là ba cảnh giới dưới; *cõi trời Dục giới: một trong ba cõi trời của tam giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới; *cung trời Đâu xuất: một trong sáu cung trời thuộc cõi trời Dục giới gồm: Tứ đại thiên Vương, Đao lợi, Đâu xuất, Dạ ma, Hóa lạc, Tha hóa tự tại.; *ban Nội đâu xuất: là một trong hai ban của cung đâu xuất, gồm nội đâu xuất và ngoại đâu xuất; *Di lặc Bồ tát: vai quản ban nội đâu xuất.)
Hạ cúi đầu nhận tội xong thì sổ sinh tử của Hạ trên tay Tần quảng Vương biến thành một tấm thẻ tre, Diêm Vương rút nó ra ném xuống dưới trướng, hai quỷ áo xanh nhìn thấy thẻ tre chạm đất thì cùng lên mà bắt Hạ thọ nhận hình phạt.
Hạ giơ tay lên cho quỷ sứ trói nghiến lấy, nhưng lạ thay từ nơi cửa điện bỗng có ánh sáng huyền ảo tỏa ra lung linh khắp gian điện xử án của Diêm Vương. Có một vị sư bước vào, người đó đầu đội mũ Tỳ lư, khoác một chiếc áo pháp nhà chùa có hai sắc vàng đỏ được thêu óng ánh, tay trái người đó cầm viên ngọc Dạ minh châu soi sáng được cõi tối tăm, tay phải người đó cầm thanh thiền trượng, tướng mạo ung dung phi thường, có hai mươi tướng tốt chói lòa, khuôn mặt thanh tú bừng sáng, mắt sáng quắc, cằm thu ngực ưỡn, đôi môi mỉm cười, mũi cao tai tròn, vành tai chảy dài tới cằm, quanh người đó mây ngũ sắc bay lấp lánh, hai chân đi trần sáng lạ, nhẹ hẫng đi như thể lướt…
Danh hiệu người đó là: Địa tạng Vương Bồ tát ma ha tát*.
(*Địa tạng Vương Bồ tát ma ha tát: một trong sáu đại Bồ tát lớn của Đại thừa là: Quan thế âm, Đại thế chí, Văn thù sư lợi, Phổ hiền, Địa tạng Vương, Di lặc tôn.)
Thật là,
Sáng uy nghi một cõi
Độ khắp chốn tối tăm
Từ bi nơi âm giới
Độ cả quỷ lẫn phàm.
Người đó vừa bước vào, cả Phán quan và hai quỷ áo xanh đều nghiêng mình quỳ xuống, Hạ cũng hấp tấp quỳ theo, Tần quảng Vương thì vội đứng dậy chắp tay cung kính mà thưa:
“Bồ tát tới thăm không biết cung kính mà đón từ xa, mong Bồ tát thứ cho.”
Bồ tát chắp tay chào lại các vị ấy, rồi nói nhẹ nhàng rằng:
“Xin đại Vương thứ cho bần tăng đến mà chẳng báo, làm cản đại vương coi việc, chẳng hay có phiền cho tôi nói đôi lời?”
Vương nói:
“Xin Bồ tát dạy bảo cho bổn vương điều phải đạo.”
Bồ tát liền bạch rằng:
“Thưa đại vương, tuy vẫn biết lâu nay việc Phật chẳng phạm việc Phù đề*, tôi là thân nguyện độ cho chúng sinh nơi âm giới, nhưng cũng chẳng vì cậy việc đó mà tham gia chuyện xét xử của đại vương, nhưng riêng trò này theo pháp môn tôi, tôi muốn xin cho nó chẳng biết ý đại vương có thuận ?”
(*Việc Phù đề: việc xét xử nơi âm giới.)
Diêm Vương liền truyền:
“Bồ tát xin cho hắn điều gì? Nếu là xin hắn về nước Phật giúp việc thì bổn vương chẳng quản, cứ theo lệ cũ mà làm, đợi hắn thọ khổ nơi ngục Tưởng xong thì giao cho Bồ tát.”
Bồ tát bỗng cười lớn rồi nói:
“Ý tôi chẳng phải vậy… nay tôi biết căn số trò tôi chưa tận mạng, chẳng qua vì người có căn cơ nên nhạy bén hơn phàm nhân, nhìn thấy được Tam quỷ nên thần thức hắn tự nhiên thoát ra mà đi theo các quỷ chứ chẳng phải tới giờ tử, nên muốn xin vương cho hắn về lại cõi trần thọ dương mạng, chẳng hay vương nghĩ thế nào?”
Tần quảng Vương đứng thẳng dậy, quay sang Phán quan nói nghiêm trang:
“Có việc như thế chăng? Người chưa tới giờ tử mà chúng mày đưa đi à?”
Đoạn Phán quan hét lớn một tiếng, tức thì dưới trướng hiện lên ba bóng quỷ Tột Khốc, La Sát, Vô Tận Ý, ba quỷ lạy Diêm Vương xong quay sang dập đầu mà lạy Bồ tát.
Diêm Vương hỏi quỷ La Sát.
“Việc đó ra thế nào?”
La Sát hét lên kêu:
“Việc đó chúng tôi nào biết? Cứ theo phận mà làm thôi, thấy thần thức hắn bay lên thì chúng tôi bắt lấy dẫn đi.”
Bồ tát cười, rồi nghiêm trang mà rằng:
“Nay thần thức thoát lên trời các quỷ theo lệ mà bắt, nhưng các ông xem kĩ cho tám thức ở đây chỉ có bảy, điều này ngoài Thiên nhãn thông cảnh giới của ta ra, các ông đều không thể thấy biết, A-lại-da thức của nó vẫn còn đang nơi nhân gian chưa hề theo xuống, người chết mất bảy thức kia tuy xác đã lạnh nhưng thức ấy chưa tan đi vẫn có thể về, đây gọi là hồi dương*, nếu để lâu nữa sợ thức ấy tan đi cứu không được nữa, nên cho nó về dương ngay đi, chẳng hay ý đại vương thế nào?”
(*Hồi dương: người chưa chết hẳn mà chỉ chết lâm sàng, sau đó sống lại, thường là trong thời gian ngắn, một số người hồi dương rồi thường hay có trải nghiệm được đi về nơi âm ty hoặc được gặp các chư Phật thần linh.)
Lúc này bỗng nhiên Diêm Vương mắt long lên sòng sọc, giận dữ đập lên hương án mà nói:
“Bồ tát xin thứ cho lời ngài dạy bổn vương chẳng dám không nghe, nhưng cũng chẳng thể tuân mệnh, chốn thanh tịnh của ngài nơi cõi âm bổn vương chẳng dám phạm lấy một lần, giờ ngài lại tới chốn tôi xin người làm tôi khó xử hay sao?”
Các quỷ thấy Diêm Vương nổi giận, từ hàng Phán quan trở xuống tất cả quỳ sụp xuống run rẩy…
Thật là,
Chốn khổ ngục, chịu thống khổ trăm bề
Chống Diêm Vương, chẳng ai ngoài Bồ tát.
…